Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Sữa Ông Thọ



    Sữa Ông Thọ

     Đầu năm 1976 xảy ra một sự kiện chấn động lòng người, chấn động bởi nó chưa quen với cách nghĩ, cách sống và đối đãi giữa con người với nhau. Chuyện tương tự thì ai cũng từng nghe kể hoặc xem qua các vở kịch, cải lương trên sân khấu, hoặc giã xảy ra đâu chừng cả trăm năm trước, thời thực dân phong kiến. Nó mạ lỵ sỉ nhục con người, nó đánh tan nát vào chút lòng tự trọng hiếm hoi và thương tổn, nó làm cho kẻ bị hành hạ chỉ muốn chui xuống đất để biến mất khỏi thế gian này, không để lại chút tỳ vết. Đó là chuyện nghe kể lúc trà dư tửu hậu của những ai vì lý do nào đó muốn dọa dẫm người khác chứ ngoài đời sống thì tuyệt nhiên chẳng một kẻ nào lại nỡ đang tâm hành xử với đồng loại như vậy vì nó quá độc địa và thất nhân tâm.

     Chạng vạng tối hôm trước, cả khu trại chợt nghe những loạt súng AK bắn vào hướng núi đá, tiếng vọng dội lại rồi ngân dài men theo sườn núi. Hình như ở hướng bắc, hướng của Xí nghiệp Đá Chu Lai.
     Gọi hướng bắc là để phân biệt với đơn vị chúng tôi từ Mỏ Đá Hòn Giang chuyển vào, đóng quân tại sát chân núi gần Dốc Sõi. Khu vực địa đầu của Quảng Nam – Đà Nẵng giáp giới với tỉnh Quảng Ngãi. Từ đây, theo đường QL I ngược ra khoảng 2 cây số là đến Xí nghiệp Đá Chu Lai. Đã đóng quân cố định từ khi mới thành lập, có lẽ tiếp quản mỏ đá của chế độ trước để lại.
     Tuy mang tiếng sát nhập nhưng toàn bộ quân số của Mỏ Đá Hòn Giang chuyển vào hơn ngàn con người được chỉ định khai thác đá ở phía nam này một thời gian. Có lẽ nơi xí nghiệp chính chưa đủ bến bãi để tổ chức sản xuất cho một lực lượng quá hùng hậu.
     Đã từng là những công nhân sản xuất đá thủ công giỏi nhất Công trường Đường Sắt Quảng Nam – Đà Nẵng. Từng được tổ chức thành những đội thợ giỏi, tay nghề cao ở các hạng mục công việc để đưa đi phổ biến, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho các đơn vị khai thác đá trên toàn tuyến từ đèo Hải Vân vào đến Quảng Ngãi. Thế nhưng đặt chân đến công trường phía nam Chu Lai này, chúng tôi mới thật sự thấm đòn, mới biết cặn kẻ cái nghề khai thác đá thủ công này nó gian khổ đến mức nào. Cả một sườn núi mênh mông những đá là đá. Những khối đá mồ côi khổng lồ đen đúa chồng chất lổn nhổn trông sướng con mắt. Khốn nạn thay, khi đục lỗ bắn mìn ra thì mới biết thế nào là trò chơi khăm của thượng đế. Đá ở đây đặc biết khác lạ, không giống bất kỳ nơi nào. Những vân đá kết cấu rằn rện vặn xoáy từng mảng  như da beo da cọp. Đập búa tạ vào như đập phải một nùi giẻ rách bện cứng, tiếng dội bình bịch nghe lạnh cả người, không như tiếng dội chát chúa giòn khô ở những loại đá mồ côi khác. “Đập đá xem sớ lấy vợ xem mông” là kinh nghiệm truyền đời của người đi trước. Đá da cọp này mềm, dẽo và quấn lung tung không theo sớ nhất định. Càng đập nó càng tơi vụn chỗ cạnh búa tiếp xúc với điểm đập ở trên mặt tảng đá ra càng lúc càng sâu, cuối cùng nó đào thành một cái phễu như cối giã tiêu ớt ở nhà thường dùng, chứ dứt khoát không chịu bể vỡ như mong muốn. Họp, rút tỉa kinh nghiệm, tìm kiếm ý tưởng khắc phục khó khăn trước mắt, chúng tôi xoay như chong chóng mà những tiếng dội bình bịch trơ trẽn ấy cứ vang lên như thách thức trêu đùa. Gần tháng trời trần lưng với “Nó”, nghĩa là những hòn đá da cọp ấy. Những ai đã từng bữa gốc mít già để lấy củi, thì chúng tôi đập đá ở đây cũng thế, nghĩa là phải dùng cạnh búa đập gỡ ra từng miếng nhỏ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cách bắt nó phải trở thành đá hộc, đá ba rồi đá 4x6 như yêu cầu. Đây là loại sản phẩm cuối cùng và cần thiết với khối lượng khổng lồ để trải trên nền đường, trước khi người ta đặt tà vẹt rồi liên kết đường ray lên phía bên trên. Trong điều kiện sản xuất cực kỳ khó khăn ấy, chúng tôi thường xuyên bị Công trường và Xí nghiệp phê phán, khiển trách, họp hành liên tục để mổ xẻ vấn đề, mà cái chính là những bài rao giảng tràng giang đại hải về ý nghĩa của lao động, trách nhiệm của người thanh niên trong thời đại mới. Năng suất lao động thấp là nguyên nhân của những đêm họp hành phê phán ấy. Nếu ở Mỏ đá Hòn Giang trước kia, chúng tôi dễ dàng đạt nửa khối đá 4x6 trên một công lao động bình quân, thì ở tại đây, dầu cố gắng đến hết cách chúng tôi cũng chỉ nhúc nhích ở mức 0,2 m3 trên một ngày công lao động. Với đà này, tết Ma Rốc cốc ken mới nói đến chuyện thông tàu ở khu gian phía nam của tỉnh. Cũng có nghĩa việc thông tuyến đường sắt Bắc -Nam theo kế hoạch coi như phá sản. Vì vậy mà họp, mà học tập liên tu bất tận, người ta nghĩ ra đủ mọi phương cách để siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động nhằm tăng cái năng suất rùa bò và tội nghiệp ấy. Rồi người ta sáng kiến phát động chiến dịch thi đua hết đợt này đến đợt khác, chả có lễ lạt gì để phát động thi đua thì tìm ra cái để mà thi đua như kiểu tự biên tự diễn của văn nghệ quần chúng. Người ta tính lại thời gian làm việc ngoài bãi đá, 8 giờ là 8 giờ vàng ngọc làm ra của cải vật chất, họ không tính thời gian đi và về, không tính luôn cả 15 phút giải lao giữa buổi làm việc, mà cuối cùng họ cũng không tính luôn khoảng thời gian làm mìn để đánh đá. Nghĩa là những hạng mục công việc ấy “xú vơ nia”, là lao động xã hội chủ nghĩa vv và v.v…
      Trong đợt sơ kết quý I năm 1976. Công trường và Xí nghiệp chê trách phê phán CBCNV chúng tôi không tiếc lời, những phân tích gay gắt đã được tuyên đọc. Năng suất lao động quá thấp phá vỡ kế hoạch trên giao, nhưng quan trọng hơn là việc để “lỗ” đầu tư. Tức là thâm hụt trầm trọng về vật liệu nổ định mức trên khối lượng sản phẩm. Theo định mức tiêu hao vật liệu nổ trong khai thác đá công nghiệp thì cứ 01kg thuốc nổ TNT cộng 4 kíp nổ và 4m dây cháy chậm phải đạt được gần 03m3 đá sản phẩm. Nhưng đó là định mức kỹ thuật cho điều kiện sản xuất tối ưu, có máy móc và thiết bị hỗ trợ, song những ông cán bộ trên núi này về bất cần khoa học khoa hiếc gì hết, chỉ mệnh lệnh sản xuất là cao nhất, phải được chấp hành và thực hiện vô điều kiện. Cứ cái câu thần chú nửa vời “Biến không thành có biến khó thành dễ” ấy mà phán xuống, làm không được thì trị, trị công nhân mà như trị tù. Để trừ vào khoản vật liệu nổ thâm hụt đó, Xí nghiệp đã nghĩ ra được một sáng kiến vô tiền khoáng hậu. Họ phát động một chiến dịch thi đua chỉ có ở thời trung cổ. “Tay không bắt giặc” là cái tên mà chúng tôi đặt cho cái chiến dịch lạ lùng này vì tên chính thức của nó sờ sờ trên băng rôn nhưng chẳng một ai thèm để mắt tới. Nó là một kiểu giải quyết nhất cử tam tứ tiện của Tàu. Đó là thời gian phối kết hợp với rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp của chiến dịch nhưng thật sự là để trị cái tội làm đá thâm mìn của chúng tôi. Cứ đúng 3 giờ rưỡi sáng. Khi tiếng kẻng dựng ngược toàn bộ công nhân cánh nam chúng tôi dậy, tất cả phải nhanh chóng vệ sinh cá nhân trong vòng 10 phút rồi ra sân tập họp theo đội hình từng tổ đội sản xuất. Nhắm hướng bắc một hai ba bốn một hai ba bốn cơ động chạy ra, đây là bài tập thể dục kết hợp chuyển quân bắt buộc nằm trong chiến dịch. Từ chỗ chúng tôi đến bãi đá của Xí nghiệp chính khoảng 2 cây số ấy phải bảo đảm đúng thời gian hành quân không được chậm trễ và xộc xệch đội hình. Điểm đến là một bãi đá rộng khoảng 5 héc ta nằm sát bên đường QLI, ở đó lổn nhổn những viên đá to tròn trùng trục như những quả bóng khổng lồ. Đây là hậu quả để lại sau gần hai năm khai thác của công nhân xí nghiệp Chu Lai. Do tay nghề kém, họ không biết cách đập đá ra thành những viên đá hộc cỡ 25x30cm nên đã đập ghè những cạnh nhỏ chung quanh khối đá, đến khi nó tròn cạnh hết lại là họ chịu thua. Những khối đá tròn ấy nằm chồng chất chiếm một diện tích bãi quá lớn, không có chỗ để tập kết đá thành phẩm. Nếu dùng mìn để sản xuất tận thu thì tốn kém không biết bao nhiêu mà tính. Vậy là họ đem chúng tôi ra để xử lý cái của nợ ấy. Không mìn không thuốc gì cả, chỉ xà beng búa tạ, búa con và cuốc xẻng sẵn có thêm mấy câu khẩu hiệu đỏ chót treo lung tung khắp nơi làm thứ bùa chú phụ trợ. Tự ái nghề nghiệp và tự ái của tuổi trẻ Mỏ Đá Hòn Giang chúng tôi được khơi dậy, cộng với những ánh mắt dè bĩu thách thức của những công nhân xí nghiệp Đá Chu Lai chủ nhà này. Họ như muốn gởi cho chúng tôi một thông điệp rằng để xem chúng mày xơi cái thứ bỏ ra của bọn ông như thế nào.
     Thật là kỳ tích, phải nói là một chiến công vang dội vỗ vào mặt những kẻ bất tài vô tướng mà học thói ganh ghét hại người, chỉ hai mươi lăm ngày sáng chạy đi tối chạy về như những người máy đã được lập trình, chúng tôi giải phóng gọn gàng thứ hổ lốn vô dụng kia và biến nó thành mấy ngàn khối đá thành phẩm, những toa đá 4x6 vuông thành sắc cạnh đều chằn chặn hiền ngoan nằm nối đuôi nhau kéo dài đến hết tầm nhìn trước sự ngỡ ngàng thán phục và kính nể của cán bộ cũng như công nhân ở Xí nghiệp Đá Chu Lai, những đồng nghiệp của chúng tôi và họ cũng sẽ trở thành đồng đội của chúng tôi sau chiến dịch kỳ lạ này. Lảnh đạo xí nghiệp cuối cùng đã quyết định chuyển toàn bộ công nhân cánh nam chúng tôi về quây quần trong khu gian của xí nghiệp như những chủ nhân ông đích thực. Không có chuyện ma cũ ăn hiếp ma mới như vẫn thường xảy ra, vì chúng tôi là một tập thể lớn mạnh thật sự.
      Nhưng đó là chuyện của mấy tháng mùa hè sắp tới. Còn trở lại với buổi sáng đầu năm này, với những tiếng súng bất thường vào chạng vạng tối hôm nhiều nghi vấn ấy, thì sáng nay vào khoảng được nửa buổi làm việc, dọc theo sườn đồi, nơi chúng tôi đang xoay trần ra để đập đá lại xảy ra một sự kiện làm rã rời tâm lực. Từ xa, thấy xuất hiện lèo tèo và xộc xệch một đám rước lạ đời. Men theo những lối đi nhỏ trên công trường là một nhóm khoảng năm sáu người vừa đi vừa đùn đẩy. tiếng lèng xèng của kim loại va đập và tiếng người vang vọng rền rĩ chen lẫn với tiếng chát chúa của muôn ngàn tiếng búa đập vào đá, tiếng xà beng cạy và tiếng hò reo chuyện trò râm ran cả một vùng. Cái đám rước ấy cứ đi một đoạn lại dừng chân ở chỗ có đông công nhân đang làm việc, mươi lăm phút sau lại tiếp tục di chuyển, tiếng lèng xèng càng lúc càng rõ rệt, hình như nó được phát ra theo chủ ý vì sự nhịp nhàng khúc thức. Xèng xèng xèng…! Xèng xèng xèng…! Xèng xèng xèng…! Mỗi lúc một gần. Mọi người nhốn nháo ngạc nhiên nhưng không dám bỏ vị trí vì đã quen nếp rồi. Khi chưa có lệnh thì không một ai được tự động rời bỏ nơi làm việc. Thắc mắc càng lúc càng đẩy lên cao trào nhưng rồi cuối cùng mọi sự cũng được phơi bày khi cái đám rước ấy đến chỗ của đội chúng tôi. Được lệnh tập họp ở một khu bãi tương đối bằng phẳng và rộng thoáng, chúng tôi nhanh chóng chấp hành vì thói quen đã được định hình mà còn phần nữa là sự tò mò, muốn biết chuyện gì đang diễn ra. Trước mắt chúng tôi, một chàng trai trẻ cỡ mười chín hai mươi gì đấy. Đó đúng hơn là một cậu bé nhỏ thó và gầy guộc, khuôn mặt hoảng hốt và đôi mắt lạc thần, cậu nhìn mọi người mà như nhìn vào cõi vô định. Quàng trước ngực là một mảnh bìa các tông lớn bằng hai cuốn vở học trò ghép lại trên ấy nguệch ngoạc dòng chữ bằng than : “Tôi là Nguyễn Ng… C….”. Phía sau lưng cũng một tấm bìa như vậy với dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”. Trên tay cậu ta là cái nắp vung sứt sẹo và móp méo được gõ bởi một cái dùi gỗ cầm ở tay kia, cứ ba nhịp một xèng xèng xèng mà chúng tôi đã nghe được từ xa. Mỗi lần gõ cậu lại xướng to lên một câu. Xèng xèng xèng “Tôi là Nguyễn Ng… C…!”. Xèng xèng xèng “Tôi là thằng ăn cắp”. Xèng xèng xèng “Tôi là Nguyễn Ng… C…!”. Xèng xèng xèng “Tôi là thằng ăn cắp…!”….Cậu xướng mấy câu trên mà hình như không hiểu mình đang kêu gào cái gì, có lẽ nó chẳng dính dáng gì đến cậu. Như một cái máy hát quay đĩa bị xước cứ quay vòng trở lại đoạn ghi âm cũ. Thỉnh thoảng cậu giật bắn mình vì một lằn roi vô hình vụt quét sau lưng. Áp giải tội đồ là 3 công nhân lực lưỡng mặt khó đăm đăm, súng AK ghìm sẵn trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. hai người kèm hai bên, một người đi phía sau thúc súng vào lưng. Chỉ huy đám rước ấy là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, khuôn mặt khắc khổ đen đúa, một bên mắt là cái hốc sâu hoắm, có lẽ bị thương trong chiến tranh. Sau này chúng tôi mới biết ông tên T., bí thư chi bộ và là phó chủ nhiệm của Xí nghiệp Đá Chu Lai, một tay cán bộ khét tiếng chằn ăn, gay go và rất đáng sợ đối với công nhân lao động. Ông T. mở một cuộc họp bất thường với đội chúng tôi ở giữa trời thông báo về sự việc đang diễn ra.

      Để bồi dưỡng cho công nhân lao động nặng nhọc, thỉnh thoảng hai ba tháng một lần, công trường cũng phân về chút ít nhu yếu phẩm. Thường thì mỗi người được nhận một ký đường cát vàng, có lúc một lon sữa bò hiệu Ông Thọ, khi lại đụng ký sữa bột loại viện trợ trước đây còn sót lại, ăn vào mắc nghẹn và dễ bị tào tháo đuổi. Đợt này mỗi công nhân ở phía bắc nhận được mỗi người một lon sữa bò. Nguyễn Ng… C… do quá thèm ngọt sau thời gian dài nên đã đục lon sữa ra và hút sống ngay một lần là hết. Thèm quá không vượt qua được cám dỗ. Thấy thằng bạn thân để dành lon sữa trong ba lô, rủ hoài chưa chịu lấy ra dùng, C. bèn nghĩ cách ăn vụng. Sáng ấy C. báo ốm xin ở nhà, đợi lúc vắng người chàng ta lôi hộp sữa của bạn ra đục lổ rồi hút đi một ít. Ban đầu cũng chỉ định bụng chùng lén chút ít cho đỡ thèm thôi, còn thì để phần lại cho bạn. Nhưng khốn nạn cho sự thèm lạt đã lâu ngày, cứ thêm một ít rồi lại một ít nữa. đến chừng tỉnh người ra thì lon sữa của bạn đã chẳng còn một giọt nào, không biết phải xoay sở ra sao, C. bèn đem cái lon tội nợ ấy đi giấu để thủ tiêu tang vật hòng chối tội. Chiều ấy thằng bạn lại dở chứng muốn lấy hộp sữa ra khuấy uống. phát hiện thấy mất, nó hô hoán lên, thế là Ban chỉ huy Xí nghiệp vào cuộc, hùng hùng hổ hổ đòi lôi ngay tên trộm cắp ra xử lý. Quá hoảng sợ C. vụt chạy thoát thân vào phía núi để mong tránh cho qua khỏi nạn chờ tình hình yên ổn sẽ về chịu tội. Ai ngờ Ban chi huy ra lệnh cho đội cờ đỏ truy sát, đuổi theo và bắn hàng loạt đạn vào hướng C. đang chạy trốn, với mệnh lệnh bắn bỏ tên tội phạm trộm cắp tài sản của đồng chí đồng đội, một cái tội không thể tha thứ dưới chế độ mới. Đội cờ đỏ lùng sục cả đêm tìm bắt, nếu C. không chịu quy hàng thì được phép bắn chết tại chỗ. Sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Ban chấp hành Liên chi hội Thanh Niên phải đứng ra bảo lãnh xin với lảnh đạo xí nghiệp nhận về xử lý và giáo dục. Đêm ấy, mấy anh có trách nhiệm phải lùng sục trong núi tìm và dỗ dành động viên, hứa đứng ra bảo lảnh nên C. mới chịu theo về trại. Sáng hôm sau, Ông T. gọi C. lên làm việc, vừa bước vào phòng, ông ta bắt C. đứng nghiêm rồi dùng dép su đang mang dưới chân đánh mấy bạt tai như trời giáng vào mặt, vừa đánh vừa sỉ vã chửi bới mà không một ai dám can ngăn. Sau đó ông bắt C. ngồi viết tường  thuật cụ thể việc ăn cắp. Đó là thứ tàn dư của chế độ cũ, thứ người quen thói ngồi mát ăn bát vàng, chây lười lao động, thứ cặn bã ăn bám vào đồng loại. Hình như tất cả mọi cung bậc của sỉ nhục đã được triệu tập đầy đủ để ban phát cho tên tội đồ to gan lớn mật kia, dám bôi xấu cả một tập thể tốt đẹp dưới chế độ mới. Được sự bảo lảnh của liên chi hội Thanh Niên, ông T. đồng ý xử lý nội bộ, không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đề nghị đưa đi cải tạo như ý định ban đầu. Và cái hình thức xử lý nội bộ vô cùng nhân đạo của ông T. cũng như của xã hội mới diễn ra tuần tự như vậy. Sáng đó, ông T. ra lệnh cho đội cờ đỏ cởi hết áo quần của Nguyễn Ng. C., chỉ chừa lại một chiếc quần đùi bẩn thỉu, họ được lệnh trói quặt C. ra giữa cột cờ phơi nắng và bỏ đói, cấm không một ai được đến gần, trừ người đội viên cờ đỏ được phân công canh gác cẩn mật, thỉnh thoảng vài giờ đồng hồ thì đem cho C. uống một chút nước. Họ trói giữ C. suốt một ngày phơi nắng và một đêm giữa trời sương lạnh cắt da cắt thịt, đến đúng bảy giờ sáng hôm sau mới cho người ra mở trói đưa C. vào Ban chỉ huy để làm việc tiếp. Kế đến là hai ngày liền ngồi làm kiểm điểm, bao nhiêu tội nợ nhục nhằn, bao nhiêu đắng cay tủi hổ của một con người còn biết tủi hổ đã trút ra cạn kiệt, C. không còn nước mắt để khóc. C. tự căm ghét nguyền rủa bản thân mình, miếng ăn là miếng tồi tàn thật đúng một cách oan nghiệt như trong trường hợp của C. Rồi đây ăn nói làm sao, sống làm sao được với mọi người chung quanh, mà cái lon sữa bò Ông Thọ kia có đáng để cho mình đánh đổi một giá quá đắt đến như thế này không, cái giá còn khủng khiếp hơn cái chết, ước gì bây giờ được chết đi nhanh chóng thì diễm phúc biết chừng nào, nhưng làm sao mà chết được khi mấy người cờ đỏ cứ ghìm súng chực chờ bên cạnh. C. cảm thấy tiếc nuối cho những tràng đạn đêm qua, sao không có viên nào tìm đến với mình để kết thúc nỗi ê chề của một kiếp người trót lầm lỡ này. Mà cũng chỉ vì nghĩ đơn giản rằng lon sữa đó của thằng bạn thân nhất kia mà, hai đứa đã từng sẻ chia cho nhau biết bao điều, đã tiếc rẻ cái gì với nhau đâu. Tại sao sự việc lại phải đi đến nông nỗi này? C. không còn nhận thức được mọi sự việc diễn ra với mình, C. thực hiện mệnh lệnh như một cái máy, người ta lên giây cót và cứ thế nó tự động các thao tác đã được sắp đặt.
     Sau hai ngày ngồi viết kiểm điểm ở Ban chỉ huy, C. được đưa ra trước tập thể cả ngàn con người, vốn là những đồng đội thân thuộc của mình, bây giờ mọi người nhìn mình bằng con mắt xa lạ. C. được phép tự nhận mức án nhục hình theo như gợi ý của cấp trên. Đứng đấy để cho mọi người sỉ vã, mắng nhiếc và tố khổ, rồi những lần mất cắp hoặc rơi vãi đâu đó lại cũng được đem ra truy vấn. Chẳng hiểu đấu tố cường hào ác bá địa chủ ngày xưa mức độ khốc liệt như thế nào, chứ với những chàng trai cô gái đôi mươi thế hệ chúng tôi, thì đây đúng là một cực hình chưa từng xuất hiện trước đây trong đời sống, và như để ban phát cho đúng người đúng tội, thực hiện trọn vẹn cái sự khoan dung độ lượng thấm đẫm tình người của những kẻ có trách nhiệm, C. được dẫn đi bêu khắp công trường, trong phạm vi toàn Xí nghiệp Đá Chu Lai, bộ phận cánh nam chúng tôi tuy mới chuyển vào cũng được hưởng màn diễn miễn phí ấy, một kết hợp vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục, nhằm răn đe những ai còn có ý đồ trộm cắp trong tương lai, dầu chỉ trộm cắp những thứ vặt vãnh bỏ đi không giá trị.

     Sở dĩ người ta đặt tên “Sữa Ông Thọ” là nhằm quảng cáo lên rằng nếu sử dụng thường xuyên loại sữa này, thì trí tuệ sẽ được minh mẫn, sức khỏe sẽ tăng cường đáng kể, sống lâu đến cả trăm tuổi mà vẫn cường tráng như hồi trai trẻ. vì nó chứa nhiều dưỡng chất có ích cho con người. “Ông Thọ” là cách Việt hóa nhãn hiệu sản phẩm cho dễ hiểu vì gần gũi chứ cái hình ảnh cầu chứng in trên mảnh giấy bao bì của lon sữa chẳng có gì giống người Việt ta cả. Đó là hình vẽ rất đẹp và rõ ràng về một người đàn ông lớn tuổi, vạm vỡ, khuôn mặt râu ria nhìn rất giống nhà văn Ernest Hemingway của Mỹ, ông ta mặc áo sơ mi dài tay, quần rin nai nịt gọn gàng đứng cười sảng khoái, một tay chống nạnh, tay kia chống cái cán cúp, một loại dụng cụ đào đất, minh họa cho việc ông ta đang trồng trọt ở ngoài đồng trông rất oai phong. Bi hài là ở chỗ Nguyễn Ng. C. chỉ mới hút trộm có mỗi một lon “Ông Thọ” của thằng bạn thân thiết nhất vậy mà chút xíu nữa thì đã đoản mạng vì những loạt đạn AK tối ấy, may mà chỉ bị bỏ đói cùng mấy chiếc dép su Bình Trị Thiên vào mặt, còn kiểm điểm với lại đóng vai chính trong một đám rước vênh vang tiền hô hậu ủng thì thôi coi như văn nghệ văn gừng vậy. Điều mà tất cả chúng tôi cứ lo âu trong lòng là không biết rồi số phận của kẻ thèm ăn dại dột kia sẽ thế nào sau cái quyết định kỷ luật trả về địa phương đề nghị tiếp tục có biện pháp quản lý và giáo dục mà Ban chỉ huy xí nghiệp đã quan tâm dành cho Nguyễn Ng. C., cái giá của một lon sữa đặc có đường.

                                                                                          Tam Kỳ 06/01/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét