Xâu bánh lỳ xì
Tạp bút
Cho đến tận bây giờ, lúc đã qua cái tuổi năm mươi hơn nửa đoạn đường, vậy mà mỗi khi những ngày tháng cuối cùng của một năm sắp sửa qua đi, khi mà sự tất bật của đời sống cứ hối thúc một chu kỳ sắp mãn, con người, ai ai không kể giàu nghèo, không nệ lớn bé, ở mỗi lòng người lại nao nao hồi niệm về những tháng ngày xa xưa nhất đã trầm tích lại trong nhớ nghĩ những kỷ niệm vui buồn, những hân hoan rạo rực, những đợi chờ hy vọng cho một lần xuân đến. Tôi cũng vậy.
Còn nhớ, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi mà sự yên bình hãy còn hiện diện đây đó trên những ngôi làng ấm áp, thì mỗi bận xuân về tết đến, cả làng lại được dịp náo nức để chuẩn bị đón một mùa xuân mới tràn đầy những hy vọng và mơ ước, hy vọng rồi đây qua giêng sẽ có một năm bội thu mùa màng, khoai lúa sẽ kĩu kịt vai người rôm rã những con đường rợp bóng tre xanh, khoai lúa sẽ râm ran chuyện trò trên những mặt người đã mướt mồ hôi đồng áng, và trong khắp đầu làng ngõ xóm, từng âm thanh lao xao cứ dài theo suốt những con đường, mọi người dọn dẹp quét tướt nhà cửa vườn tược, sửa lại cái hàng rào đã mòn vẹt những lần hàng xóm tiện chân tạt qua nhà xin chút lửa, kể lễ một câu chuyện bất chợt vừa nghe đâu đó ở xóm trên, hay chạy tắt cho nhanh những khi trái gió trở trời tối lửa tắt đèn, cột lại cái cỗng ngõ đã xệch xoạc sau mỗi ngày đóng mở, vun hàng vạn thọ trước sân đang kỳ đơm nụ và đây đó còn những cụ già hoài cổ đang bận bịu cùng con cháu chăm chút cây nêu trước sân nhà, ôi cái không gian ấy đã trùm khắp đất trời và lan tỏa vào mỗi tâm hồn người, thì vui sướng nhứt vẫn là những lứa trẻ thơ cứ tưng bừng một mùa lễ hội.
Không hẹn mà đã như thành lệ, trong những món sắm sửa đón xuân, nhà nào cũng chuẩn bị gói một số bánh ú nếp, nhiều thì một đôi thúng ba ang, nhà ít cũng phải tròm trèm vun ngọn một thúng. Sau khi nấu xong được chia sẵn làm hai phần mạch lạc rồi lồng vào chiếc gióng mây mà treo lên trang trọng dưới mái nhà. Bánh ú là loại bánh cổ truyền chẳng biết đã được ra đời tự khi nào, chỉ cứ thấy mỗi lần xuân về tết đến hay thỉnh thoảng các kỳ tế lễ giỗ chạp đều xuất hiện, nó đi theo từng thế hệ đời người vào những dịp thiêng liêng nhất. Nhìn bên ngoài thì bánh của nhà nào cũng na na giống nhau, cũng gói bằng loại nếp ngon mà gia đình đã chuẩn bị từ trong năm, cũng cái bánh bốn góc gói lá chuối cột lạt xinh xinh vừa bằng nắm tay đứa trẻ, ấy vậy mà bên trong nó biểu hiện rất phong phú từng gia cảnh của mỗi mái nhà, có nhà gói bánh nhưn đậu xanh và thịt heo, có nhà gói chỉ đậu xanh mà không thịt thà chi hết, có nhà lại dùng đậu đen làm nhưn, nhưng có nhà lại xuề xòa hơn khi trộn lẫn đậu đen với nếp rồi gói luôn một lần cho tiện, những khác biệt trên nói lên điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và nó cũng cho thấy phần nào tâm tính của mỗi gia chủ.
Bánh được gói từng chiếc một, sau đó người ta dùng một sợi lạt xâu lại cứ năm chiếc thành một tay bánh, và cuối cùng gút hai đầu nút lạt của hai tay bánh thành một xâu, như vậy mỗi xâu bánh có mười chiếc. tất cả bỏ vào nồi và nấu lên vào độ những ngày cuối cùng của năm, nhà nào bận bịu thì thường nấu vào tối ngày hai mươi chín tết để kịp cho số bánh tét nấu chung được chín vào lúc trước giao thừa. Bánh ú trước tiên dùng để bày biện cúng tế đất trời và gia tiên trong những ngày tết nhứt, và một trong cái phần đã chia hai mạch lạc nói trên được dùng vào việc mừng tuổi chúc tết cho trẻ đến thăm nhà.
Hồi ấy ở nông thôn làm gì có nhiều tiền mặt và người ta cũng không có cái lệ lì xì cho trẻ bằng tiền giống như bây giờ, tất tần tật là lời chúc chân tình của chủ nhà dành cho trẻ khi theo cha mẹ đến thăm, ai cũng mong muốn cho trẻ mau ăn chóng lớn, học hành tấn tới và trở thành con ngoan trò giỏi, hết lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ cũng như biết kính trọng vâng lời khuyên bảo của người lớn ở trong chòm xóm, tặng vật mừng tuổi được kèm theo chỉ là quà bánh cây nhà lá vườn và dứt khoát là không thể thiếu mấy cái bánh ú của cái phần đã dành sẵn, bởi không ai nỡ lấy số bánh đã cúng xong để mừng tuổi vì cho rằng như thế nó thiếu đi sự linh nghiệm của sự chúc mừng, cứ vậy mà thân sơ cũng biểu hiện rõ qua số bánh “lỳ xì”. Bà con gần gũi hoặc hai nhà thân tình thì mỗi đứa trẻ được mừng tuổi đúng một “xâu bánh”, nếu quen biết theo kiểu hàng xóm láng giềng thì mừng tuổi cho trẻ một “tay bánh”, và gặp phải chủ nhà nghèo khó hoặc trúng tay chắc lép thì cũng phải rứt ra mà “lỳ xì” cho trẻ vài cái cho nó có lệ. Cứ thế mà bánh được quàng lên cổ đứa trẻ rồi bỏ thỏng đều qua hai vai bằng sợi lạt xâu ấy, như hôm nay người ta đeo vòng hoa vào những người được vinh danh trong các cuộc thi, để chùm bánh cứ nặng trĩu và va đập vào hai bên ngực của đứa trẻ tung tăng chân sáo đi thăm hết nhà này đến nhà khác, như một niềm hân hoan vui sướng đến cực độ bởi được mặc bộ quần áo đẹp, được đi chơi và sự quan trọng nhất là được mừng thêm một tuổi.
Ấy vậy mà…
Năm nay nghe đâu lập xuân sớm, ấy vậy mà sao lòng mình cứ phân vân một điều gì đấy mơ hồ không hình dáng, không tên gọi. Có lẽ đấy là sự mai một những điều giản dị mà tốt đẹp, có lẽ đấy là sự tiếc nuối một thời tung tăng thơ trẻ với xâu bánh ú ngày xuân hiền ngoan trên ngực đã vĩnh viễn trở thành chuyện kể chẳng còn ai thiết tha nghe nữa.
Cứ ước giá như…
Tam Kỳ trọng đông Nhâm Thìn
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét