Ghi chép
Đặt chân lên được thị tứ Trung Phước của huyện Nông Sơn mất hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ, thay vì chỉ cần non nửa giờ nếu như con đường được đúng như tên gọi. Hú vía! Có lẽ nhờ vào sự phù hộ độ trì của những vị thần cai quản bổn xứ linh thiêng thương tưởng. Dọc trên đường đèo, quạnh quẽ mấy ngôi miếu thờ u linh giữa thâm sơn cùng cốc, tôi và Gia Ly, phóng viên thường trú tại Quảng Nam của báo Đời sống & Pháp luật đã dừng chân dăm ba phút vào thành tâm thắp mấy nén hương kính ngưỡng. Nói dại chớ lỡ chỉ cần một chiếc xe máy của nhóm dỡ chứng thì chẳng biết đám nghệ sỹ nửa mùa chúng tôi sẽ cười khóc thế nào cho thấu đến tai trời…
Cảm khái trước cách đi đứng có phần lạ đời còn rơi rớt đến tận thế kỷ hai mươi mốt này, vậy mà không biết nhờ đâu, thi hứng cứ trào dâng trong mỗi nỗi hào sảng của mọi người. Ghé vào quán cà phê Trúc Ly trông rất xinh ở đầu “phố”, chưa kịp yên vị đã nghe nhà thơ Phạm Thông ngân nga mấy câu thơ Quang Dũng. Mà thật, trước tình cảnh này, tự nhiên những “Đôi bờ”, những “Quán bên đường” rồi “Đôi mắt người Sơn Tây” sao nó hợp tình hợp cảnh quá. Mọi người lõm bõm hòa theo: “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ sông xa từng lớp lớp mưa dài/ mắt kia em có sầu cô quạnh/ khi chớm thu về một sớm mai…”. Cũng bởi bất chợt sinh tình nên cả bọn không một ai nhớ đến đầu đến đũa những thi phẩm nổi tiếng trong thi đàn nước nhà. Gia Ly nhanh trí lôi cái laptop trong ba lô ra gõ google, thế là chúng tôi chuyền tay nhau giữa quán mà hưởng trọn một chiều thơ lịch duyệt, chẳng phải ngại ngần gì mấy người khách đang ngồi nhâm nhi ở bàn bên cạnh…
Núi Cà Tang & cầu Nông Sơn |
Điện thoại cho nhà thơ Hà Văn Đa, anh bận đi tập huấn ở ngành giáo dục huyện, chúng tôi đành bỏ dỡ cuộc hội ngộ mong chờ. Thế là phải sớm rời cái thị tứ đang nhăm nhe nổi danh nhờ vào việc sôi động của nghề làm trầm cảnh xuất khẩu, một cơ hội mới hứa hẹn sự đổi đời cho những cư dân vùng cao nơi thượng nguồn sông Thu này. Chúng tôi tìm đường lên làng Đại Bường, vùng cây trái Nam bộ thu nhỏ giữa núi non xứ Quảng. Từ chợ Trung Phước, chỉ tà tà khoảng chưa đến năm cây số, chúng tôi rẽ về bên tay phải ở một ngã ba đường, đây là lối vào mỏ than Nông Sơn, một dạng vàng đen mà để khai thác được nó phục vụ cho các ngành công nghiệp, từ xưa đã để lại biết bao nhiêu buồn vui của phận số con người. Thì cũng vào tầm này đúng mười năm trước, một chuyện thương tâm đã xảy ra do cảnh ngăn sông cách đò, ta như còn cảm thấy xốn xang trong lòng mỗi khi nhớ đến 18 em học sinh đã ra đi mãi mãi, để hôm nay khi qua chiếc cầu Nông Sơn được xây dựng bởi sự chung tay góp sức của cả xã hội, không ai nén nổi ngậm ngùi, âu đành phú cho định mệnh. Lại một cú rẽ phải nữa khi qua khỏi cầu, chúng tôi chạy xe trên con đường bê tông vòng vèo một con đèo mi ni trông rất hữu tình, từ đây nhìn ngược lại, cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu ở giữa hai ngọn núi, Cà Tang phía nam và Nông Sơn phía bắc, án ngữ tả hữu dòng sông, trông xa như sông ấy, núi ấy và cầu ấy là một chỉnh thể không làm sao khác được, vậy mà phải đợi đến “Khai trường này vắng bóng các em/ mười tám chỗ ngồi thất thần chờ đợi/ mười tám bàn thờ mờ trong hương khói/ mười tám góc nhà/ cặp sách im treo…” – (Cà Tang - N.T.T)…Nhưng thôi! Chẳng làm sao cải sửa được mệnh trời. Bên nỗi buồn đau đã dần lên sẹo ấy cũng có điều làm cho lòng người được an ủi, một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, bề thế đang trong giai đoạn nước rút, xe máy hối hả thi công những hạng mục lắp ráp cuối cùng. Trên công trường, đây đó từng nhóm công nhân miệt mài làm việc giữa mịt mù bụi khói. Lúc chạy xe ngang qua những người thợ ấy, tôi lại nhớ về những tháng năm trai trẻ đắm đuối với nghề cầu đường của mình, gian khổ rất mực mà hạnh phúc cũng đã đời, chỉ mỗi tội nghèo do đồng lương của người lao động luôn bèo bọt. Đến tận hôm nay, cuộc sống tuy đã đổi thay nhiều, chế độ chính sách, những sự quan tâm điều chỉnh về việc làm và thu nhập dần được cải thiện, nhưng đối với người lao động chân tay trong các công trường, xí nghiệp vẫn còn ì ạch so với giá cả thị trường, những nhu cầu căn cơ phục vụ đời sống vật chất, tinh thần vẫn còn là điều xa xỉ đối với hầu hết giới công nhân lao động. Đi nhiều, gặp gỡ nhiều những cảnh ngộ mới mở lòng mở mắt mình thêm ra, mới thấy rằng còn biết bao nhiêu gian khó, thách thức luôn đồng hành trong cuộc chiến đấu sinh tồn và phát triển, luôn nhắc nhở ta những giá trị đích thực về ý nghĩa của đời sống.
Ngõ về |
Đại Bường là cách gọi khác của làng Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Một dải đất hẹp bên tả ngạn sông Thu Bồn. Anh Từ Văn Hải, một cư dân cho biết, làng có bề rộng từ chân núi ra sông khoảng 1 cây số và men theo giòng chảy độ 3 cây số chiều dài. Hơn 1200 nhân khẩu trên gần 350 hộ. Chủ yếu sống bằng nghề nông, làm lúa ruộng nước trời và trồng cây ăn trái vườn nhà. Điều đặc biệt là giữa miền Trung này lại có một ngôi làng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cho các loại cây trái miền Nam sinh trưởng. Đi trên những con đường nhỏ đã được đổ bê tông quanh co cùng khắp xóm làng, những cổng ngõ đặc trưng của quê nhà còn được lưu giữ hết sức chăm chút, thẳng tắp những hàng chè tàu cắt xén đẹp mắt. Một chi tiết khá lý thú là trong ngôi làng này cổng ngõ chỉ để trang trí và mang nghĩa giới hạn về quyền sở hữu, tối ngủ mọi người không cần phải đóng cửa, xe máy đắc tiền thoải mái để ngoài trời chưa hề xảy ra mất cắp. Nhạc sỹ Mặc Ly không bao giờ đóng cửa ngõ kể cả khi gia đình có việc vắng nhà cả tháng trời…Chỉ dạo chơi chưa trọn nửa ngày nơi đây, vậy mà ta có ngay niềm tin về sự trù phú và yên bình, một mong ước không phải dễ dàng đối với rất nhiều vùng miền nông thôn nông nghiệp tính đến thời điểm hiện tại. Hầu như nhà nào ở đây cũng có một mảnh vườn tốt tươi xinh xắn. Nhìn vào sự đa dạng của các chủng loại cây trồng, sự phong phú về sắc độ của màu lá, ta biết đất đai này phì nhiêu vào loại “nhất đẳng thượng điền”. Thậm chí đến như những loài hoa cảnh ở mỗi sân vườn nhà kia cũng mơn mởn và rực rỡ, bụ bẫm những cánh hoa đang khoe màu trong nắng gió. Đúng là ưu ái quá mực của đất trời đã riêng ân sủng cho con người sinh ra trên mảnh đất này. Nhà thơ Hoàng Quy, đang sinh sống tại Cần Thơ vừa về thăm quê, đưa chúng tôi đi thăm mảnh vườn của mẹ ông để lại. Bên bờ sông, sau hàng tre xanh nghít trồng dày đặc để chống xói lở là một khu vườn rộng cả mẫu đất, mịn màng dưới chân người lớp đất pha cát thấm đẫm phù sa. Vịn vào một cây bưởi mà gốc chỉ bằng nắm tay quằn trĩu cành nhánh lúc lỷu quả, nhà thơ hồi hương cho biết thêm, đa số các loại cây đặc chủng này do một tay ông nội của nhà thơ đem từ trong Nam về nhân giống rồi phát triển rộng khắp cả làng, để hôm nay đi giữa Đại Bường, sum suê dưới những tán lá không biết bao nhiêu là thanh trà, một loại bưởi quý Nam bộ mà người Quảng Nam ta gọi là trái trụ, có vị ngọt thanh, ngõ Tiên Phước cũng trồng như một đặc sản nhưng không đại trà bằng. Ngoài ra còn có sầu riêng, cam, quýt, chuối, mít, chôm chôm v.v… Đến nỗi chỉ cần một vài kênh rạch ngang dọc nữa thì nơi đây không hề khác gì một vùng quê chuyên canh trái cây của Nam bộ.
Đêm, trời se lạnh. Bữa cơm tối có phần thịnh soạn do vợ chồng anh Hải chiêu đãi. Vốn là một nông dân kiêm thợ hồ năm nay vừa qua tuổi bốn mươi, nhưng trông vào cơ ngơi xem ra đã tương đối ổn định. Từng quảy gánh tang bồng theo bạn nghề mưu sinh tứ xứ. Hải giải nghệ khi Nông Sơn rộ nghiệp trầm, hiện nay anh là một trong số bốn cơ sở sản xuất trầm cảnh để xuất khẩu của làng. Hải có bốn “nghệ nhân” rất trẻ làm việc trong “biên chế”, với mức lương hai trăm ngàn đồng trên một ngày công kèm cơm rượu khề khà. Hầu hết thanh niên ở làng bây giờ đều bị hút vào nghề trầm cảnh, việc nông tang chỉ còn dành lại cho người già và phụ nữ, nhờ vậy, mức sống xem ra tươi nhuận hơn trước nhiều. Nhìn những “tác phẩm” trầm cảnh bày bừa bộn trong nhà ngoài sân, tính sơ có cả bạc tỷ để khơi khơi chẳng cần kín cổng cao tường. Qua chuyện trò, chúng tôi thấy rằng đằng sau những hứa hẹn đổi đời kia, là những lớp sóng ngầm cũng đang song hành, ở đó thể hiện bản lĩnh của con người dám xông xáo, nhạy bén và có gan liều lĩnh. Nhiều thách thức đòi hỏi cơ mưu linh hoạt của một “tay chơi” sành sõi. Đấy là một tín hiệu đáng mừng mà cũng đáng cân nhắc trong thời buổi làm ăn kinh tế khó lường, thấp thoáng sự dấn thân, một yếu tố “nghiệp tính” phần nhiều thường chỉ dành cho giới văn nghệ sỹ.
Cổng làng Đại Bường |
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét