Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Duyên cúc

SÂN NHÀ


     Tôi có người bạn công tác bên ngành văn hóa, cả hai chung một suy tư về lẽ đời, về những mai một đáng tiếc trong cuộc sống mà ông cha xưa từng bền lòng truyền lại bởi những đổi thay chóng mặt hôm nay.
      Khi rảnh rỗi, chúng tôi kể cho nhau những kỷ niệm một thời, những chuyện mắt thấy tai nghe đã in hằn trong nhớ nghĩ. Một bận, cũng đã đến ngày cuối cùng của năm, phố xá ngoài kia xe cộ nườm nượp. Sự tất bật thường tình của phố thị. Bên tách trà ấm nóng trong quán cà phê đìu hiu, chúng tôi lại lẩn thẩn hồn mình bằng những ký ức đáng yêu rồi ngậm ngùi tiếc nhớ. Anh kể: xã Phú Thọ huyện Quế Sơn những năm 80 thế kỷ 20 của thiên niên kỷ trước, một vùng quê bán sơn địa cực nghèo, cái nghèo đã đeo bám bao đời người gắn bó với quê xứ này. Vậy mà cứ mỗi cuối năm, khi việc đồng áng chừng tạm ổn, bên cạnh những cần thiết phải lo toan cho ba ngày tết nhứt, bà con vẫn trước sau gìn giữ một thói quen nhà nhà như một, đó là họ chọn một gánh củi thật đẹp, thật đượm lửa được chuẩn bị để dành từ nhiều tháng trước, cứ thế họ rủ nhau kĩu kịt gánh đến chợ huyện để bán vào phiên chợ cuối năm, thể nào cũng xứng giá với niềm mong đợi. Đường đến chợ thì xa, gánh củi nặng oằn nhún nhẩy trên vai, thế mà bà con ta vẫn râm ran chuyện làng chuyện xóm, chuyện chuẩn bị sắm sanh cho tết nhứt mỗi nhà… Những tưởng số tiền bán củi được giá kia sẽ chi dùng cho những mua sắm thiết yếu, hay đâu không hẹn mà gặp, họ chọn mua những cặp hoa cúc mặn mà tươi tắn để đem về chưng trong ba ngày xuân cho đẹp cửa đẹp nhà.
     Câu chuyện anh kể dừng lại rất lâu trong một sớm hàn huyên, cái hình ảnh bà con nông dân mình bỏ công tìm và để dành gánh củi đẹp đem bán vào ngày cùng tháng tận của năm rồi hân hoan mua về nhà cặp hoa cúc ấy nó đáng để cho ta trân trọng, mến yêu phút lóe sáng tâm hồn của những con người một nắng hai sương chân chất, nó bừng ngộ hơn những thượng đế lắm tiền nhiều của đi săn lùng những cây hoa kiểng thời thượng đắt giá hôm nay, bởi đằng sau cái việc mua hoa kia, nó cho ta thấy niềm hạnh phúc tuy bé nhỏ nhưng có thật, nó hoàn toàn xứng giá với giọt mồ hôi đánh đổi của con người, và qua sự chọn hoa cũng cho ta hình dung được phần nào tâm hồn người nông dân bình dị của mình. Hoa cúc được ví von là một trong “Tứ quý chi hoa” Mai, Lan, Tùng, Cúc. Mà nó còn được biểu tượng cho cái đức của người quân tử, sự đằm thắm dịu dàng, sự bề bĩ sắc hương là gởi gắm của lòng chung thủy, trước sau như một, bền tâm chặc dạ. Hoa cúc còn có tính gần gụi dễ sẻ chia, không kiêu sa đài các như các loài kỳ hoa dị thảo khác, không vương giả xa vời mà những con người bình dân chẳng khi nào dám mơ tưởng tới.
Chỉ mỗi chuyện dành củi đổi hoa kia, tuy thinh lặng khiêm cung mà nói lên với ta bao điều về ý nghĩa của chân giá trị…
                                                                Tam Kỳ cuối chạp năm Tỵ
                                                                  Nguyễn Đức Dũng


“CON ĐƯỜNG“ Trong vòng tay đồng đội



Chiều nay 23/02/2014 tại Quán Chay AN NHƯ, T/p Hội An. Chi hội Nhà văn Việt Nam tại t/p Đà Nẵng cùng gia đình tổ chức ra mắt tập truyện ngắn BUỒN VUI NHỮNG CON ĐƯỜNG của nhà văn Đỗ Nhựt Thư. Do NXB HỘI NHÀ VĂN  vừa mới phát hành. Đây cũng là dịp kỷ niệm sinh nhật “Lục thập hoa giáp” của tác giả.
Đến dự chung vui với anh, ngoài gia đình còn có các vị khách quý, bạn bè thân hữu, đồng đội, đồng nghiệp và đông đảo VNS quen biết của Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Trong một buổi sinh hoạt VHNT đầy tình thân hữu, ấm áp, tác giả và tác phẩm đã nhận được sự sẻ chia chân thành, những ý kiến đóng góp, phẩm bình mang tính nghề nghiệp, giúp tác giả và người đọc nhận ra nhiều điều bổ ích. Riêng cá nhân tôi, hôm nay ít nhất có hơn hai lần hân hoan. Một là tôi có thêm người bạn văn thân thiết, hai là tôi có thêm một đồng đội cũ, từng phá đá bắn mìn, từng tay bay tay thước, từng mưa nắng vui buồn trên những dặm đường quê kiểng với tôi, nay anh lại cùng tôi, cùng chúng ta, những con người quý yêu cái đẹp, yêu quý giá trị thật sự của cuộc sống con người, lại lần nữa sẻ chia với nhau bằng những trang viết đắm say run rẩy bởi thúc giục từ thẳm sâu lòng mình. Vì vậy qua cuộc vui này  tôi còn có vài điều muốn tâm sự.
Đỗ Nhựt Thư tên thật là Đỗ Như Thức, một con người đầy cá tính, Anh mực thước trong cách sống, hết sức trách nhiệm đối với gia đình, công việc và xã hội. Xuất thân từ một CBCNV trong ngành GTVT tỉnh nhà, anh đã trải qua nhiều công việc của một người thợ Cầu đường, một người làm công tác kỹ thuật rồi trở thành cán bộ quản lý năng động. Ở vị trí nào anh cũng nhận được sự ủng hộ của bạn bè và đồng nghiệp. Sở dĩ tôi lan man dài dòng những chuyện ngoài văn chương này để muốn qua đó nói lên rằng, văn chương nói riêng và VHNT nói chung chưa phải ( Nếu không muốn nói không phải) là đặc ân riêng dành cho một giới, một thành phần nào trong xã hội. Và cũng muốn thưa rằng, từ những va chạm hết sức gần gũi cuộc sống, những trải nghiệm vui buồn của người thợ, người lao động bình thường, chúng tôi đã bằng với trái tim mình, với tình yêu tha thiết cuộc đời, quê hương, với bè bạn, để cuối cùng tìm thấy được những giá trị tuy nhỏ nhoi mà thiết thực. Từ sự nhận chân ấy, chúng tôi đã sống, đã làm việc, đã đi khắp quê hương, mang theo trái tim nóng hổi nhịp đời mang theo tâm hồn chan hòa nhịp sống, dẫu nhiều lúc cay đắng ngậm ngùi cho thân phận của một giới “áo cộc” nắng mưa dầu dãi trước thế thời, trước đòi hỏi bức thiết mưu sinh,  trước những trò đời đầy mưu chước.
Nhà văn Đỗ Nhựt Thư bây giờ, suy cho cùng, cũng như nhiều đồng đội, đồng nghiệp chúng tôi, đã, đang và sẽ mãi là những con người thầm lặng trước cuộc sống đầy sôi động. Sẽ không quá cường điệu khi chúng tôi tự biết mình là ai, đứng đâu trên cõi đời này. Nhưng với một suy nghĩ, một quan điểm sống đã lựa chọn, chúng tôi biết tự cân bằng để mình luôn là một người lao động an như, như cái tên quán và cũng là tổ ấm hôm nay của tác giả. 
Ví von một chút. Trong nghề xây dựng cầu đường, ngoài các loại vật liệu đắt tiền như ciment, sắt thép, cát gạch v.v… Còn có đá. Vâng! các loại đá như đá kết tầng, đá granit, đá hoa cương v.v…Thì đá là loại vật liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong thi công công trình. Sau khai thác, những viên đá hộc, đá 10x15, đá 4x6, đá 1x2, đá mạt… nằm vạ vật phong trần dưới mưa nắng thất thường để chờ ngày hiến mình vĩnh viễn vào kết cấu, để rồi chìm khuất trong hỗn hợp những vật liệu kia, mãi mãi mai một, mãi mãi khuất lấp, mãi mãi lặng im. Chúng tôi, những người thợ cầu đường mang “trái tim biết hát” chẳng khác gì những viên đá vô tri ấy, nằm lặng lẽ bên đường mặc cho thời gian phủ bụi. trong mộng mị vô ngôn bất chợt một satna đưa đẩy, sau cơn mưa xối xả của đất trời tắm gội, chúng tôi tinh tươm sạch đẹp chờ nắng và nắng đã lên, những viên đá khiêm nhường lặng lẽ kia duyên may đối diện ánh mặt trời bất chợt hân hoan lấp lánh. Cứ thế, chúng tôi đã lặng lẽ chờ  đến phút giây được chính là mình, để lấp lánh dầu ngắn ngủi với bạn bè, với cuộc đời và quê hương yêu mến
Đỗ Nhựt Thư, một người thợ cầu đường quê hương Quảng Nam của chúng tôi, của chúng ta hôm nay đã lấp lánh dưới nắng trời như thế.
                                                                         Tam Kỳ tối 23/02/2014

                                                                               Nguyễn Đức Dũng



Ghi ở Cẩm Hà


TƯỢNG ĐÀI CỦA CON

CHÚNG CON TÌM BA ĐÂY

NẮNG CẨM HÀ




Dưới lớp cát kia Cha nằm ở đâu
khói hương không nói gì
con quỳ lạy đây đất trời Cẩm Hà
chang chang nắng

Dưới lớp cát kia bỗng nhiên sa mạc
đòi bao nhiêu nước mắt
con vắt đến giọt cuối cùng
không thấu lặng im

Không thấu niềm con kinh sợ nghĩa đoạn trường
thương Cha một đời khó nhọc
một đời lặn lội gian truân
nghiêng vai lệch dáng

Thương một đời người rồi sẽ hư không
sau hành trình lưu lụy
ta sinh ra để làm gì
con súc sắc số phận
quay
quay
dừng lại điểm nào đang chờ đợi
trong ô kẽ giới hạn giữa lầm than đớn đau hạnh phúc
giữa được và mất
hân hoan và tủi nhục
trò đánh đố rủi may trêu ngươi vào số phận con người

Dưới lớp cát kia chang chang nắng Cẩm Hà
thưa Cha!
thắp lửa
xin một lần reo vui cháy hết đời con
những chân hương phẩm màu nhuộm tím

                                                                 Cẩm Hà 16/02/2014
                                                                  Nguyễn Đức Dũng





Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

GHI CHÉP TRONG ĐIỆN THOẠI

Anh gần cuối cuộc rong chơi
Thương em với một khoảng trời trắng không
Thương hoa cỏ giữa mênh mông
Ủ ê bên cõi người đông hững hờ
                                                          Tam Kỳ 17/02/2014

                                                          Nguyễn Đức Dũng
THỜI Ở PHÚ BÌNH

Từ cỏ


Tôi đứng tôi đi tôi nghe tôi thấy
những tiếng muối xát
những lời dao đâm
vét cạn cùng nước mắt

Ước một Bigbang giữa ngực
để được thành bụi
hòa vào hư không
nhận chân hư không

Làm sao vô sở như cỏ xanh kia
trước nỗi niềm của gió

                                                          Tam Kỳ 17/02/2014

                                                          Nguyễn Đức Dũng
CỎ

Danh sách



Này đây là sự kêu đòi
của hạt mầm
được lớn dậy
thành cây
cùng những hạt mầm khác

Này đây là sự kêu đòi
của giọt nước
được trong trẻo
được chảy
thành suối
thành sông
thành mây trời cơn mưa thấm nhuần mặt đất

Này đây là sự kêu đòi
của trẻ thơ
được trọn vẹn tháng ngày thơ trẻ

Này đây là sự kêu đòi
của tấm lòng
được yêu ghét
những ghét yêu đúng nghĩa

Này đây là sự kêu đòi
của danh sách
phải trả lời
những kêu đòi cần thiết


Này đây là sự kêu đòi
niềm tin
vào giá trị con người

                                                                     Tam Kỳ 19/02/2014
                                                                     Nguyễn Đức Dũng

HÀNH TRANG CHO CHUYẾN ĐI TÌM CHỮ

TÁC PHẨM ĐẦU TAY

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Về ngồi bên suối

BÊN SUỐI ĐĂK MI(Ảnh NGUYỄN CƯỜNG)
KÊNH PHÚ NINH



về ngồi bên suối mà chơi
nghe rong rêu mọc quanh đời thiết thao
lẫn tôi trong biếc xanh nào
lòng như lá nọ rụng vào trôi kia

đất trời khởi sự phân chia
buồn vui vân cẩu sơn khê đổi dời
như nhiên cây cỏ không lời
vẫn bày ra cuộc chơi người lầm mê

cạn lòng chẳng ngại khen chê
sân si tôi hỏi đi về những đâu
cùng dòng không nỡ đùa nhau
về ngồi bên suối nghìn sau cũng…là
                                               Phú Ninh  chiều mùng 3 tết Giáp Ngọ
                                  Nguyễn Đức Dũng



Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

DU XUÂN TÌM VỀ CHỐN CŨ

CON ĐƯỜNG HAI BUỔI NẮNG MƯA

    Chiều mùng 3 tết Giáp Ngọ, mình làm cuộc ngược về nơi một thời không thể nào quên của mình, của Thương và đồng đội Cầu Đường. Nỗi cô đơn không tiền khoáng hậu. đến Cầu Máng, nơi đóng quân để làm tuyến đường công vụ quanh công trình Đại thủy nông Phú Ninh. Một chiếc võng cũ ai treo bên rừng vắng, trên núi này ngày tết ai tìm đến làm gì. Tôi làm một giấc võng treo để thấm thía cuộc làm người nhiều khổ lụy trên nhân thế này
     Chiều mùng 6 tết. Hai bạn thơ Duy Xuyên là Võ Bá và Sa Hoài Nhân vào chơi. Ngô Phú Thiện, Nguyễn Bá Hòa và tôi nảy ra “tối kiến” đãi bạn một chầu lang thang quanh Phú Ninh
     Ai biết buồn vui như thế nào, trong âm có dương, trong nỗi này hiện hữu niềm kia. Ghi lại một vài hình ảnh nhân đầu xuân con ngựa còn hứa hẹn nhiều dăm trường gió bụi …
                                                                                              Nguyễn Đức Dũng


TẤM HÌNH NÀY ĐỂ NHỚ THÊM NGUYỄN VĂN TẶNG 

CẦU TREO ( ĐƯỜNG SẮT) TAM  KỲ, NƠI BẮT ĐẦU CỦA CHÚNG TA

BẠN BÈ ANH TOÀN NHỮNG ĐỨA ẦU Ơ...

PHÚ NINH NƠI VUI BUỒN MỘT THUỞ

 ẨN SỸ DU XUÂN

EM CÒN NHỚ HAY EM ĐÃ QUÊN

SA HOÀI NHÂN

SÔNG TAM KỲ NHÌN TỪ "CẦU TREO"

GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT
NGHE TIẾNG CƠM SÔI CŨNG NHỚ NHÀ

MÙNG SÁU TẾT GIÁP NGỌ 2014

ĐÈO XOÀI ĐÂY THƯƠNG ƠI!

ĐẢO TRÊN NÚI
BÊN KIA KÊNH LÀ NƠI CHÚNG TÔI ĐÃ ĐÓNG QUÂN ĐÃ HẠNH PHÚC & ĐAU BUỒN THỜI 1984
TRÊN MẶT ĐẬP CHÍNH PHÚ NINH, CHÚNG TÔI ĐÃ NẮNG MƯA TUỔI TRẺ

CẦU MÁNG PHÚ NINH, MỘT NỖI BUỒN MUÔN THUỞ

HỒ PHÚ NINH NHÌN TỪ ĐẬP TRÀN


VÀI HÌNH ẢNH ĐỂ TƯỞNG NHỚ QUÁN RƯỜNG THI SỸ NGUYỄN LƯƠNG NHỰT

nhà riêng của QUÁN RƯỜNG THI SỸ

Nhà thơ KHÁNH TÂN TRÍ THU bên QRTS NGUYỄN LƯƠNG NHỰT

NHỮNG NGÀY TRÊN GIƯỜNG BỆNH của QRTS NGUYỄN LƯƠNG NHỰT