ngày chiều chân vụng đi bên gập ghềnh thay nhau làm gậy chống vào chênh vênh nguyenducdung58.blogspot.com
Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013
Để nhớ một thời
Để nhớ một thời
“ về tri kỷ của tôi “
Sau ngày đất nước thống nhất , lứa tuổi đôi mươi chúng tôi với bầu nhiệt huyết trẻ trai từ giã gia đình hăng hái lên đường tham gia công tác cách mạng. người vào đơn vị tấn công đồng cỏ khai hoang phục hoá trả lại màu xanh cho những cánh đồng sẽ hẹn mùa sai vụ sau này, số đi xây dựng quê hương khắc phục làm đường giao thông trên khắp miền quê kiểng, tôi tham gia công trường đường sắt Quảng Nam Đà Nẵng còn anh em Sương thì ở công trường 104 đóng tại Duy Xuyên làm nhiệm vụ khôi phục mạng lưói giao thông đường bộ
Hồi ấy không khí công trường không kém gian nguy , phần thì bom mìn còn sót sau chiến tranh lúc lúc lại phát nổ gây thương vong cho rất nhiều đồng đội, vừa mới cầm tay đùa giỡn với nhau , chia nhau điếu thuốc, chia nhau cái nhìn đầy ý nghĩa lứa đôi, đã vội nằm xuống sau một tiếng nổ kinh hoàng giấu trong lòng đất . Phần thì ăn uống kham khổ thiếu thốn vậy mà hầu như ai ai cũng hăng hái làm việc , hăng hái sinh hoạt, chẳng nề hà đùn đẩy, thật sự yêu thương nhau , chia sẻ gánh vác cho nhau, có lẽ nhờ vậy mà phong trào văn hoá văn nghệ trong giới công nhân lao động sôi nổi lắm , tiếng hát câu hò dài suốt theo những công trình, trong những kỳ hội diễn, Sương là một nhân tố nòng cốt hầu như không thể thiếu.là hạt gạo trên sàng của phong trào, của đơn vị, tiếng lành đồn xa. Tôi biết Sương qua người em trai của Sương là Phạm Phú Sa, cả ba chúng tôi là bạn thân thiết với nhau từ tình yêu văn nghệ, chính cái tên thật của người em ruôt duy nhất này mà Sương chọn làm bút danh cho suốt một đời cầm bút tài hoa của mình
Tôi với Sương tức nhà thơ Phạm Phù Sa có nhiều nét tương đồng , hai đứa cùng tuổi Mậu Tuất ít nhiều sở hữu được chút tài vặt và lắm phong trần lận đận dở dang, cũng có cái nút ruồi đóng bên cạnh mũi đầy những rủi may ức đoán, cùng thích ôm guirta thùng cũ kỹ nghêu ngao những khi hưng phấn , hay lặng lẽ từng câu chữ vần vè gọi là thơ . Mà lạ , thuở ấy chỉ cần nghe đồn là “ thằng A, thằng B chi đó , ở Đơn vị nọ đơn vị kia chi đó làm thơ viết văn hay lắm ...” là đã “ nổi tiếng “ rồi , mặc dầu hầu như chẳng ai hề nghe thấy, đọc thấy “ nó “ viết cái “ hay lắm “đó như thế nào. Ngơ ngẩn cả đêm viết được đôi câu là mừng vui bằng trời nhưng rồi giấu kỹ không dám đưa ai đọc vì sợ bị cười Chúng tôi chia sẻ những điều mình viết qua những lần gặp gỡ hiếm hoi mà độ thoả thuê sung sướng tưởng như chẳng kém mấy bậc tuổi tên lừng lẫy, mỗi đứa một công việc, một đơn vị nên cách trở thường xuyên, những lúc gặp dịp xuống nơi có trạm bưu điện thì thế nào đêm trước đó cũng thức mà viết một lá thư thăm hỏi và dứt khoát là phải có mấy “ bài thơ “để gởi cho nhau đọc, chúng tôi nuôi tình yêu thơ nhạc với nhau như vậy từ bấy đến giờ không hề ngưng nghỉ.
Khi Phạm Phù Sa rời công trường về lại Hội An rồi vào làm việc ở ngành văn hóa , thỉnh thoảng đọc được cái tin, bài báo về phong trào ký Phạm Phú Sương là chúng tôi vui lắm , đem khoe nhau đọc mấy dòng chữ in trên tờ báo tỉnh nhà mà nghe rộn rã trong lòng , như chính mình là tác giả , bởi lẽ những người lao động ở rừng núi chúng tôi đối với chữ nghĩa là thứ gì đó cực kỳ sang cả trong thời buổi bao cấp khó khăn mà báo chí là một xa xỉ phẩm khó với , chỉ tồn tại trong mơ mộng. Chúng tôi, mà Phạm Phù Sa mới chính là đứa nhiệt tình hơn, siêng hơn và chu đáo trong việc gìn giữ sự gắn kết mối quan hệ, tình bạn vì Phạm Phù Sa có điều kiện hơn, khi một thông tin , một tác phẩm , một vấn đề cần thiết là bao giờ Phạm Phù Sa cũng chia sẻ cho bạn bè biết và thưởng thức xem như một miếng ngon không nỡ hưởng riêng mình. Còn nhớ, một lần vào năm 1995 tôi lên làm cầu Tuý Loan, trong một đêm mưa phùn rét lạnh , nằm ngoài hiên một mình trước nhà dân, đêm đó tôi không ngủ, tự nhiên nhớ Phạm Phù Sa, tôi thấy có điều gì đó giống nhau giữa chúng tôi như là định mệnh , tôi viết bốn câu thơ tặng riêng Phạm Phù Sa mà như tặng chính mình:
Bạn lòng
Đưa tay qua trán trời không chứng
Thệ ước năm canh mắt vắn dài
Đời nhau đã lạc vào thiên hạ
Thắp lửa đông,
Hàn huyên với ai
Lần khác tôi vì thơ mà gặp sự cố, tôi cầu cứu Phạm Phù Sa với ý định đổ thừa thơ ấy của Sương, ngờ đâu Sương cũng đang rối ruột do hệ luỵ thơ phú mà ra , hai thằng ngồi ngó nhau cười như mếu, tôi xé mảnh giấy vụn bâng quơ xoẹt ngay hai câu đưa tặng: “Những tránh đêm mưa tìm lửa ấm / Gặp người áo mỏng giữa trời đông” Mới đây trong dịp xuân này, tự nhiên thấy tuổi đời đã bước qua dốc trời rồi mà mình vẫn cứ phù du một sắp xếp , tôi gởi Sương cái tin nhắn : “ Khi cuộc sống ra đề cho cuộc đời chấm điểm / Anh vẫn thằng lều chỏng phạm trường quy...”Thế là Phạm Phù Sa điện ngay mà rằng : Răng mi viết hai câu nớ như vận vào tau đúng lúc này rứa ...Vậy đó , chúng tôi tuy Tam Kỳ và Hội An nhưng năm bảy đêm lại quấy rầy nhau một lần bằng điện thoại di động rồi hả hê cười thấu sáng, mọi buồn vui trần thế này hai đứa cứ dấm dúi với nhau như san sẻ một gánh nhân tình, lâu không thấy tôi và bạn bè xuống Sương điện rồi chửi: “ mi chết tiệt mô rồi ?”không thấy tôi có bài vở gì Sương điện vào giục : “Mi cứ viết đại tầm phào cái chi đó cho nó trơn mực..”.Thấy tôi làm được bài nào nên hình Sương vui lắm, ngoài chuyện thơ phú ra ,tôi Sương và Phạm Phú Sa ,em ruột của Sương còn là bộ ba bạn bè đờn ca hát xướng nên quan hệ giữa tôi với Nhà thơ Phạm Phù Sa là một quan hệ có phần đặc biệt so với những bè bạn khác, chưa kể vợ tôi và vợ Sa tức em dâu Sương bây giờ, bên cạnh là nhà thơ Phạm Phú Hưng ở Tam Xuân – Núi Thành hôm nay cũng từng là đồng đội, nhóm bạn văn nghệ , anh em thân thiết thương yêu đùm bọc nhau một thời trẻ trai nắng gió công trường với Sương.
Đất nước đổi mới thì chúng tôi cũng đều đã vào độ chín của tuổi đời, cuộc sống riêng tư cũng vừa vượt qua được những năm tháng triền miên thiếu ăn đói ngủ, và chính vào giai đoạn này chúng tôi tìm đến được với những trang viết trên một số báo , đài, tạp chí...Khỏi phải nói , niềm vui , niềm hạnh phúc của những tâm hồn đồng điệu , của “ bạn bè anh là những đứa ầu ơ/ đi trước ngồi sau lận lưng khí khái / như nhiên gõ đũa hát tràn / thiên sinh ngô tất hữu...”nó thăng hoa và yêu đời , yêu cuộc sống này biết nhường nào , dầu cuộc sống này đối với chúng tôi , đối với Sương , đối với Phạm Phù Sa vẫn còn nhiều trở trăn khúc mắc, còn nhiều ôm ấp chưa thành , còn nhiều ước mơ dự định đợi chờ phía sau trang giấy . Vậy mà sương tan , vậy mà chiều xuống , Vậy mà Sương vội ra đi.
Phạm Phù Sa hiến mình như một thứ phù sa thực thụ tan hoà vào cỏ cây quê xứ , tan hoà vào nỗi tiếc nhớ không nguôi của gia đình , của người thân , của bè bạn Hội An rêu phong câu hò khoan da diết, tan hoà vào con mắt cửa đắm buồn mộng mị phù sinh một đời tằm rút ruột, tan hoà vào nỗi bè bạn Hòn Kẽm Đá Dừng đau đáu mít non gởi xuống mà vắng một cá chuồn thao thiết bóng trăng sông . Phạm Phù Sa tan hoà vào nỗi ngậm ngùi thương nhớ trong lòng bạn bè gần xa cả nước , tiếc cho một tâm hồn tài hoa mà ngày trời mệnh ngắn , tiếc một người bạn luôn hết lòng với thân hữu , có gì cũng sớt , có gì cũng chia , bạn sai cũng buồn cũng giận , bạn được thì mừng vui như thắng lợi chính mình. Phạm Phù Sa với đầy đủ yêu ghét thường tình của một con người , con người viết hoa, một Phạm Phù Sa thi sỹ trong không nhiều thi sỹ , thi sỹ không cần đẳng cấp . một thi sỹ của chính mình và bè bạn, một thi sỹ quê nhà khiêm tốn mà cá tính .
Phạm Phù Sa đã hát nhiều , hát về Trịnh Công Sơn khi Trịnh Công Sơn không còn trên cõi rong chơi này , hát về Dương Thị Xuân Quý trong ngày kỷ niệm , hát về Đặng Ngọc Khoa , hát về Phan Minh Mẫn ,hát nhiều , nhiều lắm những tưởng phong độ ấy, tình yêu và lòng tận tuỵ ấy sẽ tiếp tục hát để ru bạn bè làm xong sứ mạng của mình trên chốn nhân gian đầy ẩn ức và vô thường này như một tay nôi tha thiết mà thật bụng. Vậy mà Sương ơi !
Tự nhiên vận vào câu thơ Nguyễn Vỹ viết thuở chúng tôi còn hồng hoang đâu đó của nhân sinh: Sương rơi/ nặng trĩu / trên cành/dương liễu / nhưng hơi/ gió bấc/ lạnh lùng / hắt hiu/ thấm vào/ em ơi/ trong lòng / hạt sương / thành một/ vết thương ...
Tam K ỳ 27/3/2012
Nguyễn Đức Dũng
• Những trái tim biết hát
“ Khi cuộc sống ra đề cho cuộc đời chấm điểm
Anh vẫn thằng lều chỏng phạm trường quy”
“ Gởi P.P.S & bạn bè tôi “
Như mọi trái tim bình thường giấu sau lồng ngực
đập nhịp yêu thương đập nhịp giận hờn
đập đến tận cùng khổ đau tận cùng hạnh phúc
Mẹ đã cho trái tim biết hát
Ôi ! hàm ơn Mẹ biết chừng nào
Khi nóng hổi trong ngực con trái tim biết cười biết khóc
con người quê hương đất nước
tự do và cái đẹp
con sung sướng ngợi ca tất thảy những gì xứng đáng ngợi ca
Sao chứa nổi tấm lòng đau đáu Mẹ ơi
khát vọng phân minh mọi điều về tình yêu cuộc sống
cầu nguyện diệu kỳ đến từng số phận
mà chưa thấu nỗi rạch ròi
trái tim Mẹ cho
chật chội trong lồng ngực
Ngoài kia chim hót trời xanh
ngoài kia mặt người mưa nắng
ngọn cỏ đau cũng làm con thổn thức
không thể giữ tim mình lặng im
không thể để lòng mình hờ hững
Con đã sống từng ngày con đã sống từng đêm
con tiêu lạm nhiều hơn quỹ thời gian có được
con đã yêu nhiều hơn những gì con được yêu
con đã ghét ít hơn những gì con phải ghét
Sau mải mê ca hát ở đời
con xứng đáng là con của Mẹ
trái tim Mẹ cho sum vầy những vòng tay
hiền ngoan yên nghỉ
Giá như có phép màu cho trở lại làm người
trở lại làm đứa con dại khờ trong ngôi nhà của Mẹ
con chẳng ngại ngần con không đánh đổi
lê thê tồn sinh dưới ánh mặt trời
bằng lặng im thoả hiệp
trái tim này chảy máu để ngân nga
Kìa bạn bè con đến thế gian này ca hát rồi đi
những cánh sao nhỏ nhoi tự cháy hết mình qua trời xa thẳm
con tự cháy một nốt trầm, thưa Mẹ!
nốt trầm đáng yêu vừa đẹp vừa buồn
nốt trầm khiêm cung giữa lòng bè bạn
dàn hợp xướng diệu kỳ mê đắm yêu thương
Ray rứt một điều chưa thoả lòng con
bài hát tạ ơn và ngợi ca về Mẹ
những người Mẹ rất đỗi bình thường mà thiêng liêng trên thế gian này
sinh ra những đứa con mang trái tim biết hát
những người Mẹ lặng thầm
lặng thầm
hoá sinh cuộc đời
cười khóc trái tim con.
Tam Kỳ 29 / 3 / 2012
Nguyễn Đức Dũng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét