Nhân đọc “Áo giấy cho sông” của Nguyễn Đức Dũng:
LẤY CẢ QUÊ HƯƠNG LÀM SẢN NGHIỆP
Con người tôi hằng gặp ngoài đời là một Nguyễn Đức Dũng chơn chất, hồn hậu và có phần tự kỷ. Thế mà đọc tập thơ “Áo giấy cho sông” của anh tôi mới ngộ ra rằng: Có một phú ông Đức Dũng kiêu bạt đến dư thừa của nả! Mới biết, người và thơ khó lường đến vậy.Tôi không thể nghĩ được gì đúng hơn cho bài viết, đành mượn tạm chút phần “hương hoả” trong gia tài thơ anh để làm tiêu đề:
“Lấy cả quê hương làm sản nghiệp
và tấm lòng để lại cho con...”
Nếu ai hoài nghi về sự sang giàu của tác giả “Áo giấy cho sông”, xin hãy đọc tập thơ đầu tay này của anh. Dẫu là một phú ông nhưng vẫn cố ăn nhịn, để dành suốt nửa chặng đời xuôi ngược, mãi đến đầu năm 2009 này Đức Dũng mới đem trình làng bạn thơ. Tập thơ mỏng- chưa đầy 100 trang- nhưng đủ cho thấy độ dày và độ chín của một hồn thơ đang mùa sung mãn. Hãy thận trọng khi nếm mùi ớt đồng Tư Phú của Dũng. Có thể nói ngay rằng, giữa chợ trời thi ca hôm nay, “Áo giấy cho sông” không phải thuộc loại hàng trôi nổi. Những bạn yêu thơ anh vẫn thường đùa theo kiểu Quảng Nam, gọi đây là tập thơ...“bốn triệu”, nhưng một người thơ ‘giàu có” như anh đâu cần làm thơ để đem rao bán !?
Đọc lời đề từ dưới chân dung sau trang bìa, tôi cứ thấy ngờ ngợ:
“ xin quì đây giữa Quảng Nam
cỏ cây ơi !
nhận tôi làm quê hương.”
Lẽ nào anh là kẻ “thiếu quê hương”? Đừng nông nổi mà thương nhầm, anh đang có thừa cả linh khí núi sông lẫn quê quán nội-ngoại. Đi đâu anh cũng “dắt một đoạn Thu Bồn vào túi ngực” và “chùa chiền chỉ một phía sông quê”. Như thế đấy, “ Áo giấy cho sông ” là thứ áo vàng, áo bạc của lòng anh tạ lễ với đất quê Điện Bàn-Quảng Nam. Nếu thiếu cái tâm thành ấy thì tại sao cả “sản nghiệp thơ”, anh chỉ chắt chiu 55 bài và hầu hết dành cho quê cha, đất tổ? Thú thực, khi vừa đọc nhan đề tập thơ tôi thấy hơi bị chợn. “Áo giấy” người ta chỉ mặc cho người cõi âm; mà “áo giấy cho sông” là để tiễn cho một dòng sông đã chết(?). Nhưng chữ vậy mà nghĩa không phải vậy. Đời người vẫn trôi chảy với đời sông theo dòng hợp lưu ký ức:
“ Giắt một đoạn Thu Bồn vào túi ngực
Thả đời trôi tận mấy phương người
Tay khệ nệ nồi hương bát nước
Ông bà theo tám nẻo trùng khơi...”
Phật linh diệu cả mười phương, tám hướng; còn Dũng thật thà, “khệ nệ” mang “nồi hương bát nước” ông bà để đi “tám nẻo trùng khơi”. Thì ra, sau biết bao thăng trầm cơm áo, có một Đức Dũng đang “Đê đầu tư cố hương”.Để rồi khi trật trầy túi rỗng, anh lại nhận ra mình là kẻ giàu có nhất làng. Cho nên ta chẳng chút hoài nghi, khi anh “Ngày cơm áo bầm đen thân tục luỵ /đêm chiêm bao sóng nổi đục bề sông” thế mà vẫn trong veo cái tình với dòng sông, quê kiểng:
Hẹn với lòng về thăm lại bến xưa
một thời Cha vẫy vùng tuổi nhỏ
ơi ! Bến đò Tư Phú
cong cong bên nhánh Thu Bồn...
Câu chữ thơ anh chân thành mà sắc nhọn như những mũi kim điểm huyệt người đọc, không đau mà vẫn xót.Mỗi nhan đề thơ của Đức Dũng là một khúc lòng chìm nổi với bến quê, với đất làng: “Nghiệp sông, Nỗi quê, Chất làng,Tư Phú, Nơi xưa đã từng sông” v.v... Anh “nói với riêng con” mà tôi cứ thấy nổi da gà:
Từng lưu tán mấy trời cơm gạo
Vẫn nôm na giọng đặc Thu Bồn
Mặc gai góc tróc trầy danh phận
Lấy nỗi niềm quê kiểng kéo da non...
( Chỉ nói với riêng con )
Hoặc độc thoại về mẹ:
Gặp người sương ướt hôm mai
nhớ cong đòn gánh ngày vai mẹ gầy
không vun được nắm đất đầy
chân hương nghiêng ngả cắm dày đời con !..
( Mua rau nhớ mẹ )
Nhưng theo tôi, vốn liếng kết sù nhất của tác giả “Áo giấy cho sông” chính là phần “hương hoả” ngôn từ trong thơ. Đã thành mặc định, xưa nay các thi nhân làm thơ vẫn dùng thứ ngôn ngữ hàn lâm hoặc thông dụng hướng chuẩn. Nếu có ít nhiều “sờ” đến phương ngữ, thì mới thấy ở bậc thơ “siêu quậy” như Bùi Giáng:
Ông tên là Gioáng phải không ?
Ông người Đà Noẽng chính tông tộc Buồi ? (Bâng quơ)
Nhưng bậc “trung niên thi sĩ” đó chỉ nhại âm Quảng, nói cho vui.Với Đức Dũng giọng Quảng, từ ngữ Quảng thuộc tầng vĩa của khí chất, của tấm lòng Quảng Nam. Lâu nay, con người quê xứ của đất này khi bước qua khỏi đèo Hải Vân tất đều bị chê là “vùng ngoại ngữ Quảng Nôm”! Bởi cái thổ âm của xứ mình khá đặc biệt, khó ai nghe rõ; mà dẫu có nghe cũng chẳng mấy người hiểu được. Thế mà cái anh chàng trọc phú Đức Dũng này chơi một cách xa xỉ vốn phương ngữ ấy trong thơ.Nếu cái sự mô, tê, răng, rứa...nghe ấm tình với người Huế, thì những: Ngỗ ngáo, quày quả, sử dại, cữ rày...đâu chỉ có làm sang cho thơ Dũng. Điều rất lạ là dẫu người phương Nam hay đất Bắc đọc thơ anh đều gật gù, tâm đắc khi chạm phải những từ ngữ “đặc sệt” Quảng Nam ấy. Thử nhặt bất kỳ vài câu như thế để ngẫm xem về thổ âm người Quảng:
Nhớ quá thể buổi ưng làm người lớn
Trai gái gần nhà sử dại cắp đôi nhau...
Hay :
Ra đi ước quen cao, biết rộng
Kể chi gió máy sông nhà
Tréo ngoe cái chè hai ấm ớ
Rứa rồi dị tới người ta !
Chữ nghĩa “đặc quánh” chất khẩu ngữ quê nhà mà vẫn rất thơ. Từ lối nói tự nhiên đến ngôn từ quê kiểng đã được anh phù phép để trở nên sang trọng và có sức biểu cảm đến bất ngờ. Trong khi đọc các nhà thơ được gọi là “Hậu hiện đại”, chúng ta thấy ngổn ngang xác chữ mà tình ý chẳng lượm lặt được gì, thì Đức Dũng cứ tưng tửng với phương ngôn mà cháy ruột. Những “lông bông không cửa không nhà”, “chảy nước miếng thèm chinh phục mấy tầng cây”; rồi “ưng dốc ngược”, “chộn rộn”, “ngố đân, ngố điếc”...có lẽ nhiều người Quảng đã quen với “thế giới” tắm vòi sen, uống nước đóng chai cũng thấy giật mình khi vấp phải những ngôn từ cha sinh mẹ đẻ ấy.Cái thâm hậu của phương ngữ trong thơ anh không chỉ thể hiện sự giao cảm tự nhiên mà độc đáo hơn là “phơi” được cả khí chất bộc trực của con người đất Quảng:
Chưn đất đầu trần phơi mùa khô hạn
Phù sa Thu Bồn hai buổi lặm thân...
Nếu trong thơ Hai-cư của Nhật Bản thường dùng những “quí ngữ” để chỉ mùa, thì từ “lặm” trong câu thơ trên của Dũng là một “quí tử” của đất quê Điện Bàn. Bởi chỉ có những ai uống nước sông Thu mới thấu nổi từ “lặm”: Lặm nước, mắc lặm lông mi, lặm thân...Vốn là từ “gia truyền” của Đông y đã chuyển hoá thành một động từ, chỉ tác động trực tiếp vào bên trong- mà chỉ có người Quảng mới “dịch” được ! Đọc “Áo giấy cho sông” đâu chỉ gặp đôi chỗ anh lấy phương ngữ làm trang điểm, mà cái vốn ấy đậm đặc, nảy nòi từ chính hồn thơ tác giả. Như anh đã trần tình trong thơ: “Chưn lung lạc lòng quay quắt xứ/ trở mình chăn chiếu buồn xo”...
Nhưng nhiều khi thái quá thành bất cập, cũng như thuốc quá liều dễ bị sốc. Một số bài đọc thì nghe hay, nhưng không ít người ngỡ anh đang làm xiếc : “Quày quả nuột lạc neo mình, quày quả lòng xưa ấy/ quày quả lứa măng dưới ngờm ngợp sinh thành”. Nào là “mô uớ bậu”, “nó... dông dông” v.v...
Có điều tuỳ thuộc ở góc độ tiếp nhận, người đọc có thể ‘tiêu hoá” câu từ trong thơ Đức Dũng theo cách của riêng mình. Ngay cả với chính tôi, nhiều khi cứ để thơ anh “Lặm” vào như thế. Và đâu đó- từ trong sâu thẳm bỗng giật mình nghĩ ra : “ Vì sao anh cứ nằng nặc quay về” !
NgôPhúThiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét