Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Mất sông

Mất sông
“ cho con & cháu “
Đâu như độ ba bốn năm không về , thế mà ngộ ra“thương hải tang điền“. Mới hay quyền năng vô lượng khủng khiếp đến chừng nào , và , mới hay ta đúng là sinh linh bằng con sâu cái kiến bé mọn và ngắn ngủi đến tội nghiệp .
Cái trưa nắng của biền nà Gò Nổi cứ xoi xói vào mắt , nhìn đâu cũng trắng lóa ảnh ảo , những chấm bông vải mơ hồ ẩn hiện trong bạt ngàn xanh cây lá không đủ sức làm dịu đi nhiệt độ của ngày tháng ba mỗi lúc một căng tràn , mồ hôi túa ra và đầy cả khuôn mặt đã bừng bừng nóng rồi cay xè hai mắt , dừng tay bay ở cục gạch chưa kịp miết vửa , anh Cư mở lời :
- Chú thiếm dẫn mấy đứa về trước đi , còn non nhả hồ chớ mấy , ở chi cho mệt , để đó ! chỉ chờ có vậy , tôi dựng cán xẻng vào góc bia rồi chào đại khái mà chuồn , sợ đám thợ phân bì đổi ý . Bữa nay làm mã ông Nội kia mờ !

- Mình ra bến Tư Phú ngồi chặp cho mát anh hè …
Thằng Lộc – em rể duy nhứt của nhà tôi rủ .
• Đúng rồi ! ra sông , ra sông đi !
• Thu Bồn ơi ! Thu Bồn – giọng hát vui trong trẻo của con gái tôi vang lên giữa cười nói hí hửng .
• Cho con chèo đò nghe Ba . Đám con tôi náo nức hẳn lên lao nhao như bầy chim tìm về tổ cũ , sau đoạn đường bay di trú dài xa hun hút .
Chẳng đợi , tôi cũng thèm sông lắm rồi , quãng giòng xanh hiền hòa đánh một vòng cánh cung điệu nghệ đầy thơ mộng đời này sang đời khác cứ ì oạp vỗ từng cơn gió ngược buổi triều lên vào mạn quê nhà xói lở những bờ nà mơn mởn bắp tơ , tiếc hùi hụi song phải có nó , cái bến đò Tư Phú ấy , đã từng ở đây từ hồi đổi người lấy đất , một niềm đau gặm nhấm đương nhiên chung sống với những đời người máu thịt chỗ đứng cha ông .
Ờ ! thì sông . Gió mát , đương nhiên ! nước ngọt , hẳn rồi ! mà rửa mặt , mà té nước ,mà để nguyên giày dép xống áo cứ vậy ùm bừa vào lòng mẹ cho thoả nỗi nhớ mong đã từng thề hẹn . Song với tôi đâu chỉ vậy. Hơn hết , đó là nơi tôi hằng tâm phát nguyện phụng thờ như chùa chiền , để cố tự ràng buộc mình bằng một sợi tâm linh hối lỗi , để nhớ rằng đây nơi cha ông phát tích sinh cơ rồi truyền đời cho con cháu anh em chúng tôi bây giờ tắm gội.
Ờ ! ra sông …lấn té nhúi nhụi với nhau mà ù chạy ra sông , khác nào tranh cái bánh tráng nướng giòn tan xưa mẹ chợ về .
- Đứa mô đến trước là tau khen giỏi …
Sau ngày Cha đi theo Mẹ vì một cơn bạo bệnh , tôi từ công trường về chỉ còn gặp nấm cát méo mó thấp xỉn và khiêm tốn , không ừ hử , không trả lời những rì rầm khấn nguyện tôi trong bộn bề nước mắt , mấy ngọn hương được gió bùng cháy càng quơ càng rực , phải chia nhỏ ra mới dịu được cơn khát lửa của mạt quế trầm , tuồng như sự lẫy hờn của hồn vía Cha tôi chưa nguôi ngoai còn phất phơ đâu đó . Cắm xiêu vẹo nỗi mình ở hai đầu mộ nhỏ bé ấy bằng cả một trời ăn năn hối tiếc và đau đớn của đứa con trai “ hàng mẩu “ mà sinh thành từng kỳ vọng , tôi để thổn thức mặc nhiên tuôn trào mong rửa bớt tội tình đã lỡ , gió thông thốc mặt trêu ngươi , cợt nhã tội đồ trước toà án lương tâm , mở muộn .
Ờ ! Vậy đó mà cái bến quê nghèo nhiều trăm năm tuổi đi qua thăng trầm thịnh suy lịch sử lại trở thành của nả riêng tôi , bởi có còn gì đâu trói buộc để đi về khi mảnh vườn hương hoả cũng thay tên đổi chủ .
Cả bọn háo hức ra sông , đận này thì đã nư ngụp lặn , bõ rẻ cũng một phen tắm táp sông quê , quê mình sông mình hẳn hoi không cần vay mượn nhờ đỡ phía người , mà nó cũng khác xa cái vòi nhựa trong buồng tắm chật chội nơi phố thị .
Lần tay cởi sẳn đám nút áo nhùng nhằng như báo điềm chướng gở . Tôi ào xuống hướng bến trước tiên quên cả đạo mạo của một bậc trưởng chi về thanh minh họ mạc . Vợ tôi vỡ trận cười không còn giữ ý :
• Bờm ơi ! coi ba mi như đi gặp người yêu cũ …
• Nề ! chớ đi mô mà xăm xăm rứa ?
Một ông già nhà gần đó với tay hỏi .
• Dạ ! xuống bến ạ - Tôi thưa .
• Bến mô ?
• Dạ bến Tư Phú mình chớ mô nữa bác !?
Cánh tay đang với của ông già chợt treo vào hư không . Trầm hẳn giọng để nén lại điều gì đó , ông hỏi :
• Hình như lâu chú không về…!?
• Dạ ! cũng dặn nên mấy năm nay cháu …
Nét phảng phất không giấu được đã hiện lên đôi mắt bạc màu tuổi tác của ông làm tôi ớn lạnh . Ông lắc đầu rồi quay lưng , trưa chợt mênh mang hơn và trời bỗng cao thăm thẳm.
Những bước chân ngợ ngàng dò dẫm xuống bờ dốc một thời huyên náo , gạt qua lau lách xọc vào mặt , tôi dẫn đoàn người nín thở bước đi bằng tâm thức hoài nghi : “ chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy ? “
Con trâu nằm bùn nghỉ trưa giựt mình toan chống chưn đứng dậy trước đám người lô nhô đùn đẩy , như thể quấy nhiểu buổi thiền định bản năng giống loài , nó trừng đôi mắt to vằn đỏ vào bọn tục khách không mời , chừng như thấy chẳng có gì tỏ ra nguy hại bởi một đám sững sờ câm lặng , nó chậm rải nằm lại tư thế ban đầu ,rồi ve vẩy chót đuôi đuổi lũ ruồi lằn vo ve phiền toái.
Chẳng thấy bến đâu , sông đâu , không một bóng đò , bạt ngàn bói , bói hun hút tầm mắt bốn phía tận bến bờ kia Điện Thọ của một đời sông , nơi những lần lang thang về muộn tôi hay đứng ới đò vào mênh mông sóng nước , ới qua bờ này Điện Quang từng chiều một bóng hom hem cứ lần mò ra sông đợi đứa con về .
Như để khẳng định rằng trước mắt không phải là mộng mị, hàng cột điện bê tông cao ngất , vững chải giăng mấy sợi dây cao thế ngạo mạn giữa đáy cát từng ngàn năm nổi sóng , làm vết cắt nghiệt ngã qua sông cắt luôn vào tấm lòng ngơ ngác của đám người ức nước .
• Sông đâu Ba ?
• Bến đò Tư Phú đâu Ba …?
Chỉ có thằng con út mới hơn năm tuổi của tôi , chưa hề gặp mặt cái bến quê mà ba nó trầm trồ là dại dột mở lời . Tôi á khẩu , cứng người với hiện hữu mà trong cổ tích cũng chưa từng đụng đến , con người không đủ chai sạn để dự báo những điều kinh khủng ấy , trừ phi bất đắc phải nguyện thề và một lần Tú Xương làm ngậm ngùi hậu thế .Nắng đến vậy vẫn không xua được cơn nhún lạnh từ dọc xương sống tôi lan toả ra khắp châu thân . Đổ quỵ xuống mô cỏ mà không lầm thì xưa đã trăn ngàn vết xới cạy của dầm sào ghìm đò cập bến .
Không còn nói gì được nữa , đoàn hành hương lặng lẽ quay lưng , con dốc giờ sao dựng ngược đến vậy ? Chống cả hai tay vào gối vẫn không thể kéo nổi mấy tấm thân không lấy gì làm phì nhiêu , có đứa bò hẳn vào mấp mô sườn đất lần lấy lau lách cây lá trườn lên cố để mà thoát cho nhanh khỏi nơi vừa gặp gỡ .
Đường về Tam Kỳ , tôi chạy như có ai dựa , cái ghi đông xe máy cà tàng bỗng nhiên dễ thương quá , không hề dở chứng , cứ thế tự làm lấy nhiệm vụ của mình đã được lập trình biết tìm nơi phải đến .
Con bờ đập tâm hồn mỏng manh chợt oà vỡ trước trận thổn thức cuồng phong thác lũ vượt quá sức mình khi cu Bờm của tôi bỗng hỏi vào im lặng :
• Ba ơi ! Rứa là mình mất sông rồi hả Ba ?

Quảng Nam – Giêng Ất dậu 2005
N.Đ.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét