Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nơi của tấm lòng
Ghi chép

Xin được gọi Trung Tâm Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Sơ Sinh Quảng Nam trực thuộc sở LĐTB và XH địa chỉ xã Tam Đàn huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam, số điện thoại liên lạc 05103847021 và số máy Giám đốc trung tâm, chị Võ Thị Hồng Hạnh 0905.322729 bằng cái tên như vậy
Phải, chỉ bằng cách gọi gần gũi yêu thương chân thành nhất tự thẳm sâu mỗi cảm xúc con người mới mong xóa bỏ, đẩy đuổi đi cái ám ảnh đáng sợ, cứ đeo đẳng bám víu vào từng thớ não nghĩ suy của chúng ta khi đặt chân đến đây về số phận những con người. Nơi mà những đứa trẻ thiệt thòi nhất trong những số phận bị thiệt thòi trên cõi đời này, những cảnh ngộ thương tâm nhất trong những cảnh ngộ thương tâm, đa số các cháu bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai, có cháu hoàn cảnh nghiệt ngã bởi sinh ra từ người mẹ tâm thần, không kiểm soát được hành vi của mình, có cháu ra đời trong gia đình quá sa cơ lỡ vận, nghèo khổ cùng kiệt không đảm bảo nuôi dưỡng nổi, và đáng thương nhất là trường hợp 14 cháu sơ sinh bị bỏ rơi, hắt hủi, quy tụ về đây từ những đêm mưa gió, kêu khóc bên vệ đường, hiên nhà, góc chợ… những thiên thần nhỏ bé bị chính kẻ đã tạo ra hình hài của mình ngược đãi, biến máu thịt kia cũng có ông bà cha mẹ bỗng chốc trở thành trẻ vô thừa nhận.
Theo lời chị Hạnh, trung tâm được thành lập năm 2001 với 4 CBNV ban đầu, nhận chăm sóc nuôi dưỡng 28 cháu sơ sinh mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, với khả năng lúc bấy giờ, trung tâm chỉ nuôi dưỡng đến 6 tuổi, số trẻ này sau chuyển về cơ sở ở Hội An để có điều kiện nuôi dạy phù hợp hơn. Hiện nay, sau 13 năm hoạt động. Trung tâm đã được tỉnh và các tổ chức thiện nguyện đóng góp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tuy còn khiêm tốn nhưng đã khang trang sạch đẹp hơn nhiều.Với 27 CBNV biên chế lẩn hợp đồng thời vụ. Hiện nay trung tâm đang nuôi dạy tổng cộng 75 cháu với nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau, trong đó có 45 cháu đang được cho đi học cấp I và II. Ngồi trò chuyện với chị Hạnh trong văn phòng, thấy các cô bảo mẫu đón các cháu sau buổi học ở trường như bầy chim về tổ, các cháu vào chào mẹ và khách ríu rít trông thật dễ thương. Thăm khu trẻ sơ sinh chúng tôi không thể cầm lòng. Tại đây đang chăm sóc 13 cháu từ mấy ngày tuổi trở lên, các cháu được chăm nuôi rất tươm tất sạch sẽ, nhìn những khuôn mặt khôi ngô sáng láng kia ai có thể nghĩ được rằng đây là những núm ruột bị ruồng bỏ. Đặt biệt thương tâm là trường hợp 7 cháu ở phòng trẻ khuyết tật bẩm sinh, tuy xếp chung vào lớp sơ sinh nhưng các cháu Nguyễn Sơn và Trần Thúy Duyên đều đã 6 tuổi, cả hai cháu bị bệnh bại não, tồn tại trên nhân thế này chỉ bằng hơi thở và đời sống thực vật. Cháu Phạm Thị Tố Trinh đã 7 tuổi rồi mà đôi mắt cứ mở lớn ngơ ngác thất thần nhìn mọi người như nhìn vào cõi vô tận nào đó, thỉnh thoảng kêu lên những âm thanh xa lạ khó nhận biết là cháu muốn nói điều gì, chỉ nghe hình như một tiếng “ăn”. Vừa bị bại não lại thêm bệnh động kinh, mỗi lần lên cơn cháu cứ cắn xé đến chảy máu mấy ngón tay xanh xao gầy guộc của mình nên các bảo mẫu phải luôn dùng một chiếc khăn lông cột chặt lấy bàn tay cháu lại. Nhìn bảy thân hình quặt quẹo bé bỏng hằng ngày hằng giờ chịu đựng những cơn đau đớn lịm người không ai cầm được nước mắt, thì cũng là thân phận con người như chúng ta, như con cháu chúng ta ở nhà kia sao nơi đây lại nghiệt ngã đến vậy. Vừa đưa tay vuốt ve cháu Trần Thị Sen 11 tháng tuổi bị mù từ trong lòng mẹ, Tôi ngỡ ngàng khi cháu vồ ngay lấy tôi như tìm một bấu víu, đôi bàn tay nhỏ xíu cứ vỗ cứ xoa vào cổ vào vai tôi hòng tìm một chỗ dựa tin cậy. Hóa ra sự thiệt thòi của trẻ em nơi đây là không thể bù đắp nổi. Các cháu thèm bàn tay ẵm bồng, thèm mùi sữa ngọt ngào của mẹ, thèm hơi ấm người thân. Đọc bản danh sách ghi họ tên và sinh nhật của trẻ dán ngay ngắn trên tường, tôi nghĩ có lẽ nhiều trường hợp chỉ phỏng đoán chớ chắc gì biết chính xác ngày sinh. Ai ngờ rằng dán kia chỉ để mà dán lên thôi, như một thông tin mong chờ vào những tấm lòng trắc ẩn của khách đến thăm, như một kế hoạch treo đầy may rủi chớ làm gì tổ chức được lễ mừng như hôm nay vẫn thường tiệc tùng rình rang ở mỗi gia đình. Làm gì có chuyện đầy tháng, thôi nôi như mọi người con dân Việt theo truyền thống ông cha để lại từ ngàn đời nay!!! Câu trả lời buồn buồn của cô bảo mẫu như chuyện của mình khi nghe tôi hỏi. Có lẽ CBNV trung tâm gắn bó lâu ngày với các cháu ở đây nên tình cảm Mẹ - Con đã trở thành một phần máu thịt của cuộc đời mình. Nói yêu trẻ là nói theo ngôn ngữ mang tính trừu tượng, giáo khoa, nghề nghiệp, mà phải nói là thương trẻ như con cháu mình ở nhà theo kiểu nói của người Quảng Nam ta thì mới thiệt lòng, trẻ ở đây gọi tất cả CBNV nữ đều là Mẹ, âu cũng là một bù trừ cho sự thiếu thốn tình mẫu tử thiêng liêng mà các cháu bị tước đoạt bởi nhiều lý do hay hoàn cảnh khác nhau. Làm việc ở trung tâm này, các bảo mẫu thật sự là những con người bình dị lặng thầm mà không hề thiếu sự cao quý, không sẵn một tấm lòng như Mẹ với Con thì không thể nào “trụ” lại một nơi mà áp lực công việc luôn thường trực, thêm nữa là nỗi lo lắng bất an khi Con thay phiên đau ốm nên Mẹ nào cũng mang chứng hồi hộp, mệt tim sau một thời gian gắn bó. Vậy mà trong suốt mấy lần thăm, tôi chưa hề nghe các Mẹ ở đây than thở về bản thân mình, mọi nghĩ suy đều dồn hết cho con thật cảm kích xiết bao.
Hay tin có nhóm bạn Văn nghệ ở thành phố Tam Kỳ đến thăm, CBNV đã sắp xếp tổ chức cho các cháu tập trung đông đủ để chào đón, nhằm ngày thứ bảy nên chỉ vài cháu đi học, số trẻ ở nhà đông vui múa hát ríu rít quây quần bên các mẹ và các cô chú làm cho chúng tôi cảm thấy như được hòa đồng vào không gian đầy thương yêu kia, hòa đồng mà không giấu được tiếng thở dài. Chúng tôi, những con người đã trưởng thành, đã kinh qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, đã chứng kiến, sẻ chia biết bao nhiêu nỗi đời nghịch cảnh, những tưởng có thể dạn dày, vậy mà đây đó từng đôi mắt vẫn lưng tròng, xa xót cho những mảnh đời thơ trẻ kia sao sớm gánh giông gió nhân gian, nhận chịu thua thiệt đầy oan ức và bi phẩn. Sự chia sẻ bình thường và ít ỏi của chúng tôi bằng những phần quà tấm bánh đơn sơ vậy mà các cháu đón nhận một cách hào hứng ngon lành, ai nấy đều có chung một nghĩ suy rằng cứ tiếc, cứ giận mình chẳng thể làm nhiều hơn được nữa để các cháu được vui hơn, ngon hơn… Từ buổi thăm này, tôi thầm cảm ơn tấm lòng của một nhà giáo đáng kính, đã tiện tặn chi tiêu từ đồng lương hưu trí khiêm tốn của mình, gởi nhờ chúng tôi chuyển đến tặng các cháu số tiền hai triệu đồng, sắp tới nhà giáo tốt bụng ấy sẽ tiếp tục gởi tặng mỗi tháng một triệu đồng cho đến khi nào còn có thể kham được nữa. Viết những dòng này, tôi thật sự gởi đến Thầy lòng biết ơn khi hay tin đã tự nguyện ủng hộ ý tưởng bất chợt nhỏ nhoi của chúng tôi, gởi tặng quà mà không một yêu cầu, điều kiện nào kèm theo, đây đúng là một nghĩa cữ khi hôm nay sự vô cảm đã lan rộng thấm sâu vào rất nhiều ngõ ngách tâm hồn người, cầu mong cho Thầy được dồi dào sức khỏe, an lạc để tình thương kia của Thầy được bền bĩ với các cháu, tôi cũng xin chân thành cảm ơn những bạn bè tôi đã mau mắn ủng hộ và động viên, đã cùng đến thăm và chia sẻ với các cháu bé đáng thương, qua đó chúng ta được an ủi, được tin rằng dẫu cuộc đời có thay đổi mọi giá trị đến như thế nào đi nữa thì tình người vẫn là cái cuối cùng còn lại. Ước sao ngày càng nhiều thêm những tấm lòng quý báu để các cháu đỡ phần hiu quạnh về thân phận tội nghiệp của mình.
Chợt có một ý tưởng xin được bày tỏ với anh chị em hoạt động VHNT ở quê nhà. Nên chăng, trong những chuyến đi thực tế sáng tác, ngoài các điểm đến đã trở thành kế hoạch truyền thống, cũng phải lưu tâm đến những cơ sở xã hội, những trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhà tình thương, những mái ấm, trại tâm thần, nhà dưỡng lão hoặc các địa chỉ neo đơn không nơi nương tựa v.v…Chí ít, một thoáng chốc nào đó năm bảy anh em bè bạn rủ nhau làm một chuyến thăm tâm tình, trò chuyện. Trộm nghĩ, chính những nơi chốn ấy mới cần lắm từng tấm lòng, từng nghĩa cử cụ thể mà thật sự yêu thương đùm bọc, từng sự sẻ chia quý giá từ vật chất đến tinh thần tuy đơn sơ mà ấm nóng tình người, để ở cuộc đời này, họ, những phận số không may được bạn bầu an ủi. Tặng một vòng tay ta nhận lại lòng tin cậy, tặng một nụ cười ta nhận được niềm trìu mến. Mà chúng ta, những con người vốn giàu có mỗi tấm lòng, tấm lòng biết yêu thương bao dung và chia sẻ, cặm cụi tự nguyện đem hết tâm lực mình vào từng sáng tác, vào mỗi trang viết, suy cho cùng cũng chỉ khát khao ước muốn vươn đến một cuộc sống bớt đi điều xấu ác, thêm sự tốt đẹp yêu thương như ai kia đã từng cầu nguyện “ Tạ ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương…”*

Tam Kỳ 14/10/2012
Nguyễn Đức Dũng



* Wake at dawn with winged heart and thanks for another day of loving.
KAHLIL GIBRAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét