Khúc tây hành *
Ghi chép
I-Tây tiến đoàn thơ…
“Ơi những cung đường rừng núi Quảng Nam tôi
“Hãy vươn vai hướng mình ra trùng khơi gió lộng
“Mời Hòn Kẽm Đá Dừng khua chân vào con sóng
“Đón ngày lên từ phía mặt trời…
Trên đây là tựa đề(*) và đoạn trích trong bài thơ tôi viết vào năm 2004 dài 81 câu khi nằm điều trị tại khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, lúc nhà thơ Đỗ Thượng Thế vào thăm có nói đùa mấy câu nghe ra cứ sợ “ anh nằm khoa Mắt một tháng làm được bài thơ dài 81 câu chớ nếu nằm khoa vĩnh biệt có khi viết nổi cái trường ca dài cỡ Truyện Kiều…”.Không hề sợ chết mà sợ mình không có dịp thực hiện một chuyến đi đầy kỳ thú về vùng Tây Bắc xứ Quảng, nơi có những câu chuyện truyền miệng về tên đất tên người mời gọi cám dỗ những ai sẵn dòng máu phiêu lưu xê dịch, những Hiên Giằng Box six, những dốc Kiền, Trao và rất nhiều bản làng đã ghi danh vào lịch sử của một quê xứ đầy biến động trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông.
Sau rất nhiều bận bịu, nín nhịn và sắp xếp, cuối cùng chúng tôi cũng “ rủ rê” được nhóm Văn nghệ sỹ “ bỏ túi “ làm cuộc hành trình mà sự thèm thuồng đã ở đỉnh điểm không thể chờ đợi thêm được nữa. Hội quân tại quán cà phê Trầm số 33 đường Lê Lợi thành phố Tam Kỳ, nơi bạn bè văn nghệ thường ngồi với nhau để chia sẻ những vui buồn, chuyện nghề chuyện đời và kể cả ý tưởng làm chuyến vòng quanh quê nhà lần này là cũng tại đây, vậy nên từ điểm xuất phát này chúng tôi tạt ngang qua văn phòng Hội VHNT tỉnh như một nghi thức vào lúc 7 giờ 30 sáng 15 tháng 7 năm 2012 đúng dự định, trực chỉ Quốc lộ 1A ra hướng Đà Nẵng, theo kế hoạch, đoàn tiếp nhận thêm một thành viên là nhà thơ Thái Bảo Dương Đỳnh tại Cây Cốc – Hà Lam, nhưng vào giờ chót mẹ của anh trở bệnh nặng đưa đi điều trị tại Đà Nẵng nên Thái Bảo Dương Đỳnh đã phải hủy chuyến đi. Một chút ngậm ngùi tiếc nuối của cả nhóm nhưng biết sao được. Không phải tất cả những ước muốn đều thành vì vậy mà con người còn phải luôn mơ tưởng.
Hay tin chúng tôi làm chuyến thực tế sáng tác về hướng quê mình, tác giả trẻ Nguyễn Thị Cẩm Giang đón đoàn tại ngã tư Hòa Cầm để cùng về, Cẩm Giang tranh thủ mấy ngày hè xuống Đà Nẵng làm thêm kiếm tiền trang trải cho năm học tới. Từ đây, đoàn theo Quốc lộ 14B để lên vùng Tây Bắc của Quảng Nam, đây là một trong không nhiều tuyến đường huyết mạch của khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng thông thương với nước bạn Lào từ đó sang đất nước Thái Lan mà giới truyền thông gọi là tuyến hành lang đông tây và trong các nội dung quảng cáo của ngành du lịch đã “văn vẻ” câu nói đầy quyến rũ “ Một ngày đi qua 3 nước …”
Lên tới ngã ba Túy Loan đoàn rẽ phải để theo lộ trình ĐT 604 đã vạch ra. Thời gian eo hẹp nên không thể ham hố mà làm một khúc ngoặc về tay trái theo hướng đi Đại Lộc, kể cũng hơi tiếc, vì từ ngã ba này, chỉ cần bỏ ra hơn 3 cây số sẽ đến chợ Túy Loan, nơi hiện còn ngôi đền thờ chí sỹ Ông Ích Đường nghi ngút khói hương của bà con tiểu thương ở chợ cũng như nhân dân lân cận quanh năm hương khói để tưởng nhớ người con của quê hương đã bỏ mình vì nước trong giai đoạn chống thực dân Pháp xâm lược. Ông là cháu nội của danh tướng Ông Ích Khiêm, được xem là người tuổi trẻ tài cao và chí lớn, văn võ song toàn, ông chỉ huy nhân dân Hòa Vang hưởng ứng phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, việc không thành ông bị giặc Pháp đưa đi xử chém tại sân đình Túy Loan xã Hòa Phong, trước pháp trường ông lưu lại câu nói nổi tiếng “ Giết Đường này còn nhiều Đường khác. Còn mía còn Đường, còn giặc cũng còn Đường …” khi vừa bước vào tuổi 18. Cách chợ Túy Loan hơn nửa cây số là cầu Túy Loan bên cánh đồng lúa mênh mông gió, đây là nơi tôi đến làm lại mặt cầu vào năm 1995 bị du kích gài mìn đánh sập để chặn đường tiến quân của đối phương trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu bị vỡ một mảng lớn giữa mặt đường nhưng do thời buổi sau ngày thống nhất nhiều khó khăn vả lại vẫn còn tận dụng được nên dềnh dang mãi đến thời điểm nói trên tôi mới có dịp may để tham gia sửa chữa lớn công trình này, đây cũng chính là nơi có ngôi đình Bầu Bàn thuộc thôn Cẩm Toại xã Hòa Phong tương đôí nổi tiếng về kiến trúc cũng như tầm vóc lịch sử, chỉ nội bóng cổ thụ trước sân đình mà chu vi phải năm bảy người ôm và độ tuổi vài trăm năm của “ cụ cây “ rất đáng cho một lần chiêm bái. Cũng thời gian ở đây, tôi viết hai câu lục bát sau này ráp vào thành bài “ THƠ TÌNH GHI DỌC QUẢNG NAM “ bởi tên đất tên làng Cẩm Toại quá đẹp, mà đẹp đến đổ quán xiêu đình là một khuôn mặt, một con người, một cái tên làm say mê những nam tử hán trong đó đương nhiên không thể thiếu những gã làm thơ…than ôi ván đã đóng thuyền! “ Đang cơn nước ngược sông đầy / trăm năm có đựng một ngày tràn ly…”. Sở dĩ phải dềnh dang một tí là để nhớ người nhớ chốn, nhớ một vùng miền không thể nào quên, nhưng thử hỏi trên suốt đất nước này, quê hương này ở đâu con người không đẹp, quê xứ không tình, hóa ra chính sự đa mang của những kẻ tự ôm đồm vào lòng mình nhiều “chuyện” vậy.
Là người thợ Cầu Đường, suốt thời trẻ trai tôi gắn với những cung đường, những chiếc cầu đã làm nên từng trang đời đầy chuyện kể, những giai thoại vui buồn thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, những tình yêu đôi lứa dặm dài theo khắp tuyến quê nhà. Tôi yêu công việc của mình vì hơn ai hết, một người vật vã với thơ như tôi nhìn những chiếc cầu không phải như nó vốn có, mà nó là những đợi chờ, những chia ly cách trở, những hò hẹn đẩu đâu, bản thân nó là một bài thơ đầy lãng mạn và trái tính, nó ngăn sông cách đò, từ đó làm khóc cười biết bao số phận con người liên quan gần gụi với nó. Bởi vậy, khi xong một công trình, một cung đường êm thuận, nghĩa là khi “ nối những bờ vui” lắm lúc nghe lòng mình dâng lên chút hạnh phúc có thật của người thợ mà ngày xưa quen gọi là “ Phu Lục lộ” từng truyền đời câu hát buồn đến lụy người “ Cha lái lu – Mẹ duy tu/ Đẻ ra một đám thằng cu đứng đường…” trên quê hương Quảng Nam còn nghèo lại nhiều sông lắm suối. Đi để cho ước mơ, khát vọng được đi, được thăm thú nước non mình đẹp và hùng vĩ, Để làm một bệ phóng cảm xúc cứ chực trào dâng thúc hối một hành trình mà suốt những tháng năm làm nghề đã dẵm mòn dấu chân mình trên quê xứ nhưng riêng cái điểm đến say mê kia tôi cứ bị lần lữa chối từ .
Càng lên vùng cao này, ngoài cái đẹp đến ngoạn mục vì lên dốc xuống đèo quanh co đầy thách đố tài năng của những tay lái có nghề, tạo cảm giác lo âu hồi hộp, nhiều cú cắt quẹo nổi da gà nhưng cũng chính bởi thế mà thú vị, mà cảm giác. Vậy mà tôi lại lạc khoản ngẫm ngợi đến cái gọi là tính chất của con người xứ Quảng, nhiều nhà nghiên cứu, học giả đã đổ biết bao tâm lực để giải thích rồi, tôi không dám lạm bàn, nhưng chợt nảy ra một liên tưởng có thể nhận chút ít đồng cảm. Đành rằng rừng núi thế kia nên con người thế ấy, từ thuở theo vua Lê Thánh Tông vào vùng MỞ RỘNG VỀ PHƯƠNG NAM, ông cha ta đã phải bền bĩ một quá trình cộng cư với người bản địa, rồi thì hội nhập với những thương thuyền âu á tìm đến cảng thị sầm uất một thời của xứ Đàng Trong. Không phải bất cứ giao tiếp trao đổi nào trong đời sống cũng có thể hiểu được ngay tắp lự như kiểu bây giờ giới trẻ vẫn rêu rao “ biết chết liền “. Vậy nên con người trước một vấn đề cần đạt đến ngã ngũ phải vận dụng biết bao nhiêu là thủ thuật kỹ xảo kỹ năng… từ bập bẹ tiếng nước ngoài đến ngôn ngữ hình thể, rồi ra dấu tay và biểu cảm bằng nét mặt, chán chê mới vỡ ra một chuyện đôi khi hết sức giản đơn. Từ đó nhu cầu giải thích, diễn đạt được nâng dần lên tầm nghệ thuật, lắm khi phải tranh biện, lý luận đủ đường. Thử hỏi làm sao con người ở đây không “ cải” không “hoài nghi” cho được, bởi chỉ nội con đường trước mặt kia thôi cũng ẩn giấu biết bao nhiêu câu đố cần phải trả lời? làm sao biết sau khúc quanh mê ly kia của con đường là dốc cao hay suối sâu? là vách đá hay vực thẳm? Phải đến tận nơi phải dò tận mặt, cái hình sông thế núi nết đất tính trời nó làm nên phẩm chất người phải chăng là đây? Sự rốt ráo của chân lý không ở văn hoa lý thuyết mà phải bằng thực chứng?
Chúng tôi vượt dốc Kiền thì đã gần 12 giờ trưa, muộn so với dự tính bởi mấy anh “ phó nhòm “ thi thoảng cắt vụn trớn chạy của đoàn xe rề rà chọn góc bấm máy. Dừng chân tại cổng chào của huyện Đông Giang đọc thấy câu khẩu hiệu được đắp chỉn chu ngay ngắn nhưng ý tứ có vẻ phá cách thấy vui vui mà quên cả mệt nhọc “ Quê hương đẹp giàu, toàn dân xây dựng”. Vào đến trong sân của nhà thơ Nguyễn Cường, một thành viên trong đoàn thì ai nấy bụng đã cồn cào, sau khi chào hỏi qua quýt, chúng tôi ghé một quán ăn ở thị tứ Trung Mang ăn trưa rồi về nghỉ tránh nắng ở nhà của Cường, ngôi nhà xây khang trang rộng rãi tọa lạc trên sườn đồi đầy gió, nó là kết quả của sự dành dụm cả hai vợ chồng giáo viên miền núi trong một thời gian dài, vậy mà chúng tôi đùa tếu “ thằng này tài hoa thật, tiền nhuận bút thơ mà xây được cái nhà to đùng “
Buổi chiều chúng tôi quanh quẩn mấy vòng sau khi đến thăm gia đình Cẩm Giang và Alăng văn Gáo, hai tác giả trẻ cộng tác viên của tạp chí Đất Quảng cũng như một số báo chí trong và ngoài tỉnh, Gáo đưa chúng tôi đi thăm thủy điện An Điềm 2 và dòng sông Vàng trơ đáy, len lỏi là những vụng nước còn sót lại đỏ quạnh vì sự can thiệp thô bạo của bàn tay con người, cả nhóm cảm thấy thất vọng khi ngay điểm đến thăm đầu tiên để mong tìm một chút mát mẻ và trong trẻo đã phải chứng kiến điều ngược lại, sau mấy nhát bấm máy để ghi hình lưu niệm, tôi đề nghị Gáo tìm con suối nào đó để anh em ngồi chơi bù cho thiệt thòi này, Gáo đưa chúng tôi đến một con suối nhỏ rất đẹp bên đường, buồn ngủ gặp chiếu manh ai nấy háo hức cởi áo quần lao ngay vào tắm, nước suối mát lạnh, cả bọn dầm mình chán chê tận hưởng chút ân trạch của tự nhiên còn lại quá hiếm hoi này…
Hoàng hôn ở thung lũng tam giác Trung Mang có chút hay hay của nó, ly cà phê không được ngon như dưới đồng bằng nhưng lại rất duyên ngầm, chúng tôi thả lỏng người sau một ngày chạy xe máy tròn trăm cây số, tự nhiên thấy thương Nguyễn Cường khi xa xôi là vậy nhưng hầu như cuộc họp nào của chi hội văn học Cường cũng sắp xếp để về tham dự, để được gặp mặt anh em thân hữu, chỉ có một tình yêu văn chương tha thiết và đắm đuối mới làm được điều gần như quái dị đối với mọi người nhưng chúng ta lại mỹ miều cho rằng “ đánh đường tìm thơ”.
Sáng ngày 16/7/2012 xuất hiện chi tiết thú vị, một người nông dân gầy đen khoảng gần tuổi 60 đến gặp đoàn xin cho đứa con gái đang theo học năm 2 khoa báo chí trường đại học Đà nẵng, vốn là học trò cũ của nhà thơ Nguyễn Cường được tham gia vào chuyến đi để học hỏi kinh nghiệm của các bậc đi trước, thế là đoàn bổ sung thêm một thành viên nhỏ, một nhà báo tương lai cũng đang hăm he vào đường thơ phú. Chúng tôi tiếp tục nhằm hướng tây thẳng tiến, tuyến ĐT 604 này có lẽ là tuyến đường hiếm hoi trong những tuyến huyết mạch của tỉnh Quảng Nam còn là dạng đường được thi công bằng kỹ thuật thâm nhập nhựa theo công nghệ Liên Xô cũ, tuy đã xuất hiện nhiều ổ gà, nhưng nói chung vẫn sử dụng tốt, nói như những đồng nghiệp cũ của tôi trong ngành GTVT trước đây là “ Đảm bảo giao thông”.
Lại cũng phải trưa đứng bóng chúng tôi mới có mặt tại trung tâm huyện Tây Giang, sau khi quấy quá bữa ăn gần bến xe, chúng tôi tìm vào một quán cà phê trên trục đường chính của thị trấn để nghỉ ngơi giữa cái nắng miền cao, khi mọi người tạm thời lại sức, đoàn xe máy làm mấy vòng trên các con đường nhựa rải thảm phẳng lỳ thăm thú rồi tìm đến cơ quan hành chính huyện để liên hệ công tác, tiếp chúng tôi là chàng trai trẻ người Cơ Tu chánh văn phòng ủy ban Bríu Quân vui tính và cởi mở, anh thông báo vài chi tiết cần thiết giới thiệu những điểm đến có thể phù hợp với mong muốn của anh em văn nghệ sỹ rồi vội vả với những công việc của mình, huyện đang chuẩn bị cho công tác làm lễ kết nghĩa với một huyện bạn của nước Lào anh em nên hầu hết cán bộ đều bận rộn, kể cả người bạn văn Briu Liếc “thổ thần bản xứ” mà đoàn hy vọng gặp để làm một bữa hội ngộ văn chương nơi chính quê hương anh mà cũng đành phẩy tay tiếc rẻ. Buổi nói chuyện của Quân với chúng tôi bị cài răng lược bởi những tiếng reo nóng ruột của mấy chiếc máy điện thoại và các nhân viên trong cơ quan vào trao đổi công tác, thấy không tiện ngồi lâu để tìm hiểu thêm những thông tin cần thiết, chúng tôi chóng vánh thống nhất chọn thôn Pơr Ning làm điểm cho chuyến thực tế rồi rời cơ quan huyện lên đường, chỉ hơn 3 cây số đã có mặt ở nơi cần đến. Điều làm chúng tôi thật sự cảm động là khi vừa vào sân thôn đã gặp ngay anh Clâu Nhom, cán bộ văn hóa xã Lăng bỏ cuộc họp ở ủy ban xã để về tiếp đoàn, chưa đầy nửa giờ sau, già làng trưởng bản và vị trưởng thôn trẻ măng Bnươch Lạc cũng có mặt, sau mấy câu chào hỏi, chúng tôi được biết thôn Pơr Ning có tất cả 96 hộ dân và 456 nhân khẩu sống quây quần trên một ngọn đồi đã được hạ độ cao tạo mặt bằng hình chiếc lá đề mà cuống lá là con đường nhỏ bằng bê tông dốc ngược tách ra từ con đường chính của xã. Với diện tích ước chừng bốn, năm hecta, trung tâm thôn là nhà Gươl được xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống của tộc người Cơtu, kế đến là chín căn nhà sàn gần giống như nhà gươl nhưng quy mô nhỏ hơn và trang trí cũng đơn giản hơn của chín gia đình các vị tộc trưởng, cuối cùng là nhà của đồng bào ở vòng ngoài tạo thành một quần thể mang tính cộng đồng cao, tuy vậy nhưng đang lúc vào vụ mùa lúa ba trăng và thời gian ngủ duông theo tục lệ nên thanh niên cũng như bà con đi làm trên rẫy, không có được bao nhiêu người ở tại thôn, các già làng cứ xuýt xoa vì không đủ điều kiện để tiếp đoàn được như ý muốn của làng.
Đúng bảy giờ tối, các vị chức sắc đã tề tựu đông đủ để trò chuyện cùng đoàn thống nhất nội dung đêm sinh hoạt trong khi chờ đợi sự chuẩn bị của ban tổ chức và bà con đi làm rẫy về, sau khi nghe nguyện vọng của anh em văn nghệ sỹ là muốn được hòa đồng vào đời sống tinh thần của bà con, nghĩa là bà con dân làng muốn cho đoàn nghe xem cái gì hay đẹp của đồng bào mình thì đoàn vui lòng đón nhận cái ấy. Được lời như cởi tấm lòng, các già làng trưởng bản nhanh chóng thảo luận bàn bạc và đốc thúc bà con tập trung về nhà Gươl để tham gia đêm giao lưu. Theo tục lệ, một mâm lễ vật được đặt trịnh trọng với con gà đã luộc chín, một bầu rượu, mấy khúc mía róc sạch sẽ duyên dáng bày trên một thứ vật dụng đan bằng tre giống như cái sàng, cái nia ở đồng bằng nhưng lại độc đáo hơn bởi hình chiếc lá, cuối cùng là những chò xôi trắng muốt dẻo thơm của lúa nếp ba trăng mới vừa thu hoạch. Hai già làng bắt đầu bằng nghi thức hát lý đối đáp truyền thống của tộc người mình, đây là bài hát nói mang ý nghĩa chào hỏi và những lời chúc mừng tốt đẹp đối với khách đến thăm làng qua đó giới thiệu về lịch sử hình thành cũng như quá trình đấu tranh xây dựng của làng, tuy không hiểu được những trao đổi tranh luận có phần căng thẳng mà cũng rất dân chủ của bà con nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được tinh thần cố kết cộng đồng, sự hiếu khách và lòng tự hào về bản sắc qua không khí sôi nổi, vẻ hân hoan trên từng khuôn mặt, ai nấy đều khoe bộ trang phục đẹp nhất của đồng bào mình bước vào đêm hội. Trong ánh lửa bập bùng giữa nhà Gươl, đội hình múa được khởi động bằng tiếng chiêng trầm hùng thâm u cùng tiếng trống vang khô như một giọng mang tác giữa đêm trăng khuya vắng, hòa vào âm thanh reo vui réo rắc hối hả của dàn lục lạc đồng, không gian bỗng trở nên huyền hoặc và say đắm bởi những bước chân uyển chuyển của những nghệ sỹ núi rừng, bởi của từng khuôn mặt người rạng rỡ đẹp lên niềm tự hào truyền thống đã được các thế hệ gìn giữ trao truyền cho đến tận hôm nay, hơi men của rượu cộng hơi men của lửa, của đêm thiêng, của con người với đất trời như tan loãng vào nhau, chủ khách đã chung một niềm hưng phấn, chung nỗi ngất ngây, đây đó chợt bẽn lẽn đôi mắt sơn nữ chém một cái nhìn, thả một nụ cười tinh nghịch hiếu kỳ vào ai đó làm ngơ ngẩn mấy chàng trai miền xuôi lần đầu dự hội, trời càng về khuya càng nỉ non tiếng đàn Abel kể lễ những tự tình đôi lứa, tiếng khèn trầm mộc của già làng AHLLVTND Clâu Nâm ai oán như được chiếc ra từ hình hài khô rắn của một cụ già đã bước qua tuổi tám hai, tiếng hát mê đắm say sưa Clâu thị Nhin tỉ tê thương thân trách phận dở dang của đôi lứa yêu nhau mà vì nghèo không chiêng không ché làm sính lễ để đến nỗi núi rừng kia cũng phải khóc thương cho một chuyện tình buồn mà đẹp đến nức nở, rượu, rượu nữa, rượu của đất trời, rượu của lòng người rót mấy cũng không vừa một đêm khao khát, tay đã ấm bàn tay, mắt đã hiều được lời chưa nói, tâm hồn đã mở rộng như trời đêm ngoài kia phiên dịch được những rào cản dị biệt của ngôn ngữ, tất cả đã làm nên một đêm Pơr Ning không ngủ lâng lâng của chuyến hành trình về miền tây bắc quê nhà…
Xã Lăng tháng 7/ 2012
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét