Ca đẻ ngày Xuân

Ca đẻ ngày Xuân Ký Giao thừa năm 1968 thị xã Ban Mê Thuột rền vang tiếng súng, cả gia đình tôi từ trong nhà chạy ra nằm dưới mấy cái ghế đá bài trí như một vườn hoa nhỏ trong sân của chủ nhà cho thuê, đây là suối Đốc Học, một khu ngoại ô của thị xã lúc bấy giờ, trên vòm trời đêm xuân cao vời và trong xanh lấp lánh những vì sao khuya bật sáng, từng đường đạn lửa đan dày trong không trung, tiếng nổ ùng oàng của các loại pháo ầm vang khắp nơi, tiếng súng liên thanh như bắp rang tứ phía, từng đám cháy xuất hiện, mọi người run sợ bàng hoàng, đây đó mấy gia đình ở nhà thuê như chúng tôi cũng nằm vạ vật chung quanh, mọi người cứ theo bản năng sinh tồn mà tìm những nơi có thể an toàn để ẩn nấp và đợi sáng, thời gian lê thê tưởng chừng như cả một thế kỷ chạm chạp qua đi cùng những cơn giật mình rúng động mỗi khi có một tiếng nổ dữ dội và tiếng loảng xoảng của mảnh đạn, của những vật dụng gãy vỡ văng ra chung quanh, tiếng trẻ con khóc ré thất thần hòa vào những giọng cầu kinh niệm Phật, van Chúa xin cứu nạn giải tai cứ truyền đi trong đêm đầu năm của một cái tết đầy biến động. Sáng sớm, khi ánh bình minh trải khắp mọi vật, một cảnh đổ nát hoang tàn kinh khiếp bày ra trước mắt mọi người, mới đây, nơi này vẫn còn là khu đông vui trù phú, nhà cửa vườn tược còn đang bày biện khoe sắc bày hoa để chờ đón một mùa xuân hy vọng, vậy mà ai ngờ… Từ những con đường ngoại ô lũ lượt từng đoàn người chạy nạn, đông nhất vẫn là những đồng bào dân tộc Ê Đê ở các buôn làng chung quanh, họ đùm túm dắt díu nhau theo đồng bào người Kinh tìm về trung tâm thị xã để lánh bom đạn. Gia đình tôi gồm bà ngoại già trên bảy mươi tuổi, mẹ và các anh em tôi cũng vội vã mang theo chút vật dụng thiết yếu, mẹ vẫn không quên gói ghém thêm mấy đòn bánh tét chỉ vừa cúng bữa tất niên rồi hòa vào dòng người đông đúc hoảng loạn ấy. Chúng tôi chạy vào tá túc trong khuôn viên chùa Khải Đoan tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo nối dài, đây là một ngôi chùa lớn nhất ở Ban Mê Thuột lúc bấy giờ, chùa được xây dựng trên khuôn đất cao rộng và thoáng mát, mặt tiền của chùa nhìn ra điểm cuối của con đường Trần Hưng Đạo và bên kia đường là vùng thung lũng suối Đốc Học rộng lớn, miên man nhà cửa ruộng vườn, miên man ao hồ và thẳm xanh một màu cây trái, một khung cảnh không kém phần nên thơ và êm đềm của ngoại vi thị xã. Chưa tạm sắp xếp cho yên chỗ trong cái rừng người lố nhố bạt ngàn thì trên không trung lại xuất hiện mấy chiếc máy bay quần đảo và ra rã giọng loa phóng thanh đầy dọa nạt : “ Đồng bào chú ý ! Đồng Bào chú ý ! Đồng bào hãy nhanh chóng rời khỏi khu vực suối Đốc Học và vùng phụ cận, vì chỉ 30 phút sau nơi đây sẽ trở thành khu oanh kích tự do của không lực Hoa Kỳ. Đồng bào chú ý ! Đồng bào chú Ý ! chỉ ba mươi phút sau…không lực Hoa Hỳ…”. Thế là cả rừng người vừa tạm hoàn hồn trong khuôn viên chùa lại nháo nhác lên chạy loạn, mà biết chạy đi đâu bây giờ khi tên bay đạn réo đầy trời, thôi thì một liều ba bảy cũng liều, cũng phú cho trời đất. Tất cả lại rùng rùng thoát chạy về hướng trung tâm thị xã, cả một giòng sông người chuyển động trên những trục đường, rền vang tiếng kêu khóc í ới gọi nhau của những gia đình bị lạc người thân do đùn đẩy, bà ngoại tôi mắt mờ chân chậm vậy mà anh tôi chẳng kể gì cứ nắm tay lôi xềnh xệch phía sau, bị mọi người chen lấn làm rơi cái vỏ chai nước cam đã uống hết, ngoại tiếc của không nỡ vất đi, nói là để ít bữa về có mà đựng dầu đựng mắm, ngoại toan quay lại để nhặt trong khi cả biển người cứ chen lấn nhau mong thoát thân, mẹ tôi không còn bình tĩnh được nữa quay lại quát lên với bà, bỏ đi, bỏ đi, cái mạng còn không kể gì, tội nghiệp! Thế mà ngoại tôi cũng vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại phía sau đầy tiếc rẻ, người ta dày xéo lên nhau mà chạy mà van khóc, trên trời máy bay quần đảo liên tục, tiếng súng nổ không ngớt càng làm cho cái buổi sáng mồng một đầu năm ấy thật không thể nào diễn tả được. Vậy mà trời đất ơi ! Mọi việc vẫn cứ tuần tự xảy ra như cái quy luật bất biến ở đời, giữa thời điểm mong manh của sự chết chóc ấy, những sinh linh bé bỏng vẫn quẫy đạp để đòi được sinh ra, để được xuất hiện dưới ánh mặt trời, của một dân tộc đầy kiếp nạn. Cố bám theo sau gia đình tôi trên đoạn đường chạy loạn ấy là mẹ con thím Hải, gia đình thím xem nhà tôi như những người thân thích nhất của mình ở xứ cao nguyên đất đỏ này, bởi vợ chồng thím cũng là người gốc Quảng Nam lưu lạc vào đây, chồng thím lại đồng liêu với Ba tôi nên hai nhà có gì cũng chia cũng sớt, thêm nữa thời gian này thím lại sắp ở cữ, vác cái bụng thè lè đã cận ngày sinh vậy mà không biết sức mạnh nào giúp thím một tay bồng đứa bé gái khoảng được ba tuổi ốm quặt quẹo khuôn mặt hoảng hốt như không biết người lớn đang chơi cái trò gì kinh khiếp thế, một tay thím kéo lê thằng con trai học dưới tôi hai lớp, nghĩa là nó độ bảy tám tuổi gì đấy, cả ba mẹ con thím vừa chạy vừa khóc, vừa kêu với theo mẹ tôi đang đùm túm cuống cuồng phía trước, Chị Bảy ơi! Chị Bảy! cứu mẹ con em với ! Làm sao mà cứu bây gì… Mẹ tôi quay lại hét lớn động viên, cứ chạy đã, thím cứ bám theo tôi chạy đã… Hòa lẫn cái giòng sông người đùn đẩy ấy, chúng tôi cũng chen vào hay nói đúng hơn là chúng tôi cũng trôi được vào trong sân chùa Dục Trí ở giữa thị xã, đây là một ngồi chùa tương đối lớn của người Hoa, lúc bấy giờ ngôi chánh điện và các ngôi nhà thờ tự của chùa đã chật kín những người đến trước, không có chỗ để chen chân, người ta cứ ngồi đại xuống kín khắp sân, ngồi dưới một trời bom đạn và chịu đựng, bên ngoài cuộc chiến vẫn đang diễn ra đến hồi khốc liệt, thỉnh thoảng đâu đó trong sân, giữa những đám người đang ngồi la liệt lại vang lên tiếng kêu khóc khiếp đảm vì một trái đạn pháo vô tình rơi lạc, máu lại đổ và chết chóc lại bám theo vào tận sân chùa, vào nơi tôn nghiêm và linh thiêng nhất mà con người còn bám víu để hy vọng, người chết đành phải xếp và đậy điệm bên người sống, ai bị thương thì xúm nhau băng bó tạm bợ và tiếp tục chờ đợi cầu khấn và hy vọng… Ngày tết kinh hoàng ấy vẫn tự làm lấy công việc của mình, nghĩa là thời gian cứ vậy điềm nhiên qua đi, chẳng kể gì đến ngàn vạn sinh linh đang run sợ tại đây, vào lúc này, nơi sân chùa đáng ra phải được đèn hương nghi ngút, đúng ra bây giờ người ta đang được hưởng cái không khí ấm áp thiêng liêng của một ngày tết cổ truyền dân tộc dưới mái nhà bình an và hạnh phúc của mình, người ta phải được hưởng những giây phút đoàn tụ và nghỉ ngơi sau một năm quăng quật để kiếm sống. Khuya mồng một rạng ngày mồng hai tết, vào khoảng gần một giờ sáng, khi mọi người đã rã rời sau hơn một ngày đêm đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, sau thời gian dài hồi hộp lo âu cho số phận của mình và người thân, ai ai cũng lặng lẽ ngồi như tượng, ngồi mà thi thoảng lại giật bắn mình vì những quả đạn pháo nổ gần và những tiếng rít của đường đạn réo ngang đầu người bay vào đêm vắng. Cách gia đình chúng tôi ngồi khoảng năm bước chân là chỗ xúm xít của mẹ con thím Hải, vậy là ơn trời phò hộ lắm rồi dầu rằng thím còn muốn cái chỗ của mẹ con mình được gần sát bên mẹ tôi hơn nữa, nhưng không thể. Bởi mẹ tôi là Nữ Hộ sinh mát tay nhất mà thím biết vì đã ở gần nhau những mấy năm dài nơi xứ người. Đúng cái khuya định mệnh ấy thím chuyển bụng, giữa trời đêm sương giá lạnh kinh người và đì đùng tiếng súng, giữa một rừng người chạy loạn chen chúc vai kề vai, gối đụng gối, đàn ông, đàn bà, người già, con nít… sát bên nhau ấy, hòn máu bé bỏng của thím dứt khoát đòi phải được cất tiếng khóc chào đời, thôi thì còn biết làm sao hơn nữa, thím trần truồng dạng chân nằm xuống nền đất khi mấy người đàn ông phia sau và hai bên đã chịu đứng thẳng người lên nhường chỗ cho sản phụ, mấy người sát bên nhận được mấy mẩu nến chuyền từ trong chánh điện ra thắp lên để có ánh sáng cho mẹ tôi thực hiện ca đỡ đẻ hiếm hoi này, thím đau, thím khóc, thím bức tóc bấu tai cấu xé thân mình, oằn cong người thét ré lên trong tiếng động viên của mẹ tôi, thím rặn và những người chung quanh cũng rặn phụ họa rồi những người đàn ông gần đó cũng cất tiếng rặn giúp để tạo sinh khí cho người mẹ đang cơn đau đớn vượt cạn, có người bật khóc cho cái tình cảnh oái oăm này. Sau gần một giờ đồng hồ hét hò và kêu khóc, những người rặn phụ họa cũng đã mệt phờ trong lo lắng thì một cái đầu đen đen nhỏ nhỏ bắt đầu ló ra giữa hai chân người mẹ, ra rồi! Ra rồi ! Họ xúm vào đồng thanh rặn to hơn, thím cũng lấy hết sức bình sinh mà hòa vào cái giọng rặn ầm ì rền vang kéo dài như sấm đất ấy, ị ị ị ì ì…Ị ị ị ì ì…Mẹ tôi hét vang, rán lên, rặn mạnh lên, mạnh lên, mẹ cũng bặm môi rặn ị ị ị ì ì…ị ị ị ì ì… khuôn mặt mẹ bừng đỏ và mồ hôi ướt đẫm. Một sinh linh đỏ hỏn và bé bỏng vọt ra kéo theo nhùng nhằng sợi dây nhau vặn vẹo, nhễ nhại trơn ướt những máu và nhờn dãi, hai tay đứa bé nắm chặt huơ huơ vào không khí rồi khóc thét lên mấy tiếng oa oa chát đắng như một chú mèo con dặt dẹo, con trai! Con trai! Mọi người chẳng kể thân sơ đều đồng thanh mừng rỡ hét lên vui sướng như chính họ vừa vượt cạn, tiếng kêu khóc của hạnh phúc diệu kỳ và trớ trêu lại òa vỡ giữa trời khuya vẫn đang ầm vang tiếng súng, những đường đạn vẫn réo rít trên những đầu người nhưng tất cả không còn lo sợ nữa, những người chung quanh đứng cả lên và một tràng pháo tay bỗng rộ lên hòa lẫn vào những tiếng khóc vang hạnh phúc đồng loại như được bục vỡ sau thời gian kìm nén ngột ngạt, người ta cười nói râm ran như không có việc súng đạn đầy trời và sự chết chóc đang kề cận bên mình, người ta cười nói vui vẻ sau một ngày đêm hoảng sợ và kêu khóc, người ta cười nói như chưa từng được cười nói bao giờ, và người ta bắt đầu trò chuyện thăm hỏi nhau với người ngồi bên cạnh, sự khai sinh đã vô tình khai phóng một ý nghĩa ở đời… Không có nước để rửa cho trẻ sơ sinh, mẹ tôi kêu xin khắp lượt và cuối cùng từ xa người ta cũng chuyền đến được một nắp bi đông nước hiếm hoi, cái nắp bi đông nước ấy đáng giá bằng vàng và máu đã được nhường nhịn trong cái giờ phút quá đỗi kỳ lạ này, không thể có nhiều hơn được nữa vì cả ngày đêm qua chẳng ai được uống nước, nếu ai mang theo được chút ít nước nào thì chỉ để dành thấm môi cho trẻ em thôi, bởi vậy mà sau khi lau chùi bằng một cái khăn tay cũng của ai đó chuyền đến, mẹ tôi rút từng sợi khăn nhỏ rồi nhờ người bên cạnh tay sạch sẽ hơn xe lại làm chỉ để cột cuống rún, mẹ cúi xuống dùng răng mình vừa cắn sợi dây nhau sát bụng của đứa trẻ vừa khóc, con ơi! Sao con ra đời nhằm lúc khổ nạn này vậy con, mấy người chung quanh mủi lòng khóc theo rấm rức, họ khóc mà không biết khóc mừng vui vì sự chào đời mẹ tròn con vuông hay khóc thương cho thân phận mình trong tình cảnh éo le này. Rồi họ cười, rồi họ nói, họ kể lễ những lần sinh con của ai đó mà họ biết cũng lạ kỳ và hiếm hoi trước đây, vô tình, họ tạm quên đi cái ám ảnh của sự đe dọa ngoài kia đang đeo đẵng. Sau khi mọi việc đã tạm ổn, mẹ mặc lại quần áo cho thím Hải, đứa bé được bọc trong một chiếc áo cũ và đã rúc được miệng vào bầu vú mẹ mút lấy mút để theo bản năng sinh tồn của một động vật, thím Hải cũng đã đều đặn hơi thở dần hồi phục sức lực nằm âu yếm ôm con nở một khóe cười, và, trong cái khóe cười hạnh phúc thiêng liêng ấy, hình như có chút xấu hổ tự nhiên của giới tính khi một người phụ nữ vì nghịch cảnh buộc lòng phải nằm phơi thân thể trần truồng ra trước mặt bàn dân thiên hạ, những người chung quanh bây giờ lại phải ép chặt vào nhau hơn nữa để nhường chỗ cho hai mẹ con sản phụ nằm, mẹ tôi chen chân bước qua mọi người để về lại chỗ của mình thì trời cũng đã bắt đầu ửng sáng, mẹ nói, tụi con đừng đụng vào người của mẹ, rồi mẹ đưa ra khuôn mặt và hai bàn tay đầy máu. Ngoài kia tiếng súng nổ vẫn liên hồi kỳ trận, ấy vậy mà như có một phép mầu, mẹ thở phào một hơi dài thư thái, và chung quanh, đây đó cũng buông ra những tiếng thở phào nhẹ nhõm… Tam Kỳ 17/12/2013 Nguyễn Đức Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét