Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Cu kêu mấy tiếng


“ Cu kêu mấy tiếng cu kêu
Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè”
Ca Dao


Ông Tây đen nằm trong cái bồ/ Ông Tây trắng xách gậy đút vô/ Tui xin cô đừng đi lấy chồng/ Cô muốn lấy thì lấy ông mô?/ Ông Tây đen nằm trong cái bồ …!

Đoàn con nít rồng rắn hát vang trước đường kéo chạy về hướng nhà cậu Đương. “Chi rứa bây?” Anh Thuận đang tắm bên sân giếng hỏi với theo. “Ông Năm Đương chuẩn bị đốt pháo cúng tất niên”. Đứa nào đó vừa vút ngang qua ngõ hét vọng vào. Thế là chẳng kể gì hết, chúng tôi ùa theo, Anh Thuẩn đang được cậu Ba tôi hớt tóc trước sân cũng mang nửa cái đầu trắng hếu chi chít vết sẹo do dao và tay nghề tài hoa của cậu tạo tác, nửa cái đầu còn lại tốt mù đám tóc đen dày đẫm bụi, anh Thuận anh Hòa cu dái vung vẩy lấn vào khoảng sân đang đì đùng tiếng nổ, từng mảnh xác giấy xinh xắn đỏ tươi bay tung tóe rồi đậu xuống những tấm hình hài bé nhỏ đang chen lấn nhau giành giựt mấy viên pháo tịt ngòi. Cả khoảng sân tưng bừng một niềm vui sướng khôn tả. Tiếng pháo giòn giã hân hoan hòa vào tiếng reo cười của đám trẻ lem luốc om sòm một khoảng sân nhà giữa cái nắng mới cuối năm, hứa hẹn một mùa xuân no đủ đang chờ phía trước. Những ông bà cô cậu đứng nhìn đám trẻ con hớn hở cũng lây vui, nở nụ cười mãn nguyện.
Ông Tây đen nằm trong cái bồ/ Ông Tây trắng xách gậy đút vô/ Tui xin cô đừng đi lấy chồng/ Cô muốn lấy thì lấy ông ni…! Ông Tây đen nằm trong cái bồ/ Ông Tây trắng xách gậy đút vô/ Tui xin cô đừng đi lấy chồng/ Cô muốn lấy thì lấy ông mô…?
Đám trẻ con chúng tôi lại rồng rắn hát vang rồi ùn ùn xô đẩy nhau kéo chạy về phía xóm trên, nơi cũng vừa đì đùng tiếng pháo tất niên mời gọi.

Đó là cái tết Ất Tỵ năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm tại xã Quảng Nhiêu thị xã Ban Mê Thuột tỉnh Darlac. Đó cũng là cái tết êm đềm no ấm cuối cùng của những người con dân gốc gác vùng đông huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam vào sinh cơ lập nghiệp ở nơi này. Trước khi chiến cuộc ngày càng lan rộng và khốc liệt, gây ra bao cảnh lầm than ly tán. Khi từ giã nơi cắt rún chôn nhau yêu dấu, người đi mang theo trong lòng mình tình yêu quê kiểng, nơi mồ mã ông cha vẫn còn đang nguội lạnh chờ những nén hương thâm tình huyết nhục ở quê nhà. Người đi mang theo những nề nếp hương lân đã bao đời truyền lại. Trong số di sản kế thừa đùm túm đem theo trong lòng người tha hương cố lý ấy vào đây, ngạo nghễ và cao vút giữa khoảng sân đất nện vuông vắn, giữa đám trẻ còn tiếc nuối thèm thuồng khi viên pháo cuối cùng đã dứt. Một thân tre thẳng tắp dựng lên trời, phơ phất dải vải tươi hồng trong gió, như reo vui, như chào đón những điều tốt đẹp mới mẻ.
Cái xóm có tên thôn 3 chúng tôi nằm ở đoạn giữa con đường trung tâm của xã, hầu hết đều có quan hệ bà con thân tộc xa gần với nhau, dắt díu vào đây, hy vọng tìm được một cuộc sống yên bình và no ấm, mọi người đem cả tình làng nghĩa xóm của quê hương, đem theo những phong tục tập quán đã ăn sâu vào máu thịt đến vùng đất mới, rồi để mong nguôi khuây nỗi nhớ về, họ xây dựng một cuộc sống vẹn nguyên nề nếp thói lề như chưa từng rời bỏ mảnh đất thiêng liêng ngoài miền Trung xa ngái ấy. Sợi dây thiêng liêng đó nó gìn giữ cho mọi người tất cả những mơ ước những hoài niệm trong lòng, và như vậy, những dịp giỗ chạp cưới hỏi tang ma hay lễ tết, ta như vẫn còn được buồn vui sướng khổ trên chính mảnh đất máu thịt của mình, như chưa từng làm một cuộc ra đi.
Cứ vào mỗi cuối năm, khi mọi việc đồng áng đã xong, người người lại chộn rộn cho một mùa tết đến. Vườn tược sân nhà được dọn dẹp khang trang sạch đẹp, và trước sân, hàng vạn thọ khiêm tốn đã chúm chím mấy nụ hoa nhỏ nhắn chào đón nắng trời mỗi sớm mai thức dậy. Mọi người lại râm ran những toan tính cho cái tết của nhà mình và sẻ chia cùng chòm xóm, gạo nếp thịt thà bánh trái tuy chưa bắt tay vào làm nhưng đâu đó coi như đã sẵn sàng. Một sớm tốt ngày, người lớn tuổi nhất trong gia đình trịnh trọng một mâm lễ đạm bạc mà thành kính, bày ra trước sân tế cáo đất trời và hương linh những người đã khuất, rồi với một tâm thế thiêng liêng và hoan hỉ, họ giúp nhau đào lổ trồng ở trước sân, nơi trang nghiêm nhất một cây nêu bằng tre cao vút được chọn lựa kỹ càng và sửa soạn đẹp đẽ, phía ngọn tre còn chừa lại một chùm đọt lá non tơ như những mầm lộc biếc xanh, bên cạnh trang điểm thêm mấy sợi giây vải buông dài rực rỡ thả xuống bay trong gió như những cánh phướn nhiều màu. Cây nêu biểu hiện cho mong muốn yên bình và những điều thiêng liêng tốt đẹp của con người. Cây nêu còn là một biểu tượng nhớ nghĩ về những thế hệ cha ông đã bao đời vun đắp nên những ước mơ cao đẹp truyền lại cho con cháu. Người ta kính cẩn dựng nêu đón tết còn là dựng trong tâm khảm mình lòng hàm ơn hiếu kính về tiền nhân và về mảnh đất đai thương nhớ đã nhiều đời gắn bó.
Chiến tranh như một cơn bão hung hãn cuốn xoáy theo nó biết bao điều quý giá, những vốn liếng không tính bằng giá trị thực dụng được bồi đắp xây dựng nên từ những tâm lực của mỗi đời người hằng sống trên thế gian này. Cuộc sống hiện đại cũng đã góp một phần không nhỏ xua đuổi thêm đi những quý giá còn sót lại. Để bây giờ đây, trong bôn ba toan tính mỗi ngày, con người không còn đói cơm lạt muối, không còn rét lạnh bần hàn như những ngày xa xưa ấy, vậy mà vẫn cứ thấy thiếu vắng một cách khốn khổ những an ủi tâm hồn khi nỗi cô đơn vây hãm, vẫn cứ thấy hờ hững những bày biện màu sắc đầy hình thức vẻ vời mà xa lạ xiết bao, nó không gần gũi thiết thân máu thịt như đã từng máu thịt.
Đó là cây nêu đón tết cuối cùng ở nhà cậu Năm Đương, một nông dân nghèo Quảng Nam lưu lạc vào nơi đất khách. Đó cũng là cây nêu cuối cùng vươn mình ngạo nghễ với gió xuân, phần phật reo vui hướng đến những điều thiêng liêng tốt đẹp cho mơ ước của con người. Nửa thế kỷ qua đi như một dòng sông trôi quên nhớ biết bao điều, vậy mà sao hình bóng cây nêu khó hiểu kia vẫn cứ vẫy gọi tôi khi mỗi cuối năm trời trở gió.

Đã giữa tháng chạp, trên kia những đám mây xanh nhẹ trải dài về phía núi xa, bầu trời trong trẻo tạnh ráo hơn, những ảm đạm của một mùa đông vừa khuất nẻo. Cây cối đã trở mình xé lớp vỏ xù xì để nẩy những mầm lộc non tơ bụ bẫm. Tôi giờ cũng tới tuổi rồi, cái tuổi đáng ra phải làm những điều ước muốn như những ước muốn truyền đời cha ông xưa để lại. Vậy mà ngó quanh không thấy còn ai trồng cây nêu trước sân nhà mỗi khi tết đến, tôi quay về trồng vào thương nhớ riêng mình.

Tam Kỳ 12/10/2013
Nguyễn Đức Dũng