Nguyễn Đức Dũng
Tình quê xứ
Ghi chép
“Nhớ nghe! Dầu bận bịu thế nào cũng phải sắp xếp thời gian ghé bà con mình một chút lấy tình. Cho anh gởi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe. Anh cũng thèm đi lắm mà tuổi tác nó đáo hạn rồi! Không còn đủ sức để…” Nhà văn Phạm Thông, chủ tịch Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam bùi ngùi nhắc nhở thêm sau cú điện thoại liên lạc thông báo trước về chuyến thực tế sáng tác của đoàn. Thật khó xử cho chúng tôi, làm sao có thể chối từ một đề nghị ân cần đến vậy. Thời gian, kế hoạch và lộ trình đã bàn bạc thống nhất gần như kín lịch. Không thể từ chối với một “Ông Sếp” văn nghệ “Người lính già đầu bạc/ Ngâm mãi chuyện Nguyên phong…”. Khi ngày chủ nhật vẫn lọ mọ tự mình đi thảo công văn, ký tên đóng dấu rồi cầm đến tận tay cho mấy đứa em thơ phú ham chơi. Thôi đành hạ hồi phân giải chớ biết sao chừ.
Chưa tính đến sự tiếp đón nồng hậu và giúp đỡ trên cả tuyệt vời của các anh chị phòng VHTT huyện Phước Sơn (dẫu sao thì cũng vẫn còn là ở quê nhà). Nhưng để chuyến đi qua 3 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Quảng Ngãi với gần 700km đường bằng mấy chiếc xe máy chỉ hơn cà tàng một chút. Theo một vòng tròn khép kín: QL1A, QL14E, Đường Hồ Chí Minh, QL40, QL14, QL24, rồi đổ xuống QL1A ở chặng Thạch Trụ, Quảng Ngãi để về lại nơi xuất phát. Thì chưa chắc anh em VNS thực hiện đợt sáng tác này thu hái được điều gì khả dĩ, nếu không nhận được sự giúp đỡ hết sức đặc biệt, đầy ấm áp nghĩa tình. Sự chu đáo ở mỗi bà con đồng hương Quảng Nam đang sống và làm việc trên dọc tuyến hành trình của đoàn. Qua chuyến đi này, điều làm cho chúng tôi thêm tin rằng, tình đồng hương xứ sở, tình bạn bầu của những người gắn bó với hoạt động văn hóa văn nghệ, kể cả tình người tình đất là điều không hề mơ hồ, dẫu ở mỗi khi mỗi lúc nào đó vì những vui buồn riêng tư, mỗi nỗi niềm túng khó nó có thể chừng như phai nhạt. “Nó” không còn là một khái niệm mang tính trừu tượng như ta vẫn hời hợt nghĩ.
Làm sao có thể quên được sự chu đáo ngoài mơ ước của chúng tôi, khi các anh Lê Huyên, trưởng phòng VHTT huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, người con của quê hương Duy Thu, Duy Xuyên, anh Bùi Việt Sỹ, phó phòng, quê Bình Triều, Thăng Bình, anh Sáu Cẩm quê Duy Châu, Duy Xuyên và nhiều anh chị khác… Dầu bận trăm công nghìn việc, vậy mà vẫn sắp xếp, tổ chức và phân công anh em đến giúp đỡ đoàn. Khi chúng tôi vừa đặt chân đến thị trấn Plây Kần của huyện. Chưa khuấy tan mấy muỗng đường trong ly cà phê phố núi đã thấy một chàng trai trẻ nói giọng Nghệ An chạy xe máy đến tìm. Thì ra các anh đã chuẩn bị đâu vào đó cả rồi. Cơ sự này là nhờ anh Vinh ở Phước Sơn nhà mình “gởi gắm”. Qua vẻ xởi lởi, nhiệt tình và cởi mở của hướng dẫn viên tài tử Huỳnh Huy Quyền này, chúng tôi mới có cơ hội bon bon trên QL40 tìm về Ngã ba Đông Dương mà văn chương ví von “Nơi tiếng gà ba nước cùng nghe…”. Nói vậy thôi chớ làm sao “nghe” được tiếng gà kỳ diệu và thiêng liêng ấy. Dẫu có chim ưng, phượng hoàng tấu bản hợp xướng lông vũ trời cho của mình thì đoàn “hành hương” cũng đành điếc đặc. Mưa. Mưa như roi quất vào mặt vào người và gió. Ôi! Cái gió vùng biên miên man riết róng cơ hồ như chưa từng bao giờ được gió. Đất trời một chiều kỳ lạ đến liêu trai kia dường như đang chào đón chúng tôi bằng một bữa chiêu đãi ấn tượng. Trong mịt mùng ấy, người đi bất chấp lạnh lùng ướt át là để tìm đến một nơi chốn hết sức đặc biệt của nước non này, có vậy mới thấy được giá trị thực sự của cảm xúc, của tình yêu và lòng tự hào về quê hương xứ sở. Hỏi sao không nâng niu nghĩ suy kia cho được, khi vòng quanh cương vực Tổ quốc mến thương, ngoài dặm trường sóng vỗ đêm ngày không ngừng nghỉ biển đông, như một vòng hào thiên nhiên khổng lồ xác lập chủ quyền địa phận đã được bao thế hệ tiền nhân mở mang khai phá và gìn giữ. Kỳ dư non nửa vành đai còn lại thì thôi điệp trùng những núi cùng non. Những bất tận núi rừng kéo dài từ dãy Cao Bắc Lạng qua Hà Giang Lào Kai mà đỉnh Đồng Văn như một nóc nhà Tổ quốc, làm bức thành đồng án ngữ phía bắc. “Thiên thư” còn “định phận” phú cho một Trường Sơn hùng vỹ kéo từ Lai Châu Điện Biên Sơn La rồi sổ một nét vững chải dọc vào suốt tận phía nam của cõi bờ mang dáng người đi trong miệt mài mưa gió bão bùng. Một hành trình mải mốt đón ánh mặt trời, bởi vậy, cuối mảnh đất thiêng liêng ấy như chiếc hài vạn dặm bốn ngàn năm cho con cháu hôm nay tự hào một mũi Cà Mau “Rừng biết chạy đất biết đi…”
“Ngã ba Đông Dương”. Điểm đến này còn hơn ý nghĩa của một vùng phên dậu. Bởi nó là một trong hai miền biên viễn có cái đặc biệt cùng lúc tiếp giáp với hai đất nước láng giềng. Nếu Ngã ba biên phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc và nước bạn Lào, thì ở đây lại là điểm tiếp giáp cùng lúc với nước bạn Lào và xứ sở Chùa Tháp KamPuChia. Tìm về những nơi chốn này có thể nói là nỗi khát khao luôn âm ỉ trong lòng con dân Việt, chưa kể những người hoạt động VHNT thì mong mỏi ấy nó thôi thúc biết chừng nào. Sau khi dừng chân để lòng mình giao hòa cùng đất trời, đứng giữa gió mưa này mà nghe trong ta dấy lên một nỗi tự hào, một tình yêu thiêng liêng rơm rớm mắt nhìn.
Chúng tôi tiếp tục làm cuộc “xuất ngoại” bỏ túi qua ngõ Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trong cái chiều mưa không dễ gì gặp được lần nữa trong đời. Thăm mái quán biên giới đìu hiu thuộc bản Phu Cựa, huyện Phu Veng, tỉnh Attapư nước bạn. Như thơ biên tái ngày nào để thực sự trải nghiệm một câu hỏi đã xốn xang bao mảnh đời tha hương cố quốc. Hỏi thử nỗi nhớ nhà nhớ nước kia nó hình dạng ra sao mà da diết lòng người đến vậy. Té ra cuối cùng rồi chúng tôi cũng thấm thía nỗi niềm khi mình thực sự đặt chân bên ngoài mảnh đất đai được giới định bằng những thủ tục mang tính Quốc tế và những giao tiếp phải qua phiên dịch.
Sau đêm tình tang những hát cùng hò, những Hòn Kẽm Đá Dừng mít non chở xuống cá chuồn chở lên. Những kỷ niệm kiểng quê trong lòng bà con, bạn bầu đang làm ăn sinh sống ở huyện Ngọc Hồi này. Chúng tôi bịn rịn chia tay và hẹn hò tái ngộ. Đoàn xuôi theo mượt mà khoai sắn dọc đường Tân Cảnh, Đăk Tô. Xa kia, bạt ngàn cao su đang khoe những cung bậc sắc màu xanh đến thao thiết, ấm no này phải đổi bằng biết bao nhiêu máu xương, bao nhiêu chia ly và đoàn tụ, bao nhiêu đợi chờ hy vọng rồi ngậm ngùi. Chúng tôi đi và biết rằng mình đang đi trên những cung đường một thời máu lửa, đi trên bao xương trắng máu đào. Niềm trân trọng pha lẫn thổn thức cứ chực òa vỡ khi dừng chân kể nhau nghe những điều đã được biết qua sách vở, qua những câu chuyện thấm đẫm bi tráng của mỗi ngày làm nên lịch sử ở xứ đất đai này. Thị trấn Đăk Hà hôm nay khang trang phố thị. Một thay đổi ngỡ trong mơ, mới vài chục năm trước thôi, nơi này từng là rừng thiêng nước độc, hiu quạnh bước chân người, qua bao vật đổi sao dời và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong chiến đấu, bảo vệ và dựng xây của đất và người Kon Tum. Hôm nay kể lại câu chuyện này cho những thế hệ sinh sau đẻ muộn, chưa từng qua thời đạn bom mịt mờ lửa khói, e rằng sẽ nhận lại nỗi hoài nghi, lẽ nào cha ông ta đã làm được một phép màu như cổ tích.
Trong căn nhà nhỏ mà gọn gàng ấm áp bên đường Hùng Vương của thị trấn Đăk Hà. Vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Lân đón chúng tôi như những người bà con cật ruột lâu ngày mới gặp. Một hội ngộ bất ngờ thú vị khi té ra nhà thơ Thái Bảo Dương Đỳnh lại là đứa em hàng xóm chung rào của anh Lân ở quê nhà Quế Thọ Hiệp Đức. Cái ôm chầm thân thiết ấy sau mấy phút ngỡ ngàng làm cho tất cả rưng rưng. Được tin của nhà văn Phạm Thông, bạn chiến đấu cũ báo đoàn VNS Quảng Nam sẽ có dịp đi ngang qua nhà, vợ chồng anh đã hồ hởi đề nghị tạt vào thăm cho đỡ nhớ kiểng quê. Qua điện thoại, vợ chồng anh nhất mực bảo rằng, nếu đoàn không ghé anh thì anh sẽ “hỏi tội” đồng chí Thông, người bạn chiến đấu đồng hương thuở nào là đã “phản ảnh ra răng” mà bà con mình đi qua trước cửa lại không dừng chân được năm ba phút để tâm tình… Ôi! Cơ sự này thì làm sao mà đừng cho được nữa, khi chúng tôi, những người chỉ có mỗi tấm lòng chất chứa thương yêu trân quý tình người, thiết tha với những giá trị đích thực của cuộc sống. Bữa liên hoan sang trọng râm ran trong hàn huyên những ký ức một thời hào hùng gian khó mà anh chị đã trải, những kỷ niệm quê nhà nghèo kiết xác mồng tơi nhưng sao nghe nó quý giá như những vật báu mãi ấp iu trân giữ. Chúng tôi vui lây với cái vui của anh chị và thật sự xúc động trước tấm chân tình của một người anh đồng hương xa xứ. Cuộc vui nào níu kéo mãi cũng phải tàn, chia tay nhau ở trước hiên nhà, chúng tôi chụp chung mấy tấm hình để lưu giữ giây phút thân thiết ấy.
Thành phố Kon Tum hôm nay sang trọng, đẹp và hiện đại trong sự quy hoạch có tính đến phần gìn giữ bản sắc của một vùng Tây nguyên cực bắc. Sau khi thăm thú những điểm đến không thể bỏ qua như: Nhà Ngục Kon Tum, Nhà Thờ Gỗ Kon Tum, Nhà Rông Kon Klo của đồng bào Bahnar. Chúng tôi sẻ chia buổi cà phê sáng thân mật với anh chị em văn nghệ báo chí Kon Tum bên giòng sông Đăk Bla thơ mộng và hùng vỹ đã đi vào lịch sử bởi chiến tích lẫy lừng vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Giòng sông này cùng với chi lưu Pô Kô, Căn cứ Đăk Tô, Tân Cảnh, cứ điểm 601, những ngọn đồi kéo một đường cánh cung mang những cái tên bi tráng trong bản đồ chiến sự Charli, Alpha, Delta, Hotel v.v… đã gợi lên bao niềm thương cảm và kính trọng.
Những cuộc giao lưu để lại trong lòng mọi người sự ấm áp nghĩa tình quê kiểng khi những câu thơ thương nhớ cứ ray rứt ngân rung, những bài hát đậm đà tình yêu non nước, những giai điệu mộc mạc mà ám ảnh tên đất tên làng, gặp gỡ Kon Tum khác nào gặp gỡ ở Điện Bàn Đại Lộc hay Tiên Phước Tam Kỳ, khi những người đồng hương hội tụ, những dâu rễ đang cư ngụ ở đất đai này. Anh Cư phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh Kon Tum quê Đại Lộc, nhà thơ nữ Nguyễn Phạm Doãn Mãi quê Tam Thái Phú Ninh, nhà thơ Từ Dạ Linh quê Bình Triều Thăng Bình, chị Huyền cán bộ Hội Nhà Báo Kon Tum dâu Thăng Bình, nhà thơ Tạ Phúc Đoan, con gái của Tạ Văn Sỹ thi nhân, dâu Tiên Phước, rồi một cậu trai trẻ bàn bên khi nghe đến bài hát Dùi Chiêng cũng vội vả cầm ly bia qua chào các cô chú trong nỗi xúc động không nói được nên lời, bởi cậu chàng nhà ta người Tiên Phước vào đây một thân một mình tìm kế sinh nhai. Đến nỗi khi những đồng hương Quảng Nam cùng đứng lên nâng ly bia để dành cho tình yêu quê xứ thì nhà thơ Tạ Văn Sỹ cũng vui lây mà rằng: Tôi “làm sui” với Quảng Nam nên cũng là đại biểu đương nhiên được dự phần, Ôi! Chỉ một câu nói vui thôi mà cảm động và không giấu được nỗi tự hào trong mỗi chúng tôi.
Đêm Tây Nguyên những cơn mưa đầu mùa kéo theo hơi ướt át ngoài kia, gió miên man thổi qua những cánh rừng và từng làn sương mỏng đã buông se lạnh ngọt ngào xuống không gian, nhưng sao chúng tôi vẫn nghe ấm áp lòng mình. Hóa ra cái tình người có chung một địa bàn chôn nhau cắt rún ấy nó mới đằm thắm và cụ thể, nó mới cho ta những cảm nhận chân giá trị về nơi từng thế hệ cha ông đã bền bĩ khai phá tạo dựng sinh cơ rồi truyền đời con cháu. Ta mới hiểu tại sao những mồ mã im lìm ngoài gò bãi bến sông ấy vô ngôn mà nhắc nhở biết bao điều trong thanh minh tảo mộ. Ta mới hiểu âm ỉ trong mỗi hình hài là triền miên giòng chảy huyết thống cứ sum suê cành nhánh khi xuân thu nhị kỳ giỗ chạp, và phảng phất khói hương ấy nhắc nhở ta rằng đất nước này, dân tộc này trường lưu cho đến hôm nay cũng nhờ vào tình đất tình nhà, nhờ vào mỗi khoảnh khai phá nhọc nhằn tạo dựng nên vườn tược cơ ngơi quê xứ. Để mỗi khi bước chân ra đi háo hức với những mới mẻ trời xa đất rộng, thì cũng đồng nghĩa đồng cân với mong ngóng trở về, chẳng thế mà cứ mỗi độ tàn đông, khi trời đất trở mình cho cây lá đâm chồi nẫy lộc, là lại một lần thao thức ánh mắt đợi chờ đoàn viên cố xứ, là bụng dạ réo sôi níu đòi những gì gần gụi thân thuộc của mình, dẫu nghèo khó bao nhiêu đi nữa cũng thiêng liêng không thể nào dứt áo quay lưng cho đành đoạn.
Tam Kỳ 01/8/2013
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét