Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Khúc tráng ca đại ngàn

Khúc tráng ca đại ngàn
                                                                                     
                                                                                           Ghi chép

I - Khác biệt Thừa Thiên – Huế:

     Để thực hiện trọn vẹn một khớp nối tròm trèm ngàn cây số trên tuyến đường quyến rũ qua 4 tỉnh miền Trung: Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Chúng tôi, những người bạn thơ phú vần vè phải hò hẹn mãi. Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ mùa hè năm 2012. Chúng tôi tự hình thành nhóm bạn “Khám phá những cung đường Trường Sơn”.

     Nói cho oai vậy thôi chứ có gì mà “khám” với “phá”! Mọi thứ đã bày biện sờ sờ ra đấy mời gọi những đôi mắt ngắm nhìn, những tấm lòng đắm đuối quê hương đất nước. Và chúng tôi đi. Và chúng tôi say yêu không gian rợn ngợp mở ra trước tầm nhìn vốn hạn hẹp phố xá của mình. Trước những trì níu cơm áo và công việc quanh nằm bù đầu tối mặt. 6 người bạn với 5 chiếc xe máy thuộc loại ”bình dân”. Thì cũng muôn dặm đường trường chớ phải chơi đâu. Tuy thế nhưng khi vừa bám vào địa phận A ting, một xã vùng cao trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại này của huyện Đông Giang. Chúng tôi gặp ngay một đoàn “Phượt” đẳng cấp. Loại “xịn” đúng nghĩa. Những chiếc mô tô kềnh càng sáng bóng ngược chiều. Họ nhìn mấy con “bạn đường” còm cõi của chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên và không kém phần thương hại. Thấy mà tội cho anh em văn nghệ nhà mình, 5 chiếc xe máy thì đã hết bốn con “ngẽo - sí cần hen” rồi! Rứa mà đi Trường Sơn!? Rứa mà cũng bày đặt đòi “phá - khám”!
     Thây kệ “miệng thế gian”. Bởi chưng điều thú vị đã hiện ngay trước mắt. Suốt hành trình chúng tôi từng vượt qua trong những lần vi vu. Có đến tận nơi có sờ tận mặt. Cầm nắm trong tay mình những đặc thù bản địa, những thuộc tính riêng biệt của từng xứ sở trên Tổ quốc này mình mới thực chứng rằng niềm tự hào kia là hoàn toàn đúng nghĩa, chẳng cần phải thêm thắt thêu dệt hay mơ hồ những giá trị ảo tưởng tồn nghi. Quê hương ta. Đất nước ta “chính xác” gấm vóc. “Chính xác” bề thế để từng con dân Đại Việt này ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế mà nâng niu gìn giữ, mà “khoe” ra với thế gian rằng: “Hãy đến với chúng tôi bằng tình bạn và sự thân thiện…”.
     Có lẽ hệ thống núi non trên Trường Sơn thuộc địa phận của Thừa Thiên – Huế là một khác biệt rõ nét nhất về địa hình địa vực, về cấu tạo địa chất. Bằng chứng là những bánh xe chúng tôi cứ nuốt say sưa quãng đường mê ly này trên gần hàng trăm cây số mặt đường toàn bằng chất liệu Bê tông. Đụng đến “nghề” của riêng mình, tôi tin rằng chính mình chứ không ai khác trong nhóm phát hiện ra điều thú vị ấy. Chỉ người thợ Cầu đường chúng tôi (Trừ những nhà khoa học chuyên môn) mới biết rằng, sở dĩ người ta chi thi công mặt đường “Bê tông tươi”. Tức là thi công xây dựng bằng vật liệu các loại đá và chủ yếu kết dính bằng cement trên nền đường có mạch nước ngầm. Không như loại Bê tông thảm nhựa ASPHANT mà vật liệu kết dính là nhựa đường, còn gọi “Hắc ín”. Cũng vì điều này mà có lần Nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ đã giới thiệu trong đêm thơ rằng tôi là “Nhà thơ Hắc ín”!!!. Nói lên điều này để hiểu thêm rằng, sở dĩ suốt mấy tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi, thì riêng khu vực hạ du của Thừa Thiên – Huế là ít xảy ra tình trạng khô hạn trong mùa hè, trừ vùng cát. Đó là lý do tại sao dòng sông Hương luôn xanh trong suốt mùa khô. Thừa Thiên – Huế được ân sũng đất trời thừa hưởng nhiều sông suối và luôn ổn định mực nước, tạo ra được nhiều đầm phá…Song thượng đế cũng chẳng cho không ai điều gì, Người cũng lại “đòi nợ “ hằng năm vùng đất thần kinh này bằng nhiều lũ lụt gây ra bao thiệt hại tang tóc cho dân lành vô tội. Âu đó là cái giá của luật bù trừ, biết vậy. Ta phải chung sống với những gì ta có mà nỗ lực hơn để cân bằng những khiếm khuyết hạn chế của mảnh đất đã sinh ta ra. Tôi tin thế nên người dân Huế nói chung luôn di dưỡng lòng mình sự kính tín và mực thước. Chỉ riêng chuyện này đã làm tôi sướng rơn khi “Đi một ngày đàng…”. À, thì ra vậy!
     Còn một khác biệt nữa ở vùng đất này. Đúng là ám ảnh. Thì các anh các chị cứ hình dung đi. Gần trăm cây số đường đèo dốc quanh co hiểm trở, chẳng có lấy một đoạn đường thẳng đúng nghĩa dài chừng trăm mét tới. Mắt cứ chăm chăm và tay lái luôn sẵn sàng để ôm theo những vòng cua dốc, hết khúc này nối ngay khúc khác, chẳng hề dám một phút lơi lỏng đề phòng, tầm nhìn luôn giới hạn trong khoảng năm mươi mét thôi thì ai dám to gan liếc dọc liếc ngang. Có mà mang họa! Những vòng cua ngặt nghèo cứ rủ rê dụ hoặc thế, tay ga xe say sưa uốn lượn mê mải. Hai bên đường những bờ dốc cao vút lên tận mây xanh. Những vực thẳm thâm u rợn người luôn rình rập, hù dọa khách đi đường. Cơ man là cây rừng với những dáng hình kỳ thú. Miên man một màu xanh trùng trùng đất trời và cơ hồ mây, mây như những suối tóc huyền hoặc, như những thác nước kéo dài bất tận và trùm phủ núi non, đổ tràn vào cây rừng đá núi. Chúng tôi chạy xe trong mây, chạy xe trong gió bạt ngàn, chạy trong từng cơn mưa rừng vào mùa đã chín nẫu. Từng mảng mây xám nặng đè trên cao kia, vậy mà cứ tưởng như trời và đất đã cận kề nhau, đã đan quyện vào nhau du dẫn những tâm hồn người tan hòa vào thiên nhiên hùng tráng kỳ vỹ và thơ mộng. Chưa hết. Một lạ lùng khác nữa chỉ riêng có ở đây. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì toàn bộ những cây cầu bắt qua sông suối trên vùng đất này đều có chung một hình dạng, một tầm vóc và tư thế cũng như tên gọi. Tất cả đều cao so với đáy sông đáy suối. Tất cả đều được xây dựng cong vòng ôm theo cung đường mà trời đất đã định vị, và cuối cùng, hầu như cùng một cái tên: “ Cầu Cạn”! Đẹp. Mê tơi! Quyến rũ như những eo thon phụ nữ, đủ cỡ tuổi, thơ ngây có, mơ mộng có, điệu đàng có mà mặn mòi rủ rê cũng có… Tha hồ cho trí tưởng tượng bừng nở thăng hoa, tha hồ cho lòng tơ vương mơ mòng. Một ám ảnh siêu phàm đối với người cả đời chỉ chăm chăm yêu lấy những nhịp cầu trên dặm dài quê hương đất nước như tôi. Chả thế mà suốt những tháng năm đeo đuổi cái nghề Cầu đường bụi bặm của mình, tôi cứ “xung phong” nhận vị trí tổ trưởng thi công. Được chính bàn tay mình cầm bay cầm thước, bưng đá trộn hồ, để xây nên hằng trăm chiếc cầu trên dọc đường xứ Quảng dấu yêu. Xây nên những kết nối dở dang mà quê hương đã vốn sở hữu lắm sông nhiều suối, xây nên những hẹn hò tình tự. Kể cũng oai, cũng đáng một đời người…

     Chạng vạng trời chúng tôi đặt chân đến thị trấn của huyện A Lưới. Con đường xương sống Trường Sơn chạy dọc theo một dãy phố làng. Đây cũng là điều làm nên khác biệt. So với các thị trấn cấp huyện vùng cao ở Quảng Nam và Kon Tum. Thị trấn A Lưới quy hoạch thoáng rộng những vườn nhà, sum suê cây trái. “Nét phố” náo động sầm uất không hiện diện ở đây. Có lẽ cái ”Nết Huế” ở thành phố dưới hạ du ảnh hưởng chăng? Hay tâm hồn người dân Huế dù dưới xuôi hay trên vùng cao đều chung một tính cánh thâm trầm, dịu dàng và kín đáo. Làm nên sự thơ mộng của đất và người mà văn chương cả nước luôn hướng về, luôn tưởng nghĩ. Huế mộng Huế mơ…
     Điều cuối cùng ấn tượng vùng miền là nguyên một đêm trong nhà nghỉ ấm cúng sạch sẽ. Sau cả ngày chạy xe dang nắng dầm mưa căng thẳng, mệt bở người, những tưởng chúng tôi sẽ say giấc. Nhưng không. Vừa thiu người chợp mắt thì cái đà lao vun vút của ghi đông xe máy cứ cuốn tôi đi, cứ hút theo con dốc uốn lượn và những vòng cua ngặt nghèo chực làm cho chiếc xe trượt ngã xoài theo đà lao tới, cả thân người tôi tự nhiên nghiêng theo, một phản xạ ảo tồn sinh. Tôi va vào thanh lan can bảo vệ bên đường, cả người và xe văng ra khỏi ta luy, lao xuống vực thẳm hun hút, hun hút…

                                                                                     (Còn tiếp)

                                                                                 Tam Kỳ 30/7/2014
                                                                                Nguyễn Đức Dũng


     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét