Cô Ba Thủa
Truyện ngắn
Trong một đời của con người, đâu là sự ngẫu nhiên tình cờ, cái chi phối của thời thế, cái tác động của hoàn cảnh, tính phụ thuộc điều kiện khách quan đẩy đưa đến một kết cục, và đâu là sự tiền định của duyên phận, sự sắp xếp oái ăm và buồn cười của một quy luật nào đó dẫn dắt khiến cho một con người cụ thể nào đó phải như thế này mà không như thế kia mới đúng. Đó vẫn mãi còn là câu hỏi luôn luôn cũ và luôn mang tính thời sự, như triết học đã nêu lên câu hỏi chưa lời đáp có thể thỏa mãn những tồn nghi “con người, ta là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu?...” đại khái thế.
Tình cờ, vâng! Cũng là một tình cờ ngẫu nhĩ mà tôi, một kẻ vô công rồi nghề không danh phận, không tên tuổi và nó gần như sự phản tín, nghĩa là những điều tôi nói, những việc tôi làm và những sự việc tôi minh định đều khả nghi không thể tin được. Nó vô lý và thậm chí tào lao đặt điều. Nhiều người sẽ khẳng định vậy. Tôi không thể hy vọng bạn tin cũng như tôi không cần phải bằng mọi cách thuyết phục để làm sao cho mọi người tin rằng chuyện tôi kể. việc tôi làm, là có thật, thật một trăm lẻ một phần trăm. Cũng như cái phận số trớ trêu cứ rù rến dẫn dụ bắt tôi làm những sự việc chẳng ai tỉnh táo khôn ngoan mong muốn. Tuy vậy nó lại là một sự thật không thể phủ nhận, rằng câu chuyện tôi sẽ kể với bạn sau đây là một câu chuyện thật, một cuộc đời thật đã diễn ra trước mắt tôi hơn ba mươi năm, mà tình cờ, cái tình cờ phi lý ấy đã không biết vì lý do gì khiến tự nhiên tôi, một người vô can lại thành ra chứng nhân trung thực nhất.
Trước năm 1975 khu vực ngã ba Đội Lệnh phía đối diện với quảng trường thành phố bây giờ có một nghĩa địa rộng lớn gần như bỏ hoang, thỉnh thoảng có những đám ma nghèo hoặc của những tử thi vô thừa nhận được đưa đến chôn cất một cách dấm dúi, lẫn lộn trong nghĩa địa là chỗ phóng uế miễn phí của xóm dân chung quanh, những bãi rác của khu vực phụ cận người ta mang đến đổ, tuy không chính thức mang tên gọi là khu Hầm Bứa nhưng dân cư quần tụ ở quanh nghĩa địa này gần như có thể gọi là vậy, vì đa số là dân nghèo thành thị, họ từ nhiều nơi đến trú ngụ trong những mái lều vá víu tạm bợ, những căn nhà thuê chật chội dột nát và u ám, họ làm đủ mọi thứ công việc nặng nhọc kể cả thấp hèn dưới mắt nhìn của xã hội để kiếm cơm. Những người phụ hồ, cyclo, ba gác, xe kéo, có những gia đình nhận giặt đồ cho cánh tài xế. lơ xe khách, xe tải hàng hóa đường dài về tụ tập ở khoảng đất trống phía bên kia đường như một bến tạm, một số thanh niên nhận rửa xe sau những chuyến chạy đường trường về đầy những bụi bẩn, những vệt ói mửa tởm lợm của hành khách say xe cứ ám ảnh và cái cảm giác ghê ghê nơi cổ họng cứ chực trào lên khi dùng cái giẻ lau thấm nước kỳ cọ vào đó, trẻ con thì đi bươi móc ở những đống rác chưa được thu dọn trong thành phố để lượm các thứ đồ phế thải có thể bán được như nhôm nhựa, dép đứt, thủy tinh, các loại xương heo, xương bò đã róc lách hết thịt khẳm mùi và đầy ruồi nhặng được vất ra từ những quán ăn trong phố, và thậm chí là những thức ăn thừa, những con gà, con heo chết bệnh để về tận dụng lại cho bữa ăn của gia đình, có cả những cô cave phòng trà mặt bự phấn, cứ lặng lẽ ra đi vào khoảng xế chiều rồi mệt mỏi trở lại mái nhà hiu hắt của mình khi trời đã gần sáng, những cô gái làm tiền hết thời không biết từ phương trời nào giạt đến, vật vờ đi lại chèo kéo một cách rẻ tiền và thô tục như những bóng ma thiếu đói, những đứa trẻ bụi đời giật dọc kiêm dẫn gái, v.v… đó là cái xóm lao động tối tăm những số phận con người mà để vật lộn với từng bữa cơm, họ phải đánh đổi cả một cuộc đời cần lao và tủi nhục.
Thỉnh thoảng vào những buổi chiều đẹp trời, người ta thấy xuất hiện một người đàn ông xấp xỉ tuổi ba mươi phong độ, hào hoa, áo quần luôn sạch đẹp và sang trọng, một đại diện của một thế giới khác trái ngược với những con người quần tụ tại khu dân cư này, anh ta đến thăm chơi với chúng tôi, lớp thanh thiếu niên nơi đây, anh ta đến chơi một cách thật lòng và hòa hợp như anh ta là thành viên nguyên bản của cái xóm dị hợm này, hoàn toàn không có khoảng cách gì giữa chúng tôi, anh vui chơi, ăn uống, trò chuyện và hát cho chúng tôi nghe, anh hát như thể đang hát với tất cả trái tim mình cần được hát, đòi được hát, anh dạy một vài đứa chơi đàn guirta, giữa chúng tôi không có cái quan hệ đẳng cấp chen vào, chúng tôi có gì anh chia sẻ cái ấy, anh cũng hay mua sắm các thứ để mang đến rồi tiện đâu thì bày ra đó mà xúm xít làm những bữa tiệc nho nhỏ rồi đàn ca hát xướng, chúng tôi rất thân quý nhau, coi anh như một người bạn nhiều tuổi thân thiết, đó là Lý Phận.
Trong dòng người Minh Hương chạy lánh nhà Mãn Thanh tìm đến phố Hội có vị tiền hiền khai canh lập làng họ Lý. Đến đời Lý Phận thì đã trở thành danh gia vọng tộc, mấy người anh trai học hành đổ đạt rồi đãm trách những vị trí sang cả trong xã hội mà mọi người thời bấy giờ phải thèm thuồng. Lý Phận là một nghệ sỹ được học hành đến nơi đến chốn, theo cách chúng tôi và mọi người vẫn nghĩ. Ngoài tài năng đang độ sung mãn và chói sáng trên các sân khấu lớn và những phòng trà sang trọng nhất thành phố, anh ta còn là một người biết chăm lo cho bản thân mình, để khi xuất hiện trước mắt mọi người anh trở thành một nghệ sỹ thật sự hoàn hảo, vì vậy, ở những người hoạt động nghệ thuật có vẻ trái khoáy thì với anh đó là điều hết sức tự nhiên và hợp lý, cái lý nó phải vậy, đúng như vậy, anh là một lực sỹ thể hình thực thụ, rèn luyện và học tập bài bản. Lý Phận là một nghệ sỹ tài năng và đa năng, trình diễn tuyệt vời các loại nhạc cụ thuộc dạng quý tộc, anh sử dụng guirta mà như người ta thấy bàn tay anh bay trên cần đàn, từ đó những suối âm thanh tuyệt vời say đắm tràn chảy thu hút mọi sự, anh mê hoặc người nghe và đến khi những chuổi âm thanh kỳ quái từ cây đàn có vẻ vô dụng kia ngừng bặt giờ lâu, người ta vẫn còn chìm đắm trong mộng mị, và, khán phòng chợt tung vỡ bởi những tràng pháo tay tán thưởng cứ muốn kéo dài đến vô tận. Không biết nghệ sỹ vỹ cầm Paganini ngày xưa gây sóng gió ở các kinh thành âm nhạc thế giới như thế nào, chớ đối với giới hoạt động âm nhạc và sân khấu, giới khán giả thượng lưu quan chức rủng rỉnh tiền của và danh vọng của thành phố này, thì mỗi khi Lý Phận bước ra sàn diễn cúi chào, pháo tay đã bắt đầu rền vang tán thưởng, và, khi cái vật thể nhỏ nhắn được mệnh danh là công chúa của họ đàn dây được réo rắt cất lên những chuổi ngọc trai âm thanh từ đôi tay của Lý Phận, từ cây Violon và người nghệ sỹ đã nhập vào thành một thực thể không thể tách rời, thì lúc ấy, Lý Phận đã trở thành một phù thủy, và như một chiếc đũa thần nhiều quyền phép, nó vẽ ra trước tâm hồn người nghe một mùa thu mà từng chiếc lá tách mình rơi rồi chao liệng trong không trung trước một buổi chiều lơ thơ gió, nó vẽ nên những giấc mơ đẹp đẽ, những yêu đương đắm say, của những đôi tình nhân những tưởng đẹp nhất, đáng yêu nhất trên cõi nhân thế này. Lý Phận là một nghệ sỹ như vậy. Hoàn hảo, chỉ có một từ hoàn hảo là tạm thích hợp một ý nghĩa nào đó có thể để nói về Lý Phận. Giàu sang và tài năng tột bực, đẹp trai phong độ và trí thức điển hình, Lý Phận là một ông hoàng trên đỉnh cao danh vọng, là niềm khát khao cháy bỏng của những mệnh phụ quyền quý, sự mơ ước không nguôi của những tiểu thư cành vàng lá ngọc, sự trầm trồ thán phục và pha lẫn nỗi ghét ghen của những đồng nghiệp. Sau lưng Lý Phận từng dãy dài những tuyệt thể giai nhân và giàu có sẵn sàng hiến dâng để được sánh cùng. Vậy mà Lý Phận vẫn cứ cô đơn, một sự cô đơn trống vắng thiếu tri âm tri kỷ đọc thấy rõ mỗi khi Lý Phận đến chơi với chúng tôi, những lúc ấy thấy ở Lý Phận là một con người hạnh phúc nhất khi được sống là chính mình, thật chẳng thể nào hiểu được. Vậy mà cuối cùng rồi tôi cũng hiểu, có thể nói như vậy. Nhưng để đi đến cái kết luận hết sức mơ hồ kia, tôi phải đi qua gần hết cuộc đời mình, và vô hình trung, cái cuộc đời tẻ nhạt vô vị của tôi, hóa ra lại là một cuộc đời được sinh ra chỉ để tận mắt nhận diện những điều phi lý, sự phi lý mang cái tên vô cùng trừu tượng. Định mệnh.
Bên cạnh nghĩa địa hoang có con đường nhỏ dẫn vào xóm tôi, cái xóm lao động ấy, một điểm có thể mang tính hội hè nhất vào những dịp lễ trọng của đạo Thiên Tiên Thánh Mẫu là Điện Bà Can. Một người đàn bà góa đông con đã quá tứ tuần, bà có nhiều nết tệ như thiếu quan tâm chăm sóc các con, đám con của bà cũng như những đứa trẻ của xóm cứ phải tự bươi móc để tìm lấy cái ăn mỗi ngày, tuy vậy bà lại rất hoang phí và hiếu khách, bà sẵn sàng san sẻ cho bất cứ người khách lỡ đường nào miếng ăn cái mặc khi họ sa cơ lỡ bước gặp trúng tay bà, nên bà cũng lắm điều khen tiếng chê, song mọi điều tiếng ấy chẳng ảnh hưởng can cớ gì đến bà, nên mọi người ghi nhận ở bà là một thành viên hơi đặc biệt của xóm, giống như một thân hào nhân sỹ của những làng xóm nề nếp và trù phú. Bà Can là đệ tử của Cô Ba Thủa, và cái Điện ấy cũng chính là cái Điện của Cô để thường vào những tối mười bốn rằm hoặc ba mươi, mùng một Cô ngự về phát lộc và cứu nhân độ thế. Những dịp hội thường tổ chức đến ba ngày đêm đông vui và náo nhiệt, con đồng đệ tử các nơi tụ tập về hầu giá cúng kiến nghi ngút khói hương, lễ vật ê hề được các Thánh ngự về ban phát cho khắp mọi người đến dự, phường bát âm cũng túc trực ròng rã mấy ngày đêm liền để phục vụ giá đồng, đấy là những lúc xóm tưng bừng vui vẻ nhất .
Hội năm ấy diễn ra tròn một ngày và đến giờ đã sắp khuya rồi, cứ sau vài giá hầu các Thánh của những đệ tử đồng đạo ngồi xác thì bà Can lại vào ngồi hầu Cô Ba Thủa, mỗi lần Cô nhập về đều rất vui vẻ, Cô chào hỏi khắp lượt đệ tử và khách thập phương ân cần chu đáo, dung nhan Cô tươi vui và đẹp đẽ, không như cái xác trần của bà Can lưỡng mục bất đồng và già nua tuổi tác vẫn thường. Cô rất thích múa hát và Cô hát hay lắm, khi Cô múa chèo đò thì cái cơ thể cục mịch xấu xí của bà Can không còn nữa mà là của một thanh nữ đôi mươi yểu điệu và dịu dàng trong nhịp chèo tưởng tượng, kẻ tiên người tục nhưng mỗi giá Cô về một không khí thân thuộc và thiêng liêng bao trùm khắp trong lòng mọi người dự lễ, người ta không ngần ngại tỏ bày những ưu tư khó nói và người ta cũng cầu xin Cô cứu giúp cho những khó khăn tật bệnh gặp phải của dương thế này. Cô tươi cười hào phóng phát lộc cho mọi người, tôi không phải là con đồng đệ tử của quý Đạo nhưng vì mê những điệu nhạc chầu văn làm rạo rực lòng người, cái rạo rực thần thánh không thể diễn tả được bằng những luận lý trần tục ấy nó làm cho con người mình lắc lư bay bổng đến một cảnh giới mơ hồ mà khi nghe những giai điệu âm nhạc của thế gian này không thể nào có được.
Chào cái nam nhé ! Chào cái nam của Cô nhé !
Đang ngồi xếp bằng sì sụp lạy trước bàn thờ đầy những ảnh tượng của chư Phật chư Tiên, Cô Ba chợt nở một nụ cười e lệ, mắt Cô háy một cái nguýt dài tình tứ rồi cúi đầu chúm chím. Lạy Cô, Cô chào ai vậy Cô? Cô chào cái nam nào rứa Cô? Mọi người ngạc nhiên lao nhao hỏi, và mọi người cũng hết sức ngạc nhiên trước vẻ e lệ tình tứ của một bậc thần thánh nhập trần, nó có cái gì đó rất dương thế, như một cô gái đã chớm quá tuổi hơi lẳng lơ cố tình quyến rủ một anh chàng nào đó để hy vọng kiếm lấy một tấm chồng trước khi đã muộn. Cô chào cái nam Phận, đó, cái nam hay tình tính tang, hay ca hát đó, các ngươi không biết sao? Cô rành rọt và tự hào trả lời. Nhưng cái nam Phận ở đâu mà Cô chào? Mọi người lại nhao nhao thắc mắc… Cái nam Phận vừa đi ngang qua ngoài đường ấy, các ngươi ra gọi cho ta đi. Cô Ba tủm tỉm trả lời rồi lắc qua lắc lại đôi vai như một cô bé hờn dỗi. Trong ngôi Điện chật chội cả gần một trăm người ngồi đứng lố nhố, không ai thấy cái nam Phận hay tình tính tang, hay ca hát đâu cả, ai cũng đưa mắt tìm kiếm và hồ nghi tột độ, một cảm giác vừa vui vui vì sự lạ kỳ hiếm thấy mà cũng vừa lành lạnh sống lưng chợt rùng rùng chạy dọc xương sống mọi người. Những người đứng phía xa ngoài sân vội vã chạy túa ra hai đầu đường để tìm kiếm cái nam Phận hết sức lạ lùng kia, và đúng như vậy thật, người ta đã tìm thấy Lý Phận vừa đi ngang qua trước Điện để vào xóm trong, mọi người chạy đến nói chuyện và Lý Phận đã vui vẻ quay lại Điện để trình diện với Cô Ba linh ứng, sau khi chen được vào bên trong Điện, từ phía sau lưng, Lý Phận cất tiếng, Lạy Cô Ba ạ, Cô Ba vừa lắc hai vai một cách dỗi hờn hơn và vừa chào lại Lý Phận, sau một vài câu chào hỏi và chuyện trò như vẫn thường thấy ở mỗi giá hầu đồng, nhưng có khác chăng là chêm vào những trò chuyện ấy là những câu trách hờn ý vị của một đôi tình nhân đang độ yêu nhau thắm thiết. Một đệ tử ngồi gần lên tiếng, Răng Cô biết anh Phận đi ngoài đường giỏi rứa Cô? Mọi người lại cười lên vui vẻ và thán phục. Răng không biết. Cô Ba trả lời, Vì… vì ta… chọn rồi mà! Cô ấp úng rồi lại đưa một cái liếc xéo tình tứ về phía sau, nơi Lý Phận đang quỳ chấp tay thành kính. Mọi người lại một lần nữa cười ồ lên nhưng Cô Ba chợt nghiêm sắc mặt nói lớn, Đừng cười, các ngươi để đó mà xem, cái nam Phận không có vợ được mô, ta đã chọn rồi…Nói xong Cô rùng mình mấy cái rồi thăng, bỏ lại sự sũng sờ kinh ngạc của tất cả mọi người đang có mặt.
Chuyện rồi cũng qua đi như nước chảy qua cầu, những lo toan bộn bề của cuộc sống sau những khúc quanh của biến cố lịch sử đã đẩy đưa con người vào những cung đoạn lạ lùng của cuộc đời, may thay, ai rồi cũng phải tìm cách mà yên vui với phận số của mình, với những công việc hằng ngày để mong hoàn thành những phần việc đã được định đoạt. Chẳng ai còn hơi đâu để tâm nhớ nghĩ đến những sự việc có tính hoang đường.
Đang lang thang trước sân ga xép ở thị xã buồn hiu hắt này, cứ mỗi chiều về tôi thường nhàn tản nhìn những con người hối hả đến và đi, những tiễn đưa và mừng rỡ, những chuyến tàu cứ cần mẫn những lộ trình xa tắp chẳng biết để về đâu, đôi khi tôi cũng tự hỏi mình rằng những ngày tháng buồn tẻ và nhạt nhẽo này rốt cục sẽ đưa mình về đâu nhỉ. Đôi khi tôi theo những chuyến tàu để ra rồi vào một cách không duyên cớ, như một cách giải trí bằng du lịch không mất tiền, trên những con đường mình đã làu thuộc từng ngọn cây bụi cỏ. Anh mua thuốc không? Một giọng mời phều phào trầm đục lạ lùng vang bên tai, ồ lạ thật, thói thường chỉ có những đứa con trai độ tuổi từ mười một mười hai cho đến lớn lắm là mười lăm tuổi mới đi bán thuốc lá dạo ở miền trung này, những đứa lớn hơn sẽ tìm công việc khác phù hợp với sức khỏe và ra dáng đàn ông để mà làm kiếm tiền, không như trong Nam mấy ông râu ria bặm trợn mang hộp thuốc lá rao vang “ Thuốc lá lá đây” mà chẳng ai dám mua vì sợ. Tôi chăm chú nhìn người bán thuốc lá dạo ấy một cách hết sức ngạc nhiên, ở quanh nhà ga và trên tuyến đường sắt này, tôi chẳng lạ gì bọn trẻ bán thuốc, chúng hay nhờ tôi can thiệp giúp mỗi khi bị hiếp đáp nên ít có đứa nào mời tôi, khi gặp chúng nó thường tự tay cầm mấy điếu đưa tôi nói anh hút cho vui và chẳng chịu lấy tiền, trừ lúc tôi làm căng bọn nó mới dám nghe lời. Trước mắt tôi là một ông già ốm yếu khuôn mặt đầy sẹo, hàm răng rụng nhiều nên cái miệng đã móm xọm, thấy có một nét nào đó hơi quen mà cố nặn óc để nhớ tôi cũng không tài nào nhận ra được. Ồ, Dũng! Sao lại thế! Dũng làm ở đây à? Không nhận ra mình sao? Phận đây! Lý Phận đây Dũng ơi! Trời đất ơi! Đúng là Lý Phận rồi, Lý Phận ngày xưa thân thiết và rực rỡ trên đỉnh vinh quang của chúng tôi đây rồi, nhưng sao lại thế này, nhưng sao lại đến nông nỗi này, chúng tôi ôm chầm lấy nhau trước sân ga xép với bao nhiêu con mắt mọi người mà thổn thức, hai người đàn ông một già một trẻ tình cờ hội ngộ sau một thời gian dài đầy những sự biến và cuộc đời cũng xô giạt họ vào những ngõ rẻ nhiều kịch tính.
Mình giờ không còn ai thân thuộc Dũng à, gia đình đã định cư ở nước ngoài cả rồi, mình ở lại với mẹ già, bỏ bả đơn chiếc cũng tội với lại mình không bận bịu gì, chẳng vợ con, không nhà cửa, cứ lần mò kiếm ăn bất cứ công việc gì lương thiện là được mà, cũng chẳng ăn uống gì nhiều nên không mấy bận tâm, lâu lâu ghé về nhà người bà con thăm mẹ vài hôm rồi đi Dũng à… Anh chậm rãi tâm sự. Tôi hỏi anh rất nhiều nhưng anh không trả lời, chỉ vắn tắt rằng sau giải phóng anh cũng có tham gia vào một vài đơn vị nghệ thuật nhưng do cái tính thích hay lang thang và không chịu được sự gò ép khuôn khổ kỷ luật của tổ chức nên cuối cùng chẳng nơi nào phù hợp, tôi hỏi anh về tài sản anh chỉ cười nhẹ nhàng mà không nói gì. Vậy sao anh không chơi lại nghề của anh? Tôi thắc mắc, Hết thời rồi Dũng ơi, anh đáp và tôi cũng thấy anh đã thật sự không còn là một nghệ sỹ hoàn hảo Lý Phận ngày nào. Sau vài ngày ở chơi với tôi anh nằng nặc đòi đi và thật tình tôi cũng không biết lấy gì để lo cơm nước đạm bạc cho anh nữa. Chúng tôi đành chia tay nhau trong ngậm ngùi, ra khỏi khu tập thể ga xép, anh còn ngoái nhìn lại một lần nữa vẫy tay và một nụ cười héo hắt. Cứ thế, lâu lâu tôi lại gặp anh lang thang trên hè phố, đầu cúi xuống và từng bước liêu xiêu đi như gió đẩy, anh tá túc nơi này một ít nơi kia một ít, thỉnh thoảng nhận dạy vài đứa học trò mê guirta ở một thôn xóm quê nào đó độ nhật, rồi lại tiếp tục cuộc lang thang vô định ấy, như trên cuộc đời này anh chỉ xuất hiện để lặng lẽ độc hành. Bất chợt, tôi lại nhớ như in cái nguýt mắt tình tứ của Cô Ba thuở nọ.
Tam Kỳ 31/12/2012
Nguyễn Đức Dũng
Nguyễn Đức Dũng
Hội VHNT Quảng Nam
5- Nguyễn Chí Thanh, t/p Tam Kỳ Quảng Nam
Đt: 0979 094098
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét