Khúc tây hành (II)
“Tây Giang Tây Giang hề sương bay
“Hình như lên trời chỉ với tay
“Em hay tiên nữ trên trời xuống
“Rót vào lòng tôi những đắm say…
THÁI BẢO DƯƠNG ĐỲNH
II Đường xa vó ngựa…
Ngày mới trên thôn Pơr Ning yên ả lạ thường, từ chỗ máng nước tự chảy sau một nhà dân khi đi đánh răng rửa mặt về, xa xa, thấy nhà thơ Nguyễn Ngọc Chương đứng tập thể dục ở cầu thang nhà sàn ngỡ như người “ bổn xứ “. Anh em lục tục chuẩn bị cho hành trình còn đang dang dở.
Sau khi chào khắp lượt bà con chung quanh, chúng tôi xuôi xe máy xuống trung tâm xã Lăng cuối con dốc dài khoảng vài trăm mét để làm bữa cà phê sáng. Nhu cầu này không hoàn toàn do nghiện cà phê của các thành viên trong đoàn mà là một luyến lưu nấn ná, muốn được “ở” lại một điểm đến, một nơi chốn vừa thăm để hy vọng hòa mình vào môi trường sinh hoạt của con người và xứ đất, để mong mỏi thẩm thấu chút riêng biệt của một vùng miền. Buổi cà phê cứ bịn rịn hẹn hò dự định cho những lần trở lại. Chia tay chúng tôi là hai cô gái trẻ nhất làng, Clâu thị Vân vừa tốt nghiệp chuyên ngành VNH trường VHNT Đà Nẵng và Abing thị Nguyệt yêu thích văn chương thi đại học khối C năm 2012 đang chờ kết quả, tôi gởi cho cô bé lời cầu chúc rằng sẽ gặp nhau tại khoa văn trường Đại học Quảng Nam nơi cô ghi tên ứng thí. Hai cô bé này hoàn toàn xứng đáng với câu thơ của Thái Bảo Dương Đỳnh “ em hay tiên nữ trên trời xuống “. Một ngẩu nhiên vui vui, thì ra cũng là những tâm hồn đồng điệu, yêu quý cái đẹp, một kiểu “ bạn văn “ hữu duyên thiên lý, nghe tăm mến tiếng mà tìm đến nhau như tìm sự sẻ chia đồng cảm. Chào Tây Giang thân thiện lên đường, nhóm văn nghệ sỹ gởi lại tâm tình mình bằng mấy giòng thơ của người bạn lỡ chuyến đi này.
Chúng tôi quay ngược lộ trình về lại thị trấn Prao của huyện Đông Giang thì cũng lỡ bữa rồi, mười giờ trưa cho bữa ăn đạm bạc trong quán bún chật chội và ngột ngạt nóng, vừa ăn chúng tôi vừa trao đổi thống nhất một số phương án cho hành trình của ngày mới.
Đoàn bám theo con đường Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu xuôi về phương nam men theo dãy Trường Sơn chập chùng. Khi hình thành ý tưởng cho chuyến đi, tôi cũng đã nghĩ đến việc mời vài anh em từng có dịp đến với vùng cao, nghĩa là ít nhất phải có người thông thuộc đường đi nước bước, vì vậy nhà báo Huỳnh Trương Phát và nhà thơ Nguyễn Cường đương nhiên được xem như người dẫn đường, những thành viên còn lại là nhà thơ Lê Trường Long, Nguyễn Ngọc Chương và tôi thì hầu như chỉ mới loáng thoáng nghe qua báo đài hay những câu chuyện kể. Chẳng biết kinh nghiệm tích lũy của hai anh chàng hướng đạo kia để đâu mà cứ ngỡ ngàng trước những giao cắt, những ngã ba ngã tư phẳng phiu dáng vẻ một con đường thảm bê tông nhựa nóng ASPHALT đẹp và sang trọng, có lẽ cái lãng đãng nhớ quên của tâm hồn nghệ sỹ ấy nó chi phối ký ức, thỉnh thoảng chúng tôi lại phải quay xe vì lạc hướng, nhưng cũng nhờ vậy mà không gian trong mắt nhìn của mọi người luôn mới mẻ cảm nhận, mới mẻ xuyến xao khó cầm lòng trước cái đẹp quyến rũ và hùng vỹ của hành trình. Thi thoảng, đội hình bị xé lẻ dằng dai chờ đợi vì những cung đường chợt mở ra mảng trời tuyệt đẹp, miên man núi và mây, giữa điệp trùng xanh cây lá của những cánh rừng mới trồng đang kỳ khép tán, những trầm trồ thú vị trước sự ngẫu hứng tài hoa của bàn tay tạo tác thiên nhiên, đang thấy mình uốn lượn và được nâng dần lên cao quanh co qua một đoạn đèo bỗng lại bị hút trầm xuống sâu tưởng chừng không biết đến bao giờ chạm đáy của thung lũng. Trong niềm say sưa kia chợt muốn ngửa mặt nhìn trời mà cảm khái câu thơ xưa cũ ” Niệm thiên địa chi du du/độc thương nhiên nhi thế hạ”. A ha! Vậy thì cần gì quái thạch kỳ sơn của bốn bể năm châu, chỉ nội mỗi góc rừng Trường Sơn trên thiên lý bắc nam này cũng cho ta sảng khoái tự haò về quê hương đất nước. Thì kia, hãy mở mắt mở lòng mà đọc đi tiết tấu gấp gáp của dòng sông đang phơi lòng mình từng mảng đá lởm chởm và ngạo nghễ, những giai điệu trùng trùng đỉnh ngọn núi non kia đang khí phách một phức hợp đại ngàn hòa vào lòng người bản giao hưởng vô thanh nhưng trầm hùng thổn thức, réo gọi những giá trị về sự độc lập và sở hữu phần đất non xanh nước biếc hữu tình mà cha ông ta đã khai phá và gìn giữ. Cứ vậy, chúng tôi như những con suối nhỏ đang tan vào dòng sông lớn trời đất quê hương mình mà con đường xuyên sơn này là chủ lưu dẫn hướng.
Khi mặt trời dừng ở đỉnh đầu thì chúng tôi ghé vào quán nước bên đường tại thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang để hội quân. Nắng, nóng và mệt nhưng không hề giảm đi sự hưng phấn của mọi người, anh em vừa giải lao vừa tranh thủ râm ran vài bình xét, khoe những khuôn hình đẹp “ cắt “ được trên đường. Nhà thơ Lê Trường Long lộn xộn một tứ thơ đang “ mưng mũ”, trong tôi hỗn độn những ý tưởng và cảm xúc, tuy mới lạ nhưng thật lòng tôi như đang trở về với chính mình, trở về với hoang sơ và trầm mặc ,bởi hơn năm mươi năm trước, trên bước đường mưu sinh cha mẹ tôi đã kịp chôn nắm nhau nhỏ nhoi của tôi cũng ở một cánh rừng Trường Sơn Tây Nguyên hùng vỹ, và suốt tuổi thơ ấy tôi từng thổn thức mỗi chiều về khi buôn làng Ba Na vang vọng thoảng đưa trong gió tiếng chiêng cồng gọi ngàn trầm buồn u uất, tôi từng đắm đuối tâm hồn trẻ con của mình vào ánh lửa đuốc bập bùng theo mẹ những lần người vào buôn khám chữa bệnh thiện nguyện cho dân làng, mẹ tôi nói tiếng Ba Na và tiếng Ê Đê giỏi như người bản địa nên những con người của núi rừng kia coi gia đình tôi như những thành viên thân thuộc của cộng đồng mình. Dòng nhớ nghĩ chợt bị cắt ngang bởi tiếng reo giục giã của chiếc điện thoại, mở máy thấy tin Thái Bảo Dương Đỳnh nhắn “ lu khach ve dau duong xa vo ngua/ co lang nhin may gio nho thuong nhau…”đọc câu thơ hơi bị ai oán sầu đời như “ Sương thu dạ khúc” cả bọn cười xòa…cười mà ngùi thương cho người bạn đường lỡ hẹn. Ngạt ơi! Mấy chiếc xe máy gọi là chớ ngựa nghẽo gì đâu mà bờm với vó, vừa chạy vừa lo cho con “thiết mã” dở hơi “ dây đèn bắt lộn dây còi…” đó Ngạt. Nhưng thây kệ, nếu lỡ nó không chịu nhúc nhích nữa thì vẫn còn đó những bạn đường, một đám làng nhàng thơ phú nhưng quyết chẳng bao giờ chịu làng nhàng tình người, rồi ra thế nào cũng mang được cái hình hài khiêm tốn năm mươi ký lô này về trả đủ cho vợ nhà. Nói là tếu táo vậy thôi chớ thương bạn lắm, anh em văn nghệ vốn giàu có một tấm lòng, nhu cầu đi đây đó trên nước non mình là một nhu cầu bức thiết còn riết róng hơn cơm ăn áo mặc, bởi lòng ta mở ra đối diện trang đời qua trang giấy trắng, cứ cặm cụi một góc nhà thì viết lách cái nỗi gì, thời của cách làm văn nghệ sa lông tiểu tư sản đã qua lâu lắm rồi, và đi, đi như theo tiếng gọi từ thẳm sâu lòng mình, đi như đi qua cuộc đời đi qua nhân gian này cho hữu dụng một phận số, mà chúng ta những đứa làm thơ cứ muốn giữ mình, dặn mình phải biết luôn sống đẹp và hữu dụng.
Chúng tôi vượt non hai trăm cây số đường đến được thị trấn Khâm Đức của huyện Phước Sơn thì trời đã ngả sang chiều, Một kiểu đẹp khác lại mở ra trước mắt, kiểu đẹp của phố núi trong thời kỳ phát triển nhưng chưa bị những đột biến đô thị hóa can thiệp thô bạo, đó là cái đẹp của một trật tự nghiêng làm nên sự độc đáo. Sau khi tranh thủ vào làm việc với văn phòng ủy ban huyện, tình trạng chẳng khác gì ở Tây Giang, hầu như cán bộ lãnh đạo của huyện đều bận rộn công việc. anh chánh văn phòng ủy ban nhân dân huyện tiếp chúng tôi bằng thời gian giải lao của một cuộc họp, sau cái bắt tay chào hỏi, anh gọi nhân viên đưa chúng tôi đến nhà nghĩ Phước Sơn với lời hẹn chiều sẽ tranh thủ gặp anh em của đoàn nếu rảnh, và “ nếu “ đã không xảy ra, đành vậy biết sao, khi cuộc sống như một con tàu luôn lao về phía trước với tốc độ ngẫu hứng, mặc dầu rất cần tham khảo nhiều thông tin liên quan đến đời sống vật chất và tình thần của bà con địa phương để phục vụ cho bài viết của mình nhưng anh em văn nghệ cũng đành chọn phương án tự thân vận động.
Nhìn tổng thể, thị trấn Khâm Đức như một cuốn sách lớn đóng bìa lò xo mà gáy sách cũng chính là trục đường đông tây xuyên suốt trung tâm thị trấn được giới hạn tuyệt vời bởi hai cao điểm, một là đỉnh núi Xuân Mãi làm điểm xuất phát ở phía đông trong bài thơ nổi tiếng “ Bài thơ nhờ độc giả Phước Sơn đặt đề “ của nhà thơ Trinh Đường, phía tây án ngữ ngọn đồi vững chải tạo nên bố cục chỉn chu và mạch lạc, từ trục đường này, thị trấn được quy hoạch xuôi về hướng nam với một độ nghiêng vừa đủ cảm nhận. Sau mấy vòng dạo quanh những con đường phố núi có tên hẳn hoi, ngang dọc vuông vức như một bàn cờ, chúng tôi vừa đi vừa đưa mắt nhẩm đọc những số nhà bất chợt trông thấy, cái số nhà tưởng chừng chẳng có gì đáng lưu tâm ở đồng bằng thì lại là một điều hết sức đặc biệt tại nơi đây, hầu như đến tận thời điểm này, không nhiều lắm những thị trấn miền núi làm được cái biển số nho nhỏ màu xanh đáng yêu gắn ổn định trước mỗi căn hộ, nó là sự xác lập một sắp xếp xã hội mà ngay thành phố dưới đồng bằng các nhà quy hoạch cũng phải đau đầu.
Buổi tối xuống nhanh hơn sự rề rà của chúng tôi, sau khi cơm nước xong, làm tiếp một vòng xe quanh thị trấn để cảm nhận sự khác biệt về đêm ở đây, từng đoạn phố nhỏ và vừa phải về không gian nhưng không thiếu bất kỳ nhu cầu đời sống nào của thị dân, qua khu chợ, chúng tôi thấy những bảng hiệu sáng choang nào gội đầu, cắt tóc nghệ thuật, rồi thì đại lý bán xe máy hạng sang xếp dài từng dãy, tiệm kim hoàn, các khu phố giải trí, giải khát về đêm, khu nhà khách, nhà nghỉ đàng hoàng và sạch đẹp…Tìm một quán cà phê tương đối êm ả, chúng tôi hưởng buổi tối cuối cùng của chuyến đi bằng bữa tiệc tiếu lâm trên rừng dưới biển để từng trận cười vỡ ra giữa cao thẳm trời đêm, trên kia, từng ánh sao nhấp nháy sáng như gần hơn, như chỉ cần với tay là hái được cái màu sáng mê ly kia của một đêm Khâm Đức.
Chúng tôi chào phố núi ra về khi một ngày mới đã đi vào trật tự và sôi nổi, hai bên đường là bản tổng phổ của màu xanh cây lá, dưới bóng rừng kia từng khúc uốn lượn mê hồn, ngỡ như đang đi giữa khoảng rừng Đà Lạt, đấy là điều hơi riêng của lộ trình này, nếu đoạn đường Hồ Chí Minh trục bắc nam chạy từ Đông Giang vào là cái đẹp của sự hùng vỹ và dữ dội, thì cái đẹp ở tuyến tây đông tính từ thị trấn Khâm Đức xuống đến ngã ba gặp điểm đầu của quốc lộ 14E này là sự thơ mộng trữ tình, con đường ở đây như một giai điệu du dương phổ vào tiết tấu nhịp nhàng của núi rừng tạo nên những cung đường quanh co vừa phải, người đi đường có thể ước đoán được vòng cung và độ dốc còn khuất sau một vai núi, một ngọn đồi, đủ để có cảm giác bình an để thưởng ngoạn ý nghĩa của điều có tên là lãng mạn. Thì ra sự sắp đặt tài hoa của đất trời cũng có cái lý riêng của nó, phải chăng đó là sự khác biệt để làm nên điều níu kéo mỗi tấm lòng người đối với quê hương xứ sở
“ Ôi những con đường nắm níu tháng năm tình yêu và sức vóc
“ hiếu kỳ giấc mơ hoa trái sắc màu
“ anh đã đi đã yêu và đã khóc
“ mà con đường mê hoặc vẫn còn đau…
Nếu được phép chọn và làm lại từ đầu cuộc đời mình lần nữa, “ con chẳng ngại ngần con không đánh đổi/ lê thê tồn sinh dưới anh mặt trời…” Tôi sẽ hân hoan trái tim mình ca hát để hăm hở làm tiếp một hành trình, một hành trình ba mươi năm tôi đã đi qua, tôi sẽ sung sướng lại làm một người thợ cầu đường không tuổi tên lặng thầm đi cho hết quê hương này mà mê say yêu mến, mà buồn vui khóc cười tận hưởng hết thảy gian khó nắng mưa, đi cho hết những dặm dài lên dốc xuống đèo để được thỏa thuê nhìn ngắm đất trời mỗi ngày mỗi mới,để hòa lẫn vào đám đông miệt mài kia, cần mẫn định vị cuộc đời mình vào dấu ba chấm sau những vân vân… dấu ba chấm vô danh tận cùng của sự bình thường, tận cùng của sự nhỏ nhoi mà trọn vẹn một ý nghĩa.
Tam Kỳ 21/7/2012
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét