Những câu chữ hoa văn
Hít thở bầu khí quyển thơ xứ Quảng từ
thuở nằm nôi, có lẽ những ầu ơ ví dầu hò khoan hố hợi bớ bậu bớ chàng đã chìm
thấm vào tâm hồn một cậu bé sớm chịu khó lắng nghe và chịu khó chịu đựng. Làm
sao để lý giải tường minh non nớt kia khi bất chợt chạm khắc vào tầng vỉa văn
hóa quê xứ đất đai một dòng thơ vừa quen mà vừa lạ. Quen ở chỗ cũng vốn liếng
ấy cũng tình đất tình người ấy lớp đàn anh đàn chị ngâm ngợi mải mê rồi, Cả
chẳng thể nào khác được. Lạ là lạ ở nơi thẳm sâu rung cảm kia, Cả lấy chất liệu
gì, vết dao vết rìu gì mà chạm khắc nên một “Chạm
trổ suy tư” thảng thốt? Khi cái tuổi còn đương độ ăn chưa no lo chưa tới.
Đành rằng mười sáu có thể đã sớm biết tơ vương hương tóc con gái bên nhà. Nhưng
sự hàm ơn và về những nghĩ suy lớn lao thì đó là một ngạc nhiên đúng nghĩa vậy.
Thơ ở thành phố Tam Kỳ Quảng Nam từ
ngày xuất hiện cái tên Nguyễn Tấn Cả, một học trò nghèo trường huyện đã có thêm
một thuật ngữ mới trong hàn huyên thơ phú. “Hòn
tháp có chân”… Cả viết về người kiến trúc sư Ba Lan Kazik bỏ cả cuộc đời xa
lìa quê hương để đến đất nước nhiệt đới này mà “Râu tóc ông quệt xót lòng thánh địa…”, Cả nói hộ với ông về lòng
hàm ơn của con dân chúng ta bằng những rung cảm mãnh liệt “Con dơi buồn kêu nhỏ máu hoàng hôn”.
Ghê
gớm thay cho vầng trán trẻ nít kia, dung chứa điều gì trong nếp nghĩ…
Nguyễn Tấn Cả là một thân phận sớm thiệt
thòi, sớm nhận biết được giá trị sống qua miếng cơm manh áo, sớm thấu hiểu thế
nào là tình thâm máu mủ khi kêu lên “Hiền
Lương còn một nhịp này- Thưa Cha…” Nguyễn Tấn Cả lủi thủi “Tôi bắn bi mù u vào vòng đời oan nghiệt/ tự
mình đi lượm… tự mình lăn” .Câu thơ rưng rưng chực hờ trên mắt người đọc,
Cả chin chắn già dặn hơn nhiều lần cái tuổi trời cho khi “Em nâng duyên nợ trên đầu/ để cho chị bước qua cầu vững tin”. “Em ngồi
tỉ mẩn xắt gừng/ Cay vào thuở chị chưa từng xa em”. Cứ mỗi lần tôi nghĩ đến
mấy câu thơ này là mỗi lần lòng tôi dấy động một sớt chia, có lẽ đồng cảnh
tương thân chăng? Hay tôi ủy mị? Nhưng điều gì khiến cho lòng ta chợt nổi lên
tình thương cảm nếu không phải vì năng lực có thật của nghệ thuật thăng hoa,
khơi gợi được niềm tri âm tri kỷ? Cả đã làm được gì và đi đến đâu trong thơ hôm
nay? Và điều gì đã làm cho Cả già đi so với cái tuổi của mình? Điều gì đã xóa
sổ cái tuổi thơ ngây khờ dại mà thần tiên của đứa trẻ này? Chiến tranh ư? Đói
nghèo ư? Ly tán ư?
Làm thơ sớm, trưởng thành sớm, vậy mà
Nguyễn Tấn cả cứ lặng lẽ một nỗi mình giữa xô bồ đời sống, hình như có điều gì
cần nói Cả đã nói hết trong thơ rồi. Chẳng vậy mà Cả đã rút tỉa được rất nhiều
ý nghĩa của cuộc đời. Anh khái quát nghe đến đớn đau “Bàn tay phóng sinh/ bàn tay đánh bẩy…”. Thơ Cả là thơ của những
suy niệm dằn vặt đời người, là tiếng nói của những đúc kết nhiều triết luận, ở
đó vừa gợi mở vừa khai phóng sức bùng nổ của câu chữ đã được dồn nén đến mức
cuối cùng
Tôi nhớ một lần tôi, Thảo Nguyên và Đỗ
Thượng Thế ngồi chuyện gẫu về thơ ở một quán cà phê làng tại thôn 5 Duy Trung
Duy Xuyên. Chuyện thơ viết về đề tài Mỹ Sơn, một khu Thánh Địa Chăm nổi tiếng
cả thế giới tọa lạc tại vùng núi Quắm thuộc huyện Duy Xuyên. Thế nói thơ về Mỹ
Sơn anh em văn nghệ quê mình viết rất hay, vì chúng ta là con dân xứ Quảng, là
chủ nhân của di tích, chúng ta gần như ăn nằm máu thịt với di tích, Thế lại nói
thơ tôi là những đường diềm trên tháp cổ, đại khái câu chuyện rất dài về Mỹ
Sơn. Sau này nhà thơ nguyễn Tấn Sỹ cũng có bài thơ “Chiều qua cổ tháp” rất tài
hoa, xứng đáng là bài thơ hay nhất viết về đề tài này của anh em văn nghệ xứ
Quảng.
Khi Nguyễn Tấn Cả công bố bài thơ “Chạm
trổ suy tư” mà sau này dùng cái tựa ấy làm tên chung cho tập thơ đầu
tay của mình. Anh em làm thơ hết sức ngạc nhiên và thú vỵ bởi cái tài của một cậu bé 16 tuổi. Có thể làm
nhớ lại cái tuổi 16 của Chế Lan Viên ngày xưa từng bàng hoàng cả trời thơ Việt
qua tác phẩm “Điêu tàn”. Tuy vậy vẫn chưa nói lên điều gì cho mai sau bởi rất
nhiều “Năng khiếu” sớm lụi tàn vì những ngộ nhận. Anh em vẫn có chút lo âu và
đợi chờ ở Cả. Cũng có lúc Cả rơi vào phù phiếm lệch lạc, may thay, nhờ tính
tình khiêm hậu và chịu thương chịu khó, nhờ sự trải nghiệm thực tế đắng cay về
cuộc tồn sinh. Cả vụt lớn lên từng ngày trong mắt anh em bạn bè làm thơ quê
nhà. Những bài thơ sau này của Cả làm xốn xang người đọc, làm thao thức nhân
tâm, chẳng biết tác giả lấy ở đâu cái chất liệu của cuộc đời mà viết nên những
câu chữ đằmg đằm truy vấn và suy nghĩ. Đọc Nguyễn Tấn Cả hôm nay, tôi lại chợt
hình dung ra những hoa văn chạm trổ trên những mảng tường cổ tháp, đẹp, tinh
xảo , điêu luyện và nhiều gửi gắm…
“CHẠM TRỔ
SUY TƯ” tập thơ đầu tay của Nguyễn
Tấn Cả, Hội viên Hội VHNT Quảng Nam vừa được NXB HNV cấp giấy phép phát hành vào
đầu quý 4 năm 2014 sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều cảm nhận thú vỵ. Xin trân trọng
sẻ chia cùng bạn yêu thơ
Tam Kỳ 14/12/2014
Nguyễn Đức
Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét