Hội VH-NT tỉnh vừa tổ chức tọa đàm giới thiệu ba tập thơ mới ra mắt bạn đọc trong thời gian gần đây. Ba tập thơ thể hiện ba phong cách khác nhau của các tác giả xứ Quảng.
Thảo Nguyên “tàng ẩn nội lực”
Thảo Nguyên đánh dấu sự trở lại với một “Miền lá trở” đậm đà tình yêu quê hương. Thấp thoáng trong thơ anh là những địa danh Hội An, Mỹ Sơn, Phước Kiều, Vĩnh Điện. Nhà thơ Phùng Tấn Đông nhận định: “Thơ Thảo Nguyên là những câu thơ say đắm tàng ẩn nội lực”. Còn nhà thơ Nguyễn Hàn Chung trong lời tựa tập thơ “Miền lá trở” lại cho rằng “anh đã phát lộ một con đường thơ có giọng”.
Dù đã ở vào tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” nhưng Thảo Nguyên đã cho ra đời một tập thơ có sự bứt phá mới, sự trẻ trung vẫn hiện hữu với những nỗ lực đáng ghi nhận. Sức mạnh từ tình yêu quê hương vẫn luôn tiềm ẩn trong anh, khi trỗi dậy thành những áng thơ tình tứ, lay động. Nội lực trong thơ anh dù có chút chông chênh nhưng đủ độ chín khi thể hiện những hình ảnh rất thơ của quê hương như “phù sa”, “bóng cò”, “cánh buồm”, “câu hò”, “hương bồ kết”, “hương bã trầu”… Đọc thơ Thảo Nguyên để nghe “Những giọt phố va vào đêm/ Giọt giọt lặng thầm/ Sông Hoài thao thức xa xưa” (Phím tơ phố cổ), hay để thấy “Hương bồ kết giục bình minh qua bãi/ Hương bã trầu đánh thức những chiều hôm/ Chút khói nẫu lòng quê kiểng/ Chút mênh mang sâu nặng tâm hồn” (Với sông).
Phương ngữ định vị Nguyễn Đức Dũng
“Nóng” nhất trong buổi tọa đàm chính là phương ngữ trong thơ Nguyễn Đức Dũng. Người yêu thơ biết đến Nguyễn Đức Dũng qua những ngôn từ mộc mạc, nhiều khi giản dị đến quê kệch. Anh Ngô Phú Thiện cho rằng tập thơ “Áo giấy cho sông” của Nguyễn Đức Dũng đã “đứng” được trong lòng bạn đọc chính là nhờ có chất thơ quê kiểng, hồn hậu, rất Quảng Nam. Thơ anh không chỉ có phương ngữ đặc sệt chất Quảng mà còn có những hình ảnh, những cách nói dân gian được anh đưa vào thơ, nói lên điều mình trân trọng. Cái duyên của anh chính là đã đưa được phương ngữ và thơ, làm cho phương ngữ có chất thơ. Những kiểu ngôn từ như “nhớ cong đòn gánh”, “sử dại”, “ngỗ ngáo”, “quày quả”, ”cữ rày”, “ưng dốc ngược”, “ngố đân, ngố điếc”, “lặm thân”… cứ thế đi vào thơ, quê kiểng nhưng bỗng chốc trở nên sang trọng. Cả tập thơ chưa đầy 100 trang nhưng chứa đầy những ngôn từ kiểu như thế, để khi đọc lên, Nguyễn Đức Dũng được định vị bởi phương ngữ xứ Quảng.
Nhưng, phương ngữ cũng là rào cản cho thơ Nguyễn Đức Dũng, như nhận xét của Phùng Tấn Đông. Đọc cả tập “Áo giấy cho sông”, người đọc nếu không phải là người Quảng Nam có thể sẽ bị ngộp vì cả trời phương ngữ, khó hiểu và khó cảm. Anh Ngô Phú Thiện ủng hộ lối đi riêng của Nguyễn Đức Dũng, nhưng cũng băn khoăn chính phương ngữ được dùng nhiều lại làm mất đi cái thần, cái hồn của tập “Áo giấy cho sông”. Nhà thơ Trương Vũ Thiên An có lý khi cho rằng: “Nếu gỡ cho được vấn đề phương ngữ trong thơ Nguyễn Đức Dũng thì liệu tập thơ tiếp theo Nguyễn Đức Dũng có còn là Nguyễn Đức Dũng hay không?”.
Quan cảnh buổi tọa đàm.
Với tác giả Nguyễn Đức Dũng, có lẽ Nguyễn Mậu Hùng Kiệt đã thật tinh tế khi nhận ra “Áo giấy cho sông” là một tập hợp được chọn lựa khá kỹ lưỡng, cẩn trọng, thành kính, thiêng liêng chẳng khác nào người ta bày biện một mâm lễ cúng, bởi dẫu sống ngay trên mảnh đất quê nhà, Nguyễn Đức Dũng vẫn làm “một kẻ tha hương bất đắc dĩ”.
Đỗ Thượng Thế - một giọng thơ lạ
Là một nhà thơ trẻ, nhưng Đỗ Thượng Thế đã gây nên chút “hoang mang” trên diễn đàn thơ ca với sự xuất hiện của tập thơ “Trích tôi”. Hoang mang để rồi chợt mừng rỡ về một sự phá cách, mở lối đi mới cho thơ ca đất Quảng của các nhà thơ trẻ. Tập thơ đầu tay của Đỗ Thượng Thế đã không bị “vần nhịp lừa mị làm hỏng ý thơ” như lo lắng của anh. Anh đã chạm tay được vào những nguồn mạch của thi ca đương đại xứ Quảng, mượn một hình thức mới chuyển tải nội dung mới của thơ, hướng đến những hình thức thơ mới. Giọng thơ mới và lạ Đỗ Thượng Thế là một sự sáng tạo độc lập của riêng tác giả. Trong “Trích tôi”, độc giả bắt gặp một Đỗ Thượng Thế có sự giao thoa văn hóa trong vùng tam giác Hội An - Điện Bàn -Đại Lộc với những hình ảnh cực kỳ sinh động, ngôn ngữ vô cùng ám ảnh. Nguyễn Chiến nhận xét: “Gió trong thơ anh là gió không mùa, mưa là mưa Trịnh, mây huyền thoại, trăng héo trong tranh, bươm bướm chuồn chuồn la đà cổ tích, lũ chỉ là biến tấu lũ. Nhiều câu thơ của anh không phải dễ hiểu. Đọc thấy hay, thấy choi chói nỗi niềm nhưng thấu nghĩa thật khó”.
Với “Trích tôi”, Đỗ Thượng Thế đã khám phá đến tận cùng mọi ngõ ngách của chính mình, của cuộc đời và trích ra cho đời, cho nền thi ca đương đại một cái tôi riêng có, không lẫn vào đâu được. Nếu không có những vốn văn hóa thì thật khó để thẩm thấu thơ anh. Nhà thơ Phùng Tấn Đông khẳng định: “Lâu rồi Quảng Nam mới có một giọng thơ lạ như thế, ngôn ngữ riết róng, dữ dội, nội lực bứt phá, muốn biểu hiện đến tận cùng mọi cảm giác của chủ thể và “chủ quan hóa” sự riết róng ấy đến mọi sự hiện hữu trong đời sống”.
Diễm Lệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét