Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Bạn văn “Phố Huyện”

Bạn văn “Phố Huyện”
                                                                                                        Tản mạn

      Thử điểm danh những tác giả đang ở “Điểm rơi phong độ” trong sáng tác của “Phố huyện Tam Kỳ” hôm nay, mới thấy rằng đây thực sự là lực lượng mơ ước của nhiều địa phương cùng cấp. Chỉ tính riêng những cây bút sinh hoạt trong chi hội Văn học, thuộc Hội VHNT Quảng Nam, đủ phiên chế thành một “Tiểu đội”! Có thể ghi ra những cái tên đã “quen mặt” với trang văn làng nước như: Phạm Thông, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Tấn Sỹ, Ngô Phú Thiện, Nguyễn Ngọc Chương, Trương Quang Nhân, Nguyễn Thị Phương Dung, Đặng Ngọc Kết v.v…Sau hiện tượng của Nguyễn Tấn Cả gần hai mươi năm trước, gần đây, lực lượng tương đối hùng hậu này bổ sung thêm Trần Anh Dũng, Huỳnh Thu Hậu và đặc biệt là cây bút trẻ đang lên Nguyễn Thành Giang, chưa kể thêm một Dương Động Vân Hà hết sức đằm và ấn tượng qua loạt truyện ngắn rất hay vừa tái xuất giang hồ sau thời gian dài im tiếng.

     Nhìn vào con số cơ học trên, điều nổi lên đáng “quan ngại sâu sắc” là hiện tượng “dương thịnh âm suy”! Một dạng đứt gãy về tình kế thừa của vùng đất tưởng khiêm nhường lặng lẽ nhưng lại âm ĩ và quyết liệt trong trường văn trận bút hôm nay. Trang văn phố huyện Tam Kỳ là một cách thể tỏ bày về khát vọng vươn tới những ước mơ cao đẹp của cuộc sống, phản ảnh tươi ròng về những đổi thay hôm nay cũng như những níu giữ, khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp được vun đắp qua nhiều thế hệ của đất và người trên khắp quê hương đất nước. Chẳng thế mà Văn nghệ sỹ ở vùng đất này tuy không đình đám nhưng vẫn bền bĩ và chứng tỏ sự dấn thân, ráo riết thủy chung với đam mê đã chọn lựa. Chỉ vài năm qua, những tác giả trên đã công bố được khoảng gần 30 tác phẩm, trong đó có 7 tập văn và 3 tập thơ in chung nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bên cạnh, lực lượng này còn là những cây bút chủ chốt của tập san Văn nghệ Tam Kỳ và là những CTV thường xuyên góp mặt trên báo Quảng Nam, tạp chí Đất Quảng, tạp chí Văn hóa Quảng Nam cùng nhiều báo chí trong cả nước..
     Một điều dễ nhận thấy nữa là hầu hết đều có thể viết được ”hai tay”. Nghĩa là vừa làm thơ vừa viết văn, viết báo…! tuy nhiên sở trường sở đoản, sự ”thuận tay dẻo nghề” mỗi người mỗi vẻ. Nhà thơ Phạm thông, chủ tịch Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ hiện đang rất sung sức với đề tài chiến tranh cách mạng, bút ký của anh thể hiện một văn phong mộc mạc gần gũi nhưng duyên dáng qua lối kể chuyện mạch lạc và cuốn hút, dẫn dắt người đọc muốn đọc đến hết để xem thử nhân vật ấy, tình huống ấy cuối cùng sẽ như thế nào. Tác phẩm của anh phản ảnh tương đối đầy đủ quá trình đấu tranh cách mạng chẳng những của quê hương Tam Kỳ mà còn rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Có thể xem đây là một thành công xứng đáng của anh. Nguyễn Bá Hòa ngoài thơ lục bát sở trường qua 3 tập thơ trình làng, anh còn rất sung với truyện ngắn, viết nhanh, gọn và chặt, mạch truyện xao động lòng người về sự phai phôi những giá trị tốt đẹp mà cha ông  ta bao đời gìn giữ. Văn Nguyễn Bá Hòa mới đọc tưởng hiền lành, song đàng sau cái vẻ hiền lành ấy là những truy vấn đầy thao thức. Có thể nói Nguyễn Bá Hòa là cây bút có duyên nhất trong số anh em, vài năm qua, anh liên tục có được giải thưởng từ các cuộc thi, kể cả cuộc thi thơ ở tận trời Nga xa xôi và đầy băng giá! Cùng với Nguyễn Bá Hòa, thì Nguyễn Ngọc Chương cũng rất “đằm” với thơ và truyện ngắn, văn của Chương điềm đạm và kín đáo, thường ẩn chứa những thông điệp nhân văn rất “trùng khít” với con người của tác giả. Với Nguyễn Tấn Cả vẫn duy trì được phong độ đáng quý sau gần hai mươi năm đến với văn chương. Cả thật sự tài hoa thể hiện ở cả hai lĩnh vực. Nếu với thể thơ truyền thống Cả đã làm rung động bạn đọc với những tình ý tinh tế và giàu xảm xúc, thì sau này Cả đem đến một không khí mới mẻ trong thơ qua những tác phẩm hàm chứa triết luận, nhiều tầng nghĩa  với một bút pháp sáng tạo và cá tính, tập thơ đầu tay “Chạm trổ suy tư” do NXB HNV vừa phát hành vào quý 3 năm 2014 này đã nhận được nhiều lời khen tặng chân thành của bạn đọc và bạn viết. Với văn xuôi, Cả có những bút ký dài hơi và sâu sắc, chứng tỏ một phẩm chất sáng tạo giỏi nghề, vốn trải nghiệm, sự quan sát nắm bắt những vấn đề trong cuộc sống rồi thổi vào tác phẩm cái năng lực tự thân của một nghệ sỹ có tài. Có thể nói Nguyễn Tấn Cả là điểm sáng đáng yêu trong lòng bè bạn. Còn một tác giả nữa gần với sự “thuận tay” trên là trường hợp của Trương Quang Nhân, tuy nhiên không rõ vì nguyên do gì mà mấy năm sau này anh gần như “im tiếng”! Phải chăng đang ở “quãng lặng” của sáng tác?
     Nhiều “tài” hơn không thể không nhắc đến Ngô Phú Thiện, Đặng Ngọc Kết, Huỳnh Thu Hậu và Nguyễn Thành Giang. Những anh chị em này “mần” được nhiều thứ. Thơ, văn, báo, kể cả nghiên cứu, khảo luận và lý luận phê bình văn học v.v… Về Nguyễn Ngọc Kết, do tính chất công việc chuyên môn nên anh đi sâu hơn ở mảng báo chí, tuy vậy anh vẫn gắn bó với trang văn qua những truyện ngắn, bút ký, ghi chép về đất và người, về những vùng miền của quê hương đất nước, văn của anh ngoài những thông tin, tri kiến bổ ích, còn đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận thú vị. Ngô Phú Thiện lại rất hợp với “tạng” người của chính tác giả, anh hăm hở xông xáo vào đủ thứ chông gai, mới thấy anh xắn tay vào một bài báo về văn hóa lại thấy có mặt trong vài khảo cứu mang tính lịch sử, vừa đọc bài viết về nhân vật lại thấy trên trang báo chễm chệ cái truyện ngắn!!! “Văn” của Ngô Phú Thiện luôn thường trực cái chất tưng tửng khôi hài tếu táo, điều vui nhất mà cũng có thể gọi là cá tính nghệ sỹ ở tác giả này là anh hay “tham khảo” ý kiến của bạn viết, tuy nhiên lại chẳng dễ gì chịu “tiếp thu”. Những trao đổi tranh luận về chuyện bếp núc trong nghề của anh em văn nghệ với nhau, khi có sự tham gia của Ngô Phú Thiện là sôi nổi nhất, phải chăng nhờ vậy mà anh em thỉnh thoảng cũng vỡ vạt ra nhiều điều cần thiết. Tuy mới xuất hiện khoảng vài năm lại đây, nhưng Nguyễn Thành Giang lại hao hao với tác giả đàn anh này, Giang cũng làm thơ, viết văn, viết báo, nói chung Giang thử tay ở rất nhiều mảng và sớm khẳng định được mình, minh chứng là vừa qua, Giang được kết nạp vào Hội VNHT Quảng Nam ở ngành Văn học, đó là món quà xứng đáng cho một tác giả còn rất trẻ. Riêng tác giả Huỳnh Thu Hậu, ngoài làm thơ, thì thuận lợi của Hậu là rõ nét nhất, vốn giảng dạy môn Văn học ở trường Đại học Quảng Nam nên Hậu có điều kiện chuyên tâm hơn vào lý luận phê bình văn học, Huỳnh Thu Hậu đã có được nhiều công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học đương đại tạo được dư luận tốt.
     Số anh chị em còn lại thì chuyên tâm vào thơ hơn và cũng thật sự nổi trội hơn về sự lựa chọn này. Nếu Nguyễn Thị Phương Dung vẫn là cây bút thơ cá tính nhất, tạo được phong cách riêng, có nhiều bài thơ hay về phụ nữ, về cuộc đời trong số lượng khiêm tốn tác giả thơ nữ của cả quê hương Quảng Nam thì nhà thơ Trần Anh Dũng bút danh Hương Trà của “Phố huyện Tam Kỳ” lại là một trường hợp không thể không thú vỵ. Làm thơ từ rất sớm nhưng đến khi tuổi đời đã ngấp nghé ngưỡng tri thiên tác giả này mới chịu trình diện cùng bạn đọc. Thơ của Trần Anh Dũng treo câu hỏi về thân phận con người vào lòng bạn đọc, một màn sương mơ hồ về tác giả được tạo ra qua những bài thơ lững lờ xuất xứ đã gây những ngộ nhận oái oăm cho một số bạn thơ và người yêu thơ bởi cái bút danh Chi Lan đầy huyễn hoặc, như một TTKH đời mới kéo dài mấy năm trời trên các trang thơ mạng điện tử. Đến ngay cả những bạn bè thân cận cũng “ngã ngữa” khi biết ra sự thật. “Trăng và nguyệt” NXB Văn học in chung của Trần Anh Dũng và một bạn thơ trong tỉnh vừa mới trình làng nhanh chóng nhận được nhiều yêu mến.
     Người chứng tỏ được sức bền sáng tạo nhất trong số anh chị em văn nghệ sỹ sáng tác văn học Tam Kỳ hôm nay không phải ai khác ngoài Nguyễn Tấn Sỹ. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ làm thơ từ những năm 70 của thiên niên kỷ trước, cùng thời với nhiều tên tuổi đã ghi danh vào nền thơ ca nước nhà. Thơ anh khác người ở chất dí dỏm mà duyên dáng, đôi khi thô mộc mà sâu đằm triết lý, luôn giữ được phong độ của một tâm hồn thơ thực sự tài hoa, bên cạnh những tác phẩm thơ “lộ” hơi hám hài hước là những bài thơ trữ tình xao xác nhân tâm, anh viết về quê hương bằng chính một tình yêu không cần vay mượn hay hư cấu. Cứ như thơ ấy đã sẵn đâu đó trong ray rức nhớ nghĩ của một tấm lòng trù phú đất đai quê xứ. Nhiều bài thơ anh viết về thân phận bé nhỏ của con người trong chiến tranh như còn tươm ròng máu nóng. “Tẩm ơi về ăn cơm” là một trong những bài thơ như thế, đọc lên nghe có tiếng nấc nghẹn và cảm nhận cả vị đắng đót của nước mắt. Nếu nói đến khái niệm “chất” trong thơ, thì Nguyễn Tấn Sỹ của “Phố huyện Tam Kỳ” là cái tên được nhiều người nghĩ đến trước tiên.

     Một nhân duyên rất chìu người là sự ra đời của Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ được 3 năm nay, nơi là mái nhà chung ấm áp dành cho những tâm hồn yêu quý cái đẹp, yêu con người và quê hương đất nước tỏ bày bằng và qua những trang viết thể hiện cá tính sáng tạo của mỗi văn nghệ sỹ tìm đến với nhau. Tin rằng trong tương lai gần, với ưu thế đó “Phố huyện Tam Kỳ” sẽ có thêm nhiều tác giả mới, cá tính, tài năng, tạo ra được thêm nhiều tác phẩm giá trị đáp ứng sự đợi chờ của bạn đọc.

                                                                     Tam Kỳ 06/12/2014

                                                                      Nguyễn Đức Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét