Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Xin xăm



Xin xăm

Em ơi cành lá bao giờ
Chưa tin chồi nụ đã ngờ ngợ hoa

Anh cầm vận hạn bôn ba
Thử gieo lấy quẻ người ta với mình

Bỏ bùa mấy ngón tay xinh
Sớm xuân phát lộc sân đình cho ai

                                                Tam Kỳ 14/12/2104
                                                 Nguyễn Đức Dũng


Rón rén



Rón rén
                                     “Tặng: Văn Ngọc Quang”

Rón rén cầm lòng thơ xuống phố
định bụng
thật thà mua Xuân

Rón rén cầm một chiều ba mươi
vàng rất là môi cúc
kìa em!
nhóng nhánh hoa cười

Sao lại nỡ cầm vào tay rón rén

trái tim anh rất mực dại khờ

Chiều ba mươi cầm mình xuống phố
lấn quấn sắc hương
rón
rén…
cầm về
ánh mắt

                                                         Tam Kỳ - Chiều 30/Chạp Giáp Ngọ
                                                                    Nguyễn Đức Dũng

Trước giao thừa Con Dê



Trước giao thừa Con Dê
                                     “Tặng: Văn Ngọc Quang”

Quen lọ mọ quy phạm quy trình lớp lang trật tự
Không được như người ta nhanh nhạy rẹt đùng
Đã phần phước em ơi xin đừng làm anh quíu
Tược nứt rồi! Rù rài thủng thẳng mình – Xuân

                                                 Tam Kỳ - Chiều 30/Chạp Giáp Ngọ
                                                        Nguyễn Đức Dũng

“Sầu Dã Nhân”



      “Sầu Dã Nhân”

      Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hề biết được là anh có viết lách vẽ vời hoặc dính dáng nào về các hoạt động VHNT gì không. Chỉ biết anh có cái tên quá độc đáo, bởi sau cái đêm mở phiên tòa lưu động hết sức đặc biệt và sặc mùi khủng bố ấy thì chúng tôi mất hút tăm hơi của anh, như thể anh chưa từng xuất hiện trên cõi đời này…

      Thời trước, hầu như đàn ông con trai nào lanh lẹ, có chút ít tài vặt, thì thể nào cũng chọn cho mình hoặc ban bè gặp dịp gán một cái tên hiệu ngoài tên thật do cha mẹ đặt cho và ghi vào khai sinh, hộ tich. Nó như một thứ bút danh, bút hiệu, hay đại để như một “Nhản hiệu cầu chứng” thể hiện cho đẳng cấp, cá tính, hoặc sở trường sở đoản nào đó. Nói chung, một kiểu thời thượng giữa bạn bè cùng hội cùng thuyền với nhau. Lắm lúc, người ta sống dở chết dở với cái tên hết sức ngớ ngẩn, buồn cười, vô thưởng vô phạt. Nó chẳng hề nói lên điều gì ngoài một ý đơn giản là để phân biệt cho khỏi nhầm lẫn. Ngờ đâu vật đổi sao dời, cũng bởi cái tên hiệu khác người ấy mà nó làm cho anh mắc tội nhiều hơn. Một thứ tội tưởng tượng, hư cấu và suy diễn của kẻ có chức quyền, nắm trong tay sinh sát vận mệnh những người dưới ngựa.
     Tiếng kẻng báo động dồn dập chát chúa dựng đứng hơn ngàn con người trong khuya mưa tầm tã. Chưa kịp bật ngồi dậy để chạy ra sân tập hợp đội hình sẵn sàng chiến đấu. Cái lệ ở Xí nghiệp Đá Chu Lai này nó vậy, dầu chẳng biết chiến đấu để chống lại thế lực thù địch nào và với hai bàn tay không…Chúng tôi nghe tiếng lên đạn lốp rốp khắp quanh trại, những ánh đèn pin quét loang loáng bao vây tứ phía, súng thọc vào các tấm cửa sổ bằng cót trên đầu giường. Một giọng đanh vang lên trong đêm mưa: “ Tất cả nằm im! Ai ở đâu nguyên đấy, cấm ồn ào di chuyển!” Chưa biết chuyện gì đang xảy ra, bởi nó trái với thói thường đã được huấn luyện thành nếp, thành kỷ cương, thứ lề luật thời chiến được áp dụng nghiêm ngặt cho toàn công nhân xí nghiệp. Những tiếng chân rậm rịch nhanh chóng cơ động rồi xông vào trại chúng tôi, chốt hai cái bóng đen ngay cửa ra vào độc đạo, ghìm súng chỉa vào trong những chiếc giường chúng tôi đang nằm run rẩy và hốt hoảng Như đã được tập dược thuần thục trước rồi, ba người súng ống sẵn sàng nhanh chóng từ bên ngoài xộc vào giữa trại dõng dạc: “Trung sĩ ngụy quân Cao Xuân Toàn! Mày đã bị bắt! Thu dọn đồ đạc nhanh lên!”. Họ bước đến giật mùng, anh Toàn vừa mở miệng toan hỏi đã bị mắng át: ”Im ngay! Cấm nói!” Chưa hết bàng hoàng nhưng như biết phận, anh Toàn ngoan ngoãn thu dọn áo quần chăn màn gùi vào ba lô,  Một người xông tới trói quặt hai tay anh ra sau rồi thúc súng đưa đi. Mọi việc diễn ra trong chưa đầy 5 phút, chưa đủ thoát cơn ngái ngủ của mọi người, chưa đủ cho những câu hỏi lởn vởn trong đầu mà không ai dám buột miệng. “Hết báo động! im lặng ngủ để mai làm việc, cấm làm mất trật tự.” Lại lệnh miệng của ai đó vang lên ngay cửa ra vào. Không gian chìm vào đêm mưa, tuy vậy, từng tiếng thở dài và trở mình chung quanh cho thấy rằng gần năm mươi con người trong trại chúng tôi không ai có thể ngủ được nữa. Chuyện gì xảy ra vậy? Rồi còn ai sẽ bị bắt nữa không? Và tại sao? Một vài đóm lửa thuốc lá lén lút đỏ lên, rồi thêm vài đóm nữa, và rồi cả trại chúng tôi đều nhẹ nhàng đốt thuốc trong đêm vắng, hút chùng hút vội, những điếu thuốc cháy câm lập lòe thay cho nỗi phân vân và nghi ngại. Không biết những trại chung quanh như thế nào chứ chúng tôi lòng đầy lên một sự sợ sệt không tên. Chuyện gì vậy? Biến cố khác thường chưa từng xảy ra từ khi bước chân vào công trường. Hơn hai năm qua rồi, cuộc sống đã dần đi vào nề nếp. Cái nề nếp có thước có tấc cho mọi sinh hoạt của con người trong tập thể này. Người ta cũng phải quen dần với thứ bình yên giả tạo ấy. Chiến tranh đã ở vào thì quá khứ, bom đạn đã im tiếng trên chiến trường nên không còn là nỗi lo âu thường trực, còn chăng trong riêng mỗi lòng người cất giấu cái ngột ngạt về đời sống tinh thần, ngột ngạt mà không dám tỏ bày, cứ tự dặn lòng chịu đựng thứ quy cũ khép kín trong giới hạn của xí nghiệp và chỉ biết có một khung trời xí nghiệp, chẳng ai dám tơ vương bên ngoài kia con người sống như thế nào, Một thứ hàng rào vô hình được dựng lên bao quanh khoảng đất trời ấy, bãi đá và doanh trại, Con người là sinh vật dễ thoả hiệp nhất trước sự đe dọa tập thể, ai cũng chung cùng một điều kiện sống như nhau, triệt tiêu tinh thần phản kháng, kêu đòi những nguyên tắc sống, một thái độ cầu an chấp chịu những trói buộc hết sức vô lý bằng những luận điệu giải thích có lý, rồi ra ai cũng thấy rằng nó, cái thế giới thu nhỏ ấy nó đúng là có lý, cái lý của kẻ mạnh, có quyền sinh quyền sát luôn luôn đúng. Chiến thắng đã biện minh cho tất cả.

      Sau khi được nhập về Xí nghiệp Đá Chu Lai, trừ một số không biết chuyển đi đâu, còn lại cả cũ cả mới hơn ngàn rưỡi con người được phiên chế thành 4 đội sản xuất. Các dãy trại làm bằng tranh tre và cót ép bố trí xây dựng sát chân núi đá Chu Lai, trên một diện tích rộng cả chục hec ta, nhà của Ban chỉ huy Xí Nghiệp ở giữa nhìn ra một khoảng sân rộng, các đơn vị ở chung quanh, nhà ăn nhà bếp được xây dựng thông thoáng sạch đẹp, có vườn hoa ở bên hông của trại xí nghiệp. Cả một khu vực ấy nằm sát đường QL1, bên kia đường là Căn cứ Quân sự Chu Lai một thời sôi động, giờ thành khu quân sự của bộ đội. Cả một vùng đồng không mông quạnh nên gió biển thổi về quanh năm suốt tháng, mùa nắng thì còn đỡ chứ vào mùa đông mưa gió thì phải biết

Sữa Ông Thọ



    Sữa Ông Thọ

     Đầu năm 1976 xảy ra một sự kiện chấn động lòng người, chấn động bởi nó chưa quen với cách nghĩ, cách sống và đối đãi giữa con người với nhau. Chuyện tương tự thì ai cũng từng nghe kể hoặc xem qua các vở kịch, cải lương trên sân khấu, hoặc giã xảy ra đâu chừng cả trăm năm trước, thời thực dân phong kiến. Nó mạ lỵ sỉ nhục con người, nó đánh tan nát vào chút lòng tự trọng hiếm hoi và thương tổn, nó làm cho kẻ bị hành hạ chỉ muốn chui xuống đất để biến mất khỏi thế gian này, không để lại chút tỳ vết. Đó là chuyện nghe kể lúc trà dư tửu hậu của những ai vì lý do nào đó muốn dọa dẫm người khác chứ ngoài đời sống thì tuyệt nhiên chẳng một kẻ nào lại nỡ đang tâm hành xử với đồng loại như vậy vì nó quá độc địa và thất nhân tâm.

     Chạng vạng tối hôm trước, cả khu trại chợt nghe những loạt súng AK bắn vào hướng núi đá, tiếng vọng dội lại rồi ngân dài men theo sườn núi. Hình như ở hướng bắc, hướng của Xí nghiệp Đá Chu Lai.
     Gọi hướng bắc là để phân biệt với đơn vị chúng tôi từ Mỏ Đá Hòn Giang chuyển vào, đóng quân tại sát chân núi gần Dốc Sõi. Khu vực địa đầu của Quảng Nam – Đà Nẵng giáp giới với tỉnh Quảng Ngãi. Từ đây, theo đường QL I ngược ra khoảng 2 cây số là đến Xí nghiệp Đá Chu Lai. Đã đóng quân cố định từ khi mới thành lập, có lẽ tiếp quản mỏ đá của chế độ trước để lại.
     Tuy mang tiếng sát nhập nhưng toàn bộ quân số của Mỏ Đá Hòn Giang chuyển vào hơn ngàn con người được chỉ định khai thác đá ở phía nam này một thời gian. Có lẽ nơi xí nghiệp chính chưa đủ bến bãi để tổ chức sản xuất cho một lực lượng quá hùng hậu.
     Đã từng là những công nhân sản xuất đá thủ công giỏi nhất Công trường Đường Sắt Quảng Nam – Đà Nẵng. Từng được tổ chức thành những đội thợ giỏi, tay nghề cao ở các hạng mục công việc để đưa đi phổ biến, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho các đơn vị khai thác đá trên toàn tuyến từ đèo Hải Vân vào đến Quảng Ngãi. Thế nhưng đặt chân đến công trường phía nam Chu Lai này, chúng tôi mới thật sự thấm đòn, mới biết cặn kẻ cái nghề khai thác đá thủ công này nó gian khổ đến mức nào. Cả một sườn núi mênh mông những đá là đá. Những khối đá mồ côi khổng lồ đen đúa chồng chất lổn nhổn trông sướng con mắt. Khốn nạn thay, khi đục lỗ bắn mìn ra thì mới biết thế nào là trò chơi khăm của thượng đế. Đá ở đây đặc biết khác lạ, không giống bất kỳ nơi nào. Những vân đá kết cấu rằn rện vặn xoáy từng mảng  như da beo da cọp. Đập búa tạ vào như đập phải một nùi giẻ rách bện cứng, tiếng dội bình bịch nghe lạnh cả người, không như tiếng dội chát chúa giòn khô ở những loại đá mồ côi khác. “Đập đá xem sớ lấy vợ xem mông” là kinh nghiệm truyền đời của người đi trước. Đá da cọp này mềm, dẽo và quấn lung tung không theo sớ nhất định. Càng đập nó càng tơi vụn chỗ cạnh búa tiếp xúc với điểm đập ở trên mặt tảng đá ra càng lúc càng sâu, cuối cùng nó đào thành một cái phễu như cối giã tiêu ớt ở nhà thường dùng, chứ dứt khoát không chịu bể vỡ như mong muốn. Họp, rút tỉa kinh nghiệm, tìm kiếm ý tưởng khắc phục khó khăn trước mắt, chúng tôi xoay như chong chóng mà những tiếng dội bình bịch trơ trẽn ấy cứ vang lên như thách thức trêu đùa. Gần tháng trời trần lưng với “Nó”, nghĩa là những hòn đá da cọp ấy. Những ai đã từng bữa gốc mít già để lấy củi, thì chúng tôi đập đá ở đây cũng thế, nghĩa là phải dùng cạnh búa đập gỡ ra từng miếng nhỏ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cách bắt nó phải trở thành đá hộc, đá ba rồi đá 4x6 như yêu cầu. Đây là loại sản phẩm cuối cùng và cần thiết với khối lượng khổng lồ để trải trên nền đường, trước khi người ta đặt tà vẹt rồi liên kết đường ray lên phía bên trên. Trong điều kiện sản xuất cực kỳ khó khăn ấy, chúng tôi thường xuyên bị Công trường và Xí nghiệp phê phán, khiển trách, họp hành liên tục để mổ xẻ vấn đề, mà cái chính là những bài rao giảng tràng giang đại hải về ý nghĩa của lao động, trách nhiệm của người thanh niên trong thời đại mới. Năng suất lao động thấp là nguyên nhân của những đêm họp hành phê phán ấy. Nếu ở Mỏ đá Hòn Giang trước kia, chúng tôi dễ dàng đạt nửa khối đá 4x6 trên một công lao động bình quân, thì ở tại đây, dầu cố gắng đến hết cách chúng tôi cũng chỉ nhúc nhích ở mức 0,2 m3 trên một ngày công lao động. Với đà này, tết Ma Rốc cốc ken mới nói đến chuyện thông tàu ở khu gian phía nam của tỉnh. Cũng có nghĩa việc thông tuyến đường sắt Bắc -Nam theo kế hoạch coi như phá sản. Vì vậy mà họp, mà học tập liên tu bất tận, người ta nghĩ ra đủ mọi phương cách để siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động nhằm tăng cái năng suất rùa bò và tội nghiệp ấy. Rồi người ta sáng kiến phát động chiến dịch thi đua hết đợt này đến đợt khác, chả có lễ lạt gì để phát động thi đua thì tìm ra cái để mà thi đua như kiểu tự biên tự diễn của văn nghệ quần chúng. Người ta tính lại thời gian làm việc ngoài bãi đá, 8 giờ là 8 giờ vàng ngọc làm ra của cải vật chất, họ không tính thời gian đi và về, không tính luôn cả 15 phút giải lao giữa buổi làm việc, mà cuối cùng họ cũng không tính luôn khoảng thời gian làm mìn để đánh đá. Nghĩa là những hạng mục công việc ấy “xú vơ nia”, là lao động xã hội chủ nghĩa vv và v.v…
      Trong đợt sơ kết quý I năm 1976. Công trường và Xí nghiệp chê trách phê phán CBCNV chúng tôi không tiếc lời, những phân tích gay gắt đã được tuyên đọc. Năng suất lao động quá thấp phá vỡ kế hoạch trên giao, nhưng quan trọng hơn là việc để “lỗ” đầu tư. Tức là thâm hụt trầm trọng về vật liệu nổ định mức trên khối lượng sản phẩm. Theo định mức tiêu hao vật liệu nổ trong khai thác đá công nghiệp thì cứ 01kg thuốc nổ TNT cộng 4 kíp nổ và 4m dây cháy chậm phải đạt được gần 03m3 đá sản phẩm. Nhưng đó là định mức kỹ thuật cho điều kiện sản xuất tối ưu, có máy móc và thiết bị hỗ trợ, song những ông cán bộ trên núi này về bất cần khoa học khoa hiếc gì hết, chỉ mệnh lệnh sản xuất là cao nhất, phải được chấp hành và thực hiện vô điều kiện. Cứ cái câu thần chú nửa vời “Biến không thành có biến khó thành dễ” ấy mà phán xuống, làm không được thì trị, trị công nhân mà như trị tù. Để trừ vào khoản vật liệu nổ thâm hụt đó, Xí nghiệp đã nghĩ ra được một sáng kiến vô tiền khoáng hậu. Họ phát động một chiến dịch thi đua chỉ có ở thời trung cổ. “Tay không bắt giặc” là cái tên mà chúng tôi đặt cho cái chiến dịch lạ lùng này vì tên chính thức của nó sờ sờ trên băng rôn nhưng chẳng một ai thèm để mắt tới. Nó là một kiểu giải quyết nhất cử tam tứ tiện của Tàu. Đó là thời gian phối kết hợp với rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp của chiến dịch nhưng thật sự là để trị cái tội làm đá thâm mìn của chúng tôi. Cứ đúng 3 giờ rưỡi sáng. Khi tiếng kẻng dựng ngược toàn bộ công nhân cánh nam chúng tôi dậy, tất cả phải nhanh chóng vệ sinh cá nhân trong vòng 10 phút rồi ra sân tập họp theo đội hình từng tổ đội sản xuất. Nhắm hướng bắc một hai ba bốn một hai ba bốn cơ động chạy ra, đây là bài tập thể dục kết hợp chuyển quân bắt buộc nằm trong chiến dịch. Từ chỗ chúng tôi đến bãi đá của Xí nghiệp chính khoảng 2 cây số ấy phải bảo đảm đúng thời gian hành quân không được chậm trễ và xộc xệch đội hình. Điểm đến là một bãi đá rộng khoảng 5 héc ta nằm sát bên đường QLI, ở đó lổn nhổn những viên đá to tròn trùng trục như những quả bóng khổng lồ. Đây là hậu quả để lại sau gần hai năm khai thác của công nhân xí nghiệp Chu Lai. Do tay nghề kém, họ không biết cách đập đá ra thành những viên đá hộc cỡ 25x30cm nên đã đập ghè những cạnh nhỏ chung quanh khối đá, đến khi nó tròn cạnh hết lại là họ chịu thua. Những khối đá tròn ấy nằm chồng chất chiếm một diện tích bãi quá lớn, không có chỗ để tập kết đá thành phẩm. Nếu dùng mìn để sản xuất tận thu thì tốn kém không biết bao nhiêu mà tính. Vậy là họ đem chúng tôi ra để xử lý cái của nợ ấy. Không mìn không thuốc gì cả, chỉ xà beng búa tạ, búa con và cuốc xẻng sẵn có thêm mấy câu khẩu hiệu đỏ chót treo lung tung khắp nơi làm thứ bùa chú phụ trợ. Tự ái nghề nghiệp và tự ái của tuổi trẻ Mỏ Đá Hòn Giang chúng tôi được khơi dậy, cộng với những ánh mắt dè bĩu thách thức của những công nhân xí nghiệp Đá Chu Lai chủ nhà này. Họ như muốn gởi cho chúng tôi một thông điệp rằng để xem chúng mày xơi cái thứ bỏ ra của bọn ông như thế nào.
     Thật là kỳ tích, phải nói là một chiến công vang dội vỗ vào mặt những kẻ bất tài vô tướng mà học thói ganh ghét hại người, chỉ hai mươi lăm ngày sáng chạy đi tối chạy về như những người máy đã được lập trình, chúng tôi giải phóng gọn gàng thứ hổ lốn vô dụng kia và biến nó thành mấy ngàn khối đá thành phẩm, những toa đá 4x6 vuông thành sắc cạnh đều chằn chặn hiền ngoan nằm nối đuôi nhau kéo dài đến hết tầm nhìn trước sự ngỡ ngàng thán phục và kính nể của cán bộ cũng như công nhân ở Xí nghiệp Đá Chu Lai, những đồng nghiệp của chúng tôi và họ cũng sẽ trở thành đồng đội của chúng tôi sau chiến dịch kỳ lạ này. Lảnh đạo xí nghiệp cuối cùng đã quyết định chuyển toàn bộ công nhân cánh nam chúng tôi về quây quần trong khu gian của xí nghiệp như những chủ nhân ông đích thực. Không có chuyện ma cũ ăn hiếp ma mới như vẫn thường xảy ra, vì chúng tôi là một tập thể lớn mạnh thật sự.
      Nhưng đó là chuyện của mấy tháng mùa hè sắp tới. Còn trở lại với buổi sáng đầu năm này, với những tiếng súng bất thường vào chạng vạng tối hôm nhiều nghi vấn ấy, thì sáng nay vào khoảng được nửa buổi làm việc, dọc theo sườn đồi, nơi chúng tôi đang xoay trần ra để đập đá lại xảy ra một sự kiện làm rã rời tâm lực. Từ xa, thấy xuất hiện lèo tèo và xộc xệch một đám rước lạ đời. Men theo những lối đi nhỏ trên công trường là một nhóm khoảng năm sáu người vừa đi vừa đùn đẩy. tiếng lèng xèng của kim loại va đập và tiếng người vang vọng rền rĩ chen lẫn với tiếng chát chúa của muôn ngàn tiếng búa đập vào đá, tiếng xà beng cạy và tiếng hò reo chuyện trò râm ran cả một vùng. Cái đám rước ấy cứ đi một đoạn lại dừng chân ở chỗ có đông công nhân đang làm việc, mươi lăm phút sau lại tiếp tục di chuyển, tiếng lèng xèng càng lúc càng rõ rệt, hình như nó được phát ra theo chủ ý vì sự nhịp nhàng khúc thức. Xèng xèng xèng…! Xèng xèng xèng…! Xèng xèng xèng…! Mỗi lúc một gần. Mọi người nhốn nháo ngạc nhiên nhưng không dám bỏ vị trí vì đã quen nếp rồi. Khi chưa có lệnh thì không một ai được tự động rời bỏ nơi làm việc. Thắc mắc càng lúc càng đẩy lên cao trào nhưng rồi cuối cùng mọi sự cũng được phơi bày khi cái đám rước ấy đến chỗ của đội chúng tôi. Được lệnh tập họp ở một khu bãi tương đối bằng phẳng và rộng thoáng, chúng tôi nhanh chóng chấp hành vì thói quen đã được định hình mà còn phần nữa là sự tò mò, muốn biết chuyện gì đang diễn ra. Trước mắt chúng tôi, một chàng trai trẻ cỡ mười chín hai mươi gì đấy. Đó đúng hơn là một cậu bé nhỏ thó và gầy guộc, khuôn mặt hoảng hốt và đôi mắt lạc thần, cậu nhìn mọi người mà như nhìn vào cõi vô định. Quàng trước ngực là một mảnh bìa các tông lớn bằng hai cuốn vở học trò ghép lại trên ấy nguệch ngoạc dòng chữ bằng than : “Tôi là Nguyễn Ng… C….”. Phía sau lưng cũng một tấm bìa như vậy với dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”. Trên tay cậu ta là cái nắp vung sứt sẹo và móp méo được gõ bởi một cái dùi gỗ cầm ở tay kia, cứ ba nhịp một xèng xèng xèng mà chúng tôi đã nghe được từ xa. Mỗi lần gõ cậu lại xướng to lên một câu. Xèng xèng xèng “Tôi là Nguyễn Ng… C…!”. Xèng xèng xèng “Tôi là thằng ăn cắp”. Xèng xèng xèng “Tôi là Nguyễn Ng… C…!”. Xèng xèng xèng “Tôi là thằng ăn cắp…!”….Cậu xướng mấy câu trên mà hình như không hiểu mình đang kêu gào cái gì, có lẽ nó chẳng dính dáng gì đến cậu. Như một cái máy hát quay đĩa bị xước cứ quay vòng trở lại đoạn ghi âm cũ. Thỉnh thoảng cậu giật bắn mình vì một lằn roi vô hình vụt quét sau lưng. Áp giải tội đồ là 3 công nhân lực lưỡng mặt khó đăm đăm, súng AK ghìm sẵn trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. hai người kèm hai bên, một người đi phía sau thúc súng vào lưng. Chỉ huy đám rước ấy là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, khuôn mặt khắc khổ đen đúa, một bên mắt là cái hốc sâu hoắm, có lẽ bị thương trong chiến tranh. Sau này chúng tôi mới biết ông tên T., bí thư chi bộ và là phó chủ nhiệm của Xí nghiệp Đá Chu Lai, một tay cán bộ khét tiếng chằn ăn, gay go và rất đáng sợ đối với công nhân lao động. Ông T. mở một cuộc họp bất thường với đội chúng tôi ở giữa trời thông báo về sự việc đang diễn ra.

      Để bồi dưỡng cho công nhân lao động nặng nhọc, thỉnh thoảng hai ba tháng một lần, công trường cũng phân về chút ít nhu yếu phẩm. Thường thì mỗi người được nhận một ký đường cát vàng, có lúc một lon sữa bò hiệu Ông Thọ, khi lại đụng ký sữa bột loại viện trợ trước đây còn sót lại, ăn vào mắc nghẹn và dễ bị tào tháo đuổi. Đợt này mỗi công nhân ở phía bắc nhận được mỗi người một lon sữa bò. Nguyễn Ng… C… do quá thèm ngọt sau thời gian dài nên đã đục lon sữa ra và hút sống ngay một lần là hết. Thèm quá không vượt qua được cám dỗ. Thấy thằng bạn thân để dành lon sữa trong ba lô, rủ hoài chưa chịu lấy ra dùng, C. bèn nghĩ cách ăn vụng. Sáng ấy C. báo ốm xin ở nhà, đợi lúc vắng người chàng ta lôi hộp sữa của bạn ra đục lổ rồi hút đi một ít. Ban đầu cũng chỉ định bụng chùng lén chút ít cho đỡ thèm thôi, còn thì để phần lại cho bạn. Nhưng khốn nạn cho sự thèm lạt đã lâu ngày, cứ thêm một ít rồi lại một ít nữa. đến chừng tỉnh người ra thì lon sữa của bạn đã chẳng còn một giọt nào, không biết phải xoay sở ra sao, C. bèn đem cái lon tội nợ ấy đi giấu để thủ tiêu tang vật hòng chối tội. Chiều ấy thằng bạn lại dở chứng muốn lấy hộp sữa ra khuấy uống. phát hiện thấy mất, nó hô hoán lên, thế là Ban chỉ huy Xí nghiệp vào cuộc, hùng hùng hổ hổ đòi lôi ngay tên trộm cắp ra xử lý. Quá hoảng sợ C. vụt chạy thoát thân vào phía núi để mong tránh cho qua khỏi nạn chờ tình hình yên ổn sẽ về chịu tội. Ai ngờ Ban chi huy ra lệnh cho đội cờ đỏ truy sát, đuổi theo và bắn hàng loạt đạn vào hướng C. đang chạy trốn, với mệnh lệnh bắn bỏ tên tội phạm trộm cắp tài sản của đồng chí đồng đội, một cái tội không thể tha thứ dưới chế độ mới. Đội cờ đỏ lùng sục cả đêm tìm bắt, nếu C. không chịu quy hàng thì được phép bắn chết tại chỗ. Sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Ban chấp hành Liên chi hội Thanh Niên phải đứng ra bảo lãnh xin với lảnh đạo xí nghiệp nhận về xử lý và giáo dục. Đêm ấy, mấy anh có trách nhiệm phải lùng sục trong núi tìm và dỗ dành động viên, hứa đứng ra bảo lảnh nên C. mới chịu theo về trại. Sáng hôm sau, Ông T. gọi C. lên làm việc, vừa bước vào phòng, ông ta bắt C. đứng nghiêm rồi dùng dép su đang mang dưới chân đánh mấy bạt tai như trời giáng vào mặt, vừa đánh vừa sỉ vã chửi bới mà không một ai dám can ngăn. Sau đó ông bắt C. ngồi viết tường  thuật cụ thể việc ăn cắp. Đó là thứ tàn dư của chế độ cũ, thứ người quen thói ngồi mát ăn bát vàng, chây lười lao động, thứ cặn bã ăn bám vào đồng loại. Hình như tất cả mọi cung bậc của sỉ nhục đã được triệu tập đầy đủ để ban phát cho tên tội đồ to gan lớn mật kia, dám bôi xấu cả một tập thể tốt đẹp dưới chế độ mới. Được sự bảo lảnh của liên chi hội Thanh Niên, ông T. đồng ý xử lý nội bộ, không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đề nghị đưa đi cải tạo như ý định ban đầu. Và cái hình thức xử lý nội bộ vô cùng nhân đạo của ông T. cũng như của xã hội mới diễn ra tuần tự như vậy. Sáng đó, ông T. ra lệnh cho đội cờ đỏ cởi hết áo quần của Nguyễn Ng. C., chỉ chừa lại một chiếc quần đùi bẩn thỉu, họ được lệnh trói quặt C. ra giữa cột cờ phơi nắng và bỏ đói, cấm không một ai được đến gần, trừ người đội viên cờ đỏ được phân công canh gác cẩn mật, thỉnh thoảng vài giờ đồng hồ thì đem cho C. uống một chút nước. Họ trói giữ C. suốt một ngày phơi nắng và một đêm giữa trời sương lạnh cắt da cắt thịt, đến đúng bảy giờ sáng hôm sau mới cho người ra mở trói đưa C. vào Ban chỉ huy để làm việc tiếp. Kế đến là hai ngày liền ngồi làm kiểm điểm, bao nhiêu tội nợ nhục nhằn, bao nhiêu đắng cay tủi hổ của một con người còn biết tủi hổ đã trút ra cạn kiệt, C. không còn nước mắt để khóc. C. tự căm ghét nguyền rủa bản thân mình, miếng ăn là miếng tồi tàn thật đúng một cách oan nghiệt như trong trường hợp của C. Rồi đây ăn nói làm sao, sống làm sao được với mọi người chung quanh, mà cái lon sữa bò Ông Thọ kia có đáng để cho mình đánh đổi một giá quá đắt đến như thế này không, cái giá còn khủng khiếp hơn cái chết, ước gì bây giờ được chết đi nhanh chóng thì diễm phúc biết chừng nào, nhưng làm sao mà chết được khi mấy người cờ đỏ cứ ghìm súng chực chờ bên cạnh. C. cảm thấy tiếc nuối cho những tràng đạn đêm qua, sao không có viên nào tìm đến với mình để kết thúc nỗi ê chề của một kiếp người trót lầm lỡ này. Mà cũng chỉ vì nghĩ đơn giản rằng lon sữa đó của thằng bạn thân nhất kia mà, hai đứa đã từng sẻ chia cho nhau biết bao điều, đã tiếc rẻ cái gì với nhau đâu. Tại sao sự việc lại phải đi đến nông nỗi này? C. không còn nhận thức được mọi sự việc diễn ra với mình, C. thực hiện mệnh lệnh như một cái máy, người ta lên giây cót và cứ thế nó tự động các thao tác đã được sắp đặt.
     Sau hai ngày ngồi viết kiểm điểm ở Ban chỉ huy, C. được đưa ra trước tập thể cả ngàn con người, vốn là những đồng đội thân thuộc của mình, bây giờ mọi người nhìn mình bằng con mắt xa lạ. C. được phép tự nhận mức án nhục hình theo như gợi ý của cấp trên. Đứng đấy để cho mọi người sỉ vã, mắng nhiếc và tố khổ, rồi những lần mất cắp hoặc rơi vãi đâu đó lại cũng được đem ra truy vấn. Chẳng hiểu đấu tố cường hào ác bá địa chủ ngày xưa mức độ khốc liệt như thế nào, chứ với những chàng trai cô gái đôi mươi thế hệ chúng tôi, thì đây đúng là một cực hình chưa từng xuất hiện trước đây trong đời sống, và như để ban phát cho đúng người đúng tội, thực hiện trọn vẹn cái sự khoan dung độ lượng thấm đẫm tình người của những kẻ có trách nhiệm, C. được dẫn đi bêu khắp công trường, trong phạm vi toàn Xí nghiệp Đá Chu Lai, bộ phận cánh nam chúng tôi tuy mới chuyển vào cũng được hưởng màn diễn miễn phí ấy, một kết hợp vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục, nhằm răn đe những ai còn có ý đồ trộm cắp trong tương lai, dầu chỉ trộm cắp những thứ vặt vãnh bỏ đi không giá trị.

     Sở dĩ người ta đặt tên “Sữa Ông Thọ” là nhằm quảng cáo lên rằng nếu sử dụng thường xuyên loại sữa này, thì trí tuệ sẽ được minh mẫn, sức khỏe sẽ tăng cường đáng kể, sống lâu đến cả trăm tuổi mà vẫn cường tráng như hồi trai trẻ. vì nó chứa nhiều dưỡng chất có ích cho con người. “Ông Thọ” là cách Việt hóa nhãn hiệu sản phẩm cho dễ hiểu vì gần gũi chứ cái hình ảnh cầu chứng in trên mảnh giấy bao bì của lon sữa chẳng có gì giống người Việt ta cả. Đó là hình vẽ rất đẹp và rõ ràng về một người đàn ông lớn tuổi, vạm vỡ, khuôn mặt râu ria nhìn rất giống nhà văn Ernest Hemingway của Mỹ, ông ta mặc áo sơ mi dài tay, quần rin nai nịt gọn gàng đứng cười sảng khoái, một tay chống nạnh, tay kia chống cái cán cúp, một loại dụng cụ đào đất, minh họa cho việc ông ta đang trồng trọt ở ngoài đồng trông rất oai phong. Bi hài là ở chỗ Nguyễn Ng. C. chỉ mới hút trộm có mỗi một lon “Ông Thọ” của thằng bạn thân thiết nhất vậy mà chút xíu nữa thì đã đoản mạng vì những loạt đạn AK tối ấy, may mà chỉ bị bỏ đói cùng mấy chiếc dép su Bình Trị Thiên vào mặt, còn kiểm điểm với lại đóng vai chính trong một đám rước vênh vang tiền hô hậu ủng thì thôi coi như văn nghệ văn gừng vậy. Điều mà tất cả chúng tôi cứ lo âu trong lòng là không biết rồi số phận của kẻ thèm ăn dại dột kia sẽ thế nào sau cái quyết định kỷ luật trả về địa phương đề nghị tiếp tục có biện pháp quản lý và giáo dục mà Ban chỉ huy xí nghiệp đã quan tâm dành cho Nguyễn Ng. C., cái giá của một lon sữa đặc có đường.

                                                                                          Tam Kỳ 06/01/2015

Độc ẩm



Độc ẩm
                                                     Tặng: Văn Ngọc Quang
Ly mày cụng với ly tao
Uống đi cho máu trên đầu sục sôi
Nhục vinh đã khác kiểu rồi
Ngọt bùi nuốt sống ăn tươi cũng vì

Đã từng bày đặt tu mi
Trơi ngươi mắt ốc làm chi hỡi mày
Nghĩ gì mà bẽ đốt tay
Buồn gì thở vắn than dài - Mày ơi!

Bơ vơ tao nói tao cười
Mày ngồi khóc nổ con ngươi một mình
Rượu tàn ly chén lặng thinh
Rồi ra tao biết bất bình với ai

Chút lòng còn đọng đáy chai
Nghiêng nhau mà rót qua vai quỷ thần
Say là đổ đốn hư thân
Khoát tay dấy cuộc phong trần nghiệp dư

Núi sông chắc cũng cười trừ
Trách chi mấy đứa buồn như hũ hèm

                                             16/3/2015


Trương Chi



Trương Chi
                                     “Tặng những thằng bạn Cung Cầu Đường Sắt Tam Kỳ”

Học đòi Trương Chi bên sông Tam Kỳ
Thổi sáo không kêu
Khảy đàn không được
Mỵ Nương của tôi toàn con nhà nghèo
Tôi thương em nông dân áo vá
Tôi yêu người công nhân áo bạc
Tôi mê nàng chạy chợ đã có người yêu

Mỵ Nương của tôi dầu dãi nắng mưa
Mỵ Nương dậm thuốc rê Trường Xuân Tam Ngọc
Mỵ Nương mắt buồn khoai Xiêm sắn lát
Mỵ Nương mặt bủng da chì cơm độn bo bo…

Tôi như thằng Gù nhà thờ Đức Bà say Esméralda
Áo phong trần vá nỗi buồn mới lớn
Soi mặt sông dài nuôi mộng Tràng Khanh
Đứng hú bên giòng hồng nhan Tống Ngọc
Cô đơn một gói độc hành

Thế hệ chúng tôi mộng mị nửa mùa
Tội nghiệp những thằng trương chi nặn mụn
Có đứa đưa bạn đến khoe nhà vợ
Đúng ngày em đi lấy chồng
Cả bọn kéo về thở dài ố vàng Ga xép
Tôi cầm cố khuôn mặt mình ký nợ một cơn say
Rượu không thành tri kỷ
Đàn guitar đứt dây
Tình yêu bạn tôi gióng giã hồi còi

Ôi! Những thằng trương chi thảm hại đáng thương
Không sắm nổi con đò rêu rao cho mình tiếp thị
Những Mỵ Nương sở hữu nỗi buồn
Khi cơm áo trở thành triết lý
Trái tim đầu hàng miếng ăn
Trái tim vô tích sự
Tôi cầm tâm hồn lên giữa lòng tay

Tôi cầm nỗi buồn tôi làm một chuyến bụi đời
Những sân ga vẫy chào tiễn biệt
Những sân ga không còn chỗ gọi mời
Tôi đồng hành nỗi buồn chuyến bụi đời mải mốt

Ngày Trương Chi nghễnh ngảng chân chậm mắt mờ tìm về bến sông
Bến sông quạnh vắng
Tìm về Mỵ Nương
Những Mỵ Nương hom hem đùm đề con cháu
Đứa nhớ đứa quên nhập nhằng chuyện cũ

Em ơi mây trắng cỏ vàng
Giòng nào hiu hắt gió
Khóc rống góc trời may rủi mưa sa

Trương Chi một mình đi tìm trái tim
Trái tim không biết bơi trái tim chết đuối
Bến sông
Bến sông
Bến sông run lạnh
Sao hãy còn run lạnh cố nhân hời…!
                                                           13/3/2015
                                                        Nguyễn Đức Dũng




Tam Kỳ




Tam Kỳ

Hàng quán chùm hum dưới bóng sưa già
Bà bán cơm khuya lui cui bếp lửa
Những con hẽm ổ gà gập ghềnh giấc ngủ
Xúm xít điếu thuốc lập lòe nụ cười ba gác cyclo…

Anh hai mươi ngồi đồng Sanh Hưng Nam Ngãi chờ sương
Ly rượu nhảy tàu đắng chèn tiễn bạn
Tiếng còi đêm giật thót con đường

Chẳng hiểu sao phố gặp làng ngẩn ngơ ngã ba
Anh mọc rễ cái nhìn rợp buồn Trường Xuân quán Mít
Quen nhau bánh đúc bánh bèo
Lần quần chè No bà Dần làm chi
Mấy hàng trầu cau chợ chiều hóng khách

Nhớ hồi bảy chín tám mươi
Thương anh gác Cầu Treo đói xanh con mắt
Em tặng người yêu những rỗ trứng gà*
Cái ngọt bùi dậy hơi con gái
Mấy thằng bạn nghèo qua đận đói vàng da

Nhớ Mỹ Tân An bãi bờ sắn bún dẽo thơm
Rứa mà em như sông lầm lũi không về
Sớm mùng năm rạm kết bè yêu đương mở hội
Anh ngồi gõ thành cầu một mình hát phu hát thê

Có ai bắt tội bắt tình quặn thắt câu thơ
Có ai biểu anh phải lòng Tam Kỳ đứt ruột
Cái xứ chẳng kiểng quê chi mà gớm thiệt
Yêu iếc sơ sơ rồi chết ngã ba đường…

                                                         Sáng 10 tháng Giêng Ất Mùi – 2015
                                                                       Nguyễn Đức Dũng



Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

“Yêu là yêu như một nhu cầu” Câu thơ tình của ai đó mà tôi đọc được từ trang tạp chí cũ hồi còn ở Mỏ đá Hòn Giang vào mùa đông năm 1975. Song chuyện dưới đây lại là thứ “nhu cầu” khác, bức thiết hơn, hồng hoang hơn của những đòi hỏi con người. Dân Miền Trung chúng tôi gọi là “Thèm”. Thèm ăn thèm uống, là đói cơm lạt muối. Đó là loại nhu cầu mang tính vật chất, đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết cho điều kiện sống của một con người, nó mang nỗi niềm của da thịt, nó hàm súc triết lý của dạ dày, nó thúc hối dằn vặt và xéo dày ruột gan, nó đủ quyền phép làm cho con người có thể rơi vào cảnh huống tồi bại và hèn kém. Tục ngữ có câu “Khi đói đầu gối phải bò…”. Thèm muốn là một cảm giác cám dỗ đầy cạm bẫy, có thể đẩy con người vào bi kịch khi không đủ bản lĩnh để kìm nén cơn kêu đòi dung tục. Ăn uống, ngủ nghỉ và yêu đương xác thịt là nỗi thèm khát bị nguyền rủa truyền đời, đeo đuổi rình rập những khi ta yếu mềm lòng dũng khí. Hoàn toàn khác với nhu cầu tinh thần đẹp đẽ mà câu thơ hướng tới. Kết cấu địa chất khoáng vật của núi đá Chu Lai cũng lạ. Cả một mạch núi nhưng không như ở mỏ Phước Tường – Đá kết tầng. Dạng vật chất kết cấu theo lớp lang, tầng bậc, rất dễ khai thác. Đá Chu Lai là một khối hoa cương cấp I khổng lồ. Siêu cứng, lấp lánh những phần tử hạt dưới nắng trời như ánh kim cương, như những vì sao nhấp nháy lung linh trong đêm tối. Ta cứ hình dung cả dãy núi mênh mang kia là một thực thể đá mồ côi được sinh ra trong quá trình vận động hình thành lớp vỏ trái đất. Nó tạo nên một mạch núi đá liên hoàn và liền khối. Thời trước, tập đoàn RMK của Mỹ đã tổ chức khai thác. Đây là mỏ lộ thiên có trữ lượng tương đối lớn, kế hoạch khai thác hàng trăm năm, tính từ thời thực dân Pháp sang ta. Sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mở mang đường sá, cầu cống… Sản xuất đá thủ công hoàn toàn bằng sức vai u thịt bắp của tuổi trẻ cộng với nhiệt huyết tin yêu cuộc sống mới. Chúng tôi ào ào xông pha vào khó khăn gian khổ của công việc lao động khổ sai mà hân hoan như một dạo chơi, thụ hưởng những giá trị cao đẹp của cuộc đời. Một ý niệm vinh quang đặt bày tô vẻ quàng vào nghĩ suy của lớp tâm hồn mới. Phơi phới lý tưởng. Khao khát sớm trở thành những công dân hữu dụng. Đóng góp nhiều nhất công sức tâm lực hòng xây dựng quê hương giàu đẹp, đất nước phồn vinh và cuộc sống thiên đường có thật dưới ánh mặt trời. Trong môi trường ấy, sức người đổ ra mỗi ngày mỗi giờ giữa công trường không thể cân đong đo đếm nổi. Chỉ phản xạ sinh lý thường trực cho phép con người nhận thức được rằng mình đang tồn tại và chiến đấu. “Chiến đấu” chứ không phải “làm việc”. Ta phải luôn dung dưỡng trong tâm trí mình sức đề kháng mãnh liệt nhất có thể để chống chọi lại với cái đòi hỏi bản năng trần tục từng giờ từng phút. Sự thèm thuồng. Nhu cầu muốn được ăn uống. Muốn thỏa mãn cơn co thắt của gan ruột và phản ứng bài tiết dịch vị của vòm miệng. Sự thèm ăn ám ảnh cả vào trong giấc ngủ. Ban ngày đổ tống tháo sức lực ra với xà beng búa tạ, với gióng gánh cuốc xẻng, vậy mà đêm đêm, lứa trẻ trai mười tám đôi mươi chúng tôi gặp toàn những giấc mơ ngon. Tuổi đương độ phát tiết anh hoa chung sống vui đùa bên những cô gái xinh tươi ngon giòn con mắt mà hiếm hoi những mộng mị đẹp. Năm thì mười họa mới có được bữa liên hoan bồi dưỡng khi sơ kết quý hoặc sáu tháng kế hoạch. Lúc đó mới nghe được vài thậm thụt nhỏ to ngoài bãi đá vào giờ giải lao: “Hồi hôm tau bắn máy bay…!” Môt khoái cảm điều tiết tự nhiên rất người mà mất hút giữa giai đoạn sung mãn nhất. Nó như thứ van xả tự động của một nồi hơi khi bị nén quá đầy. Than ơi! Chúng tôi những năm tháng đẹp đẽ nhất của một đời người vậy mà mấy khi được lèn nén để mong bật xả… Để giải tỏa nỗi thèm thuồng bu bám luôn dày vò. Những câu chuyện kể về món ăn ngon, những bữa ăn no đầy đã chìm khuất từ hồi tu huýt tu lai nào đó lại được đào xới lên, dọn ra bày biện chi li lại cho nhau thụ hưởng. Hâm nóng ký ức ngon miệng ấy mà cảm nhận dịch vị đang lén lút đẫm ướt vòm họng. Sợ bè bạn trêu cười, thỉnh thoảng có đứa lại tìm cớ quay mặt về hướng khác, như thể đang làm một việc gì đó bất chợt nghĩ ra. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết tỏng rằng bạn mình vừa giấu đi một lần nuốt nước miếng. Quy luật cung cầu lại tìm cách nảy nòi. Mỗi đội sản xuất vài trăm công nhân lao động. Với đồng lương chỉ mang tính ví dụ vậy mà rồi cũng có người biết chắc bóp để xoay xở sinh lợi. Ban đầu chùng lén thăm dò, sau không thấy cấp trên có ý phê phán gì nên mạnh dạn công khai. “Bung ra” làm ăn bài bản hẳn hoi. Những tay “Cơ hội” lanh lẹ ấy tranh thủ từng thời gian nghỉ hiếm hoi liên hệ ngoài chợ thị trấn An Tân lấy hàng về bán lại cho anh em trong đơn vị. Chủng loại không lấy gì làm phong phú vì chưa “trường vốn”. Song chỉ vài mặt hàng “nóng” thôi mà đã giải quyết được biết bao nhiêu cái miệng háu ăn giữa thời buổi khủng hoảng dinh dưỡng trầm trọng ấy. Ngoài hai mặt hàng chủ lực chạy nhất là bánh chưng nhưn thịt heo mỡ và kẹo đậu phụng. Những “Đầu nậu” này còn “kinh doanh” thêm đường bát, thuốc lá và vài loại nước ngọt có ga. Một loại hàng hóa nữa cũng đã được dấm dúi tuồn vào nhưng phải bán chui và chỉ dành riêng cho “khách ruột”. Nghĩa là dạng bạn hàng cực kỳ “uy tín”. Uống rượu mà không để cho người khác phát hiện ra mình vừa lai rai vài ly ba xi đế. Có cho thêm vàng cũng đố đứa nào dám ăn gan hùm mật gấu mà để người ta thấy mình say rượu! Sợ kỷ luật. Từ khi xuất hiện mấy cái “Quán” tài tử này thì hầu như đám trai trẻ chúng tôi không còn biết đến tiền là gì nữa. Tới tháng nhận lương, chủ quán “bắt tay” với tài vụ xử lý nhanh gọn khoản “thu nhập gọi là” sau cả một tháng trời trần lưng ngoài bãi đá mặc cho mưa nắng đỏng đảnh thất thường. Từng đoàn công nhân xếp hàng dài chờ vào văn phòng Ban chỉ huy để ngoáy một phát vào cái ô hình chữ nhật bé tẹo trong sổ lương đơn vị là xong! Mọi thừa thiếu được “lũy kế” vào cuốn sổ nợ đời trong tay chủ quán. Thường thì thiếu lại chút ít. May mắn lắm mới gần trùng khít với khoản lương được nhận. Lâu lâu, đứa nào được giải quyết cho phép về thăm nhà thì cả nhóm bạn chơi thân với nhau phải quyết tâm cao độ, ăn nhín nhịn thèm, tránh trớ hàng quán như tránh bệnh dịch, dứt khoát hạn chế ghi sổ dành lại chút ít chung vào để bạn có đủ tiền tàu xe và “quà bánh đại khái” cho một chuyến thăm nhà. Cứ thế mà xoay vòng, cho nên cả năm trời mới có dịp về thăm cha mẹ anh em ruột thịt đôi ba bữa. Cũng do vậy mà truyền miệng câu nói vui: “Tăng xin giảm mua hút tuyệt đối để đi đến giai đoạn xin toàn diện”. Một cách phê phán nhẹ nhàng những ai ky bo chuyên chôm chĩa lợi dụng sự hào phóng của người khác, mà cũng vừa tự chế nhạo, dặn dò mình bớt tiêu pha vung phí. Có vài tay “khôn lõi” không thèm “mở quán”. Phần sợ khó thu hồi vốn phần nhát gan không dám kinh doanh, thương trường là chiến trường kia mà, người xưa đã từng dạy rồi, lơ tơ mơ chỉ có nước “sạt nghiệp”. Đó là những tay có sẵn máu đỏ đen di truyền. Cờ bạc thì dứt khoát chẳng ai dám nghĩ tới rồi, song mưu ma chước quỷ ở đầu óc của hậu duệ Đổ Bác lại sáng tạo ra được vài hình thức mới. Ăn thua rất cay cú nhưng khó có thể quy trách nhiệm để xử lý kỷ luật. Đó là các kiểu cá độ. Ban đầu cũng do mấy thằng “hẻo” quá khơi mào. Những đứa ăn nhiều, ăn không biết no. Nhỏ người mà lớn bụng. Lại hay đau ốm vặt, sức khỏe kém nên lương thấp. Cảm giác đói thèm vô phương chữa trị. Mấy tên này đương nhiên được xếp loại “Tín nhiệm thấp” chót bảng. Không được chủ quán để mắt tới chào đón như những “thượng đế” khác. Thường xuyên chầu rìa góp chuyện vặt quanh những bữa ăn bồi dưỡng của đồng đội. Mắt hau háu nhìn vào từng miếng cắn miếng nhai của mọi người mà nói tầm phào, chẳng đâu vào đâu, cốt để lấy cớ nhìn người ta ăn cho đỡ thèm. Nhân nói vu vơ ấy mà nuốt nước miếng. Thông điệp thường xuyên như một thứ phép màu của mấy tay này là chuyên thách độ: - “Ơ! Tau có thể ăn gọn một cặp đường đen…” - “Tau có thể xơi tái 5 phong lương khô 701…” - “Tau có thể giải phóng 5 cặp bánh chưng..” - “Ơ! Tau có thể … một gói kẹo đậu.v.v. và v.v…” Đứa mô dám độ không? “Nhỏ người to con mắt” là kiểu ví von của ông bà mình ngày xưa nhằm chê trách những kẻ háu ăn. “Vào độ” thua sặc máu nhưng còn biết cách nào? Ký sổ không được! Vay mượn không xong mà cái sự thèm kia nó bất kể chi nhướng, không biết tự lượng thân phận bọt bèo. Mà không biết cái thứ nước miếng khốn khổ đó ở đâu ra mà nhiều đến thế, cứ đầy ứ miệng mồm làm tình làm tội. Đành mặt dày mày dạn cố đấm ăn xôi, rồi ra kệ thây hậu họa, cùng lắm thì chịu trận cho chủ quán nó chửi bới chán chê rồi cũng qua một quận. Vậy là độ. Lúc đầu thì độ ăn bánh chưng, vừa no vừa béo, thanh toán cơn thèm lưu cửu hành hạ đêm ngày. Mức khởi điểm như người ta tổ chức đấu thầu là 5 cặp bánh chưng. Đa số chào thua khi lột vỏ cái bánh thứ năm, nghĩa là chưa giải quyết trọn vẹn 3 cặp bánh, thế là thua độ, phải chịu trả tiền mức phạt gấp đôi số thách độ ban đầu, cũng có nghĩa là phải chịu ghi nợ chủ quán 10 cặp bánh chưng để dành cho mấy tay “Thầu độ” ăn dần không mất tiền. Tôi là một trong số không nhiều những tên thua độ ở cặp bánh thứ tư. Trợn mắt nín thở để giữ cho khỏi mửa trào ra ngoài phần mình vừa ngốn qua cửa miệng. Cầm cái bánh thứ bảy lột vỏ mà nước mắt lưng tròng. Trước mắt mình không còn là cái bánh chưng đầy cám dỗ vẫn hằng mơ ước mà là một hình khối chữ nhật bằng nếp nấu nhuyễn có các số đo thể tích 8cm x 8cm x 4cm đầy trêu cợt và mai mỉa. Giới hạn thời gian quy định nghiệt ngã của trận đấu đã gần hết hạn. Thế là thua, là chung độ trong sự nhục nhã ê chề vì miếng ăn đầy tủi hổ. Mức thách 5 cặp bánh chưng dừng lại khá lâu, biết bao nhiêu hảo hán đành cúi đầu khuất phục. Những tay thầu độ vênh váo cậy tiền khinh người ra mặt. Vậy mà một chiều, khi công nhân đang tắm rửa sau buổi làm mệt mỏi ở những cái giếng nước tự đào quanh xí nghiệp, bỗng dậy lên tiếng hò reo vang động một góc trời. Té ra bên đội 2 đã xuất hiện anh hùng cái thế. Chàng ta dõng dạc tuyên bố sẽ giải phóng gọn 10 cặp bánh chưng sau thời gian dài náu mình im tiếng. Trời đất ơi! Vậy mà anh ta đã thắng. Một chiến thắng vinh quang vỗ mặt mấy tay thầu độ cậy thế hiếp người. Hay tin, cả rừng người tụ tập trước sân xí nghiệp, ai nấy đều nghe hả lòng hả dạ, tung hô khen ngợi không tiếc lời, kẻ đã rửa được mối hận thèm ăn thua độ của mấy trăm con người ôm nỗi hờn căm nuốt cay đắng vào lòng, vừa mất tiền vừa chịu tiếng đời thị phi báng bổ bấy nay. Thói thường ai cũng khó ưa những tay thầu độ, như tâm lý ghét người giàu có hợm hĩnh của kẻ nghèo hèn. Song ông trời lại quen thói phù thịnh chớ chẳng phù suy, nên chi ngậm ngùi kia của lực lượng thèm ăn kìm nén lâu ngày nay được dịp bùng vỡ, một hạnh phúc lạ lùng xoa dịu niềm thống khổ trầm luân đè nặng biết bao đầu xanh tuổi trẻ. Chàng trai lâu nay vốn vô danh tiểu tốt, không một chút tài vặt thời thượng như mọi người, chìm khuất vào đám đông câm lặng, bỗng chốc đổi đời. Sự nổi tiếng đã đem lại niềm vui lớn cho không chỉ riêng anh, anh trở thành bạn bè thân thiết của cả xí nghiệp. Sau kỷ lục bánh chưng, kỷ lục kẹo đậu phụng, kỷ lục lương khô cũng lần lượt xuất hiện và thi thoảng bị phá vỡ. Nhưng có một kỷ lục lạ đời chắc chắn rằng chỉ Việt Nam mình mới có. Đó là kỷ lục đập đá tảng bằng búa tạ… Để phong phú thêm hình thức thi đấu nhằm tăng phần thú vị hấp dẫn trong các cuộc tranh tài. Giới thầu độ nghĩ ra được nhiều cách gầy độ và “gài độ” hiểm hóc, làm điêu đứng dân chơi thèm ăn cay đắng, những trận thua xiểng liểng tức mửa mật. Kỳ lạ ở chỗ là bầy thiêu thân vẫn không hề biết sợ, danh sách “tử trận” cứ nối dài theo những trận cười nói hò reo vang động công trường. Những bàn bạc trao đổi phương cách thi đấu được truyền tai nhau. Cũng bày ra chiến thuật chiến lược đấu sách hẳn hoi mang tính “có nghề” phù hợp cho từng trận giao tranh nảy lửa. Kinh nghiệm về cách ăn như thế nào để giảm no, giảm ớn được đề ra. Làm thế nào để chống lại cơn co thắt nôn mửa khi thức ăn đã tràn lên cổ? Tắm trước hay tắm sau khi thi đấu v.v. và v. v…Cũng đã gặt hái được kết quả hữu hiệu. Nhưng sự ranh ma quỷ quyệt của đối phương cũng chẳng hề thua kém. Những ràng buộc về thể thức thể lệ thi đấu được bổ sung liên tục để phù hợp với tình hình “chiến sự” diễn ra ngày càng éo le và khốc liệt. Để cổ súy phong trào, tập thể đã phân hóa hình thành rõ rệt lực lượng giữa hai giới tuyến. Giới thầu độ và đám chủ quán ăn theo tuy ít ỏi thành viên nhưng lại nắm quyền sinh sát trận địa. Ngược lại, nguồn cổ vũ lớn lao và niềm cảm mến sẻ chia “chiến hữu bị loại khỏi vòng chiến đấu” đã hâm nóng gắn kết tình đồng đội của đông đảo phe bại trận. Danh sách các loại hình thách độ quái chiêu đã xuất hiện thêm những kiểu độ nực cười. Độ đục lỗ bắn mìn xem cặp thợ nào đục nhanh hơn, năng suất hơn. Độ đập đá 4x6 bằng búa con 1kg sau thời gian quy định xem ai có khối lượng sản phẩm cao hơn. Độ đọc thơ, ca dao bắt vần. Siêu nhất là vụ độ răng, giả hay thật, quả này đã làm điêu linh biết bao nhiêu tay hiếu kỳ phải ôm hận ngậm bồ hòn làm ngọt. Cho đến tận bây giờ dầu sự việc xảy ra đã gần 40 năm rồi, mà nghi án vẫn còn treo lơ lững. Chẳng biết cuối cùng rồi hàm răng đẹp đẽ, đều tăm tắp và trắng ngà ấy của anh Dũng là răng thật hay răng giả…? Trong kỹ thuật khai thác đá thủ công, người ta cho phép sử dụng một lượng thuốc nổ phù hợp để dùng vào những trường hợp gặp tảng đá nhỏ, không đủ điều kiện để đục lỗ bắn mìn. Định lượng thuốc nổ tuy vừa phải nhưng cũng không đạt chỉ tiêu tiêu hao vật liệu nổ quy định. Đó là phương pháp đánh mìn “Ốp”, tức kẹp khối thuốc nổ vào một điểm phù hợp, nổ tác động để làm nứt vỡ tảng đá ra cho công nhân dùng búa tạ tiếp tục đập thành đá hộc 25x30. Từ khi có “chiêu” độ đập đá tảng, rất nhiều tay nghề đã được nâng lên, người ta tìm kiếm biện pháp tối ưu nhất để thực hiện những ràng buộc hết sức hóc hiểm của cuộc đua tài. Ngoài giá trị vật chất là bánh chưng, lương khô, kẹo đậu v.v… thì tính tự ái của người thợ khai thác đá trước anh em đồng đội cũng đã bị thách thức. Thua độ không chỉ đơn giản là thua phần bánh quà đã giao kèo, mà còn có nghĩa chứng tỏ mình tay nghề kém cỏi trước bàn dân thiên hạ, những đồng đội đồng nghiệp luôn chung cùng mưa nắng vui buồn, danh dự nghề nghiệp bị tổn thương, ai mà chịu cho được. Vì vậy, những cuộc độ đập đá tảng luôn thu hút đông đảo khán giả, tất cả đến để xem cho vui và cũng đến để học hỏi kinh nghiệm của nghề nghiệp. Trong đông đảo tay chơi này, có khoảng chục người xứng đáng với sự kính phục của tập thể. Đó là những anh lớn tuổi, vào khoảng trên dưới 30, anh Phạm Hưng, tổ trưởng tổ tôi là người được toàn công trường ngưỡng mộ. Vốn là một Hạ sỹ quan Quân Vận, bị bắt làm tù binh vào năm 1972, được học tập cải tạo trên Trường Sơn, sau giải phóng anh được bố trí về tham gia Công trường Đường Sắt Quảng Nam – Đà Nẵng. Phạm Hưng người thấp đậm, vạm vỡ, giỏi võ, tính tình trầm lặng, chuẩn mực và tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Anh không bao giờ tham gia vào những trò nhố nhăng cá độ, chỉ đơn giản “Giữa đường thấy việc bất bằng mà tha”. Khi gặp những cuộc độ có tảng đá quá lớn, thể tích hơn nửa mét khối, mặt tiếp xúc oái ăm, không có điểm để đập búa, thường thì đó là những tảng đá to tròn bị bỏ lại vì không mấy ai có thể đập nổi. Trong khoảng 15 phút giải lao giữa buổi làm việc, những tay thầu độ treo giá rất cao để lôi kéo những thằng tay mơ hám ăn vào tròng, việc thua độ đã sờ sờ trước mặt. Lúc ấy anh Phạm Hưng lặng lẽ vác chiếc búa 10kg của mình bước đến giải quyết giúp vụ việc, chỉ trong vòng 10 nhát búa hoặc 10 phút quy định tùy theo thỏa thuận của hai bên. Anh nhẹ nhàng điều khiển tay búa điệu nghệ. Cả công trường nín thở, không khí ngột ngạt bao trùm. Bục! bục! bục… cạch! cạch…! tảng đá kiêu kỳ thúc thủ vỡ toác ra sau một tiếng nổ khô gọn. Cả một khoảng bãi tưng bừng tiếng hò reo vang dội, người ta nhào tới bắt tay, cảm ơn rồi công kênh anh như một anh hùng. Cũng điềm đạm và lặng lẽ như vốn tính trời, Phạm Hưng khiêm tốn từ chối niềm “vinh quang bánh kẹo” trở về vị trí của mình, rời xa nơi vừa là một cuộc đấu trí lực đầy căng thẳng. Những lúc vắng im, anh em ngồi với nhau, anh Hưng chỉ vẻ cho những ngón nghề độc đáo. Sở dĩ anh không bao giờ chịu chào thua những tảng đá đầy thách đố ấy, là vì anh biết cách vận công, điều khí, thở sâu, tập trung khí vào huyệt đan điền dưới bụng, đôi tay cầm búa uyển chuyển, khi lơi khi chặt nhất nhất tuân thủ từng giây phút vận hành cơ năng để ra đòn. Anh bảo: “Như người võ sỹ xử dụng binh khí, phải biết hợp nhất giữa con người và binh khí vào lúc quyết định để tăng công lực, người ta thường bảo nhân kiếm hợp bích là vậy…” Quả thật, từ bài học được anh chỉ giáo, tôi tuy nhỏ con gọn người nhưng sau này cũng đã trở thành một công nhân đập đá không có đối thủ ở những đơn vị mới, tôi chưa từng chịu thua bất cứ một tảng đá to tròn nào khi đã quyết định ra tay với nó. Bây giờ bạn bè cà phê cà pháo bù khú cả ngày cả buổi với nhau là chuyện không vấn đề, chớ thời ấy đối với chúng tôi “Cà phê” không có trong từ điển của mỗi thằng con trai đôi mươi phơi phới. Ăn! Đúng. Chỉ béo và ngọt mới là mối quan tâm “đầu hàng” đòi hỏi luôn ở trong nhớ nghĩ. Chả bao giờ nghe đứa nào rủ nhau ra An Tân để uống cà phê cà pháo chi cả. Có mà điên! Mỗi tháng 4 chủ nhật thì mất 2 cái chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa rồi. Đó là tính những tháng làm việc bình thường chớ nếu vào chiến dịch thì “Thèng mô con mô núa chủ nhựt? Chỉ mẹt tau coi thử? Thứ tốm chớ!”. Hai chủ nhật được nghỉ chỉ quanh quẩn trong xí nghiệp, ai muốn ra thị trấn chơi phải xin phép và được sự đồng ý của Phân hội trưởng Thanh niên hoặc Tổ trưởng sản xuất. Mà ra chợ cũng chẳng để làm gì, đã vài lần ghé vào quán cà phê nhâm nhi trông sành điệu đấy nhưng cái ngon của thú thưởng thức cà phê nó quên mình mất rồi. Lang thang vài lần. Chán. Ở nhà chơi có khi hay hơn vì còn bạn bè đồng đội, tào lao xịt bợp hoặc giã hát hò với nhau cũng nghe khí thế. Ra thấy “người ta” ngẫm lại thân phận mình nó sao sao ấy! Cuối cùng rồi trời ta ta ngồi đất ta ta đứng, chẳng phải nghĩ ngợi nhiều. Rối! Cả 4 đội sản xuất “châu tuần” quanh xí nghiệp có đâu chừng sáu bảy cái “Amateur Quán”, không đủ nội lực để phục vụ cho một lượng khách quá sức đông đảo. Tuy vậy, hình thức “kinh doanh” này chỉ phát huy được vụ ký sổ. Tức là mua chịu nợ thoải mái đợi đến kỳ lương rồi tính! Còn “nhu cầu thoải mái” đúng nghĩa để tận hưởng cái thú “tiêu tiền” thì lại hiềm rằng “xa xỉ”, hầu như “viển vông”. Mỗi công nhân được bố trí một giường ngủ cá nhân, giữa hai giường là lối đi nhỏ. “Tư trang gia sản” tất cả cất giữ trong ba lô hoặc cái thùng gỗ vốn đựng thuốc nổ để đánh mìn, một dạng “rương hòm” rất hiếm quý, chỉ có bọn “đẹp người đẹp nết” hoặc giỏi làm thân với “trên” mới sở hữu được. Nó tiện dụng ở chỗ có thể khóa lại để bảo vệ được “tài sản” riêng tư. Tất tần tật đều phải xếp đặt gọn gàng trong không gian thuộc quyền “sổ đỏ” của mình, vì vậy mà việc “giao thương” cũng xem ra hơi bất tiện. Thỉnh thoảng để đổi gió và trốn đi hát nhạc “trước 75” cho nhau nghe, chúng tôi mò ra cái quán duy nhất của dân sở tại ngay đầu con đường độc đạo từ Quốc lộ I dẫn vào công trường. Từ nơi này đến khu tập thể chúng tôi cách một tầm hú gọi, đủ an toàn cho những riêng tư lén lút, tránh sự quản lý theo dõi của Ban chỉ huy và “tai mắt” dòm ngó đáng phải kiêng dè. Cả một vùng đồng không mông quạnh do ngày trước phải di dời trắng vì khu quân sự Phi trường Chu Lai của quân đội Mỹ. Sau giải phóng chẳng hiểu sao lại chỉ mỗi một ngôi nhà dân nằm hiu quạnh ở chốn này. Để vào quán, bạn phải đi qua một con đường nhỏ sát chuồng trâu quanh năm lầy lội vì phân chảy tràn ra ngoài. Cái thứ nhèm nhẹp nồng khai lưu cửu sền sệt xanh đen bỏ đi của trâu bò theo chân thực khách vào đến trong nhà. Đó là một thực thể gọi là “Nhà” được vá víu bằng đủ thứ vật dụng và “vất liệu”. Cả không gian ẩm mốc vì u tối, nóng hầm hập, mái nhà sùm sụp trên đầu vì quá thấp. Chen chúc trong cái gọi là nhà ấy là một gia đình hơi kỳ dị, người chồng đầu luôn cạo trọc, nước da gầy xanh khó đoán tuổi, ước chừng khoảng giữa của ba hay bốn chục gì đấy. Lúc nào cũng thấy anh luôn khom cúi người có lẽ do phản xạ tự nhiên, tay chân lóng ngóng vụng về. Chẳng mấy khi nghe anh trò chuyện ngoài vài tiếng ừ hử lấy lệ lúc khách hỏi thăm một điều gì đó. Sự “Khai sinh” và “Thương hiệu” của cái quán này đúng là sáng tạo nghệ thuật của một đầu óc phong phú tưởng tượng, xứng đáng xếp vào hạng “Thiên tài”. “Quán Hai Nhớp”. Chẳng ai biết được người chủ nhà tên gì, để cho phải phép, chúng tôi gọi là “Anh Hai” vì anh lớn tuổi hơn đám lau nhau chúng tôi rất nhiều. Sau ai đó phong thêm cho cái tên đặc hiệu nói trên vì sự tinh túy của cung cách làm ăn và chất lượng hàng hóa mà anh đang kinh doanh phục vụ. Hai Nhớp vô tư đón nhận danh hiệu cao quý từ trên trời rơi xuống chẳng chút tự ái giận hờn hay tỏ vẻ khó chịu, Anh thuận lòng sự đặt để ấy như rằng nó đúng chính là của anh, chỉ anh chứ không phải bất kỳ một ai khác được phép xâm phạm bản quyền. Bên cạnh Hai Nhớp là cái bóng của bà chủ nhà cỡ ngoài 30 có vẻ bệnh hoạn, nước da vàng vọt, khuôn mặt bủng beo mà đầy chịu đựng, cứ loay hoay trong bếp. Có bốn đứa trẻ vừa trai vừa gái mũi dãi lều phều và cóc ké sài đẹn treo trên người những tấm vải nhàu cũ cáu bẩn trước đó được gọi là quần áo, phất phới chạy nhảy lung tung trong cảnh giới ấy cho thấy còn chút sinh khí của sự hoạt động. Quán bán những món hàng vặt vãnh quen thuộc, mấy gói kẹo đậu phụng, một lọ thủy tinh đầy vết dấu tay đựng kẹo ú, xâu bánh chưn treo tòong teng bên cửa sổ, chồng bánh tráng đựng trong bao nilon vàng đục. Dưới nền nhà nhớp nháp dựng vài chai nước ngọt hình như đã quá hạn sử dụng vì nắp ken rét rỉ. Trong tủ lưới bé nhỏ vẹo vọ móc hờ một ổ khóa chắc để “phòng người ngay” chỏng chơ mấy gói thuốc lá rẻ tiền, chồng thuốc rê đen được cắt miếng vuông vắn. Sát góc tủ là cái can nhựa cũ kỹ đựng rượu Quảng Ngãi. Thứ rượu được cho rất nặng đô và khó nuốt vì bị pha chế thêm nước lạnh cộng với lung tung các thứ độc hại để kiếm được nhiều tiền lời. Điều đặc biệt lôi kéo khách hàng ở cái quán này là bánh đúc. Vợ Hai Nhớp loay hoay dưới bếp để làm bánh trong mấy cái rỗ tre, mẹt tre và kể cả mấy cái bịt mõm bò lót lá chuối. Bánh làm bằng gạo đỏ, hấp trong cái thùng tole móp méo dưới căn bếp lộn xộn thau chậu soong nồi và bù hóng mạng nhện. Khi có khách vào ăn, bánh được cắt ra thành từng miếng xinh xắn tùy theo giá tiền bởi một con dao bạ đâu vất đấy, Hai Nhớp ngó dáo dác tìm lấy dao rồi quẹt đại vào bất kể thứ gì trong tầm tay, coi như chùi cho sạch trước khi cắt. Đôi tay bẩn thỉu bốc mấy lát bánh bỏ vào một cái dĩa nứt rạn rồi đặt lên bàn trước mặt những “thượng đế” lúc nào cũng sẵn đói thèm, Hai Nhớp múc mắm cái trong một thẩu nhựa vo ve ruồi nhặng đổ vào một cái chén đất, hai ba người cùng chấm chung chén mắm ấy, nếu có ai kỹ tính lắm thì đem thêm chén lên để khách ăn riêng. Kinh khủng nhất là những chén mắm cái còn sót lại khi khách ăn xong, tất cả đều được Hai Nhớp dùng chiếc đũa tre mốc xì vớt lọc bỏ những vụn bánh nằm lẫn trong mắm rồi vét sạch vào cái thẩu đựng để ở trên bàn, đợi múc ra bán tiếp cho những “Thực khách” quý hóa đến sau. Lối “quay vòng mắm cái đã qua sử dụng” ấy diễn ra công khai trước mắt mọi người, mặc cho rất nhiều phản ứng, phê phán kể cả to tiếng, Hai Nhớp chẳng chày cối phân bua làm gì cho phiền, cứ lẵng lặng làm cái việc mà mình dứt khoát là đúng với lý lẽ rất căn cơ: “Cả nhà tui cũng eng chung thẩu mắm đó rứa mà, méc mớ chi mô…”. Đúng chẳng “méc mớ chi mô” thật. Bằng cớ là dẫu có biết rằng mình đang ăn vào bụng loại bánh đúc chấm mắm cái mất vệ sinh nhất trong lịch sử hàng quán, ở cái quán mất vệ sinh nhất thế giới ăn hàng bỏ chợ, nhưng còn làm bộ làm tịch với ai đây giữa nước non này, khi cái sự thèm lạt lên ngôi, không cưỡng lại nổi với nó, không thể chống lại sức quyến rũ chết người của miếng ăn. Nên nói chi thì nói, mất vệ sinh cũng được, bẩn thỉu cũng được. Đã chết ngay tại chỗ thằng nào con nào trong quán Hai Nhớp đâu mà phải dè chừng. Chúng tôi cứ an nhiên tự tại mà ăn, mà ghi sổ để đời, mà: “Thôi! Ra quán Hai Nhớp ăn bánh đúc hè!” Rứa là đi, rứa là xăng xái đến với thế giới riêng tư tự do thoái mái nhất dưới gầm trời này của chúng tôi để ăn, để chuyện trò đã đời và hát những bài hát cũng thèm thuồng không kém hành hạ kêu đòi. Để được còn thấy mình nguyên vẹn một niềm lạc thú yêu sống đúng nghĩa, dầu rằng cái nghĩa lý ấy đã bị giảm giá ít nhiều trước một dời đổi không do một ai trong chúng tôi được quyền định đoạt, kể cả số phận của chính mình. “Quán Hai Nhớp của chúng tôi” đình đám suốt một thời gian dài. Thương hiệu được bảo chứng không chỉ riêng cho khu vực công nhân mà còn danh giá tiếng tăm ra tới ngoài thị trấn An Tân phố chợ. Nó thỏa mãn xoa dịu những cơn khát thèm vô tội vạ của tuổi trẻ Mỏ đá Chu Lai những năm sau 1975 nhiều gian khó. Cả đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến hai thế kỷ ròng rã tên bay đạn lạc. Sự đói nghèo hiện hữu trên từng khuôn mặt người, trên từng ngóc ngách của đời sống. Phải gắng sức lên thôi. Ai cũng tự dặn lòng an ủi vậy. Thôi! Đã được hưởng cảnh đất nước yên bình, còn mong gì hơn nữa? Những người còn sống hôm nay là những hạt gạo trên sàng quý giá và phúc phận. Chút túng khó bước đầu là tất yếu của quy luật phát triển, rồi ra mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Bên cạnh hậu họa của tang thương mất mát là những đổ vỡ cần phải hàn gắn. Từng con người đứng trước những thách thức vượt quá sự chịu đựng mà chỉ có mỗi một lựa chọn hay nói cách khác là đã được cuộc sống lựa chọn giúp rồi, ta chỉ vậy mà an tâm đi tới trên con đường đã được hoạch định. Nuôi dưỡng niềm tin trong sáng ấy, chúng tôi đã cười đùa và ca hát, đã lăn lưng phơi mặt tưới từng giọt mồ hôi ấm nóng tình đời để được sống và làm việc, một công việc quá nhiều ý nghĩa cao quý và một cuộc sống ước mơ ở thì tương lai chờ đón. Nhờ vào tâm thế ấy và cũng mang tâm thế ấy chúng tôi bay trên đôi cánh tuổi trẻ mang nhiều dự phóng vào ngày mai sáng lạn. Cái “Ngày mai” đẹp đẽ huy hoàng cứ mải mốt chạy về phía xa xăm chẳng đếm xỉa gì đến những kẻ đeo đuổi theo nó trên một hành trình vô hạn định. Tuy vậy, nơi cái xó trời đất hoang vu này chỉ giàu có mỗi nắng mưa và gió, những ngọn gió từ biển thao thiết réo gào từng khi biển động, đem cái lạnh thấu xương ban tặng hào phóng cho từng tấm hình hài trai trẻ, làm bừng thức cơn đói thèm đêm đêm không ngủ, đêm đêm lại rủ rê về những giấc mơ ngon, tiếng chép miệng giòn vang trong khuya vắng từ giường ngủ đồng đội cứ nhắc nhở gọi mời, trêu đùa vào bụng dạ sôi réo làm đầy lên những nỗi niềm buồn tủi. Lâu lâu, đói, thèm mà vô phương giải quyết vì đêm đã chìm vào tĩnh lặng. Tôi thầm thĩ ngâm mấy câu thơ tình cho đỡ nhớ cái ăn. Thằng Chỉnh càu nhàu trở mình, thằng Trọng lé mất ngủ đổ quáu: - “Bớ xồm bớ lốp! Eng không có eng còn bày đẹt yêu! Kẹt họ!” Tam Kỳ - khuya cuối đông Nguyễn Đức Dũng







     Câu thơ tình của ai đó mà tôi đọc được từ trang tạp chí cũ hồi còn ở Mỏ đá Hòn Giang vào mùa đông năm 1975. Song chuyện dưới đây lại là thứ “nhu cầu” khác, bức thiết hơn, hồng hoang hơn của những đòi hỏi con người. Dân Miền Trung chúng tôi gọi là “Thèm”. Thèm ăn thèm uống, là đói cơm lạt muối. Đó là loại nhu cầu mang tính vật chất, đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết cho điều kiện sống của một con người, nó mang nỗi niềm của da thịt, nó hàm súc triết lý của dạ dày, nó thúc hối dằn vặt và xéo dày ruột gan, nó đủ quyền phép làm cho con người có thể rơi vào cảnh huống tồi bại và hèn kém. Tục ngữ có câu “Khi đói đầu gối phải bò…”. Thèm muốn là một cảm giác cám dỗ đầy cạm bẫy, có thể đẩy con người vào bi kịch khi không đủ bản lĩnh để kìm nén cơn kêu đòi dung tục. Ăn uống, ngủ nghỉ và yêu đương xác thịt là nỗi thèm khát bị nguyền rủa truyền đời, đeo đuổi rình rập những khi ta yếu mềm lòng dũng khí. Hoàn toàn khác với nhu cầu tinh thần đẹp đẽ mà câu thơ hướng tới.

     Kết cấu địa chất khoáng vật của núi đá Chu Lai cũng lạ. Cả một mạch núi nhưng không như ở mỏ Phước Tường – Đá kết tầng. Dạng vật chất kết cấu theo lớp lang, tầng bậc, rất dễ khai thác. Đá Chu Lai là một khối hoa cương cấp I khổng lồ. Siêu cứng, lấp lánh những phần tử hạt dưới nắng trời như ánh kim cương, như những vì sao nhấp nháy lung linh trong đêm tối. Ta cứ hình dung cả dãy núi mênh mang kia là một thực thể đá mồ côi được sinh ra trong quá trình vận động hình thành lớp vỏ trái đất. Nó tạo nên một mạch núi đá liên hoàn và liền khối. Thời trước, tập đoàn RMK của Mỹ đã tổ chức khai thác. Đây là mỏ lộ thiên có trữ lượng tương đối lớn, kế hoạch khai thác hàng trăm năm, tính từ thời thực dân Pháp sang ta. Sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mở mang đường sá, cầu cống…
      Sản xuất đá thủ công hoàn toàn bằng sức vai u thịt bắp của tuổi trẻ cộng với nhiệt huyết tin yêu cuộc sống mới. Chúng tôi ào ào xông pha vào khó khăn gian khổ của công việc lao động khổ sai mà hân hoan như một dạo chơi, thụ hưởng những giá trị cao đẹp của cuộc đời. Một ý niệm vinh quang đặt bày tô vẻ quàng vào nghĩ suy của lớp tâm hồn mới. Phơi phới lý tưởng. Khao khát sớm trở thành những công dân hữu dụng. Đóng góp nhiều nhất công sức tâm lực hòng xây dựng quê hương giàu đẹp, đất nước phồn vinh và cuộc sống thiên đường có thật dưới ánh mặt trời.
     Trong môi trường ấy, sức người đổ ra mỗi ngày mỗi giờ giữa công trường không thể cân đong đo đếm nổi. Chỉ phản xạ sinh lý thường trực cho phép con người nhận thức được rằng mình đang tồn tại và chiến đấu. “Chiến đấu” chứ không phải “làm việc”. Ta phải luôn dung dưỡng trong tâm trí mình sức đề kháng mãnh liệt nhất có thể để chống chọi lại với cái đòi hỏi bản năng trần tục từng giờ từng phút. Sự thèm thuồng. Nhu cầu muốn được ăn uống. Muốn thỏa mãn cơn co thắt của gan ruột và phản ứng bài tiết dịch vị của vòm miệng. Sự thèm ăn ám ảnh cả vào trong giấc ngủ. Ban ngày đổ tống tháo sức lực ra với xà beng búa tạ, với gióng gánh cuốc xẻng, vậy mà đêm đêm, lứa trẻ trai mười tám đôi mươi chúng tôi gặp toàn những giấc mơ ngon. Tuổi đương độ phát tiết anh hoa chung sống vui đùa bên những cô gái xinh tươi ngon giòn con mắt mà hiếm hoi những mộng mị đẹp. Năm thì mười họa mới có được bữa liên hoan bồi dưỡng khi sơ kết quý hoặc sáu tháng kế hoạch. Lúc đó mới nghe được vài thậm thụt nhỏ to ngoài bãi đá vào giờ giải lao: “Hồi hôm tau bắn máy bay…!” Môt khoái cảm điều tiết tự nhiên rất người mà mất hút giữa giai đoạn sung mãn nhất. Nó như thứ van xả tự động của một nồi hơi khi bị nén quá đầy. Than ơi! Chúng tôi những năm tháng đẹp đẽ nhất của một đời người vậy mà mấy khi được lèn nén để mong bật xả…

     Để giải tỏa nỗi thèm thuồng bu bám luôn dày vò. Những câu chuyện kể về món ăn ngon, những bữa ăn no đầy đã chìm khuất từ hồi tu huýt tu lai nào đó lại được đào xới lên, dọn ra bày biện chi li lại cho nhau thụ hưởng. Hâm nóng ký ức ngon miệng ấy mà cảm nhận dịch vị đang lén lút đẫm ướt vòm họng. Sợ bè bạn trêu cười, thỉnh thoảng có đứa lại tìm cớ quay mặt về hướng khác, như thể đang làm một việc gì đó bất chợt nghĩ ra. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết tỏng rằng bạn mình vừa giấu đi một lần nuốt nước miếng.
     Quy luật cung cầu lại tìm cách nảy nòi. Mỗi đội sản xuất vài trăm công nhân lao động. Với đồng lương chỉ mang tính ví dụ vậy mà rồi cũng có người biết chắc bóp để xoay xở sinh lợi. Ban đầu chùng lén thăm dò, sau không thấy cấp trên có ý phê phán gì nên mạnh dạn công khai. “Bung ra” làm ăn bài bản hẳn hoi. Những tay “Cơ hội” lanh lẹ ấy tranh thủ từng thời gian nghỉ hiếm hoi liên hệ ngoài chợ thị trấn An Tân lấy hàng về bán lại cho anh em trong đơn vị. Chủng loại không lấy gì làm phong phú vì chưa “trường vốn”. Song chỉ vài mặt hàng “nóng” thôi mà đã giải quyết được biết bao nhiêu cái miệng háu ăn giữa thời buổi khủng hoảng dinh dưỡng trầm trọng ấy. Ngoài hai mặt hàng chủ lực chạy nhất là bánh chưng nhưn thịt heo mỡ và kẹo đậu phụng. Những “Đầu nậu” này còn “kinh doanh” thêm đường bát, thuốc lá và vài loại nước ngọt có ga. Một loại hàng hóa nữa cũng đã được dấm dúi tuồn vào nhưng phải bán chui và chỉ dành riêng cho “khách ruột”. Nghĩa là dạng bạn hàng cực kỳ “uy tín”. Uống rượu mà không để cho người khác phát hiện ra mình vừa lai rai vài ly ba xi đế. Có cho thêm vàng cũng đố đứa nào dám ăn gan hùm mật gấu mà để người ta thấy mình say rượu! Sợ kỷ luật. Từ khi xuất hiện mấy cái “Quán” tài tử này thì hầu như đám trai trẻ chúng tôi không còn biết đến tiền là gì nữa. Tới tháng nhận lương, chủ quán “bắt tay” với tài vụ xử lý nhanh gọn khoản “thu nhập gọi là” sau cả một tháng trời trần lưng ngoài bãi đá mặc cho mưa nắng đỏng đảnh thất thường. Từng đoàn công nhân xếp hàng dài chờ vào văn phòng Ban chỉ huy để ngoáy một phát vào cái ô hình chữ nhật bé tẹo trong sổ lương đơn vị là xong! Mọi thừa thiếu được “lũy kế” vào cuốn sổ nợ đời trong tay chủ quán. Thường thì thiếu lại chút ít. May mắn lắm mới gần trùng khít với khoản lương được nhận. Lâu lâu, đứa nào được giải quyết cho phép về thăm nhà thì cả nhóm bạn chơi thân với nhau phải quyết tâm cao độ, ăn nhín nhịn thèm, tránh trớ hàng quán như tránh bệnh dịch, dứt khoát hạn chế ghi sổ  dành lại chút ít chung vào để bạn có đủ tiền tàu xe và “quà bánh đại khái” cho một chuyến thăm nhà. Cứ thế mà xoay vòng, cho nên cả năm trời mới có dịp về thăm cha mẹ anh em ruột thịt đôi ba bữa. Cũng do vậy mà truyền miệng câu nói vui: “Tăng xin giảm mua  hút tuyệt đối để đi đến giai đoạn xin toàn diện”. Một cách phê phán nhẹ nhàng những ai ky bo chuyên chôm chĩa lợi dụng sự hào phóng của người khác, mà cũng vừa tự chế nhạo, dặn dò mình bớt tiêu pha vung phí.
     Có vài tay “khôn lõi” không thèm “mở quán”. Phần sợ khó thu hồi vốn  phần nhát gan không dám kinh doanh, thương trường là chiến trường kia mà, người xưa đã từng dạy rồi, lơ tơ mơ chỉ có nước “sạt nghiệp”. Đó là những tay có sẵn máu đỏ đen di truyền. Cờ bạc thì dứt khoát chẳng ai dám nghĩ tới rồi, song mưu ma chước quỷ ở đầu óc của hậu duệ Đổ Bác lại sáng tạo ra được vài hình thức mới. Ăn thua rất cay cú nhưng khó có thể quy trách nhiệm để xử lý kỷ luật. Đó là các kiểu cá độ. Ban đầu cũng do mấy thằng “hẻo” quá khơi mào. Những đứa ăn nhiều, ăn không biết no. Nhỏ người mà lớn bụng. Lại hay đau ốm vặt, sức khỏe kém nên lương thấp. Cảm giác đói thèm vô phương chữa trị. Mấy tên này đương nhiên được xếp loại “Tín nhiệm thấp” chót bảng. Không được chủ quán để mắt tới chào đón như những “thượng đế” khác. Thường xuyên chầu rìa góp chuyện vặt quanh những bữa ăn bồi dưỡng của đồng đội. Mắt hau háu nhìn vào từng miếng cắn miếng nhai của mọi người mà nói tầm phào, chẳng đâu vào đâu, cốt để lấy cớ nhìn người ta ăn cho đỡ thèm. Nhân nói vu vơ ấy mà nuốt nước miếng. Thông điệp thường xuyên như một thứ phép màu của mấy tay này là chuyên thách độ:
-         “Ơ! Tau có thể ăn gọn một cặp đường đen…”
-         “Tau có thể xơi tái 5 phong lương khô 701…”
-         “Tau có thể giải phóng 5 cặp bánh chưng..”
-         “Ơ! Tau có thể … một gói kẹo đậu.v.v. và v.v…” Đứa mô dám độ không?
     “Nhỏ người to con mắt” là kiểu ví von của ông bà mình ngày xưa nhằm chê trách những kẻ háu ăn. “Vào độ” thua sặc máu nhưng còn biết cách nào? Ký sổ không được! Vay mượn không xong mà cái sự thèm kia nó bất kể chi nhướng, không biết tự lượng thân phận bọt bèo. Mà không biết cái thứ nước miếng khốn khổ đó ở đâu ra mà nhiều đến thế, cứ đầy ứ miệng mồm làm tình làm tội. Đành mặt dày mày dạn cố đấm ăn xôi, rồi ra kệ thây hậu họa, cùng lắm thì chịu trận cho chủ quán nó chửi bới chán chê rồi cũng qua một quận. Vậy là độ. Lúc đầu thì độ ăn bánh chưng, vừa no vừa béo, thanh toán cơn thèm lưu cửu hành hạ đêm ngày. Mức khởi điểm như người ta tổ chức đấu thầu là 5 cặp bánh chưng. Đa số chào thua khi lột vỏ cái bánh thứ năm, nghĩa là chưa giải quyết trọn vẹn 3 cặp bánh, thế là thua độ, phải chịu trả tiền mức phạt gấp đôi số thách độ ban đầu, cũng có nghĩa là phải chịu ghi nợ chủ quán 10 cặp bánh chưng để dành cho mấy tay “Thầu độ” ăn dần không mất tiền. Tôi là một trong số không nhiều những tên thua độ ở cặp bánh thứ tư. Trợn mắt nín thở để giữ cho khỏi mửa trào ra ngoài phần mình vừa ngốn qua cửa miệng. Cầm cái bánh thứ bảy lột vỏ mà nước mắt lưng tròng. Trước mắt mình không còn là cái bánh chưng đầy cám dỗ vẫn hằng mơ ước mà là một hình khối chữ nhật bằng nếp nấu nhuyễn có các số đo thể tích 8cm x 8cm x 4cm đầy trêu cợt và mai mỉa. Giới hạn thời gian quy định nghiệt ngã của trận đấu đã gần hết hạn. Thế là thua, là chung độ trong sự nhục nhã ê chề vì miếng ăn đầy tủi hổ.
     Mức thách 5 cặp bánh chưng dừng lại khá lâu, biết bao nhiêu hảo hán đành cúi đầu khuất phục. Những tay thầu độ vênh váo cậy tiền khinh người ra mặt. Vậy mà một chiều, khi công nhân đang tắm rửa sau buổi làm mệt mỏi ở những cái giếng nước tự đào quanh xí nghiệp, bỗng dậy lên tiếng hò reo vang động một góc trời. Té ra bên đội 2 đã xuất hiện anh hùng cái thế. Chàng ta dõng dạc tuyên bố sẽ giải phóng gọn 10 cặp bánh chưng sau thời gian dài náu mình im tiếng. Trời đất ơi! Vậy mà anh ta đã thắng. Một chiến thắng vinh quang vỗ mặt mấy tay thầu độ cậy thế hiếp người. Hay tin, cả rừng người tụ tập trước sân xí nghiệp, ai nấy đều nghe hả lòng hả dạ, tung hô khen ngợi không tiếc lời, kẻ đã rửa được mối hận thèm ăn thua độ của mấy trăm con người ôm nỗi hờn căm nuốt cay đắng vào lòng, vừa mất tiền vừa chịu tiếng đời thị phi báng bổ bấy nay. Thói thường ai cũng khó ưa những tay thầu độ, như tâm lý ghét người giàu có hợm hĩnh của kẻ nghèo hèn. Song ông trời lại quen thói phù thịnh chớ chẳng phù suy, nên chi ngậm ngùi kia của lực lượng thèm ăn kìm nén lâu ngày nay được dịp bùng vỡ, một hạnh phúc lạ lùng xoa dịu niềm thống khổ trầm luân đè nặng biết bao đầu xanh tuổi trẻ. Chàng trai lâu nay vốn vô danh tiểu tốt, không một chút tài vặt thời thượng như mọi người, chìm khuất vào đám đông câm lặng, bỗng chốc đổi đời. Sự nổi tiếng đã đem lại niềm vui lớn cho không chỉ riêng anh, anh trở thành bạn bè thân thiết của cả xí nghiệp. Sau kỷ lục bánh chưng, kỷ lục kẹo đậu phụng, kỷ lục lương khô cũng lần lượt xuất hiện và thi thoảng bị phá vỡ. Nhưng có một kỷ lục lạ đời chắc chắn rằng chỉ Việt Nam mình mới có. Đó là kỷ lục đập đá tảng bằng búa tạ…

       Để phong phú thêm hình thức thi đấu nhằm tăng phần thú vị hấp dẫn trong các cuộc tranh tài. Giới thầu độ nghĩ ra được nhiều cách gầy độ và “gài độ” hiểm hóc, làm điêu đứng dân chơi thèm ăn cay đắng, những trận thua xiểng liểng tức mửa mật. Kỳ lạ ở chỗ là bầy thiêu thân vẫn không hề biết sợ, danh sách “tử trận” cứ nối dài theo những trận cười nói hò reo vang động công trường. Những bàn bạc trao đổi phương cách thi đấu được truyền tai nhau. Cũng bày ra chiến thuật chiến lược đấu sách hẳn hoi mang tính “có nghề” phù hợp cho từng trận giao tranh nảy lửa. Kinh nghiệm về cách ăn như thế nào để giảm no, giảm ớn được đề ra. Làm thế nào để chống lại cơn co thắt nôn mửa khi thức ăn đã tràn lên cổ? Tắm trước hay tắm sau khi thi đấu v.v. và v. v…Cũng đã gặt hái được kết quả hữu hiệu. Nhưng sự ranh ma quỷ quyệt của đối phương cũng chẳng hề thua kém. Những ràng buộc về thể thức thể lệ thi đấu được bổ sung liên tục để phù hợp với tình hình “chiến sự” diễn ra ngày càng éo le và khốc liệt. Để cổ súy phong trào, tập thể đã phân hóa hình thành rõ rệt lực lượng giữa hai giới tuyến. Giới thầu độ và đám chủ quán ăn theo tuy ít ỏi thành viên nhưng lại nắm quyền sinh sát trận địa. Ngược lại, nguồn cổ vũ lớn lao và niềm cảm mến sẻ chia “chiến hữu bị loại khỏi vòng chiến đấu” đã hâm nóng gắn kết tình đồng đội của đông đảo phe bại trận. Danh sách các loại hình thách độ quái chiêu đã xuất hiện thêm những kiểu độ nực cười. Độ đục lỗ bắn mìn xem cặp thợ nào đục nhanh hơn, năng suất hơn. Độ đập đá 4x6 bằng búa con 1kg sau thời gian quy định xem ai có khối lượng sản phẩm cao hơn. Độ đọc thơ, ca dao bắt vần. Siêu nhất là vụ độ răng, giả hay thật, quả này đã làm điêu linh biết bao nhiêu tay hiếu kỳ phải ôm hận ngậm bồ hòn làm ngọt. Cho đến tận bây giờ dầu sự việc xảy ra đã gần 40 năm rồi, mà nghi án vẫn còn treo lơ lững. Chẳng biết cuối cùng rồi hàm răng đẹp đẽ, đều tăm tắp và trắng ngà ấy của anh Dũng là răng thật hay răng giả…?

     Trong kỹ thuật khai thác đá thủ công, người ta cho phép sử dụng một lượng thuốc nổ phù hợp để dùng vào những trường hợp gặp tảng đá nhỏ, không đủ điều kiện để đục lỗ bắn mìn. Định lượng thuốc nổ tuy vừa phải nhưng cũng không đạt chỉ tiêu tiêu hao vật liệu nổ quy định. Đó là phương pháp đánh mìn “Ốp”, tức kẹp khối thuốc nổ vào một điểm phù hợp, nổ tác động để làm nứt vỡ tảng đá ra cho công nhân dùng búa tạ tiếp tục đập thành đá hộc 25x30. Từ khi có “chiêu” độ đập đá tảng, rất nhiều tay nghề đã được nâng lên, người ta tìm kiếm biện pháp tối ưu nhất để thực hiện những ràng buộc hết sức hóc hiểm của cuộc đua tài. Ngoài giá trị vật chất là bánh chưng, lương khô, kẹo đậu v.v… thì tính tự ái của người thợ khai thác đá trước anh em đồng đội cũng đã bị thách thức. Thua độ không chỉ đơn giản là thua phần bánh quà đã giao kèo, mà còn có nghĩa chứng tỏ mình tay nghề kém cỏi trước bàn dân thiên hạ, những đồng đội đồng nghiệp luôn chung cùng mưa nắng vui buồn, danh dự nghề nghiệp bị tổn thương, ai mà chịu cho được. Vì vậy, những cuộc độ đập đá tảng luôn thu hút đông đảo khán giả, tất cả đến để xem cho vui và cũng đến để học hỏi kinh nghiệm của nghề nghiệp. Trong đông đảo tay chơi này, có khoảng chục người xứng đáng với sự kính phục của tập thể. Đó là những anh lớn tuổi, vào khoảng trên dưới 30, anh Phạm Hưng, tổ trưởng tổ tôi là người được toàn công trường ngưỡng mộ. Vốn là một Hạ sỹ quan Quân Vận, bị bắt làm tù binh vào năm 1972, được học tập cải tạo trên Trường Sơn, sau giải phóng anh được bố trí về tham gia Công trường Đường Sắt Quảng Nam – Đà Nẵng. Phạm Hưng người thấp đậm, vạm vỡ, giỏi võ, tính tình trầm lặng, chuẩn mực và tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Anh không bao giờ tham gia vào những trò nhố nhăng cá độ, chỉ đơn giản “Giữa đường thấy việc bất bằng mà tha”. Khi gặp những cuộc độ có tảng đá quá lớn, thể tích hơn nửa mét khối, mặt tiếp xúc oái ăm, không có điểm để đập búa, thường thì đó là những tảng đá to tròn bị bỏ lại vì không mấy ai có thể đập nổi. Trong khoảng 15 phút giải lao giữa buổi làm việc, những tay thầu độ treo giá rất cao để lôi kéo những thằng tay mơ hám ăn vào tròng, việc thua độ đã sờ sờ trước mặt. Lúc ấy anh Phạm Hưng lặng lẽ vác chiếc búa 10kg của mình bước đến giải quyết giúp vụ việc, chỉ trong vòng 10 nhát búa hoặc 10 phút quy định tùy theo thỏa thuận của hai bên. Anh nhẹ nhàng điều khiển tay búa điệu nghệ. Cả công trường nín thở, không khí ngột ngạt bao trùm. Bục! bục! bục… cạch! cạch…! tảng đá kiêu kỳ thúc thủ vỡ toác ra sau một tiếng nổ khô gọn. Cả một khoảng bãi tưng bừng tiếng hò reo vang dội, người ta nhào tới bắt tay, cảm ơn rồi công kênh anh như một anh hùng. Cũng điềm đạm và lặng lẽ như vốn tính trời, Phạm Hưng khiêm tốn từ chối niềm “vinh quang bánh kẹo” trở về vị trí của mình, rời xa nơi vừa là một cuộc đấu trí lực đầy căng thẳng. Những lúc vắng im, anh em ngồi với nhau, anh Hưng chỉ vẻ cho những ngón nghề độc đáo. Sở dĩ anh không bao giờ chịu chào thua những tảng đá đầy thách đố ấy, là vì anh biết cách vận công, điều khí, thở sâu, tập trung khí vào huyệt đan điền dưới bụng, đôi tay cầm búa uyển chuyển, khi lơi khi chặt nhất nhất tuân thủ từng giây phút vận hành cơ năng để ra đòn. Anh bảo: “Như người võ sỹ xử dụng binh khí, phải biết hợp nhất giữa con người và binh khí vào lúc quyết định để tăng công lực, người ta thường bảo nhân kiếm hợp bích là vậy…” Quả thật, từ bài học được anh chỉ giáo, tôi tuy nhỏ con gọn người nhưng sau này cũng đã trở thành một công nhân đập đá không có đối thủ ở những đơn vị mới, tôi chưa từng chịu thua bất cứ một tảng đá to tròn nào khi đã quyết định ra tay với nó.

     Bây giờ bạn bè cà phê cà pháo bù khú cả ngày cả buổi với nhau là chuyện không vấn đề, chớ thời ấy đối với chúng tôi “Cà phê” không có trong từ điển của mỗi thằng con trai đôi mươi phơi phới. Ăn! Đúng. Chỉ béo và ngọt mới là mối quan tâm “đầu hàng” đòi hỏi luôn ở trong nhớ nghĩ. Chả bao giờ nghe đứa nào rủ nhau ra An Tân để uống cà phê cà pháo chi cả. Có mà điên! Mỗi tháng 4 chủ nhật thì mất 2 cái chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa rồi. Đó là tính những tháng làm việc bình thường chớ nếu vào chiến dịch thì “Thèng mô con mô núa chủ nhựt? Chỉ mẹt tau coi thử? Thứ tốm chớ!”. Hai chủ nhật được nghỉ chỉ quanh quẩn trong xí nghiệp, ai muốn ra thị trấn chơi phải xin phép và được sự đồng ý của Phân hội trưởng Thanh niên hoặc Tổ trưởng sản xuất. Mà ra chợ cũng chẳng để làm gì, đã vài lần ghé vào quán cà phê nhâm nhi trông sành điệu đấy nhưng cái ngon của thú thưởng thức cà phê nó quên mình mất rồi. Lang thang vài lần. Chán. Ở nhà chơi có khi hay hơn vì còn bạn bè đồng đội, tào lao xịt bợp hoặc giã hát hò với nhau cũng nghe khí thế. Ra thấy “người ta” ngẫm lại thân phận mình nó sao sao ấy! Cuối cùng rồi trời ta ta ngồi đất ta ta đứng, chẳng phải nghĩ ngợi nhiều. Rối!

     Cả 4 đội sản xuất “châu tuần” quanh xí nghiệp có đâu chừng sáu bảy cái “Amateur Quán”, không đủ nội lực để phục vụ cho một lượng khách quá sức đông đảo. Tuy vậy, hình thức “kinh doanh” này chỉ phát huy được vụ ký sổ. Tức là mua chịu nợ thoải mái đợi đến kỳ lương rồi tính! Còn “nhu cầu thoải mái” đúng nghĩa để tận hưởng cái thú “tiêu tiền” thì lại hiềm rằng “xa xỉ”, hầu như “viển vông”. Mỗi công nhân được bố trí một giường ngủ cá nhân, giữa hai giường là lối đi nhỏ. “Tư trang gia sản” tất cả cất giữ trong ba lô hoặc cái thùng gỗ vốn đựng thuốc nổ để đánh mìn, một dạng “rương hòm” rất hiếm quý, chỉ có bọn “đẹp người đẹp nết” hoặc giỏi làm thân với “trên” mới sở hữu được. Nó tiện dụng ở chỗ có thể khóa lại để bảo vệ được “tài sản” riêng tư. Tất tần tật đều phải xếp đặt gọn gàng trong không gian thuộc quyền “sổ đỏ” của mình, vì vậy mà việc “giao thương” cũng xem ra hơi bất tiện. Thỉnh thoảng để đổi gió và trốn đi hát nhạc “trước 75” cho nhau nghe, chúng tôi mò ra cái quán duy nhất của dân sở tại ngay đầu con đường độc đạo từ Quốc lộ I dẫn vào công trường. Từ nơi này đến khu tập thể chúng tôi cách một tầm hú gọi, đủ an toàn cho những riêng tư lén lút, tránh sự quản lý theo dõi của Ban chỉ huy và “tai mắt” dòm ngó đáng phải kiêng dè. Cả một vùng đồng không mông quạnh do ngày trước phải di dời trắng vì khu quân sự Phi trường Chu Lai của quân đội Mỹ. Sau giải phóng chẳng hiểu sao lại chỉ mỗi một ngôi nhà dân nằm hiu quạnh ở chốn này. Để vào quán, bạn phải đi qua một con đường nhỏ sát chuồng trâu quanh năm lầy lội vì phân chảy tràn ra ngoài. Cái thứ nhèm nhẹp nồng khai lưu cửu sền sệt xanh đen bỏ đi của trâu bò theo chân thực khách vào đến trong nhà. Đó là một thực thể gọi là “Nhà” được vá víu bằng đủ thứ vật dụng và “vất liệu”. Cả không gian ẩm mốc vì u tối, nóng hầm hập, mái nhà sùm sụp trên đầu vì quá thấp. Chen chúc trong cái gọi là nhà ấy là một gia đình hơi kỳ dị, người chồng đầu luôn cạo trọc, nước da gầy xanh khó đoán tuổi, ước chừng khoảng giữa của ba hay bốn chục gì đấy. Lúc nào cũng thấy anh luôn khom cúi người có lẽ do phản xạ tự nhiên, tay chân lóng ngóng vụng về. Chẳng mấy khi nghe anh trò chuyện ngoài vài tiếng ừ hử lấy lệ lúc khách hỏi thăm một điều gì đó. Sự “Khai sinh” và “Thương hiệu” của cái quán này đúng là sáng tạo nghệ thuật của một đầu óc phong phú tưởng tượng, xứng đáng xếp vào hạng “Thiên tài”. “Quán Hai Nhớp”. Chẳng ai biết được người chủ nhà tên gì, để cho phải phép, chúng tôi gọi là “Anh Hai” vì anh lớn tuổi hơn đám lau nhau chúng tôi rất nhiều. Sau ai đó phong thêm cho cái tên đặc hiệu nói trên vì sự tinh túy của cung cách làm ăn và chất lượng hàng hóa mà anh đang kinh doanh phục vụ. Hai Nhớp vô tư đón nhận danh hiệu cao quý từ trên trời rơi xuống chẳng chút tự ái giận hờn hay tỏ vẻ khó chịu, Anh thuận lòng sự đặt để ấy như rằng nó đúng chính là của anh, chỉ anh chứ không phải bất kỳ một ai khác được phép xâm phạm bản quyền. Bên cạnh Hai Nhớp là cái bóng của bà chủ nhà cỡ ngoài 30 có vẻ bệnh hoạn, nước da vàng vọt, khuôn mặt bủng beo mà đầy chịu đựng, cứ loay hoay trong bếp. Có bốn đứa trẻ vừa trai vừa gái mũi dãi lều phều và cóc ké sài đẹn treo trên người những tấm vải nhàu cũ cáu bẩn trước đó được gọi là quần áo, phất phới chạy nhảy lung tung trong cảnh giới ấy cho thấy còn chút sinh khí của sự hoạt động. Quán bán những món hàng vặt vãnh quen thuộc, mấy gói kẹo đậu phụng, một lọ thủy tinh đầy vết dấu tay đựng kẹo ú, xâu bánh chưn treo tòong teng bên cửa sổ, chồng bánh tráng đựng trong bao nilon vàng đục. Dưới nền nhà nhớp nháp dựng vài chai nước ngọt hình như đã quá hạn sử dụng vì nắp ken rét rỉ. Trong tủ lưới bé nhỏ vẹo vọ móc hờ một ổ khóa chắc để “phòng người ngay” chỏng chơ mấy gói thuốc lá rẻ tiền, chồng thuốc rê đen được cắt miếng vuông vắn. Sát góc tủ là cái can nhựa cũ kỹ đựng rượu Quảng Ngãi. Thứ rượu được cho rất nặng đô và khó nuốt vì bị pha chế thêm nước lạnh cộng với lung tung các thứ độc hại để kiếm được nhiều tiền lời. Điều đặc biệt lôi kéo khách hàng ở cái quán này là bánh đúc. Vợ Hai Nhớp loay hoay dưới bếp để làm bánh trong mấy cái rỗ tre, mẹt tre và kể cả mấy cái bịt mõm bò lót lá chuối. Bánh làm bằng gạo đỏ, hấp trong cái thùng tole móp méo dưới căn bếp lộn xộn thau chậu soong nồi và bù hóng mạng nhện. Khi có khách vào ăn, bánh được cắt ra thành từng miếng xinh xắn tùy theo giá tiền bởi một con dao bạ đâu vất đấy, Hai Nhớp ngó dáo dác tìm lấy dao rồi quẹt đại vào bất kể thứ gì trong tầm tay, coi như chùi cho sạch trước khi cắt. Đôi tay bẩn thỉu bốc mấy lát bánh bỏ vào một cái dĩa nứt rạn rồi đặt lên bàn trước mặt những “thượng đế” lúc nào cũng sẵn đói thèm, Hai Nhớp múc mắm cái trong một thẩu nhựa vo ve ruồi nhặng đổ vào một cái chén đất, hai ba người cùng chấm chung chén mắm ấy, nếu có ai kỹ tính lắm thì đem thêm chén lên để khách ăn riêng. Kinh khủng nhất là những chén mắm cái còn sót lại khi khách ăn xong, tất cả đều được Hai Nhớp dùng chiếc đũa tre mốc xì vớt lọc bỏ những vụn bánh nằm lẫn trong mắm rồi vét sạch vào cái thẩu đựng để ở trên bàn, đợi múc ra bán tiếp cho những “Thực khách” quý hóa đến sau. Lối “quay vòng mắm cái đã qua sử dụng” ấy diễn ra công khai trước mắt mọi người, mặc cho rất nhiều phản ứng, phê phán kể cả to tiếng, Hai Nhớp chẳng chày cối phân bua làm gì cho phiền, cứ lẵng lặng làm cái việc mà mình dứt khoát là đúng với lý lẽ rất căn cơ: “Cả nhà tui cũng eng chung thẩu mắm đó rứa mà, méc mớ chi mô…”. Đúng chẳng “méc mớ chi mô” thật. Bằng cớ là dẫu có biết rằng mình đang ăn vào bụng loại bánh đúc chấm mắm cái mất vệ sinh nhất trong lịch sử hàng quán, ở cái quán mất vệ sinh nhất thế giới ăn hàng bỏ chợ, nhưng còn làm bộ làm tịch với ai đây giữa nước non này, khi cái sự thèm lạt lên ngôi, không cưỡng lại nổi với nó, không thể chống lại sức quyến rũ chết người của miếng ăn. Nên nói chi thì nói, mất vệ sinh cũng được, bẩn thỉu cũng được. Đã chết ngay tại chỗ thằng nào con nào trong quán Hai Nhớp đâu mà phải dè chừng. Chúng tôi cứ an nhiên tự tại mà ăn, mà ghi sổ để đời, mà: “Thôi! Ra quán Hai Nhớp ăn bánh đúc hè!” Rứa là đi, rứa là xăng xái đến với thế giới riêng tư tự do thoái mái nhất dưới gầm trời này của chúng tôi để ăn, để chuyện trò đã đời và hát những bài hát cũng thèm thuồng không kém hành hạ kêu đòi. Để được còn thấy mình nguyên vẹn một niềm lạc thú yêu sống đúng nghĩa, dầu rằng cái nghĩa lý ấy đã bị giảm giá ít nhiều trước một dời đổi không do một ai trong chúng tôi được quyền định đoạt, kể cả số phận của chính mình.

      “Quán Hai Nhớp của chúng tôi” đình đám suốt một thời gian dài. Thương hiệu được bảo chứng không chỉ riêng cho khu vực công nhân mà còn danh giá tiếng tăm ra tới ngoài thị trấn An Tân phố chợ. Nó thỏa mãn xoa dịu những cơn khát thèm vô tội vạ của tuổi trẻ Mỏ đá Chu Lai những năm sau 1975 nhiều gian khó. Cả đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến hai thế kỷ ròng rã tên bay đạn lạc. Sự đói nghèo hiện hữu trên từng khuôn mặt người, trên từng ngóc ngách của đời sống. Phải gắng sức lên thôi. Ai cũng tự dặn lòng an ủi vậy. Thôi! Đã được hưởng cảnh đất nước yên bình, còn mong gì hơn nữa? Những người còn sống hôm nay là những hạt gạo trên sàng quý giá và phúc phận. Chút túng khó bước đầu là tất yếu của quy luật phát triển, rồi ra mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Bên cạnh hậu họa của tang thương mất mát là những đổ vỡ cần phải hàn gắn. Từng con người đứng trước những thách thức vượt quá sự chịu đựng mà chỉ có mỗi một lựa chọn hay nói cách khác là đã được cuộc sống lựa chọn giúp rồi, ta chỉ vậy mà an tâm đi tới trên con đường đã được hoạch định. Nuôi dưỡng niềm tin trong sáng ấy, chúng tôi đã cười đùa và ca hát, đã lăn lưng phơi mặt tưới từng giọt mồ hôi ấm nóng tình đời để được sống và làm việc, một công việc quá nhiều ý nghĩa cao quý và một cuộc sống ước mơ ở thì tương lai chờ đón. Nhờ vào tâm thế ấy và cũng mang tâm thế ấy chúng tôi bay trên đôi cánh tuổi trẻ mang nhiều dự phóng vào ngày mai sáng lạn. Cái “Ngày mai” đẹp đẽ huy hoàng cứ mải mốt chạy về phía xa xăm chẳng đếm xỉa gì đến những kẻ đeo đuổi theo nó trên một hành trình vô hạn định. Tuy vậy, nơi cái xó trời đất hoang vu này chỉ giàu có mỗi nắng mưa và gió, những ngọn gió từ biển thao thiết réo gào từng khi  biển động, đem cái lạnh thấu xương ban tặng hào phóng cho từng tấm hình hài trai trẻ, làm bừng thức cơn đói thèm đêm đêm không ngủ, đêm đêm lại rủ rê về những giấc mơ ngon, tiếng chép miệng giòn vang trong khuya vắng từ giường ngủ đồng đội cứ nhắc nhở gọi mời, trêu đùa vào bụng dạ sôi réo làm đầy lên những nỗi niềm buồn tủi.

      Lâu lâu, đói, thèm mà vô phương giải quyết vì đêm đã chìm vào tĩnh lặng. Tôi thầm thĩ ngâm mấy câu thơ tình cho đỡ nhớ cái ăn. Thằng Chỉnh càu nhàu trở mình, thằng Trọng lé mất ngủ đổ quáu:
- “Bớ xồm bớ lốp! Eng không có eng còn bày đẹt yêu! Kẹt họ!”
                                                                 
                                                              Tam Kỳ - khuya cuối đông
                                                                 Nguyễn Đức Dũng