Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Từ những cung đường

Từ những cung đường
Ghi chép

Tranh thủ mấy ngày nghỉ ở cơ quan, nhóm văn nghệ thèm đi quanh quanh đâu đó chúng tôi làm cuộc dạo chơi bằng xe máy. Tưởng tí chút thôi vậy mà cũng “xơi” được ba ngày hai đêm qua năm huyện từ đồng bằng đến trung du rồi miền núi của quê nhà.
Thời tiết vào tháng bảy đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa bất chợt. Lần lữa đợi trời tốt lên, khô ráo lên cứ nhầm nhây hoài không chịu được. Thế là đã bốn giờ chiều, mưa vẫn còn dai dẳng và bầu trời xám xịt những đám mây nặng nề treo trên phía tây, nơi chúng tôi hướng đến. Bịt bùng trong tấm áo choàng mưa nhàu cũ, nhà thơ Phạm Thông trờ chiếc Dream cũng già cũ như chủ của nó vào tận cổng: “Đi thôi Dũng ơi! Mưa cũng đi, nghe khó chịu bụng dạ quá làm sao ngồi nhà cho được!”. Vậy là chúng tôi đi.
Ba chiếc xe máy thủng thẳng qua màn mưa chiều nhằm theo QL IA chạy ra hướng bắc. Đang đợi ở Nam Phước là hai bạn thơ Sa Hoài Nhân và Võ Bá cũng nôn nao không kém. Hội quân tại căn nhà nhỏ bé ấm cúng và ngổn ngang sách của tay chơi ”bốn câu” Võ Bá thì đã huỳnh hôn rồi. Bữa cơm rau dưa được đưa đẩy với bầu rượu Hồng Đào nhĩnh hơn nắm tay người lớn một tí, phần thưởng thơ Nguyên Tiêu khiêm tốn hồi đầu năm mà chủ nhà cứ nâng niu để dành cho cuộc trà dư tửu hậu này. Chả phải Võ Bá “hiếu khách” gì đâu, chẳng qua là “bốn câu thi sỹ” cùng với bạn thơ Sa Hoài Nhân ở Duy Xuyên này vốn là “Người thơ nguyễn thị”, cả đời không bao giờ biết đến mùi vị của các loại men làm điếu đổ không biết bao nhiêu đấng anh hùng quân tử, mặc khách tao nhân. Thật là một thiệt thòi đến tội nghiệp. Vừa ăn cơm tối vừa bàn bạc kế hoạch và lộ trình, cuối cùng chúng tôi thống nhất hai phương án, một là lên nghỉ đêm trong khu đền tháp Mỹ Sơn để thực sự tận hưởng khoái cảm một khuya Chàm lung linh và huyền hoặc, hai là vào xin nghỉ nhờ ở Chùa Lầu xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên này. Do rề rà, khi liên lạc được với những người phụ trách khu đền tháp thì đã quá muộn, không thể sắp xếp được, cuối cùng chúng tôi đành phải vào làm phiền Đại Đức Thích Như Giải, trụ trì Chùa Lầu. Vừa từ Thành Phố Hồ Chí Minh về sau một chuyến đi, tuy mệt mỏi thế nhưng khi hay tin có anh em Văn nghệ sỹ đến thăm, thầy đã vui vẻ tiếp đón, qua mấy câu trình bày ngắn ngủi và có phần ngượng ngập của chúng tôi, thầy Như Giải nhẹ nhàng nhưng thân tình mời chúng tôi ở lại đàm đạo thơ phú và cho đệ tử sắp xếp nơi nghỉ ngơi chu đáo. Cũng duyên may lúc này còn có mặt bạn thơ Hồ Xoa, người Đại Lộc. Hồ Xoa và thầy Như Giải cũng cùng là nhóm bạn thơ phú với những Nguyễn Hải Triều, Huỳnh Minh Tâm, rồi nào Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Vân Thiên v.v. và v.v…thuở nào.
Thế là bên những tách trà bé xíu đáng yêu, hòa quyện với hương trầm ngát thơm và ấm áp, người Đạo kẻ đời cứ vậy say sưa những câu thơ thấm đẫm tình người, tình quê hương xứ sở, những câu thơ trĩu nặng lòng ơn nghĩa đối với đấng sinh thành đã một đời lao lực để nuôi con, chúng tôi quên đi khái niệm về thời gian đang trôi qua, tiếng đêm đã ngọt ngào ngoài kia, thời chuông mõ công phu đã tịnh tự bao giờ. Xa xa, tiếng thoi dệt đều đều trong khuya vắng của quê hương tằm tang nổi tiếng.

Sau bữa cơm tương chao đạm bạc mà tôn nghiêm buổi sáng cùng thầy trò bổn tự, chúng tôi từ biệt lên đường. Tuyến ĐT 610 này được mở rộng và nâng cấp bằng tiền tỷ tính trên đơn vị kilomet từ ngã ba Nam Phước đến ngã ba Duy Phú, lối vào khu thánh địa Mỹ Sơn. Được đưa vào sử dụng đầu những năm 2000. Lòng đường rộng thoáng và phẳng lỳ lớp thảm bê tông nhựa ASPHAL đã mở ra những vận hội mới cho vùng quê Duy Xuyên này, bởi đây là tuyến đường quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch, một nguồn thu không khói nhưng ỗn định và tiềm năng, không có mấy địa phương cấp huyện thừa hưởng được phúc trạch ấy. Cũng trên con đường này, từ sau năm 1975, để khắc phục và đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời bấy giờ, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ đã thành lập Công trường 104 GTVT, đứng chân tại khu vực Chiêm Sơn, chịu trách nhiệm phục hồi tuyến đường này. Sau những năm tháng chiến tranh tàn phá, đường không còn ra đường, cầu cống đã sụp đổ gần hết, hầu như là tạm bợ. Tuổi trẻ 104 mà đa số là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường, đã hăng say ngày đêm miệt mài để nối lại những tuyến huyết mạch giao thông, như nối lại mạch máu để dẫn lưu năng lượng nuôi cơ thể. Ở đơn vị này, tôi có những người bạn, những đồng nghiệp đã chia sẻ buồn vui suốt một cuộc đời nắng mưa gian khó, có người trở thành bạn đời của tôi bây giờ, có người trở thành bạn văn chương thi phú, và nhiều người đã ra đi. Nhà thơ Phạm Phù Sa ở Hội An là một…
Khu thánh địa Mỹ Sơn hôm nay “sang trọng và hoành tráng”, đó là nói về việc quy hoạch và xây dựng các hạng mục mang tính dịch vụ. Nếu gọi cho đúng tên, thì Mỹ Sơn hôm nay xứng danh một Di sản UNESCO. Các khu tháp đã được trùng tu bài bản và khoa học, là người ngoại đạo, tôi chỉ có một cảm giác là Mỹ Sơn đã đẹp hơn lên, nề nếp hơn lên, không còn hoang liêu và buồn bã như lần tôi ghé thăm trước đây. Tự nhiên có một liên tưởng mang tính triết lý. Lần đầu đến thăm Mỹ Sơn là một chiều mưa năm 1993, khi ấy tôi được tăng cường đến hoàn thiện hạng mục gia cố lòng sông của cầu Bà Tiềm cho kịp nghiệm thu trước mùa mưa bão, từ công trường làm việc, đã hơn năm giờ chiều, tôi và hai công nhân, đồng đội của tôi mượn xe đạp bương đường tìm đến Mỹ Sơn. Qua khoảng 5 cây số đường lổn nhổn đá sỏi và nham nhở ổ gà, vào đến nơi trời tặng một cơn mưa như trút, ba chàng công nhân nhếch nhác bạc màu áo thợ cứ vậy vuốt mặt mà đi, mà nhìn ngắm. Lẫn trong lau lách hoang sơ, những ngôi tháp điêu tàn đổ nát nằm lặng lẽ dưới mưa, gây cảm giác hiu hắt buồn đến ngạt người, lúc ấy quanh co trong khu đền tháp chưa có đường dẫn rộng thoáng và đẹp đẽ như bây giờ, chúng tôi vẹt lau lách mà đi, mà nhớ tới thời mười bảy tuổi Chế Lan Viên đã làm kinh hoàng bầu khí quyển thơ Việt lúc bấy giờ ”Những ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.
Năm 2003, Hội VHNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với vài đơn vị tổ chức Trại sáng tác VHNT thiếu nhi lần thứ nhất, Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Trung đăng cai, con gái lớn của tôi may mắn có tên tham gia. Do không tổ chức cho các em đi thực tế ở Mỹ Sơn như kế hoạch ban đầu, tranh thủ ngày nghỉ, tôi chở con gái tự làm một chuyến “thực tế sáng tác” Mỹ Sơn để cháu có trải nghiệm mà viết bài, nhân thể tôi cũng được thêm một bận đến với nơi quyến rủ ấy. Có lẽ mưa chỉ chờ cha con tôi mà ban phát hay sao ấy, từ Tam Kỳ đến Mỹ Sơn, chúng tôi không còn chỗ để ướt mặc dù đã cẩn thận trong hai lớp áo mưa. Lần này nơi đây đã tổ chức đưa vào kinh doanh phục vụ khách du lịch, với cái vé 50% dành cho học sinh và 1 vé người lớn, cha con tôi rảo trong màn mưa kỳ lạ ấy, vậy mà cũng không ít đoàn khách nước ngoài túm tụm dưới những chiếc dù màu sắc sặc sỡ, đứng lắng nghe tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch về các nét đặc trưng ở khu đền tháp này… Và hôm nay, mùa hè 2013, lại mưa. Chớp mắt ba lần ghé đến Mỹ Sơn, ba lần bị mưa ướt tối tăm mày mặt, tôi đã làm cuộc đi dài những hai mươi năm của đời mình. Những lần đi ấy cũng đều mong mỏi viết được một điều gì đấy về Mỹ Sơn, vậy mà giờ đây, tôi ngồi vật lộn với mấy trang viết này bằng một tâm hồn cỗi cằn và xơ cứng, mới thấm thía nỗi đau bất tài vô tướng mà lại ham hố đến chuyện không cùng. Than ơi bi kịch đời người ngoài duyên phận, cơm ăn áo mặc, còn nhiều thứ bi kịch không tên khác cứ quấn lấy phận người như một thứ oan khiên tội nợ, như một nghiệp chướng.
Đoàn nghệ thuật của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn gồm những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, công diễn một số tiết mục để phục vụ du khách. Tôi đã từng nhiều lần xem qua ti vi, cũng vẫn những màn múa hát quen thuộc, nhưng sao bây giờ ngồi đây, tận mắt chứng kiến những vũ nữ hồng hoang tươi trẻ, đẹp đến điêu linh phô diễn những tạo hình của nữ thần Apsara bằng xương bằng thịt, bằng những uốn lượn mê hồn trong hòa âm của các loại nhạc cụ riêng biệt, chỉ dân tộc Chăm mới có. Sự huyền hoặc lung linh được hiệu ứng ánh sáng làm cho nổi da gà, không phải vì sợ mà vì cái đẹp, đúng như người đời thường bảo, cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới, bất chợt ngờ rằng những hình ảnh sống động kia như vừa bừng thức sau giấc nghìn năm, trở mình bước ra từ rêu phong gạch đá. Những lóe sáng liên tục của máy ảnh từ hàng ghế người thưởng lãm đã nói lên sự khâm phục trước tài năng nghệ sỹ. Chương trình lại đưa người xem vào một trạng thái mơ hồ khác khi tiếng kèn saranai vang lên, tạm so sánh một cách khập khiểng vì chẳng thể diễn giải rõ ràng, hãy hình dung tiếng vang rít của hai thanh cật nứa khi cọ xát vào nhau, ta sẽ có cảm giác gần giống thế. Trên sân khấu, trong bộ áo Chàm trắng cổ truyền của tộc người dài sát đất, chiếc khăn vấn tròn trên đầu, chàng trai Chăm, một Nghệ nhân thực thụ đã làm ngỡ ngàng mọi người qua màn độc tấu, hình như trong tiếng kèn kia có lẫn nỗi tự hào và niềm ai oán, càng lúc càng dữ dội và hùng tráng sau những cung bậc dìu dặt thiết tha khi mới trỗi giọng. Sân khấu chợt rúng động bừng lên khi mỗi lúc càng về cuối người nghệ sỹ càng lên đồng, như thể bao tâm tình tiền kiếp hiện về qua tiếng kèn điêu luyện.


thăm lại chốn xưa

Phân vân ngần ngại mãi rồi cũng đành liều. Vượt Phường Rạnh. Sợ bàn nhiều đâm thối chí, chúng tôi rẽ vào một nhánh đường bê tông trong xóm để tránh đoạn lầy lội từ ngã ba Duy Phú tới chân đèo. Những tưởng đỡ được vất vả dè đâu lại phải trả giá cho sự tính toán kia bằng gần chục cây số lạc đường. Lười nghĩ nên ai nấy cứ tin theo hai ông thổ thần bổn xứ Sa Hoài Nhân và Võ Bá. Vòng vèo chán theo những xóm thôn mượt mà xanh và đã có phần trù phú, đến khi tôi phát hiện ra thì đã xuống gần đến Duy Hòa…! Thôi đành cười xòa với nhau mà quay lại chứ còn biết sao hơn nữa. Đây là tuyến độc đạo nối Nông Sơn Trung Phước với vùng đồng bằng qua ngõ Duy Xuyên, tuyến đường men theo con đèo Phường Rạnh dài 17 Km, đã được làm thành tuyến giao thông, nghĩa là xe đò các thứ có thể lưu hành từ hồi Pháp thuộc, nhằm khai thác than Nông Sơn ở phía đầu nguồn sông Thu Bồn và phục vụ khu kỹ nghệ An Hòa đình đám một thời. Từ dưới chân đèo, bên cạnh hồ chứa nước Bàn Thạch, một khu biệt thự nghỉ dưỡng của giới thượng lưu người Pháp lúc bấy giờ đã được xây dựng, chắc rằng trước đây nên thơ lắm, bằng chứng là đến hồi đầu những năm 2000, chúng tôi lên đảm bảo giao thông, nghĩa là sửa chữa đường sá ấy mà, tôi đã từng đóng quân trong một ngôi biệt thự bên đường còn tương đối bền vững, chung quanh rải rác hàng chục biệt thự như thế hoang tàn lẩn khuất trong một cánh rừng đầy lau lách và cỏ dại, trông ra mặt hồ rộng lăn tăn sóng. Hôm nay nơi đây đang là một công trường rộng lớn, không biết bao nhiêu máy móc thi công đang gầm rú cày xới và san lấp, hình như nâng cấp cao trình của đập Bàn Thạch, khu biệt thự ấy đã biến mất, tiếc thật, nếu chịu khó trùng tu và có cách để xây dựng quy hoạch, đây sẽ trở thành một điểm nghỉ cao cấp phục vụ khách du lịch nối dài theo hành trình di sản Hội An – Mỹ Sơn, phát triển tiếp lên ngõ Trung Phước Nông Sơn rồi qua làng Đại Bình cây trái…Nhưng thôi, tiếc cảnh sinh tình thì bâng quơ vậy chớ đó là chuyện lớn, chuyện của những nhà “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” tầm cỡ, nào đâu đến lượt mình!

Năm chiếc xe máy không chạy mà nhảy chồm chồm trên những quanh co ngược dốc của con đèo, đường lởm chởm đá. Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì, những người công nhân cầu đường của Công trường 104 thuở ấy đã làm mới con đường đèo bằng sức vóc trẻ trai của một thế hệ tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Từng viên đá 10x15 được chèn ghép vững vàng để làm nên móng đường giờ đang trơ mình phơi gan cùng tuế nguyệt, như ngơ ngẩn một câu hỏi không có lời đáp: “lớp áo đường cấp phối đá dăm nước của chúng tôi đâu?”. Bởi lẽ, theo thiết kế của loại công trình này, thì sau lớp đá móng kia được lu lèn cẩn thận, người ta làm tiếp một lớp đá 4x6 nhỏ hơn và tiếp tục công đoạn lu lèn, đến khi mặt móng đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, thì người thợ tiếp tục rải lên một lớp hỗn hợp đất đá nhỏ hơn gọi là cấp phối để làm lớp áo trên mặt đường, lúc bấy giờ đã êm thuận, đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông trên tuyến. Cứ qua khoảng ba năm khai thác sử dụng, người ta lại phải rải thay một lớp áo khác, nghĩa là một lớp cấp phối đá dăm nước khác… Thế nhưng đường đèo Phường Rạnh được làm một lần từ bấy rồi thôi, bỏ hẳn cho nắng mưa trần thế, chẳng một ai ngó ngàng đến, thử hỏi còn gì chịu nổi với thương hải tang điền, thử hỏi Trung Phước kia với Trà Kiệu dưới này có xa xôi mấy mà phải chịu cảnh gần nhà xa ngõ…?!


đêm trăng cầu Khe Nứa

Hơn ba mươi năm đi lại nẻo đường một thời mình yêu đương hò hẹn, cảnh cũ mà người nay đã dở dang rồi danh phận, làm sao không bùi ngùi cho được? Thì kia, dòng Thu Bồn quanh co như trêu cợt, chợt ẩn chợt hiện dưới tầm mắt mình. Những đêm trăng xa xưa ấy chúng tôi cùng với dòng sông trong veo ngọt mát, với người mình yêu mến biết bao lần tình tự, giờ thì sông vẫn đấy mà tuổi tác bạc màu, hưng phế đã thăng trầm sông núi bảo sao đời người không phiêu dạt phong trần, ngày mộng mơ nào nên thơ đến vậy, giờ đây áo cơm đùm túm mặt cau mày cú thì còn đẹp nỗi gì. Đừng nói chi ai, chính tôi và người bạn đời của tôi hôm nay làm sao tìm lại được thời son vàng của một đời người đã trôi chảy như sông, chưa phụ phàng nhau mà đã mất nhau rồi, mất chính mình một thời tươi đẹp nhất.
( Còn tiếp)

Tam kỳ 30/8/2013
Nguyễn Đức Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét