Nguyễn Đức Dũng
Già Đích
Truyện ngắn
Cuối cùng rồi lão cũng bỏ được cái gánh nặng truyền đời trên lưng đã gắn bó với lão từ lâu lắm. Đúng ra thì vào những năm tháng cuối đời, lúc lão đã xa trời gần đất, nó không còn là cái gánh biểu tượng nữa, mà nó là cái bao tải to sụ, trùm lên hết dáng người nhỏ bé khòm khòm của lão. Như một hình ảnh mang tính gắn kết gợi nhớ mà hễ ai đó chợt nhắc đến cái xóm Tư Hội này là người ta nghĩ ngay đến lão.
“Tội nghiệp”! Đó là tất cả những gì mà các thế hệ đồng nghiệp và hàng xóm láng giềng ưu ái dành cho. Gần tám mươi năm đi qua cuộc đời này, lão chỉ để lại nụ cười thảm não và méo mó, một sự cam chịu vui vẻ hẳn nhiên không than van hờn trách, không kêu nài tị nạnh gì ai, chẳng ghét bỏ chi trời cao đất dày đã chia phần quá mức bất công riêng dành cho mình. Ngày hằng sống là ngày hằng bàng quan vô tư lự đi qua mọi muộn phiền túng quẩn, có thì ăn không thì nhịn. Mà chó thật, trời có để riêng mình lão được nhịn thèm nhịn lạt cho cam. Sau lưng già hom hem còn một lũ cháu ngơ ngác, sản phẩm của mấy đứa con ham vui thương tưởng trí phần. Vô phước gặp bà vợ bệnh tật trầm luân tay yếu chân mềm, ngại việc nên đã nhanh chân hơn lão mất rồi. Bởi vậy mà cứ mỗi sáng người ta lại thấy lão mở hàng một nụ cười đặc chủng khi gặp bất kỳ ai đó trên đường, làm như mong cho mọi người cũng được an nhiên tự tại bằng lão vậy. Cũng thì một phận số con người, song giày dép phước phần kia nó chơi khăm lão lắm lắm. Được giữ lại tiếp tục công tác sau ngày đất nước hết đạn. Nghĩa là các thứ đì đùng chết chóc kia đã làm xong phận sự trên quê hương đất nước này. Lão có tên trong danh sách công nhân viên thu dung của ngành giao thông vận tải tỉnh nhà. Xã hội không nỡ bỏ đi một bộ phận không nhỏ sức vóc, trí tuệ cũng như tay nghề của chế độ cũ, phí của lắm. Nên chi ơn may đó mà lão lại được xênh xang trong bộ đồ xanh tiên phong thùng thình còn nguyên nếp hồ trông cũng ra dáng ta đây. Như những đồng nghiệp cùng thân phận, lão đã thay da đổi thịt, từ nay mới được làm người, làm chính ta trong sự nghiệp vinh quang mà mấy đứa lở mồm long móng hay đặt điều là “bọn đứng đường”. Thoát khỏi kiếp làm thuê trâu ngựa dưới cái tên đầy miệt thị ”Phu Lục Lộ” tây bồi “ông mít săng quýt sơ măng mống bờ se”. Tự cái hồi mồ ma những chiếc xe ông lô chạy bằng hơi nước bụi khói mịt mù, sau một ngày tước bơ mồ hôi trên công trường thì mấy chú thợ mũi đen hơn mũi chó. Cũng thoát luôn cái nợ mang tiếng tay sai đế quốc giúp giặc làm đường sá bằng nhãn hiệu hết sức mị dân “nhơn viên công chánh” sau này. Giờ có bõ bèn gì lão cũng xứng là một công nhân duy tu bảo dưỡng đường bộ trong ngành giao thông vận tải, chuyên đập đá vá đường, tu sửa tôn tạo mấy cái cầu cống trên khắp quê hương. Mà lạ, quê hương của lão sao lại nhiều sông suối đến thế không biết nữa, chưa kể bọn thực dân đế quấc dư bom, cứ nhè giữa đàng giữa sá người ta mà thả, nên chi rồi cầu nhỏ cống lớn thôi thì cơ man cơ số, chỗ mô căng quá thì bắt tạm cho bà con đi cái cầu khỉ, bảo không oai làm sao chớ. Mã cha mấy đứa hồ lô hồ dếnh vu vạ ngứa miệng lu loa “Cha lái lu, mẹ duy tu/ Đẻ ra một mớ thằng cu đứng đường…”. Ấy là họ tức khí chửi ké cho sướng chớ lão nghe thì chỉ cười xòa, khoe mấy cái răng làm kiểu vàng khè.
Trớ trêu cho lão, thời gian được tự mình làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ công việc hết sức danh giá và tự hào kia nó chẳng đáng là bao. Chưa kịp vinh vang thì đã hết hạn rồi, đúng là sinh bất phùng thời, nghĩ mà tiếc hùi hụi cho một quãng đời trẻ trai sức vóc, xông xáo biết bao nhiêu, rồi ra thì được cái tích sự gì. Cha mẹ sinh ra lão đã chọn nhầm ngày. Trong khi ở cơ quan rục rịch đến hồi tinh giãn biên chế, như thiên hạ vẫn trầm trồ, bánh thì ít con nít thì nhiều, những ai vì lý do gì có tên trong cái danh sách đáng buồn kia thấp thỏm lo âu, gặp nhau mặt mày nhăn như da dái. Cà chớn quá! Không biết cái đám trẻ trai to con lớn xác và rủng rỉnh chữ nghĩa kia ở đâu mà nó lòi ra quá thể. Rồi cả cái bọn đàn bà con gái mông sề vú lớn ấy nữa chớ, quá chừng quá đổi, chẳng biết chúng tụ tập về đây làm chi mà hung rứa, răng cái hồi mình còn cụ cựa đi môn được bọn hắn chết tiệt ở mô, chừ cứ đú đa đú đởn trơi ngươi trước mắt. Chỗ nào cũng có, việc gì cũng sẵn, chẳng quản khó khăn gian khổ gì hết trơn. Bỗng dưng đang yên đang lành, đường là nhà công nhân là chủ, cầu là nhà công nhân cũng là chủ luôn, rứa mới sướng, hồi trần thân khỉ gỗ không ai biết cho, giờ đến đoạn hưởng phước trạch lão lại bị đẩy ra rìa. Chủ tớ gì cái ngữ lão bé quắt nhẹ cân, chữ nghĩa thì cấm biết nó bà con hàng họ gì, tháng nào cũng phải đánh vật vào cái ô tí tẹo trong bảng lương. Mà nghĩ họ cũng hẹp bụng thiệt, thì cứ kẽ chỗ ký lương đó nó rộng rãi ra có phải đỡ khổ cho lão không. Đến mấy hòn đá hộc đá ba vô tri vô giác kia nữa chớ, hồi mô nào xa lạ gì, đến cái búa cái xẻng cũng bày đặt làm ngơ với lão, nó không còn chịu sự sai khiến sử dụng của lão nữa. Đến nước này còn biết làm ông chủ của ai nữa hỡ trời, thôi thì đành nghe lời đoàn thể mà bặm môi mím miệng ký cái tên danh giá của mỉnh một lần sau cùng để nhận chế độ một cục. Nghe đâu cơ quan cũng thương tính thiệt thà của lão nhưng vì không đủ năm công tác, không đúng tiêu chuẩn nên chẳng biết vận dụng chế độ chính sách thể nào cho khá hơn được nữa. Nghĩ cũng vui, cả núi tiền chớ phải ít na, răng họ lại nói một cục là ý chi hè… Lão ngớ ngẩn.
Lân la thăm viếng khắp lượt hàng xóm láng giềng, thân thì mời chén rượu điếu thuốc, sơ thì chúc vài câu hay hay cho phải phép. Nói gì thì nói chớ mình cũng xong nghĩa vụ với xã hội rồi, hết quan hoàn dân mà, ông bà xưa đã dạy. Không bằng chị bằng anh cũng phải học được điều nhơn ngãi mà đối đãi với người, không khéo thiên hạ họ cười chê là đi ra cả đời mà vẫn dốt. Qua mấy ngày chộn rộn chuyện phải không, lão lại thấy buồn người, tay chân nó thừa thãi, sáng chiều cứ cầm cái chổi đứng trước ngõ mà ngẩn ngơ không biết mình quên cái gì, nó hụt hẫng ghê gớm. Tầm giờ đáng lý lão phải đang cặm cụi trên đường kia mà. Lão nhớ hung lắm, dễ chi mà phôi pha cho được, những hơn ba mươi năm trường gắn bó với cuốc xẻng xà beng, với búa tay bứa tạ, rày đây mai đó cũng giang hồ lắm lắm chớ chơi na, Hiên Giằng Boxsit cũng từng qua, rượu gạo chai này chai nọ, cà phê mần ly cối, Bà Tề cũng vô rồi, ít ỏi gì cho cam. Vui buồn sướng khổ, cay đắng mọn hèn cũng khẳm, mà vinh quang danh giá cũng từng được phần lạm dự, Ôi! Sao mà nó khó chịu bụng dạ rứa không biết. Lão buồn lắm. Nghe đến nẫu ruột nẫu gan, lão mon men ra cổng cơ quan thăm chơi, được ít bữa đầu còn có người bắt tay chào hỏi nồng nhiệt lắm, được thể lão đến suốt, dần dà còn cái gật đầu rồi đến như vô tình bận việc không thấy lão, họ đi luôn qua mặt bỏ lão với cái cười cầu tài hết sức vô duyên. Xớ rớ ít bữa nghe chẳng trò trống gì lão thôi hẳn. Còn may cho lão, bù lại ở xóm lão được xếp chung vào tổ cán bộ hưu trí nghe nó vừa sướng cái lỗ tai mà cũng đỡ tủi lòng, họp hành lại được trọng thị ngồi trên, thậm chí còn được cán bộ tổ dân phố tham khảo ý kiến nữa. Cũng đáng một đời người sinh ra trên cõi đời này, ngẫm lại thấy cha mẹ đặt cho cái tên xứng quá, xứng quá. Lão bất giác cười thành tiếng.
Của ăn núi lở, mấy đứa con ngoan của lão đánh hơi đồng lũ lượt kéo nhau về thăm người cha già tội nghiệp. Cả đời túng đơ túng điếc, nay sột soạt mấy đồng còm cõi nhưng cũng mộng bá đồ vương. Dẫu sao chúng cũng do vợ chồng hiu hắt của mình đẻ ra chớ bọn nó thì tội tình gì, chẳng qua không được học hành đến nơi đến chốn như con cháu nhà họ nên mới ra nông nỗi. Lão dấm dúi sắm cho con hai bộ đồ, thằng ba cái quần rin với đôi dép da hàng sang cho nó đỡ tủi, có đứa con trai hũ mắm treo đầu giàn, con tư thì lén cho nó một ít làm vốn, nghe đâu định buôn bán thứ chi đó mà bàn soạn cũng mơ ước lắm. Lão nghĩ làm như ri chắc bà vợ cũng an ủi đôi phần, ngậm cười nơi chín suối. Lão cùng mấy đứa con quét tước dọn dẹp cái nhà trống tuềnh toàng rồi sắm mâm cơm cúng ông bà, luôn thể thắp cho bà mấy nén hương thương cảm, cứ ước giá như giờ bà còn sống, thế nào cũng làm một bữa ngon ngon đãi bà chớ tội, thèm lạt cả đời. Nghĩ tới đấy, đôi mắt bạc màu của lão sa mấy giọt muộn mằn.
Để khuây khỏa nỗi nhớ đường nhớ sá một thời, lão lò mò đến mấy ông cai thầu xin việc, thấy hình dạng buồn cười mà quá đỗi tội nghiệp của lão, có tay đuổi sa sả như đuổi tà ám, có tay thông cảm chặc lưỡi dúi cho vài chục ngàn bảo uống nước rồi kiếu, lão tự ái cảm ơn rồi đi, không nhận làm chi mấy đồng bố thí nớ. Xin xỏ mãi rồi cũng gặp được chỗ thân tình, hóa ra nhờ vào lúc chính sách cởi mở, mấy lão tư nhân cũng kiếm ra việc để làm, nghĩ tình cùng chiến hào xưa cũ, tay chủ thầu chiến hữu nhận lão làm bảo vệ trông coi giúp vật tư, lán trại. Nói cho oai thôi chớ chỉ mấy bao ciment, vài ít khoanh sắt thép tầm tầm, thùng nhựa đường méo dập lăn lóc, và vài đống cát đá vớ vẩn, những thứ giá trị có họa điên mà đem đến tận công trình một lượt. Tuổi già nên cũng chẳng ngủ nghê gì, đêm hôm với ngọn đèn tròn quạnh vắng, lão trông giữ cẩn thận công việc mà họ đã tin tưởng giao cho, cũng để xứng đáng với đồng lương nhận được. Thói trời chua ngoa không cho lão yên vui với chỗ dừng chân, cái đám con nít ở gần công trường cứ lén vào, khi lôi đoạn sắt, lúc rút cái xẻng, rồi gặp mấy bà chai bao dạo cũng cứ vất vơ thăm viếng suốt, coi bộ không ỗn, tay chủ thầu đành nói khéo rồi bảo lão về chờ. Lão dại khờ gì mà không nhận ra tình cảnh của mình, thôi coi như duyên nợ đầu đường đã dứt, lão đành trở về an hưởng tuổi già. Hằng ngày, lão cầm chiếc bao tải tìm đến mấy quán ăn trong xóm xin chủ vào nhặt nhạnh mấy tờ giấy lau mà khách đã dùng, tuy có chút ngại ngùng nhưng rồi xem cũng có lý, chủ quán đồng ý cho lão vào những lúc vắng khách, phụ giúp quét dọn và để trả công, họ cho lão toàn bộ số giấy vệ sinh đáng ra phải vất đi ấy, âu cũng một công đôi việc, đỡ ô nhiễm môi trường, bớt trả tiền rác cho tổ thu gom mà còn tạo thu nhập cho một người già cả nghèo khó lấy phước. Cứ thế, lão trở thành nhà độc quyền “thu dung” những giấy rác vất đi của tất cả hàng quán quanh khu phố lão ở. Trời kia cũng không nỡ phụ phàng, có bữa khấm khá, sau khi trí phần cho khoản rau mắm của ông cháu, lão còn dôi ra được chút ít để tự bồi dưỡng mình một chai bia bình dân và quả trứng vịt lộn vĩa hè, những lúc ấy gặp lão trông tươi tĩnh và ra chiều mãn nguyện.
Tiếng chiêng trống hời hợt đầu xóm làm mọi người chợt nhớ ra. Khi tối bà cán bộ phụ nữ khối phố đi vận động xin tiền làm ma chay cho lão, ai cũng bùi ngùi thương cảm, răng mà khổ chi khổ lắm rứa hè. Mọi người tranh thủ lúc bớt việc nhà đến thắp cho lão nén hương, tình làng nghĩa xóm chớ biết sao chừ. Mấy đứa con hay tin cha mất cũng lục tục kéo về, ngồi mỗi đứa một cục mặt mày ngờ nghệch. Lâu nay lão vẫn lủi thủi sớm hôm với đám cháu còi cọc trong căn nhà quạnh quẽ ấy, giờ thì đông vui đầy đủ đấy mà để làm gì. Lão đã nằm im lìm kia sau một đời người lặng lẽ, cần cù và chí thú. Rồi đây mấy bà nhôm nhựa không còn gặp được người bạn hàng thân thuộc và dễ tính của mình khi đi qua chỗ gốc cây ở ngã ba đầu xóm, nơi lão vẫn thường nằm lim dim dưới bóng mát um tùm bên vệ đường đánh giấc ngủ giữa trưa nắng hồn nhiên, mặc người xe qua lại, mặc đàm tiếu xầm xì. Lão nằm đấy vắt chân chữ ngũ, đầu gối lên chiếc bao tải đồng hành sau đận hoàn dân, bên trong đầy những miếng giấy vuông nhỏ nhờ trắng mà thực khách đã lau đũa và chùi miệng, đó là tất cả kế sinh nhai của mấy ông cháu đùm bọc nhau trong suốt những năm tháng cuối đời của lão, một cuộc đời đầy ưu lụy và bi thiết nhưng vẫn chan chứa lòng người. Người ta lại nhớ như in những bận chuyện trò bên đường khi lão ngang qua, lão vẫn giữ hoài thói quen thăm hỏi và khen tặng bà con hàng xóm, đồng nghiệp một thời đã cùng lão buồn vui đời thợ. Người ta lại nhớ tới hình ảnh lão nằm vật ngữa bên đường, khuôn mặt thản nhiên nở nụ cười quen thuộc, thảm não và méo mó, đầu gối vào dãy bê tông bó vĩa mà suốt cuộc đời lão đã từng tự tay làm ra nó cho con đường gọn gàng và sạch đẹp thêm lên, mớ giấy trắng nham nhỡ vết thức ăn bay đầy mặt đường khuya khoắc, phũ lên hình hài bé mọn gầy còm của lão rồi phất phơ trong gió, sau khi một chiếc xe máy gầm rú như điên dại chở cặp trai gái tóc tai nhuộm đủ màu ngã ngớn chạy vụt qua, chiếc ghi đông quẹt vào một bên bao tải đầy ắp lặc lè trên lưng của lão, lúc lão đang hớn hở vui mừng vì một ngày trúng mánh.
Xóm nghèo 05/8/2013
Nguyễn Đức Dũng
Địa chỉ
Nguyễn Đức Dũng
Tổ Bảo vệ trường Đại học Quảng Nam
102- Hùng Vương
T/p Tam Kỳ- Quảng nam
Dd: 0979 094098
Email: nguyenducdung58@gmail.com
TK: 4200 205 063 536
Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn
Chi nhánh Quảng nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét