Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Khúc tráng ca đại ngàn

Khúc tráng ca đại ngàn
                                                                                     
                                                                                           Ghi chép

I - Khác biệt Thừa Thiên – Huế:

     Để thực hiện trọn vẹn một khớp nối tròm trèm ngàn cây số trên tuyến đường quyến rũ qua 4 tỉnh miền Trung: Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Chúng tôi, những người bạn thơ phú vần vè phải hò hẹn mãi. Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ mùa hè năm 2012. Chúng tôi tự hình thành nhóm bạn “Khám phá những cung đường Trường Sơn”.

     Nói cho oai vậy thôi chứ có gì mà “khám” với “phá”! Mọi thứ đã bày biện sờ sờ ra đấy mời gọi những đôi mắt ngắm nhìn, những tấm lòng đắm đuối quê hương đất nước. Và chúng tôi đi. Và chúng tôi say yêu không gian rợn ngợp mở ra trước tầm nhìn vốn hạn hẹp phố xá của mình. Trước những trì níu cơm áo và công việc quanh nằm bù đầu tối mặt. 6 người bạn với 5 chiếc xe máy thuộc loại ”bình dân”. Thì cũng muôn dặm đường trường chớ phải chơi đâu. Tuy thế nhưng khi vừa bám vào địa phận A ting, một xã vùng cao trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại này của huyện Đông Giang. Chúng tôi gặp ngay một đoàn “Phượt” đẳng cấp. Loại “xịn” đúng nghĩa. Những chiếc mô tô kềnh càng sáng bóng ngược chiều. Họ nhìn mấy con “bạn đường” còm cõi của chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên và không kém phần thương hại. Thấy mà tội cho anh em văn nghệ nhà mình, 5 chiếc xe máy thì đã hết bốn con “ngẽo - sí cần hen” rồi! Rứa mà đi Trường Sơn!? Rứa mà cũng bày đặt đòi “phá - khám”!
     Thây kệ “miệng thế gian”. Bởi chưng điều thú vị đã hiện ngay trước mắt. Suốt hành trình chúng tôi từng vượt qua trong những lần vi vu. Có đến tận nơi có sờ tận mặt. Cầm nắm trong tay mình những đặc thù bản địa, những thuộc tính riêng biệt của từng xứ sở trên Tổ quốc này mình mới thực chứng rằng niềm tự hào kia là hoàn toàn đúng nghĩa, chẳng cần phải thêm thắt thêu dệt hay mơ hồ những giá trị ảo tưởng tồn nghi. Quê hương ta. Đất nước ta “chính xác” gấm vóc. “Chính xác” bề thế để từng con dân Đại Việt này ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế mà nâng niu gìn giữ, mà “khoe” ra với thế gian rằng: “Hãy đến với chúng tôi bằng tình bạn và sự thân thiện…”.
     Có lẽ hệ thống núi non trên Trường Sơn thuộc địa phận của Thừa Thiên – Huế là một khác biệt rõ nét nhất về địa hình địa vực, về cấu tạo địa chất. Bằng chứng là những bánh xe chúng tôi cứ nuốt say sưa quãng đường mê ly này trên gần hàng trăm cây số mặt đường toàn bằng chất liệu Bê tông. Đụng đến “nghề” của riêng mình, tôi tin rằng chính mình chứ không ai khác trong nhóm phát hiện ra điều thú vị ấy. Chỉ người thợ Cầu đường chúng tôi (Trừ những nhà khoa học chuyên môn) mới biết rằng, sở dĩ người ta chi thi công mặt đường “Bê tông tươi”. Tức là thi công xây dựng bằng vật liệu các loại đá và chủ yếu kết dính bằng cement trên nền đường có mạch nước ngầm. Không như loại Bê tông thảm nhựa ASPHANT mà vật liệu kết dính là nhựa đường, còn gọi “Hắc ín”. Cũng vì điều này mà có lần Nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ đã giới thiệu trong đêm thơ rằng tôi là “Nhà thơ Hắc ín”!!!. Nói lên điều này để hiểu thêm rằng, sở dĩ suốt mấy tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi, thì riêng khu vực hạ du của Thừa Thiên – Huế là ít xảy ra tình trạng khô hạn trong mùa hè, trừ vùng cát. Đó là lý do tại sao dòng sông Hương luôn xanh trong suốt mùa khô. Thừa Thiên – Huế được ân sũng đất trời thừa hưởng nhiều sông suối và luôn ổn định mực nước, tạo ra được nhiều đầm phá…Song thượng đế cũng chẳng cho không ai điều gì, Người cũng lại “đòi nợ “ hằng năm vùng đất thần kinh này bằng nhiều lũ lụt gây ra bao thiệt hại tang tóc cho dân lành vô tội. Âu đó là cái giá của luật bù trừ, biết vậy. Ta phải chung sống với những gì ta có mà nỗ lực hơn để cân bằng những khiếm khuyết hạn chế của mảnh đất đã sinh ta ra. Tôi tin thế nên người dân Huế nói chung luôn di dưỡng lòng mình sự kính tín và mực thước. Chỉ riêng chuyện này đã làm tôi sướng rơn khi “Đi một ngày đàng…”. À, thì ra vậy!
     Còn một khác biệt nữa ở vùng đất này. Đúng là ám ảnh. Thì các anh các chị cứ hình dung đi. Gần trăm cây số đường đèo dốc quanh co hiểm trở, chẳng có lấy một đoạn đường thẳng đúng nghĩa dài chừng trăm mét tới. Mắt cứ chăm chăm và tay lái luôn sẵn sàng để ôm theo những vòng cua dốc, hết khúc này nối ngay khúc khác, chẳng hề dám một phút lơi lỏng đề phòng, tầm nhìn luôn giới hạn trong khoảng năm mươi mét thôi thì ai dám to gan liếc dọc liếc ngang. Có mà mang họa! Những vòng cua ngặt nghèo cứ rủ rê dụ hoặc thế, tay ga xe say sưa uốn lượn mê mải. Hai bên đường những bờ dốc cao vút lên tận mây xanh. Những vực thẳm thâm u rợn người luôn rình rập, hù dọa khách đi đường. Cơ man là cây rừng với những dáng hình kỳ thú. Miên man một màu xanh trùng trùng đất trời và cơ hồ mây, mây như những suối tóc huyền hoặc, như những thác nước kéo dài bất tận và trùm phủ núi non, đổ tràn vào cây rừng đá núi. Chúng tôi chạy xe trong mây, chạy xe trong gió bạt ngàn, chạy trong từng cơn mưa rừng vào mùa đã chín nẫu. Từng mảng mây xám nặng đè trên cao kia, vậy mà cứ tưởng như trời và đất đã cận kề nhau, đã đan quyện vào nhau du dẫn những tâm hồn người tan hòa vào thiên nhiên hùng tráng kỳ vỹ và thơ mộng. Chưa hết. Một lạ lùng khác nữa chỉ riêng có ở đây. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì toàn bộ những cây cầu bắt qua sông suối trên vùng đất này đều có chung một hình dạng, một tầm vóc và tư thế cũng như tên gọi. Tất cả đều cao so với đáy sông đáy suối. Tất cả đều được xây dựng cong vòng ôm theo cung đường mà trời đất đã định vị, và cuối cùng, hầu như cùng một cái tên: “ Cầu Cạn”! Đẹp. Mê tơi! Quyến rũ như những eo thon phụ nữ, đủ cỡ tuổi, thơ ngây có, mơ mộng có, điệu đàng có mà mặn mòi rủ rê cũng có… Tha hồ cho trí tưởng tượng bừng nở thăng hoa, tha hồ cho lòng tơ vương mơ mòng. Một ám ảnh siêu phàm đối với người cả đời chỉ chăm chăm yêu lấy những nhịp cầu trên dặm dài quê hương đất nước như tôi. Chả thế mà suốt những tháng năm đeo đuổi cái nghề Cầu đường bụi bặm của mình, tôi cứ “xung phong” nhận vị trí tổ trưởng thi công. Được chính bàn tay mình cầm bay cầm thước, bưng đá trộn hồ, để xây nên hằng trăm chiếc cầu trên dọc đường xứ Quảng dấu yêu. Xây nên những kết nối dở dang mà quê hương đã vốn sở hữu lắm sông nhiều suối, xây nên những hẹn hò tình tự. Kể cũng oai, cũng đáng một đời người…

     Chạng vạng trời chúng tôi đặt chân đến thị trấn của huyện A Lưới. Con đường xương sống Trường Sơn chạy dọc theo một dãy phố làng. Đây cũng là điều làm nên khác biệt. So với các thị trấn cấp huyện vùng cao ở Quảng Nam và Kon Tum. Thị trấn A Lưới quy hoạch thoáng rộng những vườn nhà, sum suê cây trái. “Nét phố” náo động sầm uất không hiện diện ở đây. Có lẽ cái ”Nết Huế” ở thành phố dưới hạ du ảnh hưởng chăng? Hay tâm hồn người dân Huế dù dưới xuôi hay trên vùng cao đều chung một tính cánh thâm trầm, dịu dàng và kín đáo. Làm nên sự thơ mộng của đất và người mà văn chương cả nước luôn hướng về, luôn tưởng nghĩ. Huế mộng Huế mơ…
     Điều cuối cùng ấn tượng vùng miền là nguyên một đêm trong nhà nghỉ ấm cúng sạch sẽ. Sau cả ngày chạy xe dang nắng dầm mưa căng thẳng, mệt bở người, những tưởng chúng tôi sẽ say giấc. Nhưng không. Vừa thiu người chợp mắt thì cái đà lao vun vút của ghi đông xe máy cứ cuốn tôi đi, cứ hút theo con dốc uốn lượn và những vòng cua ngặt nghèo chực làm cho chiếc xe trượt ngã xoài theo đà lao tới, cả thân người tôi tự nhiên nghiêng theo, một phản xạ ảo tồn sinh. Tôi va vào thanh lan can bảo vệ bên đường, cả người và xe văng ra khỏi ta luy, lao xuống vực thẳm hun hút, hun hút…

                                                                                     (Còn tiếp)

                                                                                 Tam Kỳ 30/7/2014
                                                                                Nguyễn Đức Dũng


     

Ơi! Đăk Rông và ám tượng Khe Sanh

Ơi! Đăk Rông và ám tượng Khe Sanh

II – Mặn mòi Đăk Rông:

     Ly cà phê bên đường cuối thị trấn A Lưới một buổi sáng mờ sương. Trời bắt đầu chuyển vào trọng hạ, dưới đồng bằng còn chang chang nắng nhưng trên dãy Trường Sơn này chưa biết sẽ thế nào dành cho khách xa đường. Chúng tôi nấn ná ở thị trấn vùng cao êm đềm của Huế để nhâm nhi tận hưởng giây phút nhẹ lòng. Chim ríu rít đón một bình minh ửng nắng. Xa xa, những dải mây trắng và khói đá chùng chình, quấn quýt núi rừng. Ngồi giữa trai thanh gái lịch, giữa những nền nã thị dân miền núi đã bước qua ngưỡng khởi động của đời sống để bừng thức một tương lai không còn cảnh đói cơm lạt muối, bừng thức một niềm tin rời xa khó nghèo để vươn vai giàu đẹp và bản sắc. Tiếng Huế nghe nhẹ và thanh. Chợt lẫn trong giai điệu du dương âm sắc vùng miền đặc trưng ấy là giọng thô mộc quen thuộc của một cô bé Quảng Nam. Có chút vui vui không tên len lỏi vào đâu đó lòng mình. Thầm chào những bất chợt bên hành trình thiên lý, chúng tôi tiếp tục lên đường.

     Một liên tưởng ngược chiều khi bon bon thả xe chạy dài theo trục đường này từ đoạn giáp biên của 2 tỉnh lỵ. Nếu như giòng sông Đăk My sánh vai cùng đường Trường Sơn đoạn Ngã ba Khâm Đức đổ ra bến Giằng của huyện Nam Giang, Quảng Nam luôn cặp kè bên phía đông của con đường, thì giòng sông Đăk Rông nổi tiếng của địa phận Quảng Trị lại luôn song hành  về phía bên tây. Đón chúng tôi trên quãng đường này bằng một cơn mưa ngọt ngào. Mưa ra mưa, sây hạt nhưng không xối xả, những giọt nước trời tinh khiết châm chích nghe nhoi nhói vừa đủ chau mày. Cứ thế chúng tôi tận hưởng cái thú vi vu qua con đèo PêKe dài 8 cây số. Bản thân con số 8 lạnh lùng chỉ là thông số kỹ thuật về một khu gian của ngành GTVT mà thôi, chớ dưới mắt thưởng ngoạn, thụ hưởng của người biết quý yêu cái đẹp về quê hương đất nước, yêu cuộc sống yên bình hôm nay, yêu màu xanh sông suối hiền hòa và sắc diệp lục man man cây lá thì đó chỉ là một thông tin chưa thấu đáo. Đôi bạn đồng hành “sông Đăk Rông - đường Hồ Chí Minh” gặp nhau ở chỗ giáp biên của Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị rồi rủ rỉ tâm tình như hai người yêu trẻ tuổi, quấn quýt bên nhau không muốn tách rời, chúng nói gì với nhau ta không biết, chỉ thấy chúng cùng ta lâng lâng một khoái cảm nhẹ nhàng mà dìu dặt, song đó là cảm nhận lứa đôi, một ví von bất khả vì sự vô vọng của câu chữ không thể diễn đạt rốt ráo ý nghĩa của đất trời, của duyên hợp duyên tan bèo mây trú xứ.
     Bóc tách sự lý khô khan để minh triết về một mỹ cảm. Đèo PêKe và suốt cả tuyến đường kéo dài ra đến tận cầu Đăk Rông, điểm nhấn về công trình xây dựng giao thông rất ấn tượng trên rừng xanh núi thẳm này, thì tuyến đường dưới mắt nhìn lữ khách như một phụ nữ đã đến độ mặn mòi, đã qua thời thơ ngây khờ khạo, biết mình đẹp chừng nào và biết cái lợi thế của mình sẽ tác động đến đối phương để dẫn dụ và mời gọi. Đường cũng lên dốc xuống thung, cũng quanh co uốn lượn, đây đó rời rạc vài xóm nhà của những đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Tà Hy, Vân Kiều…v.v… Một không gian yên bình gần như tuyệt đối, một tĩnh lặng vô nhiễm ước ao riêng dành cho ai đã mỏi mệt lấn chen giữa cuộc xô bồ. Đường bằng phẳng rộng thoáng mà thanh, những vòng lượn duyên dáng mà an toàn, những con dốc có độ xuôi vừa phải, tạo cảm giác yên tâm để vừa chạy xe vừa đưa mắt ngắm nhìn, giá như được thanh thản áo cơm mà đi trên tuyến đường này, mà gắn bó cuộc đời với nơi chốn này thì đó có thể xem như diễm phúc trên cõi nhân thế đầy những rập rình bất ổn…
      Cựu binh Hồ Văn Sanh người Tà Ôi kéo mơ mộng xa vời của chúng tôi về thực tại. Gặp nhau ở một con dốc tuyệt đẹp và râm mát. Với tuổi 84 mà những bước chân lên dốc của cụ vẫn dứt khoát, thanh thoát, cho thấy môi trường sống ở đây lý tưởng đến chừng nào. Tham gia kháng chiến từ 1959, kinh qua nhiều trận đánh khốc liệt, hòn tên mũi đạn chừa ra để lành lặn trở về. Những tưởng thế là may mắn lắm. Ngờ đâu về với làng bản thanh bình chưa được bao nhiêu ngày êm ấm thì người vợ thân yêu bỏ ông mà đi…”Chết rồi!!! Chết hơn mười năm rồi mà không biết chết ở đâu…”. Giọng ông ráo hoảnh. Quy vào đâu cho từng bất hạnh của mỗi đời người? Giữa cái đẹp tươi ròng hân hoan của núi rừng chợt gợn lên nỗi buồn nhân loại. Chia tay ông, người cựu binh già bên thiên sơn vạn lý, lại một ray rức khó xử cho tôi khi ông hỏi với theo “Có quần không?”, bàn tay khô rắn cầm chiếc tẩu thuốc đã tắt lửa chỉ vào chiếc quần trận bạc màu nhăn nhở.

III – Một giờ với Khe Sanh:

     Những năm đầu 1970, tôi vẫn thường nghe mấy người lính Cộng Hòa kể chuyện về chiến trường, về những trận đánh dữ dội của hai bên, về những tên đất tên làng, những mặt trận đã trở thành lịch sử của một quê hương lầm than tao loạn, của một đất nước mà vận mệnh luôn thử thách. Ký ức về chiến trường Khe Sanh qua từng câu chuyện rời rạc nhưng luôn có chung một tâm lý. Đáng sợ, khủng khiếp! Một vùng đất chết. Nghĩ về Khe Sanh, tôi nhớ như in khuôn mặt thất thần của người lính trẻ năm ấy khi ngồi trong căn quán nhỏ nhà tôi ở Plei Ku. Anh từ chiến trường “Vùng một Chiến thuật” được “thuyên chuyển” về, ấy là nói khái niệm “Vùng” của phía bên kia thuở đó. Ám ảnh nhất là đoạn anh kể về những đôi giày Bosdeshaut nằm lăn lóc bên đường, loại giày trận làm bằng da cực tốt, có tấm thép lót dưới lòng bàn chân để chống lại các loại chông. Trải qua nắng mưa cũng chẳng hề hấn hay hư cũ. Tiện tay người ta nhặt lên để đem về dùng lại, ngờ đâu khi đổ ra trong ấy còn sót những lóng xương bàn chân của người chết trận. Anh kể về những chiếc nón sắt méo mó, vở toát và lỗ chỗ vết đạn. Tuổi thơ của tôi đeo bám những hình ảnh hãi hùng ấy không làm thể nào xóa bỏ được.  
     Từ ngã ba ngay đầu cầu Đăk Rông về phía bắc, rẽ tay trái theo “Đường 9”. Chừng hơn vài chục cây số là ta gặp những địa danh vang dội một thời. Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo…Hai bên đường xuất hiện mấy lều chợ rất “bản địa” của người Vân Kiều, năm bảy túp lều tranh tre tạm bợ vá víu bên đường, bày bán các loại sản vật địa phương. Những trái mít căng tròn ngon mắt, những trái thơm chín vàng làm tứa nước miếng chân răng, những búp măng núi bụ bẫm, rồi khoai, rồi sắn…v.v… Chúng tôi chạy xe lên theo một con đèo không tên dài chừng  bốn năm cây số. Đường đèo đẹp, rộng, tầm nhìn thoáng đãng, cái vi vu ở con đèo này nếu đem “đọ” với đèo PêKe thì nó đúng là một ”cô gái tươi trẻ và nhí nhảnh”, có phần dễ “phĩnh” hơn, tuy cũng điệu đàng vài cú ngoặc đe dọa để “làm giá” nhưng với những tay lãng tử đường trường thì việc tán tỉnh chinh phục cô em chẳng qua làm ra vẻ giả khó để lấy lòng…
     Thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa tạo một điểm nhấn là tượng đài Khe Sanh tọa lạc ngay cửa ngõ dẫn vào một khu phố xá đã rậm rịch hiện đại kiểu vùng cao, phố có dốc dài, hai bên đường đầy đủ những cửa hàng sang trọng cung cấp nhu cầu thị trường cho một bộ phận dân chúng tương đối khá giả và sung túc. Dễ hiểu thôi. Đây dứt khoát là điểm tập trung, trung chuyển hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, từ đó kéo theo những dịch vụ giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận lao động địa phương. Đi hết thị trấn, chúng tôi thấy một ngôi thánh đường của đạo Thiên Chúa nằm ngay chân dốc ở cuối phố. Khiêm tốn về quy mô xây dựng nhưng rất đẹp về kiến trúc, cho ta nhận ra sự an bình trong tâm thế của người dân sở tại. Những xe máy đắt tiền chạy đan xen trên đường, nhiều cô gái trẻ trang phục rất đẹp mắt, sang trọng và thời thượng. Khe Sanh hôm nay đã thật sự lột xác, xóa nhòa ký ức khủng khiếp một thời trong nhớ nghĩ của con người, lớp trẻ hôm nay chẳng thể nào hình dung nổi, nơi chúng sinh ra, nơi chúng đang sống từng là một ám ảnh nặng nề, dữ dội mà sức tưởng tượng của con người đành bất lực.
      Món “lạp bò” được cho là đặc sản Khe Sanh mà chàng trai năm 3 Báo chí Đại học Khoa học Huế - Bùi Đức Nghĩa chiêu đãi chúng tôi trong một buổi chiều gặp gỡ ngắn ngủi xem như kỷ niệm nhỏ nhưng đáng yêu giữa những người chẳng hiểu vì sao lại lẩn thẩn vơ vào tội nợ văn chương chữ nghĩa.

                                                                           Tam Kỳ 31/7/2014

                                                                          Nguyễn Đức Dũng   

“Bạn bè anh toàn những đứa ầu ơ…”

“Bạn bè anh toàn những đứa ầu ơ…”

     Ai đó đã nói đại khái rằng:
“Hãy chỉ cho tôi bạn bè của anh. Tôi sẽ cho biết anh là người như thế nào...
     Từ suy nghĩ trên.Tôi xin thưa rằng mừng vui và sẻ chia thật lòng về ấn phẩm thơ in chung của hai tác giả: Nguyễn Tấn Thái – Trần Anh Dũng.
     Với tư cách là một người đọc lẫn tư cách của một người “thỉnh thoảng cũng mần thơ”. Tất nhiên, cảm nhận có chút ít nghiêng về phía thiên vị. Phía của những người ham vui thơ phú với nhau...
     Trăng và nguyệt. In chung đầu tay của nhà giáo Trần Anh Dũng. Người con của quê hương Tam Kỳ. Nơi mà hoa sưa được mến yêu như một biểu tượng. Thầy giáo dạy toán ở trường Đại học Quảng Nam này có gì tương hợp với tác giả mà anh đứng chung trong một tác phẩm trình làng? Xin thưa! Không có gì “gần” nhau hết. Nếu chưa muốn nói là “trái dấu”
     Chỉ có thơ. Tình yêu thơ như một thứ tôn giáo. Như một tín niệm về những khát vọng thiêng liêng giữa cuộc đời đã làm nên cuộc phối ngẫu lạ kỳ mà trân trọng này.
     Với ông Thầy dạy văn Nguyễn Tấn Thái. Bút danh Bình Nam của quê hương Thăng Bình yêu dấu. Một người thơ quăng quật  “Nhoài thân ôm lấy ngàn trùng” đầy ham hố. Suốt đời “...ngưỡng phục trước đền...” tìm kiếm để nhận chân “Tim lạc nhịp.. cứ rối bời...theo thơ”. Thì Trăng và nguyệt là đứa “con rạ” đã ra đời mẹ tròn con vuông sau thời gian thai nghén đến mấy lần chín tháng mười ngày. Cơn vỡ ối chuyển bụng kéo quá dài đến lo lắng. Cuối cùng cháu bé ấy cũng hôi hổi ân tình trên tay bạn đọc.
     Đây là một ca “đẻ khó”. So với thằng anh “Bóng thức” của nó. Tập thơ được NXB Thanh Niên cấp giấy phép phát hành vào cuối năm 2010.
     Nhân đây, cũng xin nhắc qua rằng. Bóng thức đã thật sự định vị tuổi tên Nguyễn Tấn Thái. Bóng thức đã ít nhiều thành công lay động. Đúng như tên gọi. Nó làm “mất ngủ” người viết lẫn người đọc bởi mức độ phiêu lưu câu chữ và ngả nghiêng tình ý.
     Như trong lời giới thiệu ở đầu tập thơ Trăng và nguyệt. Tôi có đề cập đến chi tiết “Thú vị & bất ngờ”.
     Vậy điều gì đã và sẽ gây ra thú vị bất ngờ ở tập sách nhỏ này?
     Nếu Nguyễn Tấn Thái vẫn trung thành với tâm hồn thơ của mình. Đúng ra phải gọi là “Tâm trạng thơ” của riêng anh. Di dưỡng và phát huy tối đa một kiểu cách tư duy thơ riêng biệt không giống ai. Một mình một cõi, Tự do bay nhảy huyễn mộng giữa thơ và đời, giữa thực và mộng. Nó du dẫn say sưa quá độ. Nó gây ám tượng hoang mang thắc thỏm vào lòng người đọc. Chẳng thể nào đoán định nổi những câu chữ lạ lùng, những tình ý liều lĩnh kia sẽ rủ rê ta đến miền cõi nào của cái đẹp. Đọc thơ Nguyễn Tấn Thái là đọc cái tâm trạng bất an của đời sống qua lăng kính khúc xạ của nghệ sỹ. Đọc thơ Nguyễn Tấn Thái còn là đọc cái hình xác chữ nghĩa chênh vênh chực hờ ngã đổ. Trạng huống ấy thường trực trong thơ Nguyễn Tấn Thái. May thay! Như một nghệ sỹ xiếc có nghề. Cuối cùng, tác giả cũng giữ được cho người đọc cái thở phào nhẹ nhõm tận hưởng chút an bình hiếm hoi mà quý giá.
     Thơ là một loại hình vừa “Văn học” lại vừa “Nghệ thuật”!
     Với quy chiếu này. Nguyễn Tấn Thái đã “Mần nên chuyện” khi đem đến “Cảm giác mạnh”  vào thơ nói trên.
     Với ý nghĩa này. Nguyễn Tấn Thái đã làm ra một “Nhà thơ nhiều cá tính. Độc đáo và độc vị”.
    
    Vậy thì : ”Thú vị và bất ngờ” của người thơ Trần Anh Dũng là ở chỗ nào?
    Hãy đọc và làm bạn. Nghĩa là tâm tình thấu đáo thấu suốt một tâm hồn tưởng phẳng lặng như chơi mà dè đâu cũng quá nhiều giông gió dưới bộ dạng hiền từ khép nép.
    Không thú vị và bất ngờ sao được khi ông Thầy dạy toán ở bậc đại học mà Thơ lại “Nhuyễn” hơn Toán! Ông đã chứng minh quá thành công sự lột xác, hóa thân diệu kỳ mà với “Tư duy chính xác” của khoa học giải phẩu và khoa học tâm lý cho đến hôm nay vẫn còn phải ngần ngại rụt rè...
     “Cây kim sợi chỉ phải lòng nhau thôi...”
    Một tuyên ngôn qua thơ đầy giới tính!
    Bên cạnh câu thơ hơi bị “sáu câu vọng cổ” là câu thơ “nổi da gà” lẫn tình và ý, lẫn mộng và thực:
     “Diêu bông ơi hỡi diêu bông
     “ Bao giờ chị gặp lại chồng mình đây...”
     Con dao mổ tinh vi của y học đã phải chùn tay!
     Con dao mổ đã từng rực rỡ công trạng khi giải quyết rất ngọt những ca tách đôi, những ca sửa chữa oái oăm nhất mà thượng đế đã thử thách trí tuệ và tài hoa của con người.
     Vậy mà con dao mổ lẫy lừng ấy đành thúc thủ chào thua trước trường hợp Chi Lan  – Trần Anh Dũng...
    “Viết cho vui và viết cho buồn”
    Tôi đã nghĩ suy về ý nghĩa ấy của thơ và người trong Trăng và nguyệt.
    Thú thật. Tôi đã “phải lòng”
   Thú thật. Tôi đã bắt gặp chút hạnh phúc an bình quý hiếm.
 
    Nếu từ bỏ triệt để được lòng hời hợt trước những phận số, trước những cuộc đời đang hiện diện quanh ta. Đang thụ hưởng và nhận chịu chung cùng tâm thế như ta. Tôi tin, ta sẽ quý yêu hơn vào con người, vào những điều tốt đẹp vẫn đang khuất lấp đâu đó chực chờ ta tri âm tri kỷ.
    Hy vọng Trăng và nguyệt kia sẽ đem đến tặng bạn những giây phút an bình quý hiếm. Rồi ra sẽ phải lòng nhau trước cuộc tồn sinh nhiều phiền lụy. Trước những bộn bề thúc hối đời sống đang đẩy xô lôi kéo chúng ta về phía nhọc nhằn
                                                                                       Hà Lam 19/1102014

                                                                                         Nguyễn Đức Dũng

Bạn văn “Phố Huyện”

Bạn văn “Phố Huyện”
                                                                                                        Tản mạn

      Thử điểm danh những tác giả đang ở “Điểm rơi phong độ” trong sáng tác của “Phố huyện Tam Kỳ” hôm nay, mới thấy rằng đây thực sự là lực lượng mơ ước của nhiều địa phương cùng cấp. Chỉ tính riêng những cây bút sinh hoạt trong chi hội Văn học, thuộc Hội VHNT Quảng Nam, đủ phiên chế thành một “Tiểu đội”! Có thể ghi ra những cái tên đã “quen mặt” với trang văn làng nước như: Phạm Thông, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Tấn Sỹ, Ngô Phú Thiện, Nguyễn Ngọc Chương, Trương Quang Nhân, Nguyễn Thị Phương Dung, Đặng Ngọc Kết v.v…Sau hiện tượng của Nguyễn Tấn Cả gần hai mươi năm trước, gần đây, lực lượng tương đối hùng hậu này bổ sung thêm Trần Anh Dũng, Huỳnh Thu Hậu và đặc biệt là cây bút trẻ đang lên Nguyễn Thành Giang, chưa kể thêm một Dương Động Vân Hà hết sức đằm và ấn tượng qua loạt truyện ngắn rất hay vừa tái xuất giang hồ sau thời gian dài im tiếng.

     Nhìn vào con số cơ học trên, điều nổi lên đáng “quan ngại sâu sắc” là hiện tượng “dương thịnh âm suy”! Một dạng đứt gãy về tình kế thừa của vùng đất tưởng khiêm nhường lặng lẽ nhưng lại âm ĩ và quyết liệt trong trường văn trận bút hôm nay. Trang văn phố huyện Tam Kỳ là một cách thể tỏ bày về khát vọng vươn tới những ước mơ cao đẹp của cuộc sống, phản ảnh tươi ròng về những đổi thay hôm nay cũng như những níu giữ, khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp được vun đắp qua nhiều thế hệ của đất và người trên khắp quê hương đất nước. Chẳng thế mà Văn nghệ sỹ ở vùng đất này tuy không đình đám nhưng vẫn bền bĩ và chứng tỏ sự dấn thân, ráo riết thủy chung với đam mê đã chọn lựa. Chỉ vài năm qua, những tác giả trên đã công bố được khoảng gần 30 tác phẩm, trong đó có 7 tập văn và 3 tập thơ in chung nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bên cạnh, lực lượng này còn là những cây bút chủ chốt của tập san Văn nghệ Tam Kỳ và là những CTV thường xuyên góp mặt trên báo Quảng Nam, tạp chí Đất Quảng, tạp chí Văn hóa Quảng Nam cùng nhiều báo chí trong cả nước..
     Một điều dễ nhận thấy nữa là hầu hết đều có thể viết được ”hai tay”. Nghĩa là vừa làm thơ vừa viết văn, viết báo…! tuy nhiên sở trường sở đoản, sự ”thuận tay dẻo nghề” mỗi người mỗi vẻ. Nhà thơ Phạm thông, chủ tịch Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ hiện đang rất sung sức với đề tài chiến tranh cách mạng, bút ký của anh thể hiện một văn phong mộc mạc gần gũi nhưng duyên dáng qua lối kể chuyện mạch lạc và cuốn hút, dẫn dắt người đọc muốn đọc đến hết để xem thử nhân vật ấy, tình huống ấy cuối cùng sẽ như thế nào. Tác phẩm của anh phản ảnh tương đối đầy đủ quá trình đấu tranh cách mạng chẳng những của quê hương Tam Kỳ mà còn rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Có thể xem đây là một thành công xứng đáng của anh. Nguyễn Bá Hòa ngoài thơ lục bát sở trường qua 3 tập thơ trình làng, anh còn rất sung với truyện ngắn, viết nhanh, gọn và chặt, mạch truyện xao động lòng người về sự phai phôi những giá trị tốt đẹp mà cha ông  ta bao đời gìn giữ. Văn Nguyễn Bá Hòa mới đọc tưởng hiền lành, song đàng sau cái vẻ hiền lành ấy là những truy vấn đầy thao thức. Có thể nói Nguyễn Bá Hòa là cây bút có duyên nhất trong số anh em, vài năm qua, anh liên tục có được giải thưởng từ các cuộc thi, kể cả cuộc thi thơ ở tận trời Nga xa xôi và đầy băng giá! Cùng với Nguyễn Bá Hòa, thì Nguyễn Ngọc Chương cũng rất “đằm” với thơ và truyện ngắn, văn của Chương điềm đạm và kín đáo, thường ẩn chứa những thông điệp nhân văn rất “trùng khít” với con người của tác giả. Với Nguyễn Tấn Cả vẫn duy trì được phong độ đáng quý sau gần hai mươi năm đến với văn chương. Cả thật sự tài hoa thể hiện ở cả hai lĩnh vực. Nếu với thể thơ truyền thống Cả đã làm rung động bạn đọc với những tình ý tinh tế và giàu xảm xúc, thì sau này Cả đem đến một không khí mới mẻ trong thơ qua những tác phẩm hàm chứa triết luận, nhiều tầng nghĩa  với một bút pháp sáng tạo và cá tính, tập thơ đầu tay “Chạm trổ suy tư” do NXB HNV vừa phát hành vào quý 3 năm 2014 này đã nhận được nhiều lời khen tặng chân thành của bạn đọc và bạn viết. Với văn xuôi, Cả có những bút ký dài hơi và sâu sắc, chứng tỏ một phẩm chất sáng tạo giỏi nghề, vốn trải nghiệm, sự quan sát nắm bắt những vấn đề trong cuộc sống rồi thổi vào tác phẩm cái năng lực tự thân của một nghệ sỹ có tài. Có thể nói Nguyễn Tấn Cả là điểm sáng đáng yêu trong lòng bè bạn. Còn một tác giả nữa gần với sự “thuận tay” trên là trường hợp của Trương Quang Nhân, tuy nhiên không rõ vì nguyên do gì mà mấy năm sau này anh gần như “im tiếng”! Phải chăng đang ở “quãng lặng” của sáng tác?
     Nhiều “tài” hơn không thể không nhắc đến Ngô Phú Thiện, Đặng Ngọc Kết, Huỳnh Thu Hậu và Nguyễn Thành Giang. Những anh chị em này “mần” được nhiều thứ. Thơ, văn, báo, kể cả nghiên cứu, khảo luận và lý luận phê bình văn học v.v… Về Nguyễn Ngọc Kết, do tính chất công việc chuyên môn nên anh đi sâu hơn ở mảng báo chí, tuy vậy anh vẫn gắn bó với trang văn qua những truyện ngắn, bút ký, ghi chép về đất và người, về những vùng miền của quê hương đất nước, văn của anh ngoài những thông tin, tri kiến bổ ích, còn đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận thú vị. Ngô Phú Thiện lại rất hợp với “tạng” người của chính tác giả, anh hăm hở xông xáo vào đủ thứ chông gai, mới thấy anh xắn tay vào một bài báo về văn hóa lại thấy có mặt trong vài khảo cứu mang tính lịch sử, vừa đọc bài viết về nhân vật lại thấy trên trang báo chễm chệ cái truyện ngắn!!! “Văn” của Ngô Phú Thiện luôn thường trực cái chất tưng tửng khôi hài tếu táo, điều vui nhất mà cũng có thể gọi là cá tính nghệ sỹ ở tác giả này là anh hay “tham khảo” ý kiến của bạn viết, tuy nhiên lại chẳng dễ gì chịu “tiếp thu”. Những trao đổi tranh luận về chuyện bếp núc trong nghề của anh em văn nghệ với nhau, khi có sự tham gia của Ngô Phú Thiện là sôi nổi nhất, phải chăng nhờ vậy mà anh em thỉnh thoảng cũng vỡ vạt ra nhiều điều cần thiết. Tuy mới xuất hiện khoảng vài năm lại đây, nhưng Nguyễn Thành Giang lại hao hao với tác giả đàn anh này, Giang cũng làm thơ, viết văn, viết báo, nói chung Giang thử tay ở rất nhiều mảng và sớm khẳng định được mình, minh chứng là vừa qua, Giang được kết nạp vào Hội VNHT Quảng Nam ở ngành Văn học, đó là món quà xứng đáng cho một tác giả còn rất trẻ. Riêng tác giả Huỳnh Thu Hậu, ngoài làm thơ, thì thuận lợi của Hậu là rõ nét nhất, vốn giảng dạy môn Văn học ở trường Đại học Quảng Nam nên Hậu có điều kiện chuyên tâm hơn vào lý luận phê bình văn học, Huỳnh Thu Hậu đã có được nhiều công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học đương đại tạo được dư luận tốt.
     Số anh chị em còn lại thì chuyên tâm vào thơ hơn và cũng thật sự nổi trội hơn về sự lựa chọn này. Nếu Nguyễn Thị Phương Dung vẫn là cây bút thơ cá tính nhất, tạo được phong cách riêng, có nhiều bài thơ hay về phụ nữ, về cuộc đời trong số lượng khiêm tốn tác giả thơ nữ của cả quê hương Quảng Nam thì nhà thơ Trần Anh Dũng bút danh Hương Trà của “Phố huyện Tam Kỳ” lại là một trường hợp không thể không thú vỵ. Làm thơ từ rất sớm nhưng đến khi tuổi đời đã ngấp nghé ngưỡng tri thiên tác giả này mới chịu trình diện cùng bạn đọc. Thơ của Trần Anh Dũng treo câu hỏi về thân phận con người vào lòng bạn đọc, một màn sương mơ hồ về tác giả được tạo ra qua những bài thơ lững lờ xuất xứ đã gây những ngộ nhận oái oăm cho một số bạn thơ và người yêu thơ bởi cái bút danh Chi Lan đầy huyễn hoặc, như một TTKH đời mới kéo dài mấy năm trời trên các trang thơ mạng điện tử. Đến ngay cả những bạn bè thân cận cũng “ngã ngữa” khi biết ra sự thật. “Trăng và nguyệt” NXB Văn học in chung của Trần Anh Dũng và một bạn thơ trong tỉnh vừa mới trình làng nhanh chóng nhận được nhiều yêu mến.
     Người chứng tỏ được sức bền sáng tạo nhất trong số anh chị em văn nghệ sỹ sáng tác văn học Tam Kỳ hôm nay không phải ai khác ngoài Nguyễn Tấn Sỹ. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ làm thơ từ những năm 70 của thiên niên kỷ trước, cùng thời với nhiều tên tuổi đã ghi danh vào nền thơ ca nước nhà. Thơ anh khác người ở chất dí dỏm mà duyên dáng, đôi khi thô mộc mà sâu đằm triết lý, luôn giữ được phong độ của một tâm hồn thơ thực sự tài hoa, bên cạnh những tác phẩm thơ “lộ” hơi hám hài hước là những bài thơ trữ tình xao xác nhân tâm, anh viết về quê hương bằng chính một tình yêu không cần vay mượn hay hư cấu. Cứ như thơ ấy đã sẵn đâu đó trong ray rức nhớ nghĩ của một tấm lòng trù phú đất đai quê xứ. Nhiều bài thơ anh viết về thân phận bé nhỏ của con người trong chiến tranh như còn tươm ròng máu nóng. “Tẩm ơi về ăn cơm” là một trong những bài thơ như thế, đọc lên nghe có tiếng nấc nghẹn và cảm nhận cả vị đắng đót của nước mắt. Nếu nói đến khái niệm “chất” trong thơ, thì Nguyễn Tấn Sỹ của “Phố huyện Tam Kỳ” là cái tên được nhiều người nghĩ đến trước tiên.

     Một nhân duyên rất chìu người là sự ra đời của Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ được 3 năm nay, nơi là mái nhà chung ấm áp dành cho những tâm hồn yêu quý cái đẹp, yêu con người và quê hương đất nước tỏ bày bằng và qua những trang viết thể hiện cá tính sáng tạo của mỗi văn nghệ sỹ tìm đến với nhau. Tin rằng trong tương lai gần, với ưu thế đó “Phố huyện Tam Kỳ” sẽ có thêm nhiều tác giả mới, cá tính, tài năng, tạo ra được thêm nhiều tác phẩm giá trị đáp ứng sự đợi chờ của bạn đọc.

                                                                     Tam Kỳ 06/12/2014

                                                                      Nguyễn Đức Dũng

Bạn tôi “làm thơ”

Bạn tôi “làm thơ”
                                                                                                             Tạp bút
     Cũng nhờ ham mê thơ phú mà tôi có cơ may quen biết với hầu hết anh chị em làm thơ, viết văn xứ Quảng. Từ những tên tuổi tài hoa như Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế,  Nguyễn Tấn Sỹ, Trương Vũ Thiên An, Nguyễn Tấn Cả, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Hải Triều v.v…Đến những thân thi hữu sinh hoạt trong các CLB thơ trên khắp tỉnh nhà. Qua đó, tôi dần dà rút tỉa, học hỏi được nhiều điều thật sự hữu ích cho trang viết của mình. Từ đọc những trang thơ bè bạn, đến những lần đàn đúm bên chén trà cuộc rượu mạn đàm thơ phú. Tâm sự, chuyện trò đổi trao thậm chí tranh cãi gay gắt về những vấn đề liên quan đến thơ hôm nay.
     Đành như thiên hạ vẫn rằng:”Văn mình vợ người” không ai “dạy” cho ai làm thơ viết văn cả. Thế nhưng người làm thơ viết văn hôm nay, theo tôi thì phải học hỏi cả đời! tưởng như học cả đến lúc buông một tiếng “Được” nhẹ nhõm của cụ Tố Như.

     Mỗi người làm thơ, ngoài sở trường sở đoản, sự quan tâm về đề tài, vùng miền quen thuộc để hướng tới sự khai phá, đến phương cách thể hiện, biểu đạt nhằm hình thành nên bút pháp, phong cách và cá tính sáng tạo riêng biệt. Đã phải dò dẫm hao tâm tổn lực rất nhiều. Thức đêm sâu mắt, trăn trở bạc đầu cũng chỉ mong điều mình viết ra nên hình nên dạng.
     Trong số những tác giả đã khẳng định được tên tuổi vị trí của mình giữa chiếu thơ hôm nay, có thể nói rằng chính thái độ trách nhiệm của mỗi người trước trang viết mới góp phần làm nên thành công ấy.
     Đọc Phùng Tấn Đông, không thể không thống khoái ở mỗi bài thơ anh viết ra. Ngoài tài hoa vốn có, anh còn là người thuộc dạng cực kỳ khó tính với chính mình, anh đòi hỏi cao ở mỗi điều anh viết, mỗi trở trăn náo động tâm can và dằng xé tri thức. Chẳng lạ, khi vài ba năm hoặc lâu hơn nữa mới thấy xuất hiện một thi phẩm trình làng của tác giả này…Đó là cái giá rất xứng đáng để đánh đổi. Gần Phùng Tấn Đông nhất có thể kể đến Đỗ Thượng Thế. Thơ Thế thuộc dạng “khó đọc nhưng dễ cảm”. Bắt nguồn từ những đề tài gần gũi quen thuộc, Thế viết về con trâu, cái cày, về tuổi thơ lam lũ ở quê nghèo, về gia đình bản quán và những ưu tư của cuộc sống hôm nay. Vẫn những vấn đề mà người làm thơ nào cũng quan tâm, đào xới , nhưng với Đỗ Thượng Thế thì khác. Luôn tìm tòi, làm mới, lạ hóa, nói chung là ”Viết như thế nào” mới là điều anh bận lòng nhất. Cách làm thơ của Thế có một không hai, phải nói là “Kỳ khu”. Anh vật ngữa lật nghiêng từng con chữ, cầm lên đặt xuống chán chê mê mỏi vẫn chưa chịu gật gù, khó có ai “làm theo” anh được. Trước một tứ thơ hình thành, Thế dọn mình thanh thản và bắt đầu viết khi đêm đã rất khuya. Có khi trình bày bằng thể lục bát nhuần nhuyễn quen thuộc. Sau nhiều lần sửa chữa biên tập hoàn chỉnh, anh “xếp” bài thơ lại, để đó. Hôm sau, anh “tháo” bài thơ đã “hoàn thành” ấy ra và “làm lại” bằng thể 5,6 hoặc 7,8 chữ. Kỳ cho thật tròn trịa tưởng có thể gửi ngay đến tòa soạn. Nhưng không! Anh tiếp tục “xếp” lại và chờ…Hôm khác, anh lại tháo tiếp bài thơ “thứ hai” ra và tiếp tục “làm lại” bằng một thể thơ phóng túng bất kể câu chữ vần điệu. Chỉ duy nhất chuyên tâm vào giữ mỗi cái tứ thơ ban đầu. Lúc này, anh đem các “bản thảo bài thơ kia” ra đặt chúng cạnh nhau, săm soi cân nhắc và chọn một bản thật sự ưng ý, thật sự trọn vẹn, chỉ đến lúc ấy Đỗ Thượng Thế mới bằng lòng về tác phẩm của mình. Chơi thân với anh, tôi học tập được rất nhiều điều, từ cách lập tứ, chọn chữ, làm câu cho đến bố cục một bài viết, và quan trọng nhất là tôi học ở Thế thái độ đối với thơ, trách nhiệm trước trang viết của mình. Có lần anh góp ý với tôi về thơ bằng một câu chuyện đi ăn đám giỗ dẫn theo thằng cháu nhỏ, đứa trẻ ngồi vào mâm thì không tiện vì nó quậy phá thực khách, vung vẫy đũa muỗng lung tung, mà để nó quẩn chân sau lưng cũng phiền, trong khi nó cũng chẳng “ăn uống” bao nhiêu. Liên hệ vào thơ, là những từ những câu chữ “ăn theo”, “dẫn theo” dư ý thừa lời rậm đám không cần thiết. Sau này nhà thơ Phùng Tấn Đông cũng góp ý cho tôi đại khái như vậy. Phải nói, Đỗ Thượng Thế “vật lộn” thậm chí “đánh lộn” với chữ nghĩa từng đêm, từng đêm khuya khoắt để có được từng bài thơ trình làng tươi ròng sức sống. Một cách làm việc đáng trân trọng.
     Một nhà thơ cũng của Điện Bàn trước đây được anh em gọi vui là “Phù thủy chữ”. Nguyễn Hàn Chung. Với anh, cách làm thơ lại rất “tốn kém”. Anh luôn mua trữ sẵn trong nhà hàng chồng giấy kẽ ngang. Cứ mỗi bài thơ anh làm, anh nắn nót sao chép thật sạch đẹp từ tờ đầu tiên đến những tờ kế tiếp. Mỗi lần sao chép như vậy lại nảy ra được một ý hay, một chữ đắc, thậm chí một dấu chấm câu…Cứ vậy, bài thơ chỉ được anh chấp thuận khi đã sao chép bằng hết tập giấy kẽ ngang kia. Mỗi bài thơ một tập. Tính ra mỗi năm Nguyễn Hàn Chung phải bỏ tiền túi đế mua hàng tạ giấy để làm thơ…!
     Trường hợp tác giả của bài thơ “Bóng làng” nổi tiếng ở Đại Lộc lại rất mực nhàn du tiêu sái. Anh kể, và anh em cũng đã xác nhận. Thói quen làm thơ của anh ai nghe cũng phát thèm nhưng khó có điều kiện học tập. Cứ mỗi lần xuất hiện một tứ thơ mới. Anh pha một ấm trà ngon bày biện án thư ra góc hiên nhà, chậm rải thưởng một ngụm trà rồi bắt đầu viết. Được vài câu, anh dừng lại suy nghĩ. Đứng dậy vác cuốc ra vườn dẫy cỏ vun gốc những cây trái quanh vườn, vừa cuốc vừa “tư duy” thơ, được câu nào chữ nào đắc ý, anh dựng cuốc chạy vào bàn ngồi viết tiếp, cứ thế chẳng kể thời gian trôi qua trưa sớm thế nào, đến khi bài thơ hoàn thành mới thôi. Đó là cách làm thơ của nhà thơ Ngô Hà Phương vậy.
      Mấy năm sau này, cứ mỗi lần nhận được điện thoại của nhà thơ Lê Trường Long quê Tiên Phước mời uống cà phê, là biết ngay anh có bài thơ mới. Vốn tính khiêm tốn, chịu khó lắng nghe, Long đưa bài thơ của mình nhờ bạn bè đọc hộ và săm soi giúp, nhằm tìm ra được những chỗ thô vụng, góp ý cho anh sửa chữa. Long luôn vui vẻ trước những điều khen tiếng chê của anh em, nhờ vậy không khí thâm giao rất nồng đượm. Tạo ra nguồn hưng phấn động viên nhau sáng tác.
      Bên cạnh những đặc điểm hết sức riêng tư của công việc sáng tạo. góp ý phê bình, trao đổi kinh nghiệm là điều cực kỳ cần thiết đối với Văn nghệ sỹ, nhất là với người làm thơ. Tuy nhiên cũng đã từng có những chuyện cười ra nước mắt. Đó là một số ít anh em làm thơ cứ “khư khư” “văn mình” nên cũng đã có chuyện không vừa lòng nhau qua những góp ý phê bình. Âu đó đành phó cho nguyên do “Nhân sinh quý thích chí” chứ biết sao đươc!

     Điều cuối cùng nên lưu tâm là để có được một tác phẩm thơ nhận được sẻ chia của mọi người, an ủi được chút ít buồn vui nhân thế. Người làm thơ hôm nay không thể cứ mãi cái cách “Được chăng hay chớ”, tự thỏa mãn, đong lúa non, đưa ra những bài viết chưa thật sự “Nên hình” rồi xúm xít khen ngợi lung tung thiếu trung thực, giả mù sa mưa đẩy cây nhau đến chỗ “cùng chìm”. Ông bà ta có câu: “ Người khôn của khó” vận dụng vào thơ hôm nay rất thời sự. Bởi những “vùng miền thi ca trù phú”, những đề tài quen thuộc, ngay cả phương cách làm thơ, các trường phái, trào lưu v.v… đều đã được những thế hệ trước ta cày xới quá nhiều rồi. Hôm nay, người làm thơ khi bổ nhát cuốc vào đâu với hy vọng “tìm tòi” cũng đều bắt gặp những áng sử thi huy hoàng đã làm nên một nền thi ca rực rỡ. Nên chi, để có được vài câu gọi là thơ bây giờ mà nhâm nhi với nhau bên chén trà cuộc rượu trước buổi đông tàn xuân đến tưởng chẳng dễ dàng gì nếu thiếu đi cái tâm thế nghiêm cẩn và sự nỗ lực không ngừng nhằm tìm ra được sự riêng biệt ở mỗi tác giả.

                                                                                                Tam Kỳ Mùa đông 2014
                                                                                                 Nguyễn Đức Dũng


Trung úy của chị Ngần

Trung úy của chị Ngần

     Tin anh được vinh thăng Cố Trung úy sau một trận đánh dữ dội ở mặt trận vào những ngày cuối cùng của năm 1974 làm chị gục ngã. Mọi ước mơ dự định về một đám cưới ngập tràn hạnh phúc của hai người giữa gia đình và bè bạn bỗng chốc tan biến thành mây khói. Sao lại là anh? Người chồng tương lai của chị. Ngần dở sống dở chết với câu hỏi không có lời đáp.
     Cuộc tình học trò sáng trong và đẹp đẽ nhận được sự vun xới của hai bên gia đình làm bè bạn vui lây. Ai cũng trầm trồ: Hai người đẹp đôi quá!

     Những to nhỏ xầm xì từ lán trại nữ cuối cùng cũng lọt tai Ban chỉ huy. Người ta không thể hiểu nổi việc làm trái khuấy ngược đời của Ngần.
     Không bỏ sót một buổi nào dù bất kỳ lý do gì. Cứ đến đúng 20h45’ mỗi đêm, khi 3 tiếng kẻng báo giờ chuẩn bị ngủ đêm của xí nghiệp vang lên là Ngần chui vào mùng và bắt đầu trang điểm. Chị cẩn thận thoa một lớp kem mỏng lên toàn bộ khuôn mặt, kế đến chị đưa tay mềm mại kẽ một một đường lông mày dứt khoát và rõ nét, chứng tỏ bàn tay ấy đã rất thạo cái công việc rất cần sự tỷ mẩn này. Khi viền đường mí mắt, Ngần nở một nụ cười chúm chím và duyên dáng như gởi đến cho một người vô hình nào đó. Cuối cùng, Ngần thoa một lượt son phớt hồng lên đôi môi, khẽ khàng mím cho chúng trùng khít lại, đôi mắt liếc nhanh vào chiếc gương tròn nhỏ trong lòng bàn tay, Ngần nghiêng người thổi tắt ngọn đèn dầu làm bằng cái lọ thủy tinh nho nhỏ để trên chiếc rương gỗ đặt sát đầu giường. Ngần ngã người nằm xuống khoan khoái thở dài rồi chìm vào giấc ngủ.
     Mỗi sáng, lúc tiếng kẻng báo thức gọi mọi người ra sân tập thể dục, Ngần nhanh chân bước đến thùng nước sau bếp ăn tập thể, dội một gáo nước mát lạnh vào chiếc khăn tay, Ngần gọn gàng tẩy trang rồi hòa vào đội hình một hai ba bốn vươn vai, hít thở.
     Thường thì phụ nữ chăm chút sửa soạn, trang điểm để làm đẹp cho bản thân mình là một nhu cầu và thói quen chính đáng. Tuy vậy, công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh là toàn bộ sự quan tâm của cả xã hội, nó cuốn hút mọi người vào cái khí thế hăng say thi đua lao động sản xuất, cả quê hương, đất nước như một đại công trình, đâu đâu người ta cũng sôi nổi râm ran về năng suất lao động, về những cải tiến phát minh, hợp lý hóa sản xuất, những cách tổ chức lao động và các hình thái phát động mang lại hiệu quả cao. Ai ai cũng quên khuấy rằng còn một con người riêng biệt trong chính bản thân mình. Làm một thanh niên của thời đại mới, của kỷ nguyên những khát vọng lớn lao của con người về một xã hội văn minh, giàu có và sung túc đang hấp dẫn phía trước. Trong tâm thế chung đó, những gì thuộc về riêng tư tạm thời được xếp vào thứ yếu, nếu không muốn nói là đi ngược lại xu thế chung của con người. Tổ chức đoàn thể lúc cần sẽ chẳng tiếc lời phê phán. Những hình thức xử lý nghiêm khắc sẽ được áp dụng cho những biểu hiện lệch lạc có nguy cơ làm lây lan phục hồi cái tôi ích kỷ và đáng ghét.
     Chẳng thà như vậy còn ra nhẽ, đỡ băn khoăn cho những người có trách nhiệm khi tìm mọi phương cách để xử lý trường hợp kỳ lạ của Ngần. Rõ rang, Ngần là một công nhân gương mẫu, lao động tốt, luôn có tên trong số rất ít những nhân tố điển hình về năng xuất lao động. Ngần luôn được biểu dương khen thưởng trong những đợt thi đua, những chiến dịch vượt nắng thắng mưa để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu của toàn công trường. “Thông tàu”. Nối liền tuyến Đường sắt Bắc Nam sau hai thập kỷ chia cắt. Ngần cũng rất nhiệt tình tham gia vào các phong trào do đoàn thể phát động. Chỉ trừ một chuyện văn nghệ văn gừng, Ngần kiên quyết không tham dự vào món ăn tinh thần đang rất hấp dẫn mọi người.
     Vậy thì điều gì đang xảy ra với Ngần? Mọi người nhìn nhau lơ lửng một hiện tượng vừa khó suy đoán vừa nhuốm màu huyền bí.
     Ngần không quan tâm quá mức bình thường với bất kỳ một chàng trai nào, hình như nam giới chẳng hề hiện diện trong cuộc đời bí mật của chị. Ngần luôn giữ giới hạn an toàn tuyệt đối, Chuẩn mực, giản dị và nền nã. Đó là kết luận đầy đủ và đúng đắn nhất về Ngần. Quanh chị, hình như có một bức màn bảo vệ vô hình mà không ai có thể hy vọng vén lên. Vậy thì tại sao?

      -Tôi không thể làm khác được. Xin các chú, các anh chị, các đồng chí hãy thông cảm cho tôi. Hãy thương mà thấu hiểu cho tôi, đừng truy hỏi tôi tội nghiệp… Ngần dàn dụa nước mắt. Cuộc họp lặng người. Cả đơn vị chẳng một ai cất lên được thành lời, biết nói gì, hỏi gì, chuyện hy hữu của Ngần đang dẫn đến chỗ hoài nghi và bế tắc. Sau một thời gian im lìm tưởng như dài cả thế kỷ, Ngần thì thào kể:
     - Anh ấy về. Chồng tôi đã trở về sau trận đánh ấy, người anh đầy máu me. Anh ôm tôi vỗ về, anh cười vuốt ve tôi, vuốt ve nỗi đớn đau xò xé trái tim yếu đuối của tôi. Anh ấy về với tôi hơn hai năm nay rồi các anh các chú ơi…! Giọng của Ngần lạc đi trong đêm khuya, chúng tôi ngồi lặng người.
      Ngần vỡ òa hạnh phúc với chồng sau thời gian dài nhớ thương xa cách. Sau đầy ắp âu lo luôn thường trực trong lòng. Tin chiến sự hằng ngày cứ lạnh lùng nhan nhản các cột báo. Chiến trường ngày càng ác liệt, thương vong gieo rắc nỗi kinh hoàng vào lòng những người vợ người mẹ ở hậu phương. Cuộc sống bao trùm một màn đen ảm đạm và khủng bố.
      Anh đã làm đám cưới với chị đúng như dự định sau lễ hỏi của hai người. Chị rạng rỡ hạnh phúc, vợ chồng quấn quýt bên nhau không một phút rời. Hạnh phúc, Ngần chỉ biết có hạnh phúc, cái hạnh phúc lung linh như pha lê ở một cõi không biết tọa độ định vị, phi thời gian phi không gian. Thử hỏi còn mong ước gì khác nữa.
      Yêu nhau lắm thì cắn nhau đau. Anh cả ghen, nhưng tội lắm! khi Ngần lỡ sơ xuất làm điều gì khiến anh thương tổn, anh chẳng hề phiền trách, không một lời than oán, chỉ lặng lẽ ngồi đốt thuốc, khuôn mặt rười rượi một màn sương u buồn khiến Ngần thắt ruột. Chị tìm cách lại gần an ủi, vỗ về anh, Ngần lựa lời phân bua giải thích để anh biết rằng không một ai trên thế gian này có thể thay thế vị trí anh trong trái tim nóng hổi yêu thương của chị. Nhưng mỗi lần như vậy, anh bỗng tan biến đi không để lại chút dấu vết trước nỗi bàng hoàng của chị. Ngần hãi hùng thức giấc…

      Các chú các anh chị ơi! Anh ấy đã về với tôi như vậy đấy! Hơn hai năm nay rồi, kể từ khi nhận được tin anh tử trận mà không tìm được xác. Gia đình hai bên đã tổ chức một đám tang cho anh, trong cái quan tài rỗng không ấy, tẩm liệm những di vật còn sót lại của anh và toàn bộ cuộc đời tôi trên dương thế này. Tôi tồn tại cùng lúc hai cuộc sống, một ban ngày tôi ăn uống làm việc vui đùa cùng các anh chị và bạn bè trong đơn vị chúng ta, và một cuộc sống về đêm trong những giấc mơ khớp nối trùng khít những sự việc của một đôi vợ chồng son trẻ. Chúng tôi hạnh phúc lắm. Ngần cúi đầu bẽn lẽn.
       Nén một tiếng thở dài, Ngần nói: “Đã có với nhau được hai đứa con trai kháu khỉnh rồi đấy chú, giống anh kinh khủng!”.
       Ngần tươi rói một nụ cười mà chỉ những phụ nữ đang đắm đuối trong hạnh phúc mới có được

                                                                                        24/8/2014

                                                                                   Nguyễn Đức Dũng