ngày chiều chân vụng đi bên gập ghềnh thay nhau làm gậy chống vào chênh vênh nguyenducdung58.blogspot.com
Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013
NGUYỄN MẬU HÙNG KIỆT - Người về "Áo giấy cho sông"
Người về "Áo giấy cho sông"(*)
Nguyễn Đức Dũng không thuộc típ người phiêu bạt, giang hồ, lãng tử. Thế nhưng do yêu cầu công việc của một thợ cầu đường, suốt một thời trai trẻ, anh phải sống rày đây, mai đó. Đôi chân anh đã đi qua “trùng điệp” những tên đất, tên làng. “Cuộc đời rủ rê câu thơ và anh vào trò rồng rắn/ đi hoài chưa gặp nổi mình/ cuộc đời di thực anh và câu thơ cùng khắp/ như trẻ vô tư trồng nụ cười vào đất... Câu thơ rồi cũng như anh lang bạt kỳ hồ/ chưa biết mình đang ở đâu chợt quên chợt nhớ" (Dặm dài). Nổi nênh phận người giữa cuộc đời dâu bể, Nguyễn Đức Dũng đành phải làm một kẻ tha hương bất đắc dĩ (dẫu anh vẫn sống ngay trên mảnh đất quê nhà). Chính vì vậy mà con người anh và thơ anh cứ đau đáu tìm về bến quê của đời người; luôn hướng vọng về phía quê cha, đất tổ; thèm khát được ngụp lặn, tắm táp, quẫy đạp trong dòng sông trẻ dại.
Về quê! Với anh là cuộc quay về trên hành trình tìm kiếm “cái tôi” khi anh ngộ ra "Có những phận đời duyên nợ chẳng nên chi/ Có những phận đời lơ ngơ cơm áo/ Có những phận đời vay giông góp bão/ biền biệt xa khuất bóng quê nhà" (Nỗi quê).
"Áo giấy cho sông" là tập thơ được Nguyễn Đức Dũng chưng cất từ những nỗi niềm quê kiểng dâng tặng quê nhà. Có thể nói, đây là một tập hợp được anh chọn lựa khá kỹ lưỡng, cẩn trọng, thành kính, thiêng liêng chẳng khác nào người ta bày biện một mâm lễ cúng. Mà đúng vậy, chẳng phải ngẫu nhiên anh chọn tiêu đề tập thơ như thế nếu không có chủ đích: "bày biện tấm lòng đứa trẻ đã hoa râm/ như hương như lễ/ bảng lảng khói trầm/ bày biện vàng mã ngoằn ngoèo hoạ tiết..." để được thổn thức, giãi bày trước vong linh làng mạc, ông bà, cha mẹ:
Về quê thắp một lòng hương khói
Một đời áo giấy đốt cho sông
Đem hồn hoa cỏ này xin chuộc
Một tiếng chèo khuya, khuấy giữa dòng…
(Tứ tuyệt sông)
"Thế gian biến cải vũng nên đồi", mất đi một khúc sông, một bến quê không là chuyện lạ. Thế nhưng "khúc sông" của anh lại mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong dòng thời gian bất tận. Vẫn biết vòng tuần hoàn của tháng năm như nhịp ru đều đặn vẫn không thể giấu nổi một hình hài lớn lên, già đi và vắng bóng. Thấu hiểu cái quy luật nghiệt ngã của tạo hóa, ý thức mình là một đoạn đứt gãy trong vòng tròn ấy, anh đã tìm cách xuyên thủng "vòng kim cô" thời gian bằng muôn vàn sự ký thác tâm trạng. Đó là tâm trạng của một kẻ ly hương "cứ nằng nặc quay về/ Da đen sạm phù sa đi cùng trời cuối đất/ Mà chùa chiền chỉ một phía sông quê!" (Chỉ nói riêng với con); tâm trạng của một đứa con "Lỡ một trời phiêu giạt lông bông" lại "Đau đáu thanh minh/ rềnh rang giỗ kỵ/ Chẳng nguôi khuây chút thẹn giấu bên lòng" (Tư Phú); tâm trạng của một thằng tôi "Thương một đoạn đời trần truồng xanh trong/ giật mình con cá quậy/ mênh mông người ta thì chảy/ phiên tôi cởi áo cạn dòng." (Nơi xưa đã từng sông)...
Anh ủ ấp "ký ức cởi truồng" bằng nỗi nhớ thương da diết tháng ngày khốn khó và bằng tấm lòng tri ân công đức sinh thành. Anh luôn thấy mình "là con nợ của nhà nông/ con nợ ruộng đồng/ bóng cò/ bóng vạc.../ nợ tự trong nôi/ tới hồi tóc bạc/ một đời,/ vun ngọn... không vơi!" (Nợ phù sa) nên không tránh khỏi những trăn trở, day dứt "Bạc đầu con đắn đo thơ/ Trả không xuể,/ Nợ./ Ngày chưa... đánh vần" (Cơn mưa của mẹ) và nhiều khi còn thoáng chút ngậm ngùi, trắc ẩn "Khi ta biết ta còn nguồn để nhớ/ buổi trần ai đã lợp trắng đầu/ trăm năm đó không vay cũng nợ/ trả bao giờ cho kịp xưa sau?" (Khúc giang đầu)
Yêu đến đớn đau quê nhà, anh cố giữ lấy một giọng quê rặc Quảng Nam, chơn chất, thiệt thà. Và có lẽ, đó cũng là điều anh tâm niệm: "Còn đây tháng rộng năm dài/ thưa rằng: con trẻ giữ hoài giọng quê" (Giọng quê). Anh sử dụng khá nhuần nhuyễn phương ngữ Quảng Nam và cách nghĩ, cách nói, cách thể hiện cũng đậm chất mặn mòi của người dân xứ Quảng:
Từng lưu tán mấy trời cơm gạo
Vẫn nôm na giọng đặc Thu Bồn
Mặc gai góc tróc trầy danh phận
Lấy nỗi niềm quê kiểng kéo da non
(Chỉ nói riêng với con)
Với tác phẩm văn học, hình thức nghệ thuật không chỉ là từ ngữ, những hình ảnh mà xuyên qua những cái đó là thế giới tinh thần. Nói vậy để thấy rằng bên trong lớp vỏ ngôn từ ấy là thế giới nội tâm của anh và cả quan niệm của anh về cuộc sống, con người. Mất đi một đoạn sông, với anh, là mất đi một cái gì đó thiêng liêng của đời người. Bởi anh quan niệm "đó là nơi tôi hằng tâm phát nguyện phụng thờ như chùa chiền, để cố tự ràng buộc mình bằng một sợ dây tâm linh hối lỗi, để nhớ rằng nơi đây cha ông đã phát tích sinh cơ rồi truyền đời cho con cháu anh em chúng tôi bây giờ tắm gội" (Thay lời tựa). Và như thế, ta hiểu được những thổn thức, những nấc nghẹn của anh một khi "đời người vuốt mặt đời sông"!
"Sự phát khởi của thơ là lòng người" (Lê Quí Đôn). Một trong những đặc điểm chính của thơ là bộc lộ cảm xúc một cách mãnh liệt. Anh Nguyễn Đức Dũng đã chạm đến cõi thơ bằng những xúc cảm chân thành. Nói như một anh bạn: thơ hay ở chỗ lòng người trong vắt, ở chỗ chân thật, biết trân trọng, yêu quí con người, cuộc sống, dẫu đôi lúc phải cắn bầm nát môi. Anh xứng đáng nhận những lời "có cánh" đó. Tôi thiết nghĩ, nếu anh biết tiết chế cảm xúc hơn một chút và đừng quá tô đậm chất Quảng Nam thì thơ anh sẽ nhẹ nhàng thăng hoa cất cánh.
Xin được chia vui cùng anh – người anh, người bạn thơ "nghinh ngang" cô độc của Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Nam!
Hè 2009
-------------------
(*) Áo giấy cho sông – Nguyễn Đức Dũng – NXB Hội Văn nghệ, 2009
1780 từ viết bởi: maukiet •Ghi cảm nhận
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét