Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Tập làm văn lạc đề



Như ngày và đêm
như anh với em
mưa/ nắng
vui/ buồn
hai mặt của đồng tiền
dung hòa cuộc sống

ta tan vào nhau hạnh phúc

chịu đựng

ngọn núi soi mình vào giòng sông quê xứ nên thơ
bốn mùa gió thuận mưa hòa đất trời tươi nhuận

ngày nắng lên cây lá khoe xanh
đêm dịu xuống hương hoa mời gọi
mọi sự vốn bình thường cân bằng nên giá trị
anh sẽ biết ơn em

anh sẽ biết ơn em

chỉ có nghĩa khi chúng ta có nghĩa
được vẹn nguyên trong cuộc dung hòa
em ơi khôi hài lên ngôi sân khấu
là cuộc đời bi kịch thăng hoa

22/8/2013
Nguyễn Đức Dũng

Ngỡ một khuya Chàm

Phồn thực

Ngỡ một khuya Chàm

Biết xếp vào đâu biết ghép vào đâu rạn vỡ một cô đơn
hai tay anh khuấy cuộc điêu tàn
đời ngổn ngang tự thuở

Anh như gạch thừa ra giữa đền đài sụp đổ
mưa buồn rụng tóc hoang mang
gió độc hành rêm đau thung lũng

Phồn thực bày ra kiêu hãnh gọi mời
sức vóc nào không tan chảy
một mình anh một xanh rêu

Một mình em vú mớm phù điêu
bạo liệt chân thèm bụng rướn
vô hạn khuya rồi nhún lạnh đòi yêu

Biết xếp vào đâu biết ghép vào đâu
anh gạch mộc lạc loài chưa quá lửa
này em múa đến bao giờ!?

                                             Tam Kỳ 21/9/2013
                                            Nguyễn Đức Dũng

Đơn chiếc

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Trung thu "Nhà Mẹ Hạnh"



Vui Trung thu ( ảnh Nguyễn Bá Hòa)


Trung thu “Nhà Mẹ Hạnh”
                                                                                     Ghi chép

Các cháu ở Trung Tâm (ảnh Nguyễn Bá Hòa)
       “Nhà Mẹ Hạnh” đây là Trung tâm NUÔI DƯỠNG TRẺ MỒ CÔI SƠ SINH QUẢNG NAM, ở xã Tam Đàn huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam. Mẹ Hạnh, chị Võ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm, một phụ nữ rất hiền, khoảng vào bốn mươi, và các Mẹ, nhân viên làm việc ngày đêm nơi này, được xem như  đông “con” nhất cho tới thời điểm bây giờ.
       Để hơn 80 trẻ có thân phận thiệt thòi ở đây được hưởng một mùa Trung thu sớm. Mới mùng mười tháng tám Âm lịch. Phạm Sa, tức thi hữu Sa Hoài Nhân và anh Kiều Thái Huy, hai ông nông dân thứ thiệt của thôn Cẩm An xã Duy Trung Duy Xuyên đã sốt sắng tặng một bộ Lân, Địa, quạt đủ bộ lệ lên đường đi xe buýt vào. Tôi và anh Nguyễn Bá Hòa với cái phong bì, “quà” định kỳ của một nhà giáo hưu ở Tam Kỳ. Chúng tôi gặp nhau tại ngã ba Kỳ Lý, chuẩn bị thêm một thùng bánh trái đơn sơ lên thăm các cháu. Như lệ thường, vừa thấy dáng chúng tôi, các cháu đã ùa ra chào đón, gọi tên từng người tíu tít vì đã quen mặt biết tên. Những đôi mắt rực sáng khi trông thấy đầu lân mang đến, những vuốt ve sờ soạng một cách vừa vồ vập vừa nâng niu. Những nhận xét dứt khoát ra vẻ rành rọt của các cháu khi so sánh ”Nó” với những đầu lân mà chúng trông thấy ở xóm, ở tiệm đâu đó. Làm chúng tôi mủi lòng. Ngoài kia, những tiệm bánh trái và quà chuẩn bị cho một cái Tết thiếu nhi đang rộn rịp và thực sự nóng bởi chủng loại và giá cả, những cái “bánh” Trung thu giá “khủng” đang làm đầy những trang báo thời sự hằng ngày với nhiều ý kiến khác nhau. Mặc kệ, nơi đây niềm vui đơn sơ mà có thiệt được tỏ bày và chia sẻ bởi cái tình người trong trẻo nhất, đáng yêu và đáng trân trọng vẫn được dặn lòng nhớ nghĩ.
       Bàn ghế được các cháu nhanh chóng bày soạn ra thành một vòng tròn giữa sân trong nhà, chúng tôi ráp đuôi vào đầu lân, nhìn lại đã thấy hai cu cậu chiếm dụng hai chiếc quần múa mặc bảnh chọe tự bao giờ. Các mẹ vội vã phân phát quà bánh, và tiếng hát, nhồm nhoàm trong những cái miệng nhai đầy kẹo nghe dài ra những giai điệu và tiết tấu lệch lạc một cách tội nghiệp. Bên cạnh tôi, một cu cậu chừng độ 5 tuổi, mải ăn quên phứt chuyện hát hò, thế là liền bị nhắc nhở ngay. Chúng tôi tuế tóa, thôi kệ! để các cháu thoải mái…
       Đội lân gồm bốn “chàng trai” coi bộ oai nhất nhà được gọi ra trình diện trước “sân khấu”. Tiếng trống bắt đầu dè dặt vang lên, như thể kiểm tra lại xem thử đây có thiệt sự là “của” chúng mình chưa, rồi dần nhịp nhàng cho buổi biểu diễn hứng khởi tràn một niềm vui con trẻ. Cũng từng hồi trống chào gia chủ kéo dài, cũng “ Cắc tùng tùng – tùng – tùng, cắc cắc tùng tùng – tùng – tùng…” vụng về mà đúng điệu, đoàn lân lắc lư từng vòng quanh đám khán giả đang hò reo tán thưởng. Ông địa mặc quần đùi lăng xăng líu xíu phe phẩy chiếc quạt quanh vòng rồi cùng rủ lân đến cúi đầu chào từng vị khách quen, từng Mẹ thân thiết của nhà. Chúng tôi, tất cả những người lớn tuổi chứng kiến buổi vui ấy không ai không cảm động, dấy lên một niềm thương yêu ở đâu đó lòng mình, mà, những vụn vặt bon chen vì miếng cơm manh áo, vì những toan tính đời thường để cố gắng giữ được còn chính là mình giữa rất nhiều khó khăn phải đối diện từng ngày. Tùng tùng – tùng – tùng - cắc cắc - tùng tùng – tùng – tùng… Tiếng trống vụng về từ đôi tay nhỏ nhắn ấy vô tư vang đều đặn cho niềm vui quá đỗi giản dị trước mắt kia, như nhắc nhở một thời ấu thơ đẹp đẽ được bao bọc trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ, của những người cật ruột chúng tôi bất chợt hiện lên một so sánh để thở dài, để ngậm ngùi thương thêm những khuôn mặt thơ ngây đang hân hoan cùng bánh kẹo và nhảy múa. Lân cũng ngủ, cũng cười, cũng gật cũng lắc, cũng cao trào bột phát một phấn hứng làm nổ tung trận cười và tràng pháo tay tán thưởng, khi cậu bé múa đuôi nhỏ nhắn đứng trụ tấn để cho cậu bé múa đầu cao to hơn mình tung người nhảy lên, quặp chặt hai chân vào hông của múa đuôi để cúi mình chào khán giả, sự mất cân bằng của trọng tâm làm cho chúng tôi phát hoảng, cứ sợ nó ụp mặt xuống nền bê tông thì nguy biết mấy, thế mà rất đáng khen, cả hai gồng mình chịu đựng thực hiện một màn múa chào không thua kém bất kỳ một đoàn múa có nghề nào, kể riêng cho đoạn kết hợp này.
       Sau hơn một giờ đồng hồ chung vui với các cháu, chúng tôi chia tay ra về trong tiếng chào lễ phép được vang lên từ mấy chục cái miệng xinh xắn còn thơm mùi bánh kẹo, còn tươi những nét cười. Ước sao nhiều thêm những lần ghé thăm của mọi người trong cộng đồng, ước sao nhiều thêm những bàn tay ấm áp nhân tình, để, các cháu nơi đây nhận thêm sự sẻ chia cần thiết, thêm những niềm vui tin yêu vào cuộc đời này.
                          
                                                                           Tam Kỳ 14/9/2013
                                                                          Nguyễn Đức Dũng

      

Múa lân (ảnh Nguyễn Bá Hòa)


Khuya với Đại Bường



Khuya với Đại Bường

Phận mình như trái treo cây
không nhau thôi chỉ đợi ngày để rơi

Vui chung quấn quýt phía người
sầu riêng cam nỗi nói cười với ai
bưởi bòng chẳng dám đơn sai
vì thương chua ngọt một hai giữ lòng

Buồn tình lên núi ngó mong
hay đâu khuya với một giòng sông trôi

                                              tháng 8/2013
                                         Nguyễn Đức Dũng
Bến đò ĐẠI BƯỜNG

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Giọng hát lạc loài



Ri i i… quá lâu trên thế gian này chẳng để làm gì thưa Mẹ!
con là con dế chó cô đơn ca ngợi nỗi buồn

Trong kẽ gạch ngôi nhà ấm cúng đất trời độ lượng,
lòng người giàu có phân minh
từng canh khuya con chuyên cần thiên chức hát ca
không lụy phiền ghét ghen gây hấn

Con ăn gió uống sương tụng niệm bài hát mẹ sinh ra
bằng đôi cánh mỏng manh chứng minh tồn tại
một sinh linh trên thế gian này
chút hạnh phúc nỉ non tầm thường mà định phận

Mẹ ơi con là con dế chó bé bỏng của mẹ
chậm chạp khù khờ (*)
không kiêu hùng như dế lửa dõng dạc dế than thánh thót dế tiên
đôi cánh bạc màu chẳng khiến đời ngưỡng mộ
đôi râu tội nghiệp ngo ngoe chẳng màng diễu võ dương oai

Nhưng là dế nên con phải hát
đến tàn hơi niềm ghẻ lạnh hân hoan

Ngoài cuộc hòa thanh dàn đồng ca vĩ đại trời cho
tự biết tài mình kẽ gạch ri i i…múa may nhàm mỏi
đơn điệu cao trào tỉ tê cảm xúc

Một lộng lẫy lạc loài
vương quốc

Mẹ ơi…!!!

18/9/2013
Nguyễn Đức Dũng




* Dế chó: Một loại dế màu nâu vàng, nhỏ con, không biết đá nhau, tiếng gáy đơn điệu và buồn

Thơ tặng nỗi buồn

Thơ tặng nỗi buồn
“ Gởi Tam Hải”

Ông gió còn có bà che
Riêng tôi vỏ ốc tự nghe tiếng mình

Khi không về biển thất tình
Một này với một bất bình đẩu đâu
Niềm chi thúng mủng đội đầu
Mà đem sóng nọ vỗ đau mặt ghềnh

Trăng ngồi với rạn nước lên
Lòng như nậu rỗi buồn tình hát chơi
16/9/2013
Nguyễn Đức Dũng

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Ghi ở góc trưng bày

Ghi ở góc trưng bày

giữa tưng bừng đèn hoa và sắc màu
nói cười và hò hát
ly tách cụng vào nhau
cà phê rớt vào nhau
nền nã và sự sành điệu
khuấy đều cơn vui cuộc buồn nỗi đời và thân phận

trong ồn ào vui vẻ kia là hòn đá vô ngôn
vớt lên sông suối quê nhà
vớt lên những vòng lăn mài tròn thăng trầm mặc khải
vớt lên triệu triệu năm cái buồn nổi vân
đẹp,
lặng lẽ một giá bày
thiếu sáng
hòn đá treo sự đơn chiếc kiêu bạc vào mảnh trăng hạ huyền
mờ tỏ góc trời
khuyết bạn

làng bày cuộc vui
linh đình lễ hội
khăn đóng áo dài
mũ mão cân đai rập rềnh chiêng trống
từng đám rước nối nhau tiền hô hậu ủng

trên giá bày tuyệt đẹp của cô đơn
như những đồng loại khiêm tốn sinh ra để lăn , nổi vân , lặng im và bất định
hòn đá được đặt tên
hòn đá được viết chữ
hòn đá đóng triện
nhẫn.

không cười ,
không nói.
tự làm riêng một lễ hội
cho…mình.

                                                         04 – 4 – 2008
        Nguyễn Đức Dũng

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

CHÙA LINH BỬU TAM KỲ : Lễ Bổ nhiệm Trụ trì & Đại lễ Kỳ siêu Bạt độ


Hội đồng Chứng minh Đại lễ

_Q/s1600/IMG_3133.JPG" imageanchor="1" style="margin-left: auto; margin-right: auto;">



Hội đông chứng minh lễ bổ nhiệm


Tân Trụ trì- Đại dức Thích Viên Hải
LỄ BỖ NHIỆM TRỤ TRÌ ĐẠI LỄ KỲ SIÊU BẠT ĐỘ
Trong các ngày 05 đến 08 tháng 9 năm 2013 nhằm ngày mùng 1 đến mùng 4 thanga 8 AL năm Quý Tỵ. Tại chùa Linh Bửu thuộc xã Thạch Tân thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam, đã tổ chức đại lễ bỗ nhiệm Đại đức Thích Viên Hải về trụ trì chùa Linh Bử.Cũng nhân dịp này, bổn tự đã long trọng tổ chức đại lễ kỳ siêu bạt độ, cầu nguyện quốc thái dân an

Cung nghinh chư Tôn Đức

Hội Đồng chứng minh Đại lẽ
Quang cảnh buổi lễ
.

Múa lân cúng dường Đại lễ do đội lân chùa Hữu Lâm biểu diễn

Xin giới thiệu một số hình ảnh về Đại lễ.

Đoàn sinh GĐPT Tân An - Đà Nẵng


đoàn sinh GĐPT Tân An - Đà Nẵng


Đoàn sinh GĐPT Tân An - Đà Nẵng

Múa lân cúng dường
Chụp hình lưu niệm giữa Nhóm Bữa Cơm Tình Thương 369 Hải Phòng - Đà Nẵng với GĐPT Quảng Đức T/p Tam Kỳ
Đoàn danh dự cung nghinh Chư tôn thiền đức



Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Nguyên quán



Điện Hồng

    • Nguyên quán

      Lặm vào nhau cái hôn có nồng nàn của đất
      kĩu kịt hàng tre,
      ngai ngái rạ rơm làng …
      Tình yêu đã ứ đầy trong ngực
      Em thương giùm anh chút nữa_ Quê hương

      Xứ Quảng mình bao thế hệ cha ông
      từng bón bằng máu xương ,
      đời đời tâm lực
      Con cháu bây giờ,
      rồi cháu con kế tiếp
      cày xới và phì nhiêu nên những mùa màng

      Em cầm giùm cơn gió triền sông
      chiều ngụp lặn sau buổi đồng mệt lử.
      Cánh diều con nhà ai thả chao vòng quá khứ ?
      ruột gan anh chao sóng tuổi Thu Bồn ! 

      Xin em đừng lục lọi nguồn cơn
      đừng hỏi vì sao anh thương làng đến thế.
      Trót đánh đổi quỹ đời chơi dâu bể
      nên mượn tình em,
      Chung vốn .
      gởi quê nhà …
                                                      Duy Xuyên 24-02-2004
                                                       Nguyễn Đức Dũng 


                                                                              
Bến Tư Phú nhìn từ cầu Kỳ Lam

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Câu hỏi về đôi mắt mẹ

    • Câu hỏi về đôi mắt mẹ

sao lại cứ nhìn con bằng đôi mắt lưng chừng ba mươi tuổi ?
thảng thốt gì hỡi mẹ ,
thời gian…! 

mái tóc thuở tò te rối bù mồ hôi và bụi đất
con trai mẹ suốt ngày nghịch bẩn
những chiều mẹ gội
những chiều mẹ giội
gàu tất niên lanh canh thành giếng cổ

bày biện tấm lòng đứa trẻ đã hoa râm
như hương như lễ
bảng lảng khói trầm
bày biện vàng mã ngoằn ngoèo hoạ tiết
con lạy tám hướng mười phương cùng tận tháng năm…
mong mẹ về…hưởng Tết ! 

sao lại nhìn con đôi mắt không già,
đôi mắt đăm chiêu mở ngang trời son trẻ ?
nhiều mười năm gội qua
trắng đầu con trai mẹ… 

không ai trả lời
câu hỏi con rơi vào im lặng
rơi vào hư không
rơi vào quê hương chướng mùa mưa nắng
con hỏi sương con hỏi gió
hỏi tảo tần rau dưa hỏi cơ cầu đói lạnh
sông chợ đò đầy
      hai đầu gióng gánh
      chân sớm vấp chân chiều …

      không ai trả lời
      ố vàng khung ảnh
      bao nhiêu cuối năm
      nhìn con,
      đôi mắt cũ !
                                                                 Duy Trung 17-01-2006
                                                                                       Nguyễn Đức Dũng

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thơ riêng cho cháu Ngoại


Kin & Kid

Thơ riêng cho cháu Ngoại
  
                                   “ tặng : Nguyễn Minh Chân & Nguyễn Minh Thiện của ông “

Cư dân đầu tiên là cháu của Vua Hùng
núm nhau đầu tiên trở thành cột mốc
đảo nổi đảo chìm lần đầu tiên nghe trẻ khóc
ngỡ ngàng sóng gió trùng khơi       

Vách đá lần đầu tiên vang vọng tiếng người
nghe tiếng trẻ bi bô
thấy tập bò tập lẫy
biển đảo có tên mình từ ấy
quây quần cương thổ trời Nam

Quây quần vào văn hiến ngàn năm
quây quần tục ăn trầu nhuộm răng xăm trổ
chắt muối mặn sương sa chắt gió mưa bão tố
thành ngọt mát đời người
thắm đỏ lòng dưa
                                                                   
Như lòng con chín giận mười hờn vẫn nhớ mẹ thương cha
chiều biển động nhớ đất liền đứt ruột
thuở dứt áo xuống bè đau hơn dao cắt
sóng tình thâm cứ hướng mẹ quay về

Ông Đụn đảo Tam Hải
Như đảo nổi đảo chìm sừng sững ngoài kia
là khúc ruột không thể nào khác được
là xương máu mồ hôi cha ông mở nước
hoá hồn thiêng sông núi bây giờ

Hãy ngoan rồi ông kể chuyện cháu nghe
sự tích về trái dưa hấu cháu vẫn từng ngon miệng
màu ruột đỏ là lòng son dâng hiến
vỏ ốc còn truyền kỳ nước mắt An Tiêm

Kể từ khi có được tên mình
nhận sứ mệnh dựng cờ tiền tiêu tổ quốc
đảo che chở ấp iu
biển vỗ về nâng giấc
ru những binh hùng giữ cõi ông cha

Hãy nhớ nằm lòng biển đảo của ta
truyền thống Lạc Hồng bốn ngàn năm người người như một
hiệu triệu máu tim vung tay thề giữ nước
chủ quyền đây,
núm nhau thiêng cháu của Vua Hùng

                                                             Nguyễn Đức Dũng
                                                        Quảng Nam 23 – 8 - 2011

Tiếng vọng Phước Kiều


Bên nhà rông KonKlo của người Bahna

“Cái núi sao mày có hồn ?
“cồng chiêng cứ vỗ cho dồn nỗi ta…”
Gió động cồng chiêng buôn làng mở hội
váy xoè ngũ sắc gái BaNa
ngồi đây Phước kiều trưa xanh tụng niệm
mà phiêu diêu núi thẳm rừng già …

Em Pleiku ngực tròn đêm đốt lửa
vai có gùi thương nhớ phía anh không ?
xa Lệ Cần tự ngày thơ ấu nọ ,
cứ lơ mơ chút lạnh ở bên lòng !

Trai gốc Quảng mà hồn treo dốc phố
chiều Hội Thương - Hội Phú lội mưa tràn
ngày cha chôn nhau con vội vàng ở đó ,
để bây giờ cái nhớ hắn …ngang ngang !
Phước Kiều - Quảng nam 29-7-2003

Nguyễn Đức Dũng














* Phước Kiều :làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Điện Bàn - Quảng Nam
* Lệ Cần :một huyện ( cũ ) ở ngoại vi TP Pleiku.
* HộiThương-HộiPhú:con đường cửa ngõdẫn vàoTPPleiku cóđộdốc rất lớn .

Bờ sông cổ tích


Tắm sông
          * Bờ sông cổ tích
                                     “ tặng : Nguyễn Tư Phú Đông “
         Thời theo bạn ra đồng ham chơi trận giả
         trâu gặm lúa người
         cha đánh trốn cây rơm
         bụng đói cồn cào
         ước sắn lùi đỡ dạ
         đến bây giờ gặp khói tưởng còn …thơm !
        
         Trưa dang nắng tối nằm nồng khét nắng
         trời hanh hao tóc trẻ lẫn rơm vàng
         chưn đất đầu trần phơi mùa khô hạn
         phù sa Thu Bồn hai buổi lặm thân
        
         Thương cái thuở quần đùi áo bính
         năm bảy thằng xóm dưới ngõ trên
         biết mấy bận u đầu mẻ trán
         những trò vui dại dột quanh làng
        
         Nhớ quá thể buổi ưng làm người lớn
         trai gái gần nhà sử dại cấp đôi nhau
         đêm trăng đẹp cũng hẹn hò chộn rộn
         gió hứng bờ sông chừ bỏ dạt phương nào …?
        
         Chớp con mắt đã ngồi bên ni dốc
         ngó về xa, ngờ nghệch
         cứ se lòng !
         con nít nhà quê
         xưa,
         dễ cười dễ khóc
         sống mũi cay xè rồi
         tuổi tác nó …dông dông !
                                             Tam Kỳ giữa giêng 2002 
                                                            Nguyễn Đức Dũng
                                             

Đồng đội


“ tặng đồng đội công trường đường sắt Quảng Nam –Đà Nẵng “
1975-1980
…thương cái thời sắn lát cõng bo bo
không quật nổi chúng mình
đôi mươi , mười tám
nghêu ngao hát
búa quai mòn vách núi
chiều cười rung bãi mìn…

những chủ nhật tròn theo trái móc , trái sim…
hoa mua tím rừng bâng khuâng tặng bạn
những công trường nối dài quê kiểng
ta đi ,
bình minh nào cũng …xuân !

trùng điệp ta đi
tên đất , tên làng …
qua những xóm thôn vừa ngừng tiếng súng
qua những mái tranh mẹ vừa che tạm
khói bếp chiều bịn rịn chẳng bay lên


cái lạnh đêm rừng không thể nào quên
từng roi gió quất ngọt vào trai trẻ
năm bảy đứa rủ khoanh tròn đống lửa

Mỏ đá Duy Trung

sau lưng sương xuống đầm.

nhớ đêm trăng đàn chảy bập bùng
chuyện quê xứ gập ghềnh câu hát

chuyện lứa đôi gởi vào ánh mắt
chuyện mai ngày …
bẽn lẽn gởi sao khuya !

đâu nề hà cứ vậy ta đi
mơ ước đẹp trong sức dài vai rộng
đời sẽ xanh bằng tin yêu cháy bỏng
quê sẽ vui như háo hức bây giờ



và thế rồi năm tháng kéo ta đi
cơm áo rẽ hẹn thề ra bốn phía
lắm khi nhớ thì giấu vào kỷ niệm ví như rằng cái sự nó …đương nhiên !

bất chợt hiên mưa quán vắng một chiều
ly hội ngộ rót nỗi niềm của tuổi
chuyện rối bung về ngày cũ kỹ
tràn miệng cười , quơ đũa gắp …rưng rưng !
Duy Xuyên 07-12-2005
Nguyễn Đức Dũng

Tụng ca

Tụng ca
“Riêng tặng một người hay thả tóc bay…”

Tắm rửa lần cuối cùng những bài thơ đã cũ
một thời xưng tụng
cõi chân không ca ngợi chỗ em ngồi
con đường em đi
hàng cây em đứng
tóc xõa
chiều
gió
ngẩn ngơ
hương

Anh tưởng mình thánh tử đạo cuồng si
hồn loạn thị cơ man màu sắc
những vòng hoa kết bằng nước mắt
những nét cười tinh huyết trẻ trai

Thôi nhé em vô dụng tuổi tên rồi
đắp mặt từng phút giây yêu đương
ngữ ngôn vụng dại
từng thì thầm đớn đau hạnh phúc
mà không tường thật hay mơ

Khổ hạnh một đời thơ khổ hạnh một tượng đài
em
chói lòa
ánh sáng
những hò hẹn ngọt ngào ban phát
những đường mật em tin
anh bật khóc niềm kính tín không thể nào ngây thơ hơn được
đôi cánh ảo tưởng cuối trời
không thể bay lên
ôi con chiên
tội nghiệp

Thôi nhé em xin được lặng im
để còn tin bi ký buồn tự dựng
không khắc tên
không nét chạm
diêm sinh từ ngọn lửa chính mình

Tam Kỳ 18/5/2012
Nguyễn Đức Dũng

Dặm dài


cầu Ông Nơi - dưới chân đèo Le




“Tặng đồng nghiệp-Những người thợ Cầu Đường“
Câu thơ nặng lòng như trái chín cây
mong một mùa cả gió
(anh nhớ em tưởng chưa từng được nhớ)
thăm thẳm mắt nhìn
ve vuốt đêm suông …

Vẫn còn đi mài miệt những con đường
ngỏ ngách cơn mơ anh lầm lụi
câu thơ như trẻ sinh ra lớn lên từ lời ru của mẹ
lời ru của bà
lớn lên từ khúc đồng dao
nu na nu nống
chuyền một chuyền hai …

Câu thơ nứt rễ đâm chồi giữa trái tim anh
háo hức trời xanh mây trắng
như mắt sơ sinh háu bầu vú tròn
căng căng nhựa sống .
Cuộc đời rủ rê câu thơ và anh vào trò rồng rắn
đi hoài chưa gặp nổi mình
cuộc đời di thực anh và câu thơ cùng khắp
như trẻ vô tư trồng nụ cười vào đất
tay trắng tay đen ,
trồng cây dừa chừa cây mận

( em trồng anh sum suê nỗi nhớ )


Vai áo đã đầy gió bụi trời xa
tóc tai đầy buồn vui tuổi thợ
hai đứa ta đầy đêm dài trăn trở
mong con mình áo đẹp cơm ngon

Vẫn còn đợi anh dang dở con đường
đợi anh nhịp cầu chưa nối
té tát mưa rừng
chang chang nắng gội
bè bạn đợi anh bữa cơm ăn vội
thầm thĩ canh trường hơi thuốc chuyền tay …

Những cung đường đau đáu trời mây
gió lộng lưng đèo chênh vênh đá núi
lạt lòng một ngực yêu bổi hổi
nẻo quê nhà thao thiết gọi anh đi

Đồng đội cũ ở Đèo Le hôm nay



Câu thơ rồi cũng như anh lang bạt kỳ hồ
chưa biết mình đang ở đâu chợt quên , chợt nhớ
câu thúc giữa nhân gian mưa tràn nắng đổ
từng sớm sương mờ
từng khuya trăng tỏ
yêu đến đớn đau mái đời nặng nợ
mơ khoảng trời ,
dắt díu …bay lên !
Sớm ở Công trường 29-7-2007
Nguyễn Đức Dũng






CHU THỤY - Góc cạnh Nguyễn Đức Dũng

Làm thơ rất sớm, nhưng đến năm 1988 Nguyễn Đức Dũng (hội viên Hội VH-NT Quảng Nam) mới đăng tải bài đầu tiên trên báo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) với bút danh Ngụy Trừ Tịch. Phải mất 10 năm sau, anh góp bài thứ 2 trên tạp chí Đất Quảng. In chung ở nhiều tập thơ (Thơ lục bát - 2002, Dấu xưa đất Quảng - 2004, Thơ tình lục bát - 2005, Sóng thời gian - 2006, Đất Quảng tình quê - 2006, Mẹ ơi! - 2007, Thơ Quảng Nam mười năm - 2007, Hạnh ngộ 2 - 2007, Lời ngắn tình dài - 2008, Thơ ơi, cùng chảy nhé! - 2009), mãi rồi Nguyễn Đức Dũng mới có cho riêng mình tập đầu tay: Áo giấy cho sông (NXB Văn nghệ - 2009).
Sinh năm 1958 tại Lệ Cần (Pleiku), nhưng quê nội Nguyễn Đức Dũng ở Điện Bàn, quê ngoại Thăng Bình, hiện cư ngụ ở TP.Tam Kỳ (Quảng Nam). Những “xê dịch” nơi quê quán cũng in hằn trong thơ anh - tác giả khá quen thuộc trên trang thơ Quảng Nam cuối tuần (khoảng 1/3 trong số 55 bài thơ trong tập Áo giấy cho sông đã được Quảng Nam cuối tuần đăng tải).
Thơ Nguyễn Đức Dũng thoáng chút mất mát, ly tán, niềm hồi cố nhẹ nhàng, một tâm sự gửi gắm về phía xa xăm… Thơ đọc lên nghe rất quen, rất cũ càng, hóa ra anh viết bằng đúng chất giọng quê nhà, hoặc viết vào những lần rất tình cờ ngẫu nhĩ mà đọc nghe thấm đau với người đồng cảnh ngộ. Giọng thơ rất góc cạnh, nhiều đột phá trong cách sử dụng ngôn từ ấy, thật ngạc nhiên, gần như lại là một “nghịch lý” khi mang ra đối sánh với vẻ bề ngoài hiền lành của nhà thơ.

Chu Thụy
( Báo Quảng Nam)