Vợ tôi
Cố Văn Hiền (TQ)
Bà vợ quẩy gánh bán rau trong chợ cóc, biết gì mà bàn chuyện thanh cao tiết liệt. để kiếm được vài chục bạc thì đứng hứng gió dầm mưa tới không một bóng người mới về; có tiêu đi vài đồng thì than thở xót xa mãi. Đến nỗi, con gái phải gắt lên:
- Mẹ có tiền mà không biết tiêu như người ta à? Thực là…
Bà vợ cuống quýt:
- Người ta khác, mẹ khác.
Từ nông thôn xa xôi chuyển lên làm việc ở thành phố, để mua được nhà, chúng tôi gặp khó khăn rất lớn về kinh tế. bà vợ dậy sớm thức khuya lăn lộn ngoài chợ. Thời buổi này tiền khó kiếm quá, bà vợ hay tiếc nuối: nếu tôi cũng có văn hóa thì…
Tôi hiểu điều này. Nhà người ta, hai vợ chồng cùng là viên chức, tiền có được dễ dàng hơn nhiều.
Có lần, tôi đi công tác miền núi hẻo lánh. Vừa mới tới nơi, đã thấy bà vợ, hỏi đường tìm tới, thở hổn hển. tôi kinh ngạc quá. Bà vợ trao tôi một bì thư:
- Bạn mình gởi thư tới, sợ lỡ việc của mình…
Tôi nhìn bì thư chưa bóc, nói:
- Loại thư này tôi nhận được nhiều lắm, có quan trọng gì đâu!
Con gái đi lấy chồng, nhà chỉ còn hai mạng già: Tôi là nhà văn, vợ tôi thì không hay chữ. Trừ phi cực chẳng đã, chẳng mấy khi chúng tôi trò chuyện với nhau. Sau này, tôi gặp một người đẹp đáng gọi là hồng nhan tri kỷ, thấy cuộc đời thế mới công bằng. bạn tình phải là người vừa tài vừa đẹp, lại không đòi ly hôn, lý tưởng biết bao.
Vợ tôi đi chợ bằng xe bus, bị chen ngã rất đau, sau khi ra viện trí nhớ giảm hẳn. tôi có thương xót bà vợ hơn một chút, gì thì gì, cũng đã là vợ chồng mấy chục năm. Tôi bảo:
- Bà không cần ra chợ nữa, lo tiền làm gì!
Bà vợ không chịu, còn bảo ở nhà chỉ sinh bệnh.
Dần dà, bà vợ thường bị đau đầu dữ dội, nhưng không kêu than gì. Tôi thì chẳng tự nhiên đi thăm hỏi cái chuyện ấy. Có khi nửa đêm tỉnh giấc, thấy bà ấy đau vật vã, tôi lên giọng:
- Bà sao không đến bệnh viện mà khám, có phải trẻ con đâu mà không biết lo cho mình thế hả!
Rồi sáng hôm sau, tôi quên ngay.
Một ngày, bà vợ ngất lịm trên đất, tôi mới cuống lên. Hôm ấy, tôi và bạn tình đi du lịch rất sảng khoái, quay về thì thấy vậy. tôi vật vã đưa bà vào viện, kết quả xét nghiệm thật kinh hồn: bà ấy bị ung thư giai đoạn cuối, chẳng còn được mấy ngày nữa đâu! Trời ơi, vợ tôi!
Lúc này, tôi mới ngược xuôi tìm thầy chạy thuốc, lại phải xin bác sĩ giấu tin này không cho vợ tôi hay. Tôi phải là chỗ dựa ổn định của vợ tôi, với người ốm, sự khích lệ về tinh thần rất quan trọng. Vợ tôi, đến tuổi này, đáng lẽ không còn phải vất vả bôn ba nữa, vậy mà… Tôi thấy thẹn thùng khôn xiết. Vợ tôi, dù rất đau đớn, nhưng lại vô cùng lạc quan. Bà ấy bảo:
- Kiếp này, tôi sống không uổng, gặp được người chồng hơn mình một bậc. Thế cũng đủ lắm rồi!
Hôm ấy, có vị thầy lang gõ cửa, bảo có thể chửa được bệnh của vợ tôi, và đòi giá 3000 tệ. Tôi sợ vị này nhắc tới từ ung thư, nên vội mặc cả.
- 2000 tệ thôi, tôi sẽ bằng lòng ngay!
Nhưng vợ tôi ngăn lại:
- Bệnh của tôi có gì đáng lo đâu, để hôm sau hãy quyết! Hôm sau, tôi nhận được giấy báo của một tổ chức đồng ý tài trợ cho tôi sáng tác, nhưng tôi phải tới Quảng Tây gặp họ. Bà vợ chuẩn bị cho tôi đầy đủ mọi thứ. Tôi chợt nhớ tới khoản tiền chữa bệnh của bà. Bà lấy ra một cái hộp bảo:
- Ông cứ yên tâm đi đi, tôi đã mặc cả 1500 tệ rồi.
Thế là tôi thanh thản lên đường.
Kết thúc cuộc gặp, tôi gọi điện định tâm sự với bạn tình. Cô ấy bỗng nghiêm giọng:
- Vợ anh qua đời rồi, anh không biết à?
Sao lại thế được? Tôi lao vội về nhà. Căn nhà chưa bao giờ trống trải đến vậy. Con gái tôi ở đó, vợ tôi chỉ để lại bức ảnh có vành tang đen trên tường. Quả tim tôi căng cứng, tôi khóc không nổi một tiếng nào.
- Mẹ con trở bệnh, sao con không gọi bố?
- Mẹ không cho. Mẹ bảo khó khăn lắm, bố mới có được cơ hội này. Mẹ đã làm vướng bố cả đời, đến khi sắp nhắm mắt không thể lại làm khổ bố nữa. Mẹ bảo, nếu con báo cho bố, làm bố lỡ việc, mẹ sẽ không nhắm mắt được.
Con gái tôi nói, thực ra mẹ biết bệnh mình tự trước rồi, sợ bố lo lắng nên mẹ giấu bố. Việc thầy lang kia cũng do mẹ nghĩ ra để bố tin là mẹ chưa biết gì, để bố yên lòng ra đi lo công việc sáng tác. Mẹ bảo, số phận đã vậy việc gì phải tốn phí tiền bạc nữa.
Tôi không còn hiểu con gái nói gì nữa, tôi chỉ biết nhìn trân trân vào di chúc mà vợ tôi gởi lại cho tôi: chỉ có mấy chữ nghệch ngoạc:
“ Mình đã chịu khổ quá nửa đời người, mình nhất định, nhất định phải tìm một người phụ nữ có học cho mình. Nếu không, ở bên kia thế giới, tôi không yên tâm đâu”.
Tôi nức lên. Tôi không thể làm theo lời di chúc của bà ấy được. Có lẽ, tôi phải tìm đến chỗ bà để cãi nhau với bà về chuyện này mới được. Hơn 20 năm vợ chồng, tôi chưa từng to tiếng với bà, chủ yếu là vì coi bà không ngang hàng để mà tranh luận…
Việt Anh ( dịch) theo TKCS Dẫn theo t/c HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH Phụ nữ Việt Nam số ra ngày 22/9/2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét