Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

HUỲNH TRƯƠNG PHÁT – thơ qua ống kính

Trước đây, tôi phát hiện một điều thú vị là cụ Tố Như có con mắt của nghệ sỹ nhiếp ảnh khi “ chụp “được tấm hình phong cảnh hết sức đẹp về nội dung và cao tay về kỹ thuật:
“ Cỏ non xanh rợn chân trời
“ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa ...
KIỀU
Trong số những người “thích” và “thường” làm thơ lục bát ở Quảng Nam mình hôm nay, tôi cũng tìm thấy một vài điều “ hay hay “ cần suy ngẫm. Chẳng hạn : Thơ lục bát của hoạ sỹ Nguyễn Văn Sanh trước đây thường đẹp một cách trong trẻo. Những bài lục bát bốn câu của thầy giáo dạy toán Nguyễn Bá Hoà thì chỉn chu, cấu tứ chặt chẽ và logic. Trường hợp nghệ sỹ nhiếp ảnh Huỳnh Trương Phát rõ hơn qua những cặp lục bát “ cắt cúp “, “ chụp bắt “được những pha đẹp và thú vị đầy tư duy của loại hình nghệ thuật “ tìm động trong tĩnh “ này. Qua đó để thấy rằng nghề nghiệp, công việc thường ngày tác động, ảnh hưởng đến thơ, hoà lẩn vào thơ là điều có thật.
HẠT PHONG TRẦN là tập thơ đầu tay của Huỳnh Trương Phát sau vài chục năm lặng lẽ đi và viết, thơ anh còn đôi chỗ lan man, ham hố và hay kể lắm lúc sa đà. Tuy nhiên phải ghi nhận một điều là anh sở trường và sở hữu được rất nhiều cặp lục bát đẹp, thú vị, giàu tính nghệ thuật:
Sân ga sót tiếng còi tàu
Sót bàn tay vẫy trong màu hoàng hôn
( Dĩ vãng )
Đôi đũa bếp gắp đến cời
Làm sao gắp hết những lời tro than
(Đôi đũa bếp )
Cất năm tháng cất đêm ngày
Miếng trầu còn cất dấu tay của người
( Miếng trầu )
Không có ý làm mới, hiện đại, chạy theo những kiểu cách hình thức cách tân câu chữ thời thượng, thơ Huỳnh Trương Phát hiền lành, thuần hậu, nôm na như nói. Tâm hồn anh đa đoan , dễ say dễ cảm cho nên có vẻ thuận tay với thể loại thơ đã quá quen thuộc đến mòn cũ này, nhưng may mắn như đã trình bày ở trên là cách nghĩ, cách cảm và cách thể hiện của một nghệ sỹ nhiếp ảnh giúp anh chộp bắt được những khoảnh khắc loé sáng quý giá của cảm xúc từ đó tạo ra nhiều, rất nhiều cặp lục bát đẹp, giàu chất thơ, giàu hình ảnh và tính biểu cảm, trăn trở làm xúc động người đọc, tạo được khoái cảm thẩm mỹ... Đến đây có thể nói, về loại thơ “ khó chìu “ này, Huỳnh Trương Phát cũng đã làm được một định dạng trong lòng bè bạn.
Thơ là một cảnh giới huyền nhiệm đầy mê hoặc, ở đây nói riêng về lục bát. Đôi lúc thả bút viết chơi chơi mấy câu mà làm nên chuyện, mà ở hoài trong tâm trí người đọc như hát ru , như ca dao đã trở thành ngọc sáng sau những sàng lọc thời gian. Nhưng cũng lắm đày ải khi với rất nhiều người bỏ cả một đời si mê tìm kiếm, thơ vẫn là một trêu ngươi khó với đầy ma mị. Tuy vậy- oan gia ngõ hẹp, như một ân oán không làm sao cởi giải, người yêu thơ, gắn bó với thơ vẫn đơn độc đắm say bất kể hệ luỵ, bất kể mọi con mắt nhân gian cười cợt phẩm bình, người thơ Huỳnh Trương Phát không ngoại lệ khi xác quyết :
Nỗi buồn tôi đốt cong queo
Nửa đêm câu chữ về kêu tên mình
( Đốt )
Người viết mấy dòng này chợt nhớ đến đoạn Kiều nằm mộng gặp Đạm Tiên để nhận ra tiền định ( lại Kiều ):
“ ... Rằng xem trong sổ đoạn trường có tên”

Hy vọng con đường thơ chênh vênh và đặc biệt là con đường lục bát lắm nghiệt ngã sẽ nhấp nháy ẩn hiện trong ống kính như một cái lúm đồng tiền duyên dáng mà thách đố, như một cái yếm lả lơi mời gọi lại thi thoảng mĩm cười với Tay - Máy - Làm - Thơ Huỳnh Trương Phát sau những lặng thầm chờ đợi

Tam Kỳ 10/3/2012
Nguyễn Đức Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét