Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Bạn tôi “làm thơ”

Bạn tôi “làm thơ”
                                                                                                             Tạp bút
     Cũng nhờ ham mê thơ phú mà tôi có cơ may quen biết với hầu hết anh chị em làm thơ, viết văn xứ Quảng. Từ những tên tuổi tài hoa như Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế,  Nguyễn Tấn Sỹ, Trương Vũ Thiên An, Nguyễn Tấn Cả, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Hải Triều v.v…Đến những thân thi hữu sinh hoạt trong các CLB thơ trên khắp tỉnh nhà. Qua đó, tôi dần dà rút tỉa, học hỏi được nhiều điều thật sự hữu ích cho trang viết của mình. Từ đọc những trang thơ bè bạn, đến những lần đàn đúm bên chén trà cuộc rượu mạn đàm thơ phú. Tâm sự, chuyện trò đổi trao thậm chí tranh cãi gay gắt về những vấn đề liên quan đến thơ hôm nay.
     Đành như thiên hạ vẫn rằng:”Văn mình vợ người” không ai “dạy” cho ai làm thơ viết văn cả. Thế nhưng người làm thơ viết văn hôm nay, theo tôi thì phải học hỏi cả đời! tưởng như học cả đến lúc buông một tiếng “Được” nhẹ nhõm của cụ Tố Như.

     Mỗi người làm thơ, ngoài sở trường sở đoản, sự quan tâm về đề tài, vùng miền quen thuộc để hướng tới sự khai phá, đến phương cách thể hiện, biểu đạt nhằm hình thành nên bút pháp, phong cách và cá tính sáng tạo riêng biệt. Đã phải dò dẫm hao tâm tổn lực rất nhiều. Thức đêm sâu mắt, trăn trở bạc đầu cũng chỉ mong điều mình viết ra nên hình nên dạng.
     Trong số những tác giả đã khẳng định được tên tuổi vị trí của mình giữa chiếu thơ hôm nay, có thể nói rằng chính thái độ trách nhiệm của mỗi người trước trang viết mới góp phần làm nên thành công ấy.
     Đọc Phùng Tấn Đông, không thể không thống khoái ở mỗi bài thơ anh viết ra. Ngoài tài hoa vốn có, anh còn là người thuộc dạng cực kỳ khó tính với chính mình, anh đòi hỏi cao ở mỗi điều anh viết, mỗi trở trăn náo động tâm can và dằng xé tri thức. Chẳng lạ, khi vài ba năm hoặc lâu hơn nữa mới thấy xuất hiện một thi phẩm trình làng của tác giả này…Đó là cái giá rất xứng đáng để đánh đổi. Gần Phùng Tấn Đông nhất có thể kể đến Đỗ Thượng Thế. Thơ Thế thuộc dạng “khó đọc nhưng dễ cảm”. Bắt nguồn từ những đề tài gần gũi quen thuộc, Thế viết về con trâu, cái cày, về tuổi thơ lam lũ ở quê nghèo, về gia đình bản quán và những ưu tư của cuộc sống hôm nay. Vẫn những vấn đề mà người làm thơ nào cũng quan tâm, đào xới , nhưng với Đỗ Thượng Thế thì khác. Luôn tìm tòi, làm mới, lạ hóa, nói chung là ”Viết như thế nào” mới là điều anh bận lòng nhất. Cách làm thơ của Thế có một không hai, phải nói là “Kỳ khu”. Anh vật ngữa lật nghiêng từng con chữ, cầm lên đặt xuống chán chê mê mỏi vẫn chưa chịu gật gù, khó có ai “làm theo” anh được. Trước một tứ thơ hình thành, Thế dọn mình thanh thản và bắt đầu viết khi đêm đã rất khuya. Có khi trình bày bằng thể lục bát nhuần nhuyễn quen thuộc. Sau nhiều lần sửa chữa biên tập hoàn chỉnh, anh “xếp” bài thơ lại, để đó. Hôm sau, anh “tháo” bài thơ đã “hoàn thành” ấy ra và “làm lại” bằng thể 5,6 hoặc 7,8 chữ. Kỳ cho thật tròn trịa tưởng có thể gửi ngay đến tòa soạn. Nhưng không! Anh tiếp tục “xếp” lại và chờ…Hôm khác, anh lại tháo tiếp bài thơ “thứ hai” ra và tiếp tục “làm lại” bằng một thể thơ phóng túng bất kể câu chữ vần điệu. Chỉ duy nhất chuyên tâm vào giữ mỗi cái tứ thơ ban đầu. Lúc này, anh đem các “bản thảo bài thơ kia” ra đặt chúng cạnh nhau, săm soi cân nhắc và chọn một bản thật sự ưng ý, thật sự trọn vẹn, chỉ đến lúc ấy Đỗ Thượng Thế mới bằng lòng về tác phẩm của mình. Chơi thân với anh, tôi học tập được rất nhiều điều, từ cách lập tứ, chọn chữ, làm câu cho đến bố cục một bài viết, và quan trọng nhất là tôi học ở Thế thái độ đối với thơ, trách nhiệm trước trang viết của mình. Có lần anh góp ý với tôi về thơ bằng một câu chuyện đi ăn đám giỗ dẫn theo thằng cháu nhỏ, đứa trẻ ngồi vào mâm thì không tiện vì nó quậy phá thực khách, vung vẫy đũa muỗng lung tung, mà để nó quẩn chân sau lưng cũng phiền, trong khi nó cũng chẳng “ăn uống” bao nhiêu. Liên hệ vào thơ, là những từ những câu chữ “ăn theo”, “dẫn theo” dư ý thừa lời rậm đám không cần thiết. Sau này nhà thơ Phùng Tấn Đông cũng góp ý cho tôi đại khái như vậy. Phải nói, Đỗ Thượng Thế “vật lộn” thậm chí “đánh lộn” với chữ nghĩa từng đêm, từng đêm khuya khoắt để có được từng bài thơ trình làng tươi ròng sức sống. Một cách làm việc đáng trân trọng.
     Một nhà thơ cũng của Điện Bàn trước đây được anh em gọi vui là “Phù thủy chữ”. Nguyễn Hàn Chung. Với anh, cách làm thơ lại rất “tốn kém”. Anh luôn mua trữ sẵn trong nhà hàng chồng giấy kẽ ngang. Cứ mỗi bài thơ anh làm, anh nắn nót sao chép thật sạch đẹp từ tờ đầu tiên đến những tờ kế tiếp. Mỗi lần sao chép như vậy lại nảy ra được một ý hay, một chữ đắc, thậm chí một dấu chấm câu…Cứ vậy, bài thơ chỉ được anh chấp thuận khi đã sao chép bằng hết tập giấy kẽ ngang kia. Mỗi bài thơ một tập. Tính ra mỗi năm Nguyễn Hàn Chung phải bỏ tiền túi đế mua hàng tạ giấy để làm thơ…!
     Trường hợp tác giả của bài thơ “Bóng làng” nổi tiếng ở Đại Lộc lại rất mực nhàn du tiêu sái. Anh kể, và anh em cũng đã xác nhận. Thói quen làm thơ của anh ai nghe cũng phát thèm nhưng khó có điều kiện học tập. Cứ mỗi lần xuất hiện một tứ thơ mới. Anh pha một ấm trà ngon bày biện án thư ra góc hiên nhà, chậm rải thưởng một ngụm trà rồi bắt đầu viết. Được vài câu, anh dừng lại suy nghĩ. Đứng dậy vác cuốc ra vườn dẫy cỏ vun gốc những cây trái quanh vườn, vừa cuốc vừa “tư duy” thơ, được câu nào chữ nào đắc ý, anh dựng cuốc chạy vào bàn ngồi viết tiếp, cứ thế chẳng kể thời gian trôi qua trưa sớm thế nào, đến khi bài thơ hoàn thành mới thôi. Đó là cách làm thơ của nhà thơ Ngô Hà Phương vậy.
      Mấy năm sau này, cứ mỗi lần nhận được điện thoại của nhà thơ Lê Trường Long quê Tiên Phước mời uống cà phê, là biết ngay anh có bài thơ mới. Vốn tính khiêm tốn, chịu khó lắng nghe, Long đưa bài thơ của mình nhờ bạn bè đọc hộ và săm soi giúp, nhằm tìm ra được những chỗ thô vụng, góp ý cho anh sửa chữa. Long luôn vui vẻ trước những điều khen tiếng chê của anh em, nhờ vậy không khí thâm giao rất nồng đượm. Tạo ra nguồn hưng phấn động viên nhau sáng tác.
      Bên cạnh những đặc điểm hết sức riêng tư của công việc sáng tạo. góp ý phê bình, trao đổi kinh nghiệm là điều cực kỳ cần thiết đối với Văn nghệ sỹ, nhất là với người làm thơ. Tuy nhiên cũng đã từng có những chuyện cười ra nước mắt. Đó là một số ít anh em làm thơ cứ “khư khư” “văn mình” nên cũng đã có chuyện không vừa lòng nhau qua những góp ý phê bình. Âu đó đành phó cho nguyên do “Nhân sinh quý thích chí” chứ biết sao đươc!

     Điều cuối cùng nên lưu tâm là để có được một tác phẩm thơ nhận được sẻ chia của mọi người, an ủi được chút ít buồn vui nhân thế. Người làm thơ hôm nay không thể cứ mãi cái cách “Được chăng hay chớ”, tự thỏa mãn, đong lúa non, đưa ra những bài viết chưa thật sự “Nên hình” rồi xúm xít khen ngợi lung tung thiếu trung thực, giả mù sa mưa đẩy cây nhau đến chỗ “cùng chìm”. Ông bà ta có câu: “ Người khôn của khó” vận dụng vào thơ hôm nay rất thời sự. Bởi những “vùng miền thi ca trù phú”, những đề tài quen thuộc, ngay cả phương cách làm thơ, các trường phái, trào lưu v.v… đều đã được những thế hệ trước ta cày xới quá nhiều rồi. Hôm nay, người làm thơ khi bổ nhát cuốc vào đâu với hy vọng “tìm tòi” cũng đều bắt gặp những áng sử thi huy hoàng đã làm nên một nền thi ca rực rỡ. Nên chi, để có được vài câu gọi là thơ bây giờ mà nhâm nhi với nhau bên chén trà cuộc rượu trước buổi đông tàn xuân đến tưởng chẳng dễ dàng gì nếu thiếu đi cái tâm thế nghiêm cẩn và sự nỗ lực không ngừng nhằm tìm ra được sự riêng biệt ở mỗi tác giả.

                                                                                                Tam Kỳ Mùa đông 2014
                                                                                                 Nguyễn Đức Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét