Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Trung thu "Nhà Mẹ Hạnh"



Vui Trung thu ( ảnh Nguyễn Bá Hòa)


Trung thu “Nhà Mẹ Hạnh”
                                                                                     Ghi chép

Các cháu ở Trung Tâm (ảnh Nguyễn Bá Hòa)
       “Nhà Mẹ Hạnh” đây là Trung tâm NUÔI DƯỠNG TRẺ MỒ CÔI SƠ SINH QUẢNG NAM, ở xã Tam Đàn huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam. Mẹ Hạnh, chị Võ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm, một phụ nữ rất hiền, khoảng vào bốn mươi, và các Mẹ, nhân viên làm việc ngày đêm nơi này, được xem như  đông “con” nhất cho tới thời điểm bây giờ.
       Để hơn 80 trẻ có thân phận thiệt thòi ở đây được hưởng một mùa Trung thu sớm. Mới mùng mười tháng tám Âm lịch. Phạm Sa, tức thi hữu Sa Hoài Nhân và anh Kiều Thái Huy, hai ông nông dân thứ thiệt của thôn Cẩm An xã Duy Trung Duy Xuyên đã sốt sắng tặng một bộ Lân, Địa, quạt đủ bộ lệ lên đường đi xe buýt vào. Tôi và anh Nguyễn Bá Hòa với cái phong bì, “quà” định kỳ của một nhà giáo hưu ở Tam Kỳ. Chúng tôi gặp nhau tại ngã ba Kỳ Lý, chuẩn bị thêm một thùng bánh trái đơn sơ lên thăm các cháu. Như lệ thường, vừa thấy dáng chúng tôi, các cháu đã ùa ra chào đón, gọi tên từng người tíu tít vì đã quen mặt biết tên. Những đôi mắt rực sáng khi trông thấy đầu lân mang đến, những vuốt ve sờ soạng một cách vừa vồ vập vừa nâng niu. Những nhận xét dứt khoát ra vẻ rành rọt của các cháu khi so sánh ”Nó” với những đầu lân mà chúng trông thấy ở xóm, ở tiệm đâu đó. Làm chúng tôi mủi lòng. Ngoài kia, những tiệm bánh trái và quà chuẩn bị cho một cái Tết thiếu nhi đang rộn rịp và thực sự nóng bởi chủng loại và giá cả, những cái “bánh” Trung thu giá “khủng” đang làm đầy những trang báo thời sự hằng ngày với nhiều ý kiến khác nhau. Mặc kệ, nơi đây niềm vui đơn sơ mà có thiệt được tỏ bày và chia sẻ bởi cái tình người trong trẻo nhất, đáng yêu và đáng trân trọng vẫn được dặn lòng nhớ nghĩ.
       Bàn ghế được các cháu nhanh chóng bày soạn ra thành một vòng tròn giữa sân trong nhà, chúng tôi ráp đuôi vào đầu lân, nhìn lại đã thấy hai cu cậu chiếm dụng hai chiếc quần múa mặc bảnh chọe tự bao giờ. Các mẹ vội vã phân phát quà bánh, và tiếng hát, nhồm nhoàm trong những cái miệng nhai đầy kẹo nghe dài ra những giai điệu và tiết tấu lệch lạc một cách tội nghiệp. Bên cạnh tôi, một cu cậu chừng độ 5 tuổi, mải ăn quên phứt chuyện hát hò, thế là liền bị nhắc nhở ngay. Chúng tôi tuế tóa, thôi kệ! để các cháu thoải mái…
       Đội lân gồm bốn “chàng trai” coi bộ oai nhất nhà được gọi ra trình diện trước “sân khấu”. Tiếng trống bắt đầu dè dặt vang lên, như thể kiểm tra lại xem thử đây có thiệt sự là “của” chúng mình chưa, rồi dần nhịp nhàng cho buổi biểu diễn hứng khởi tràn một niềm vui con trẻ. Cũng từng hồi trống chào gia chủ kéo dài, cũng “ Cắc tùng tùng – tùng – tùng, cắc cắc tùng tùng – tùng – tùng…” vụng về mà đúng điệu, đoàn lân lắc lư từng vòng quanh đám khán giả đang hò reo tán thưởng. Ông địa mặc quần đùi lăng xăng líu xíu phe phẩy chiếc quạt quanh vòng rồi cùng rủ lân đến cúi đầu chào từng vị khách quen, từng Mẹ thân thiết của nhà. Chúng tôi, tất cả những người lớn tuổi chứng kiến buổi vui ấy không ai không cảm động, dấy lên một niềm thương yêu ở đâu đó lòng mình, mà, những vụn vặt bon chen vì miếng cơm manh áo, vì những toan tính đời thường để cố gắng giữ được còn chính là mình giữa rất nhiều khó khăn phải đối diện từng ngày. Tùng tùng – tùng – tùng - cắc cắc - tùng tùng – tùng – tùng… Tiếng trống vụng về từ đôi tay nhỏ nhắn ấy vô tư vang đều đặn cho niềm vui quá đỗi giản dị trước mắt kia, như nhắc nhở một thời ấu thơ đẹp đẽ được bao bọc trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ, của những người cật ruột chúng tôi bất chợt hiện lên một so sánh để thở dài, để ngậm ngùi thương thêm những khuôn mặt thơ ngây đang hân hoan cùng bánh kẹo và nhảy múa. Lân cũng ngủ, cũng cười, cũng gật cũng lắc, cũng cao trào bột phát một phấn hứng làm nổ tung trận cười và tràng pháo tay tán thưởng, khi cậu bé múa đuôi nhỏ nhắn đứng trụ tấn để cho cậu bé múa đầu cao to hơn mình tung người nhảy lên, quặp chặt hai chân vào hông của múa đuôi để cúi mình chào khán giả, sự mất cân bằng của trọng tâm làm cho chúng tôi phát hoảng, cứ sợ nó ụp mặt xuống nền bê tông thì nguy biết mấy, thế mà rất đáng khen, cả hai gồng mình chịu đựng thực hiện một màn múa chào không thua kém bất kỳ một đoàn múa có nghề nào, kể riêng cho đoạn kết hợp này.
       Sau hơn một giờ đồng hồ chung vui với các cháu, chúng tôi chia tay ra về trong tiếng chào lễ phép được vang lên từ mấy chục cái miệng xinh xắn còn thơm mùi bánh kẹo, còn tươi những nét cười. Ước sao nhiều thêm những lần ghé thăm của mọi người trong cộng đồng, ước sao nhiều thêm những bàn tay ấm áp nhân tình, để, các cháu nơi đây nhận thêm sự sẻ chia cần thiết, thêm những niềm vui tin yêu vào cuộc đời này.
                          
                                                                           Tam Kỳ 14/9/2013
                                                                          Nguyễn Đức Dũng

      

Múa lân (ảnh Nguyễn Bá Hòa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét