Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

HUỲNH MINH TÂM-Giải mã Đất nước trong thơ Nguyễn Đức Dũng

GIẢI MÃ ĐẤT NƯỚC TRONG THƠ NGUYỄN ĐỨC DŨNG


Từ tập đầu tay “ Áo giấy cho sông” ( Nxb Văn học, 2009) đến tập thứ hai “ Nắm níu” ( Nxb Thanh niên, 2010), Nguyễn Đức Dũng đã khá bền bỉ, hứng cảm với đề tài Đất Nước. ( ở bài viết này, khái niệm Đất Nước được hiểu như một tình yêu rộng lớn Tổ Quốc, nhưng đồng thời cũng mang một phần sâu đậm, gắn bó với quê xứ, nơi chôn nhau cắt rốn).

Người viết bài này có cảm nhận, dường như Nguyễn Đức Dũng ước muốn lật đi, lật lại các hình ảnh, các giai điệu Đất Nước ở nhiều góc cạnh của cuộc sống, của nhân sinh, của xúc cảm. Với tâm tình quê kiểng, nhà thơ muốn tô thắm, khắc họa Đất Nước những diện mạo mới, những nhận thức mới với khát vọng bạn đọc cùng chia sẻ, cùng suy gẫm và yêu quí Đất Nước ở một tầng cao mới. Lẽ dĩ nhiên thiển ý kia rất tốt đẹp, đáng trân trọng, còn làm được đến đâu phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như cảm hứng sáng tạo có mãnh liệt hay không, tầm nhìn tầm văn hóa có vững chắc, to lớn hay không, tay nghề thế nào, và hiển nhiên còn yếu tố phi nghệ thuật, phi khoa học là “ trời cho” nữa !?

Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1958, quê nội ở thôn Phú Đông, Điện Quang, Điện Bàn, hiện sinh sống ở Thành Phố Tam Kỳ. Cuộc đời của anh nhiều lo toan, vất vả, lên thác xuống ghềnh, như bị ông Trời đày ải vậy. Tính tình anh thật trầm lặng, chân thật và dễ mũi lòng. Thơ anh thì tràn trề tính nhân văn, chất lửa của tình yêu đất đai và quê hương. Dũng có nhiều bài thơ ấn tượng, nhiều câu thơ "mộc mạc" gây sốc cho bạn đọc. Bài thơ bài áo giấy cho sông của anh đã đăng nhiều báo trung ương và cả địa phương, đọc mãi vẫn cảm thấy một sức hút ngôn ngữ hoặc chất thơ "nghinh ngang" có sức lan toả trong lòng. Dũng bảo nó là bài văn tế cúng một đoạn sông mang nhiều tâm linh riêng tư, trong đó hình bóng người cha kính yêu và tội nghiệp của Dũng đã lần mò từ khi thơ dại và những năm tháng cuối đời khổ luỵ của ông. Thưc ra, đọc toàn bộ bài thơ ta chẳng gặp một từ "cha" nào cả.Nhưng quả thực, ở nó ta cảm nhận sự thăng trầm của một số phận, sự gắn bó thân thiết máu thịt của con người với quê hương, của tâm hồn mộng ảo với cây cỏ đất đai.

Đem một khúc sông đi rồi chẳng đem về
Ký ức ở trần bỏ quên mất áo
Lau bói đã xanh tràn biền bãi...
Chòng chành tuổi tác cập vào đâu ?
( bài áo giấy cho sông)


Ý tưởng và hình ảnh đoạn thơ trên của anh thực ra không mới. Thi nhân Nguyễn Du đã có Trải qua một cuộc bể dâu/ những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nhưng lạ lắm, cách nói cách thể hiện của Dũng lúc này vừa lãng đãng vừa day dứt. Những từ ngữ anh dùng "đem", "ký ức ở trần", "chòng chành tuổi tác" làm dấy lên một thi pháp mới. Nếu nói không quá ca tụng, thì đó là một sự sáng tạo độc đáo của riêng anh.

Trong tập “ Áo giấy cho sông”, có bài “ Bất chợt về Đất Nước”, với những hình ảnh vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa tả thực vừa huyền ảo, vừa quá khứ ông cha xa lăng lắc mà vẫn nghe ra khí thế của thời hiện đại, gợi thức một cảm xúc hào hùng và gian nan. Thơ Nguyễn Đức Dũng có một độ chín nhất định, đã đạt một bút pháp chân thực, giản dị:

Ưỡn ngực cánh cung
Đất Nước về phía biển
Như chim Lạc bốn nghìn năm
Cô đơn bay đội hình mũi tên trống đồng Ngọc Lũ…

Đất Nước hình mũi kiếm, câu thơ…
Từ hái lượm xòe ra bám vào núi đá
Từ Giao Chỉ xòe ra bám lầy thụt đồng sâu thau
Phèn rửa mặn
Đất Nước vua Hùng, bách tính, lê dân…

Ngoảnh mặt lại thăng trầm được mất
Cứ nghe lòng yêu Đất Nước… nhiều hơn !
( Bất chợt về Đất Nước)
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một chút ít chất sử thi, cũng như một số cảm hứng thơ nhạc của các thế hệ trước anh đã có những tác động nhất định đến tác giả. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Chế Lan Viên tài hoa với những câu thơ đầy xúc động và ấn tượng :
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
( Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?)
Hoặc:
Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy. Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái. Còn gì đẹp hơn ! còn gì đẹp hơn…
(Lá cờ Đảng- Nhạc Văn An)
Nhưng thơ của Nguyễn Đức Dũng vẫn có niềm say mê riêng biệt, và như đã có lần tôi viết về anh, dường như Nguyễn Đức Dũng khi viết thơ là “ lên đồng”, là phó mặc cho cảm xúc trào dâng dẫn dắt, là chấp nhận cái tôi toàn triệt và bung nở những câu thơ cháy lòng.

Sao lại cứ nhìn con bằng đôi mắt lưng chừng ba mươi tuổi ?
Thảng thốt gì hỡi mẹ,
Thời gian…!
( Câu hỏi về đôi mắt mẹ)

Tôi tự hỏi (nhiều người cũng đã và đang hỏi như tôi ?), tôi tra vấn, tôi phản biện: Đất Nước là gì? Đâu chỉ là bờ cõi, đất đai, sông núi, mà còn là những trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể ?, còn là tình yêu ? Tình yêu của con người với các đối tượng, với những hình ảnh núi sông, với quê xứ, giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người, là tình yêu với gia đình, với cha mẹ? Hình ảnh mẹ với bóng cò, tảo tần sớm khuya đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, đã được hóa thân thành cái đẹp cao vời, là tình yêu Đất Nước bền chặt. Và nhà thơ Nguyễn Đức Dũng dường như đã sâu sắc nhận ra điều linh thiêng kia:

Rơi vào quê hương chướng mùa mưa nắng
Con hỏi sương con hỏi gió
Hỏi tảo tần rau dưa hỏi cơ cầu đói lạnh
Sông chợ đò đầy
Hỏi đầu gióng gánh
Chân sớm vấp chân chiều…
( Câu hỏi về đôi mắt mẹ)

Tôi có suy nghĩ thế này, khi tình yêu Đất Nước của anh lớn lao, mạnh mẽ, khi tình yêu mẹ cha, quê xứ của anh sâu đậm bền chặt, thì cái nền văn hóa, cái gốc rễ phần người trong anh cũng được nâng cao, rạng rỡ. Bởi vậy, hành trình nhận thức về Đất Nước, hành trình gắn bó yêu quí Đất Nước cũng đầy chông gai, quyết liệt và có tính vận động tự thân, tựa như con đường nhận thức, “ ngộ” về đạo vậy. Nguyễn Đức Dũng từ “ Tre làng nghiêng ngọn xiêu
xiêu/ miếng trăng chập chững chiều treo nửa trời/ gió xuôi mái chợ vắng người/ có đôi gánh nước miệng cười đến…mê !” ( Qua Kế Xuyên- ở tập : Áo giấy cho sông”, hoặc là : “ Gió động cồng chiêng buôn làng mở hội/ váy xòe ngũ sắc gái Ba Na/ ngồi đây Phước Kiều trưa xanh tụng niệm/mà phiêu diêu núi thẳm rừng già…” ( Tiếng vọng Phước Kiều- ở tập : Áo giấy cho sông”) đến : “Cuối cùng rồi anh cũng về nhà với mẹ con em/ về học lại mọi điều từ thằng cháu vừa hoa chân múa tay toe toét cười bi bô chập chững/ về học lại cái an nhiên tự tại/ sau khi vắt áo thợ bạc màu lên cành cây bất chợt bên đường” ( Hành trình- ở tập Nắm níu) là một hành trình đứng nghĩa, là một cuộc dời đỗi của tâm thức, là cuộc phản biện tư biện ám biện đầy ngẫu cảm và chưng cất. Mang hồn thiêng sông núi, mang hình ảnh quê hương, tiếng lòng nhớ thương vương vấn chút tình trai mơ mộng từ “ Áo giấy cho sông” sang tập “ Nắm níu” và những bài thơ thời gian gần đây đã thấy rõ chuyển biến cảm hứng, nhận thức Đất Nước một cách rộng mở, phóng khoáng và “ réo rắt hơn”

Cha bồng nắm đất trên tay
Ba mươi năm vẫn chừng này sao con /
Nhục vinh nhân thế đã tròn
Rủi may đã tạm vui buồn đã quen
Vậy mà bồng nắm đất lên
Còn nghe máu lệ trào trên mắt mình
( bài ru giữa núi- ở tập Nắm níu).

Dễ thấy, Đất Nước đã lặn sâu vào thơ ca và khát vọng của Nguyễn Đức Dũng, và thơ ca cùng khát vọng “ ma ám” lại mở ra hình ảnh nhiều sắc màu Đất Nước. Đất Nước còn là hạnh phúc và giấc mơ của anh.

“ Anh mang cho em đôi bàn tay vẹn nguyên
mười ngón vụng về mở ngửa
mang cho em cuộc đời anh thấm đẫm gió và sương
về gội lại mái xưa bềnh bồng bờ vai giờ thưa
gầy tóc tuổi
sau một thời trẻ trai mê mệt những con đường
ôi những con đường nắm níu tháng năm
tình yêu và sức vóc
hiếu kỳ giấc mơ hoa trái sắc màu
anh đã đi đã yêu và đã khóc
mà con đường mê hoặc vẫn còn đau”
( Hành trình)

Anh cũng không ngần ngại mà tuyên bố, mà khẳng định như đinh đóng cột và hoan ca về mẹ và Đất Nước:

Mẹ đã hóa vào hình sông thế núi
Mẹ đã thành câu hát quấn tao nôi
Lòng xe hương,
Thắp lửa cùng quê kiểng
Thơm tràn đầy,
Trong râm mát
Ngậm ngùi
( Bóng mẹ)

Dường như dồn tụ tất thảy sức lực, tài năng sáng tạo, nghiền ngẫm về Đất Nước, để Nguyễn Đức Dũng vỡ òa cảm xúc, thăng hoa ở bài thơ viết về Đất Nước thật hay và tràn đầy xúc cảm:

Cương thổ

đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung
giáo mác Trường Sơn
cọc nhọn Bạch Đằng
đến trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận
chiếc roi cày rần rật máu cha ông

đất nước sinh ra huyền thoại tiên rồng
bọc trứng trăm con lên rừng xuống biển
mẹ lội suối trèo non
cha bạt ghềnh chắn sóng
mong mai sau nên vóc nên hình

đất nước quặn đau con sóng vỗ ru ghềnh
hồn biển động lời vỏ sò vỏ ốc
ta xăm ngực thuồng luồng mò trai lượm ngọc
thân vùi đảo xa mờ
ma đói lạnh trùng khơi

đất nước mỗi ngày lên đón ánh mặt trời
thấy dung mạo tiền nhân nhắc lời di huấn
nghe vị mặn mồ hôi thấm đầu sông cuối bãi
vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh

đất nước đổi bao xương máu mới yên bình
ta yêu nước là yêu những điều gần gũi nhất
yêu giọt mưa mái tranh
yêu reo cười lửa bếp
mẹ từng chiều nhen ấm áp cơm rau

vẫn biết rằng chưa sang cả đẹp giàu
nhưng ta quý những gì ta có được
ta giữ từng câu hát ru
từng tượng đồng bia đá
từng vạt áo nâu già mẹ cặm cụi ngoài sân

có đất nước nào như đất nước ta
lưng gánh mưa nguồn ngực phơi giông bão
mỗi góc ruộng bờ cây là mỗi niềm xương máu
mỗi tên người tên đất cứ rưng rưng

đất nước ơi từng chặng tủi mừng
như đứa trẻ lớn lên mỏi mòn cha mẹ
con nhà nghèo lòng thảo thơm từ bé
nghe tiếng gà nhảy ổ cũng nâng niu

đất nước ơi cay khói bếp chiều
đường đánh giặc nhớ mẹ già muốn khóc
cứ ưng về làm cúi núi rơm thơm
tóc mẹ bạc còn tro than lấm láp

đất nước ơi qua mỗi chặng đường
qua mỗi chặng lớn khôn
nhớ viên bi tuổi thơ sân trường lăn bảy màu ký ức
thương nhành ổi bên nhà đong đưa bím tóc
thương cánh diều rủ rê trốn học
thương câu Kiều thầy giảng buổi bình văn

đất nước còn đau giọt lệ quá quan
gạt bịn rịn thường tình hoá sao khuê Nguyễn Trãi
đất nước còn buồn tiếng thở dài cha từng mùa cấy hái
cơn nồm nam tàu chuối biết se lòng

đất nước nuôi ta thành những anh hùng
ta giữ đất bốn ngàn năm không nghỉ
đất nước dạy ta trở thành thi sĩ
ta giữ nước bằng nhân hậu bao dung

ta giữ đất nước bằng hào khí cha ông
từng thế hệ trao truyền ngọn lửa hồng tim máu
đất nước mến yêu ơi
bốn ngàn năm trang sử không nguôi giờ giông bão
những đàn con lại tiếp bước lên đường

Quảng Nam 19/8/2011
Nguyễn Đức Dũng
Bài thơ Cương thổ đã đặt một dấu ấn lớn cho hành trình nhận thức và sáng tạo Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Đức Dũng. Tuy vậy, gặp anh đôi lần gần đây, tôi vẫn nghĩ, anh vẫn còn rất dồi dào khát vọng trên hành trình tìm cái đẹp, cái thiện về Đât Nước- dường như luôn biến hiện, lung linh đâu trước mắt. Thành thật chúc mừng anh với những thành công , bi cảm và hy vọng.



Huỳnh Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét