Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Khúc hát lưu dân

Khúc hát lưu dân

Khi ngọn bút khiêm cung Hoàng Triều Cương Thổ
trao truyền cho ta sản nghiệp hình rồng
tựa lưng núi rát mặt trời sóng vỗ
tư thế khởi nguồn tự buổi Thăng Long

Chân chẻ ngón phèn chua thềm lục địa
mà tim hồng dài rộng suốt về nam
mỗi thế hệ hóa phù sa lắng xuống
mỗi cuộc đời bổi hổi rướn xanh lên

Ơi! Ngọn gió nghìn năm chướng khí
quăng quật người đi gầy dựng cơ đồ
ta cúi xuống nấm mồ xưa nín lặng
di chỉ còn khét nắng chan mưa

Ta cúi xuống từng trang văn đẫm lệ
nghe gươm khua giáo dựng vang trời
tiếng xương gãy tiếng máu trào giục giã
đất đai này từ bấy phải sinh sôi

Ta cúi xuống khóc oan khiên tiền kiếp
những trăm năm nuốt hận khôn cùng
những phận số nặng tủi hờn Nguyễn Trãi
những kiếp người rình rập Lệ Chi Viên

Ta cúi xuống lạy lời nguyền mẫu hệ
bọc Âu Cơ nở trăm họ Rồng Tiên
thương giọt mồ hôi đầm đìa trán mẹ
xẻ thịt banh da vượt cạn một mình

Ta cúi xuống ruột gan không chịu thấu
từng lá xanh cứ khắc khoải lìa cành
con trai mẹ như củ khoai trái đậu
nghìn năm âm thầm hôn hít áo khăn

Không ai chọn nơi sinh ra – Thưa Mẹ!
ruộng vườn kia bám rễ núm nhau con
cây phổ hệ theo hành trình mở đất
lại vùi thây cành nhánh quê hương

Cho con chọn chốn trở về - Thưa Mẹ!
khí phách một dáng rồng
                                        ngạo nghễ
                                                         tung bay
làm cơn gió nồm lao xao chuyện kể
hạt phù sa
                lấp lánh
                             núi sông này

Xin quỳ lạy chiếc lá vàng trước ngỏ
con giống cha
vai rộng
đứng ngang trời
tạ ơn mẹ
              mang nặng
                               đẻ đau
                                          ẵm bồng
                                                        bú mớm…
non nước ru hời quanh bốn tao nôi!

                                                    Tam Kỳ 24/5/2014
                                                    Nguyễn Đức Dũng





















Thư ngỏ

                                                                    Thư ngỏ

       Mừng Xuân Ất Mùi năm 2015 và hướng tới “NGÀY THƠ VIỆT NAM Lần thứ XIII”.  Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam phối hợp với Chùa Lá – Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tuyển tập thơ “MẸ”  do NXB HNV cấp giấy phép phát hành.
     Với sự góp mặt của 213 tác giả trên nhiều vùng miền trong cả nước. Bên cạnh những nhà thơ lớn mà tên tuổi và tác phẩm của họ đã góp phần làm nên diện mạo nền thi ca Dân tộc Việt Nam đương đại. Trong tập sách này chúng ta còn được gặp nhiều khuôn mặt thơ quen biết hôm nay vẫn ngày đêm nặng lòng thảo thơm cùng tình yêu cuộc sống, tình yêu gia đình quê hương đất nước thể hiện qua và bằng những cảm nhận tinh tế, giàu cảm xúc, đa dạng giọng điệu. Nếu giá trị nghệ thuật ở những tác phẩm của những tác giả tài hoa đem đến cho bạn đọc sự cảm thụ thông tuệ giàu thẩm mỹ. Thì những bài thơ mộc mạc chân thành được khởi phát từ sự biết ơn thật lòng của một tâm hồn dung dị dành riêng gửi về MẸ,  tuy có vụng về thô cạn nhưng vẫn làm cho ta rưng rưng nỗi niềm chia sẻ. Mới nhận ra rằng trước tình yêu bao la “bú mớm ẵm bồng”,  mọi đứa con đều bình đẳng.  Có thể nói, Tuyển thơ MẸ là một khu vườn trù phú  sắc hương, mỗi tâm hồn là một bông hoa đẹp, nồng đượm chan chứa tình yêu thương dâng lên MẸ. Bằng nhiều cách thể khác nhau, các tác giả đã thay mặt tất thảy tấm lòng những người con hiếu kính bày tỏ sự hàm ơn công đức biển trời của MẸ, của đấng sinh thành đã mang nặng đẻ đau, cưu mang dưỡng dục, suốt một cuộc đời thầm lặng hy sinh tần tảo, nhận lãnh gian khổ để nuôi dạy con cháu nên người. Mỗi người MẸ là một tượng đài lặng lẽ mà uy nghi trong suốt nhớ nghĩ của những đứa con dầu ngày đời còn thơ trẻ hay hoa râm tuổi hạc. Từ bao đời MẸ đã trở thành biểu tượng, thành đại từ nhân xưng chung cho tình mẫu tử, và với từng mỗi đời người biết thấu hiểu,  MẸ hóa nên duy nhất. Với ý nghĩa ấy, tuyển thơ MẸ nhiều tác giả như một món quà đạm bạc mà thiêng liêng không chỉ của những người làm thơ góp mặt trong tập sách này mà còn là món quà của tất cả những người con chúng ta kính dâng lên MẸ.

     Do điều kiện eo hẹp về thời gian và thiếu  thông tin liên lạc, nên trong quá trình tổ chức thực hiện. Ban Tổ chức có thể còn nhiều hạn chế sai sót. Thư ngỏ này là lời cảm ơn trân trọng kính gửi đến gia đìnhtác giả và những tác giả đã góp mặt  trong Tuyển thơ MẸ nhiều ý nghĩa này. Rất mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ.
                                                      Thành phố Tam Kỳ - Cuối đông Giáp Ngọ     

                                                                        BAN TUYỂN CHỌN

Dị bản

Dị bản

Chưa chiều đã quíu trống cơm
tuốt sạch lá bưởi gội thơm cả làng
sợ khi bốn mắt hai hàng
họ không chịu ở ra đàng múa may

Ông trời đưng gió mà bay
ai đầu dầu để ruột cây dăm bào
câu lý hủ hỉ bên rào
tơ vương thằng nhện quấn vào trong mơ
con quạ nhiều chuyện bá vơ
bà con chi đó mà chờ…
thì thôi!

Anh ơi chừ khuya hung rồi
để em về chớ họ cười chết em

                                                            Tam Kỳ 15/12/2014

                                                             Nguyễn Đức Dũng

Tình đầu

Tình đầu

     Mùa đông năm 1972 cha con tôi từ Quân Y Viện Quy Nhơn đùm túm nhau về thuê nhà ở phía nam cầu Diêu Trì. Từ đó ngược ra cầu khoảng chưa đến một cây số, đi vào phía trong chừng hơn 2 cây số là đến ngã ba Phú Tài. Cả gia đình "sứt mẻ" chúng tôi sau hoạn nạn ở  căn cứ Bà Gi chui rúc trong một mái hiên cơi nới thêm của một gia đình quân nhân xuất ngũ vì thương tật. Chủ nhà ở phía trong còn chúng tôi ở phía ngoài, cùng chung căn nhà cấp bốn ọp ẹp nằm sát Quốc lộ 1. Vì là mái tole nối hiên nên rất thấp, Ba tôi đi ra vào phải hơi cúi một tý chớ sơ sẩy là đụng đầu, trời mùa đông lạnh cắt da, từ mái tole thấp ấy cứ tí tách những giọt nước như sương do tụ hội hơi ẩm, nhỏ xuống người chúng tôi co ro trong đêm vắng.

     Hằng ngày, Ba lọ mọ đi lo thủ tục để chờ vào Trung tâm II ở Nha Trang giải quyết việc giải ngũ, ông bị thương lần này là lần thứ 3 sau 8 năm mặc áo lính. Nói phải tội, đời lính Pháo Binh của ông chỉ được cái tiếng lính tráng chớ ông không ham hố gì, công việc của ông ở đơn vị chỉ quanh quẩn nấu nướng phục vụ cho bữa ăn của đồng đội, có lần đơn vị đưa ông qua làm trại mộc để đóng giường tủ sử dụng trong tiểu đoàn vì ông vốn khéo tay và giỏi học nghề. Vậy mà rồi chuyện rày đây mai đó cũng không thoát được. Ông kéo cả gia đình chúng tôi đi gần khắp cái khu vực Vùng II Chiến Thuật, hết Duyên hải lại lên Cao nguyên, nhờ vậy mà anh em con nít chúng tôi biết được nhiều nơi, còn rất khoái chí khi mỗi lần được cùng đơn vị thuyên chuyển từ nơi này đến nơi khác.
      Mẹ qua đời cùng 2 thằng em trai của tôi trong lần hoạn nạn đó, không có người vun quén cho gia đình nên lâm vào cảnh khốn cùng, vậy mà biết làm gì hơn khi chúng tôi còn quá nhỏ dại. Rồi mọi đau buồn cũng dần dà phải quen thôi, tôi quanh quẩn trong nhà chán lại sang hàng xóm ngồi tán chuyện tầm phào, mấy thằng bạn nghèo rủ tôi đi bán kem, thế là tôi tham gia vào đội quân bán kem ở ngã ba Phú Tài, có hôm tôi còn ngược lên tận căn cứ Vân Canh để vào bán cho những người quen cũ trong tiểu đoàn, bữa đắt hàng thì nghe hân hoan trong lòng, gặp bữa ế hay đụng phải khách hàng ky bo hách dịch là tôi tự ái không thèm bán nữa, khi vừa đủ vốn là tôi đem hết thùng kem về nhà, đổ cả ra thau cho mấy đứa em tôi và con nít hàng xóm ăn chơi cho bõ tức. Chuyện vui buồn cơm áo cứ thế qua đi, anh em tôi đã vơi bớt nỗi buồn thương về chuyện ra đi của Mẹ và hai người anh em ruột thịt. lứa tuổi con nít không có khả năng lưu giữ lâu hơn nỗi buồn và những mất mát, tuy nhiều lúc vắng lặng anh em lại thút thít với nhau...

       Cuộc sống như con sông cuốn phăng tất cả những gì ở vào giòng chảy của nó, anh em chúng tôi dần dà trở lại là những đứa trẻ con nhem nhuốc và khờ khạo, dầu rằng đó là những đứa trẻ bị thương tổn nặng nề. Bên cạnh, miếng cơm manh áo không cho phép con người cả nghĩ, buộc phải sống và kiếm sống, buộc phải tìm miếng ăn khi đói bụng. Rồi chúng tôi cũng dần hòa vào sinh hoạt chung của xóm làng. Mỗi tối, bên cạnh nhà tôi là điểm tụ tập của cả xóm. Đó là một căn nhà tương đối rộng rãi và chủ nhà cũng dễ tính. Cứ vào tầm chạng vạng, đám con nít chúng tôi kéo đến coi nhờ truyền hình, cái ti vi đen trắng 14inch mà rộng lòng tiếp đãi, mặc bọn trẻ cãi vả trò chuyện om sòm nhưng chú thiếm ấy vẫn vui vẻ, chả trách móc hay phiền hà. Khi những người lớn xong việc ở nhà lục tục kéo đến thì mấy cái ghế đã có người ngồi cả. Tối nào cũng vậy, tôi qua sớm sau khi cơm nước xong, thế nào cũng chiếm một cái ghế dựa để ngồi xí phần, dành chỗ vậy thôi chớ có coi ngó gì đâu, tuổi con nít ham vui nhưng tôi cũng đã lăm le một ý đồ. Cứ chờ cho đến lúc chị Hồng đến mới chịu đứng dậy nhường ghế để chị ngồi, còn tôi thì ra đứng dựa tường, có mấy cô chú khen tôi ngoan biết kính trọng người lớn tuổi. Thật tình thì không phải vậy tuy tôi cũng là đứa trẻ ngoan ngoãn lễ phép, không nghịch ngợm hay hỗn ẩu. Tôi chỉ nhường ghế cho chị Hồng vì Hoa, em gái của chị. Hoa đẹp một cách mặn mà, khuôn mặt bừng sáng và kiểu cách. Hoa có cặp mắt to hút hồn, sống mũi thanh tú và đôi môi đỏ như ăn trầu, mới vào độ mười ba mười bốn mà Hoa đã phát tiết, bộ ngực tròn căng sau làn áo vải, trai tráng trong xóm gặp Hoa là phải chết đắm cái nhìn, hình như Hoa sớm biết lợi thế của mình nên thỉnh thoảng cô bé cũng đưa đẩy chút làm duyên khiến nhiều tên mê mệt. Tôi không nằm ngoài số mê mệt ấy, nhưng tự biết thân phận thua thiệt của mình nên tôi chỉ lặng lẽ một việc làm nhỏ bé để được ngắm nhìn thiên thần mơ ước của mình
      Sau vài lần nhường ghế như vậy thì Hoa đọc được suy nghĩ và gởi gắm của tôi, cô ta cũng làm theo như thế. Không nói với nhau lời nào, cứ vậy, mỗi tối tôi nhường ghế cho chị Hồng còn Hoa thì đợi đến lúc ba tôi sang cô ta mới đứng dậy nhường lại ghế để ba tôi ngồi. Chúng tôi đồng lõa với nhau trong lặng im chua chát, phần vì trẻ con thì biết tỏ bày với nhau như thế nào đây về tình cảm của mình, không khéo hàng xóm họ trêu ghẹo thêm xấu hổ, con nít mà bày đặt yêu đương! Phần tôi tự cảm thấy mình không đủ điều kiện trong khi ở xóm biết bao nhiêu thằng con trai luôn ve vãn bên Hoa, chúng nó ăn đứt tôi về gia cảnh. Tôi đau đớn và hân hoan mỗi tối như vậy, những dằng xé trong lòng của thằng con trai mới lớn chịu nhiều thua thiệt. Tôi vui đó rồi buồn đó. Hoa như một thứ trái cấm thiêng liêng khơi dậy trong tôi niềm thiết tha cuộc sống. Tôi đi bán kem mà trong lòng mở hội, cứ trông cho mau trưa mau chiều mau tối, để về mà ngắm nhìn khuôn mặt đáng yêu kia bằng thứ tình cảm cực kỳ sáng trong vô nhiễm và thánh thiện. Trong tôi, những ý nghĩ tốt đẹp luôn được gán ghép cho Hoa. Hoa là tất cả những gì quý giá trên cõi đời này ngoài gia đình thân yêu của tôi, Hoa là nơi chốn trở thành thiêng liêng như quê kiểng tôi chôn nhau cắt rún. Nói chung, Hoa là tất cả những giá trị mà một thằng con trai ngô nghê như tôi nghĩ ra.
      Chuyện thầm kín của chúng tôi rồi cũng không qua mắt được mọi người, trừ mấy đứa bạn trong xóm đôi khi trêu đùa còn thì người lớn chưa ai chê trách gì, bởi chúng tôi cũng chưa hề làm bất cứ một điều gì tệ hại để họ phải phê phán. Thỉnh thoảng, gặp lúc vắng người, Hoa hỏi tôi vài điều bâng quơ cho có, tôi cũng chỉ ấm ớ mấy câu chẳng đâu vào đâu nhưng trong mắt của tôi và Hoa đã nói với nhau rất nhiều, nhiều lắm, những cái nhìn đầy ý nghĩa, những cái gật đầu nhẹ mà thăng hoa niềm sung sướng bất tận. một tình yêu con nít đã được hai bên thừa nhận. Chỉ vậy, ngoài ra không còn gì nữa, kể cả cái nắm tay cũng chưa từng được nghĩ đến.
     Tôi đi qua ngày tháng lầm than và mất mát của gia đình mình bằng niềm an ủi ấy...

     Đặng xưng, thằng bạn học của tôi từ quê vào ghé chơi. Nói từ quê là vì Bác Triều ba của nó đã được thuyên chuyển về Đà Nẵng từ vài năm trước. Nó đi vào Sài Gòn tìm công ăn việc làm sau khi nghĩ học, bác Triều gái, mẹ của Xưng cũng mất mấy năm trước trong một tai nạ giao thông ở căn cứ Hàm Rồng của Plei Ku. Xưng ra đời sớm nên lọc lõi hơn tôi. Sau mấy ngày ở thăm chơi. Xưng lên được tiếp tục cuộc hành trình. Trước khi đi nó đưa cho tôi một mảnh giấy gấp lại rất vuông vức rồi dặn. Chờ tau đi rồi mày mới được mở ra đọc nghe chưa, chúng tôi chia tay nhau, cuộc chia ly đầu đời của hai thằng bạn nhỏ sớm bị chiến tranh hủy hoại tuổi thơ ngây.
    " Dũng thân! Tau biết mày thương con Hoa, tau không nỡ nói ra sự thật phũ phàng, nhưng vì mày là thằng bạn thân nhất của tau nên buộc lòng tau phải nói. Mày quên con Hoa đi, thế thôi! chúc mày và gia đình khỏe mạnh. Tau Xưng, bạn thân nhất của mày"
     Tôi chẳng còn hiểu gì cả, việc gì đang xảy ra, vừa mới lúc nãy đây thôi, Hoa còn gởi cho tôi cái liếc lịm người kèm theo một cái chu môi kín đáo. Tôi từ chổ coi truyền hình về còn mang theo trong lòng niềm hân hoan tột đỉnh kia mà. Chuyện gì? Chuyện gì? tại sao thằng Xưng lại nói như vậy? Nó mới vào ở chơi có một tuần lễ chớ mấy? Thằng Xưng nói bậy! Tôi ấm ức buột miệng thành tiếng. Mấy đứa em tôi hỏi. Anh nói cái gì vậy? Tôi xẵng giọng. Nóng quá! mấy đứa bây mở luôn cánh cửa kia ra đi? sao cứ mở một cánh như vậy? Số là ở sát đường nên hầu như suốt ngày đêm nàh tôi chỉ mở một cánh cửa thôi cho bớt bụi và tiếng ồn, nhưng lúc này trong tôi đang bức bối, chẳng thể nào chịu được nên mới gắt gỏng với mấy đứa em một cách vô lý như vậy. Trong khi mấy đứa em tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra điều gì, tôi vội đến mở luôn cánh cửa còn lại mà lâu nay vẫn quen đóng. Ánh đèn điện từ trong nhà hắt sáng ra một vùng quang đãng. Ôi trời ơi! Từ bên kia vệ đường, Hoa đang ngồi quay lưng vào phía nhà tôi, sát bên là thằng Sơn đang ôm ghì lấy một cách nóng bỏng, hình như hai đứa ngồi đây đã lâu lắm rồi bởi phía trước mặt chúng là một quãng đất trống rộng rãi không có nhà cửa. Nhìn thấy tận mắt cảnh hai đứa âu yếm nhau, tôi nghe sụp đổ một thiên đường bấy lâu thêu dệt và nâng niu gìn giữ, như một thứ của báu đầu đời mà thượng đế đã ân sũng ban phát cho riêng một đứa trẻ lạc loài như tôi. Tôi đứng chết sững mấy phút. Khi phía bên kia đường hai đứa chugns nó phát hiện ra sự việc đã ù té chạy xuống phía dưới xa kia..

      Đêm trăng mười bốn sáng một cách mai mỉa, chênh chếch đằng đông, nhòm hắt vào trước nhà tôi như cợt cười cho thằng trẻ ranh hão huyền và ngu muội. Tôi không khóc được khi lòng đã tan nát. Nước mắt tôi đã vùi sâu đến cạn kiệt dưới mấy nấm mộ của mẹ và hai đứa em trai rồi, giờ chỉ còn nỗi khô đắng tận cùng đang hủy diệt trái tim bé bỏng và u mê của tôi thôi. Không còn hứng thú gì với việc đi coi ké truyền hình bên hàng xóm, tôi ngồi một mình trước hiên nhà, mếu một nụ cười gượng gạo và, như một xúi giục ma quỷ, tôi bắt đầu làm thơ, bài thơ đầu đời của một công thần thất sủng.
      Đêm ấy, dưới mảnh trăng cũng tưởng ngoan hiền như Hoa, tôi bước vào mười bốn tuổi...
                                                                      Tam Kỳ 14/12/2014
                                                                      Nguyễn Đức Dũng

    

Những câu chữ hoa văn

Những câu chữ hoa văn

      Hít thở bầu khí quyển thơ xứ Quảng từ thuở nằm nôi, có lẽ những ầu ơ ví dầu hò khoan hố hợi bớ bậu bớ chàng đã chìm thấm vào tâm hồn một cậu bé sớm chịu khó lắng nghe và chịu khó chịu đựng. Làm sao để lý giải tường minh non nớt kia khi bất chợt chạm khắc vào tầng vỉa văn hóa quê xứ đất đai một dòng thơ vừa quen mà vừa lạ. Quen ở chỗ cũng vốn liếng ấy cũng tình đất tình người ấy lớp đàn anh đàn chị ngâm ngợi mải mê rồi, Cả chẳng thể nào khác được. Lạ là lạ ở nơi thẳm sâu rung cảm kia, Cả lấy chất liệu gì, vết dao vết rìu gì mà chạm khắc nên một “Chạm trổ suy tư” thảng thốt? Khi cái tuổi còn đương độ ăn chưa no lo chưa tới. Đành rằng mười sáu có thể đã sớm biết tơ vương hương tóc con gái bên nhà. Nhưng sự hàm ơn và về những nghĩ suy lớn lao thì đó là một ngạc nhiên đúng nghĩa vậy.
      Thơ ở thành phố Tam Kỳ Quảng Nam từ ngày xuất hiện cái tên Nguyễn Tấn Cả, một học trò nghèo trường huyện đã có thêm một thuật ngữ mới trong hàn huyên thơ phú. “Hòn tháp có chân”… Cả viết về người kiến trúc sư Ba Lan Kazik bỏ cả cuộc đời xa lìa quê hương để đến đất nước nhiệt đới này mà “Râu tóc ông quệt xót lòng thánh địa…”, Cả nói hộ với ông về lòng hàm ơn của con dân chúng ta bằng những rung cảm mãnh liệt “Con dơi buồn kêu nhỏ máu hoàng hôn”.
      Ghê gớm thay cho vầng trán trẻ nít kia, dung chứa điều gì trong nếp nghĩ…
      Nguyễn Tấn Cả là một thân phận sớm thiệt thòi, sớm nhận biết được giá trị sống qua miếng cơm manh áo, sớm thấu hiểu thế nào là tình thâm máu mủ khi kêu lên “Hiền Lương còn một nhịp này- Thưa Cha…” Nguyễn Tấn Cả lủi thủi “Tôi bắn bi mù u vào vòng đời oan nghiệt/ tự mình đi lượm… tự mình lăn” .Câu thơ rưng rưng chực hờ trên mắt người đọc, Cả chin chắn già dặn hơn nhiều lần cái tuổi trời cho khi “Em nâng duyên nợ trên đầu/ để cho chị bước qua cầu vững tin”. “Em ngồi tỉ mẩn xắt gừng/ Cay vào thuở chị chưa từng xa em”. Cứ mỗi lần tôi nghĩ đến mấy câu thơ này là mỗi lần lòng tôi dấy động một sớt chia, có lẽ đồng cảnh tương thân chăng? Hay tôi ủy mị? Nhưng điều gì khiến cho lòng ta chợt nổi lên tình thương cảm nếu không phải vì năng lực có thật của nghệ thuật thăng hoa, khơi gợi được niềm tri âm tri kỷ? Cả đã làm được gì và đi đến đâu trong thơ hôm nay? Và điều gì đã làm cho Cả già đi so với cái tuổi của mình? Điều gì đã xóa sổ cái tuổi thơ ngây khờ dại mà thần tiên của đứa trẻ này? Chiến tranh ư? Đói nghèo ư? Ly tán ư?

     Làm thơ sớm, trưởng thành sớm, vậy mà Nguyễn Tấn cả cứ lặng lẽ một nỗi mình giữa xô bồ đời sống, hình như có điều gì cần nói Cả đã nói hết trong thơ rồi. Chẳng vậy mà Cả đã rút tỉa được rất nhiều ý nghĩa của cuộc đời. Anh khái quát nghe đến đớn đau “Bàn tay phóng sinh/ bàn tay đánh bẩy…”. Thơ Cả là thơ của những suy niệm dằn vặt đời người, là tiếng nói của những đúc kết nhiều triết luận, ở đó vừa gợi mở vừa khai phóng sức bùng nổ của câu chữ đã được dồn nén đến mức cuối cùng

     Tôi nhớ một lần tôi, Thảo Nguyên và Đỗ Thượng Thế ngồi chuyện gẫu về thơ ở một quán cà phê làng tại thôn 5 Duy Trung Duy Xuyên. Chuyện thơ viết về đề tài Mỹ Sơn, một khu Thánh Địa Chăm nổi tiếng cả thế giới tọa lạc tại vùng núi Quắm thuộc huyện Duy Xuyên. Thế nói thơ về Mỹ Sơn anh em văn nghệ quê mình viết rất hay, vì chúng ta là con dân xứ Quảng, là chủ nhân của di tích, chúng ta gần như ăn nằm máu thịt với di tích, Thế lại nói thơ tôi là những đường diềm trên tháp cổ, đại khái câu chuyện rất dài về Mỹ Sơn. Sau này nhà thơ nguyễn Tấn Sỹ cũng có bài thơ “Chiều qua cổ tháp” rất tài hoa, xứng đáng là bài thơ hay nhất viết về đề tài này của anh em văn nghệ xứ Quảng.
     Khi Nguyễn Tấn Cả công bố bài thơ “Chạm trổ suy tư” mà sau này dùng cái tựa ấy làm tên chung cho tập thơ đầu tay của mình. Anh em làm thơ hết sức ngạc nhiên và thú vỵ bởi  cái tài của một cậu bé 16 tuổi. Có thể làm nhớ lại cái tuổi 16 của Chế Lan Viên ngày xưa từng bàng hoàng cả trời thơ Việt qua tác phẩm “Điêu tàn”. Tuy vậy vẫn chưa nói lên điều gì cho mai sau bởi rất nhiều “Năng khiếu” sớm lụi tàn vì những ngộ nhận. Anh em vẫn có chút lo âu và đợi chờ ở Cả. Cũng có lúc Cả rơi vào phù phiếm lệch lạc, may thay, nhờ tính tình khiêm hậu và chịu thương chịu khó, nhờ sự trải nghiệm thực tế đắng cay về cuộc tồn sinh. Cả vụt lớn lên từng ngày trong mắt anh em bạn bè làm thơ quê nhà. Những bài thơ sau này của Cả làm xốn xang người đọc, làm thao thức nhân tâm, chẳng biết tác giả lấy ở đâu cái chất liệu của cuộc đời mà viết nên những câu chữ đằmg đằm truy vấn và suy nghĩ. Đọc Nguyễn Tấn Cả hôm nay, tôi lại chợt hình dung ra những hoa văn chạm trổ trên những mảng tường cổ tháp, đẹp, tinh xảo , điêu luyện và nhiều gửi gắm…

     “CHẠM TRỔ SUY TƯ” tập thơ đầu tay của Nguyễn Tấn Cả, Hội viên Hội VHNT Quảng Nam vừa được NXB HNV cấp giấy phép phát hành vào đầu quý 4 năm 2014 sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều cảm nhận thú vỵ. Xin trân trọng sẻ chia cùng bạn yêu thơ
                                                                         Tam Kỳ 14/12/2014

                                                                         Nguyễn Đức Dũng

Đồng nghĩa

Đồng nghĩa

Lột bỏ lớp vỏ sù sì ảm đạm
anh mở lòng hân hoan đón em
tiếng cười sớm mai trong trẻo
hạt sương reo vui đầu cành
giọt nắng nhảy múa

này ngọn gió tinh khiết
gội rửa muộn phiền
những lo toan bu bám
mười đầu ngón tay mòn vẹt áo cơm

này mầu nhiệm xiết bao
thanh tẩy làm đứa trẻ lên năm lên mười
xúng xính áo đẹp
tung tăng trái tim
anh rộn ràng lễ hội

háo hức giao thừa mừng tuổi
từ em một đóa môi cười

trước ban mai nguyên khôi diệu kỳ
hiện thân của tất thảy tươi mới
ròng ròng nhựa ấm
Em!
đồng nghĩa với Xuân.

                                                                       Đông 2014

                                                                    Nguyễn Đức Dũng

Chuyển phát nhanh một bông hoa không tốn tiền

Chuyển phát nhanh một bông hoa không tốn tiền

Chúng tôi những người lương thiện
trừ những kẻ nhẹ dạ và tối dạ
kính cẩn nghiêng mình
công nhận rằng các anh quá giỏi
xứng mặt tài năng
giữa thế giới xô bồ thực hư lẫn lộn

Sự nghiệp các anh quá mức lẫy lừng
các anh rất thành công
trên con đường các anh đã chọn
từ chối ánh sáng
tự nguyện làm hậu duệ cho kẻ đốt đền

Này rực rỡ những vòng hoa lung linh thấp hèn
này cao ngạo trên bục vinh quang rẻ rúng
các anh gặt hái bội thu liên tiếp những mùa vàng huy chương ô nhục

Bất kể các anh là ai thuộc thế lực nào đen trắng chánh tà
nhân danh vào bất kỳ điều gì
nhằm chống lại chân lý
phá hoại lòng tin
khủng bố đạo đức

Các anh phát tán hoài nghi gieo rắc oán ghét và thù hận
qua loài ký sinh vô hình
đục khoét ăn mòn giá trị
bằng đỉnh cao của nghệ thuật rẻ tiền
bằng tuyệt kỷ của công phu đốn mạt
trục lợi vào lương tri con người

Hãy nhớ lấy
nhân loại sẽ đời đời ghi nhớ các anh bằng biên niên sử mạ vàng
những tượng đài
giữa huy hoàng
bóng tối




…và tận hiến trong “Khoảng vắng”

…và tận hiến trong “Khoảng vắng”

     Đọc câu thơ Phùng Quán:
“Những khi ngả lòng
“Tôi vịn câu thơ đứng dậy…
     Ta có được chút le lói niềm tin, chút sắt se an ủi về những quỵ ngã trước giông bão cuộc đời. Ta tin rằng phía xa kia là ánh lửa nhóm lên hứa hẹn một ấm áp hy vọng.
     Đó là năng lực của thi ca - Điều làm được của những tài năng lớn, đem đến sự sẻ chia cho khắp nhân quần. Đem tin yêu cho những phận người bị vùi dập hắt hủi và tận cùng đau khổ… Năng lực của thi ca là phép màu nhiệm bí truyền hóa giải những mảnh đời lầm than ngược đãi. Trong vô hạn buồn đau ấy, thơ sẽ như tia nắng ấm phản chiếu làm long lanh giọt nước mắt khát vọng.
     Đó là nói về mặt lý thuyết của vấn đề…

     Đọc tập bản thảo “Khoảng Vắng” của Nguyễn Thế Quy. Một chàng trai tuổi đôi mươi quê Duy Xuyên Quảng Nam, tôi đọc được gì từ Thơ và Người?
     Đừng tìm đòi những tiêu chí khắt khe và quá xa vời của thơ đương đại. Cũng xin đừng cầu toàn mà truy hỏi giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Lại là tác phẩm Thơ? Xin hãy tạm để lại và chờ đợi câu trả lời khi bạn gấp tập sách bé nhỏ mỏng mảnh này.
     Nếu bạn đọc sẵn một tấm lòng nhân hậu. Tại sao không?
     Nếu bạn đọc sẵn một tâm hồn quý yêu cái đẹp, cái chân thiện của đời sống. Tại sao không? Tôi chắc chắn tin vào vốn liếng bằng vàng ấy đã luôn thường trực trong tim bạn. Dễ hiểu thôi vì bạn đang cầm trên tay tập sách này. Có nghĩa bạn là một trong số không nhiều những lòng quý yêu trân trọng thơ hôm nay. Khi thơ đã nguội lạnh nỗi niềm nhân thế.
     “Khoảng vắng” nói đến nhiều vấn đề của đời sống qua và bằng những câu chuyện nhỏ. Đó là những bài thơ viết về quê hương, về gia đình, về mẹ, về những ơn nghĩa cuộc đời đã sẻ chia an ủi nhau trong cơn hoạn nạn. Và đặc biệt, là cả tình yêu đôi lứa. Những ôm ấp mộng mơ, những nhớ nhung âu yếm kể cả ghen hờn và oán trách. Thơ ấy cũng như cơ man thơ hôm qua, hôm nay và có lẽ còn kéo dài đến cả mai sau. Nói chung, những đề tài và cách thể hiện quen thuộc đến xưa cũ. Đóng góp về thơ của “Khoảng vắng” nếu có, chẳng qua là đóng góp của một tín đồ về một tín điều: “Sự đam mê nghệ thuật của điệu vần”. Thứ gia vị êm tai ru ngủ trước mệt mỏi và phiền muộn. Nó bắt nguồn từ những câu hát ru nôi thuở ngày thơ bé rồi dính mắc bền bĩ vào những ai dễ xao xuyến mềm lòng.
     Nguyễn Thế Quy không thoát khỏi môi trường dụ hoặc ấy. Và Quy làm thơ. Quy đòi được sống, đòi yêu thương và đòi được thương yêu. Thơ Quy là thơ của khát vọng triền miên con người vươn tới những cảnh giới tốt đẹp nhất mà trí tưởng có thể nghĩ ra. Một đòi hỏi tất yếu.
    
     Tìm đến với thơ là Quy bày tỏ một thái độ trước cuộc đời. Một lựa chọn quá nhiều gian nan, thứ lao động đặc thù khổ ải đầy tra tấn. Quy làm thơ ngoài năng khiếu bẫm sinh và tập tính trong nôi còn là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Một khát vọng “Bình thường hóa” quan hệ của con người đối với con người về các giá trị đã được minh định. Tìm đến với thơ, qua giao cảm, Quy ước muốn xác lập một tư thế, một cách đứng vững chãi để chống chọi với giông bão của số phận. – Bằng tình yêu nóng hổi tim máu, bằng tâm hồn nhạy cảm và cả tin, đem ngọn lửa ấm áp nhiều thua thiệt ấy dâng hiến hết cho từng mỗi phút giây hiện diện trên cõi đời này.

     Cuối cùng, thơ Nguyễn Thế Quy là thơ của nghị lực.
     “Khoảng vắng” là tập thơ vụng về, ngô nghê, mộc mạc mà chân thành, như lời ăn tiếng nói hồn hậu quê mùa, không vay mượn và xa lạ với trau chuốt đãi bôi nhưng mang trong nó sức mạnh của nghị lực vô biên, trả lời cho câu hỏi về những số phận vô cùng nhỏ bé và phiêu phỏng. Ẩn chứa vô tận lòng khát khao được sống, được yêu và được dâng hiến của con người trên thế gian nhiều kiếp nạn.
     Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn yêu thơ rụt rè mà quý hiếm hôm nay

                                                                    Mùa đông Tam Kỳ 23/12/2014

                                                                           Nguyễn Đức Dũng