Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

“Con lạy hàng dừa con lạy đoá sen…”



“Con lạy hàng dừa con lạy đoá sen…”

     Tôi cài lên ngực mình một “Đóa hoa Hồng trắng” vào năm 14 tuổi. Sở dĩ nêu chuyện riêng tư là để thưa rằng: Tôi cũng như bất kỳ người con nào hôm nay trong chúng ta, ai ai cũng luôn lưu giữ trong lòng mình niềm kính yêu vô hạn đối với đấng sinh thành, và riêng với mẹ, tình yêu thiêng liêng nhất trong tất cả tình cảm thiêng liêng của con người sống ở thế gian này. Chúng ta được mẹ cưu mang chín tháng mười ngày, sinh ta ra trong đớn đau cùng tận, vậy mà vừa nghe được tiếng khóc chào đời của núm ruột đỏ hỏn lọt lòng, Mẹ đã nén cơn đau để nở nụ cười mừng đón, rồi mẹ ẵm bồng bú mớm nuôi ta ăn học nên người. Mẹ dựng vợ gã chồng, lo nhà lo cửa, Mẹ luôn dõi mắt theo suốt cuộc đời giông gió của ta. Những  năm tháng cuối đời, mẹ lại trông nhà giữ cháu để ta yên tâm trên bước đường công danh sự nghiệp. Ta nên người mẹ hả lòng hả dạ, ta thất bát cuộc đời thì chính mẹ lại buồn đau. Mẹ là tất cả những nghĩa lý tốt đẹp và cao cả mà con người có thể nghĩ suy dặn lòng hiếu kính.
     Từ khi biết tạo tác ra các hình thức biểu đạt để lưu giữ những giá trị tốt đẹp của đời sống, thì mẹ đã là một nguồn cảm hứng bất tận để cho những tài năng và trí tuệ hướng đến khai thác, thăng hoa niềm xúc cảm tạo nên những tác phẩm trường tồn với thời gian, vinh danh công đức lớn lao và duy nhất.
     Tuyển thơ “MẸ” là tập hợp của nhiều tấm lòng Có sự góp mặt từ những tác giả tên tuổi trên cả nước, đến những bạn thơ vừa chập chững vào con đường thi ca. Mỗi người một cách tỏ bày, ta sẽ gặp được rất nhiều bài thơ điêu luyện, có nghề, thể hiện tâm hồn tài hoa, bút pháp vững vàng giàu phong cách, đến những bài viết còn nhiều thô mộc vụng về. Song tất cả đều có chung một cảm quan nghệ thuật, một đề tài khai thác. Tuy vậy, vẫn ít gặp sự trùng lặp trong diễn đạt.
   
     Thử dẫn một số hình ảnh sắc nét nhất trong tập, người đọc dễ dàng chia sẻ với những ý tưởng gần gụi mà độc đáo. Giản dị nhưng thâm trầm. Vụng về song dung chứa nhiều minh triết. Đó là bởi cái nguyên mẫu trữ tình cho phép ta không cần phải ngoa ngôn vọng ngữ vẫn nói lên được nghĩ suy chân thành ở mỗi tấm lòng người con dâng lên mẹ. Sự hàm ơn khi ta trưởng thành đủ khôn lớn nhận thức được tính duy nhất như mặt trời mỗi sớm, không thể thay thế, không thể khác đi. Chỉ mẹ là đấng tạo hóa riêng của mỗi con người. Mẹ là người phụ nữ tốt nhất trên cõi đời này, Mẹ vừa là đại từ nhân xưng chung của nhân loại, lại vừa duy nhất cho mỗi đứa con…
      Chẳng lạ, khi chỉ trong một đề tài, mà mỗi tác giả lại có những tình ý riêng lẻ rất thú vị. Làm nên nhiều cặp phạm trù thơ vừa tương hợp để bổ khuyết cho nhau. Lại vừa tương khắc để làm nổi bật cá tính sáng tạo của mỗi nghệ sỹ.
     Thật may mắn cho những ai khi tóc đã hoa râm mà vẫn còn có mẹ ở trên đời. Hiểu được phúc đức ấy nên Nguyệt Phượng đã có một ao ước hơi lạ thường
“Cuộc đời sẽ như thế nào khi vắng tiếng Mẹ ơi!/ vì thế xin hãy đợi con cùng già với mẹ”
(Đợi con cùng già).
     Với Tôn Nữ Thanh Yên, mẹ lại là hình ảnh cực đẹp chỉ qua hai câu lục bát
“Nỗi lòng lược chải không suôn/ Thanh tao giữ nếp còn hương mái đầu” (Thương hương tóc mẹ).
     Đỗ Tấn Đạt, một tác giả còn rất trẻ ở Quảng Nam nhưng lại chẳng trẻ nữa khi “hiểu” về cuộc đời bận bịu chồng con của mẹ
“Tóc sương búi mỏng tiếng cười/ Xổ ra năm tháng rối bời buồn vui… 
     Sự hàm ơn còn được thể hiện qua nhiều cách cảm cách nghĩ lung linh nhịp đập trái tim, sắc màu của tâm hồn, cái đẹp của nghệ thuật được thăng hoa vi diệu và tinh tế:
“Sợi mây cha bứt trên trời/ Bện thành đôi gióng gánh đời mà đi/ Khói cay xót ruột củi rì/ Mẹ bó từng lọn trần khi qua ngày…”
 (Thăng Phước) Huỳnh Trương Phát.
“Tuổi thanh xuân vú mẹ chưa đầy/ đã vắt cạn cho con giòng sữa nóng/ Mẹ ấp trong lòng bốn mùa biển động/ cái ngọt ngào chắt từ cọng rau khoai…”
(Mẹ) Nguyễn Tấn Sĩ.
     Một chút tủi thân và giận dỗi cho cảnh tình éo le phúc phận, cái sự “giận mẹ” không nhiều hơn được lòng “khát mẹ”:
“Thèm bàn tay mẹ đông sang/ nhưng nay mẹ chỉ là hàng xóm thôi”
(Giận mẹ) Vân Anh.
     Vốn là người chỉ dễ nhận biết được những điều giản dị. Tôi thật sự xúc động khi đọc đến 2 câu thơ này. Thiết tưởng sự gần gụi ân cần là một trong những tiêu chí rất đắt ở thơ trữ tình, nhất lại là thơ viết về mẹ. Người đã sinh ra mình thì cũng sinh ra những tâm tính sâu kín nhất của mình, vì vậy mà chân thành trở nên quý giá.
     Đứa con sẽ luôn bé nhỏ trước đấng sinh thành. Chỉ khi không còn cha mẹ trên cõi đời này, ta mới thật sự nhận biết cha mẹ là tượng đài riêng tư không thể  thay thế:
“Biết rằng mẹ chẳng xa con/ mà sao trầm đốt thơm hơn mọi ngày…”
(Khóc mẹ) Biển Hồ.
     Nhà thơ Nguyễn Ngọc Chương đã khái quát một cách hợp nhất mà xuyến xao niềm trắc ẩn được tình mẫu tử để nói lại cho rõ về một định kiến nghiệt ngã vẫn thường quen chịu thị phi nhân thế:
“Kể từ đó – quên mình phận đơn côi/ Sống cùng dì và em, con thấy mình hạnh phúc/ Ai hát chi câu: “Mấy đời bánh đúc…/ Con gục vào lòng dì để nước mắt mình rơi…”
(Bài thơ viết cho Dì)
     Có thể gọi đó là sự “mềm lòng”. Nhưng nếu cái tình người đằm sâu không xuất phát từ nhân tâm đôn hậu, hiếu kính thật thà thì phĩnh dỗ được ai đây giữa cuộc đời đã đổi thay nhiều giá trị?
     Cùng với hình ảnh, nghĩ suy đẹp về mẹ, nhà thơ Nguyễn Miên Thượng ở Hội An đã dựng được cặp lục bát đầy màu sắc, hình ảnh và cây cao bóng cả :
“Đỏ môi bỏm bẻm trầu tươi/ lắng nghe cháu chắt reo cười đoán tên”
(Tuổi mẹ)
     Bạn thơ của anh vừa giống lại  vừa khác cũng ở phát hiện này:
“ Bà con nội ngoại xóm giềng/ Mắt hom hem gọi đúng tên từng người ..”
(Ngồi nghe mẹ kể ) Nguyễn Bá Hòa
     Ngoài niềm thiêng liêng riêng tư của mỗi đứa con. Mẹ còn là mẹ chung của dân tộc, của đất nước. Mẹ là biểu tượng lồng lộng niềm yêu kính, vượt qua thời gian không gian neo đậu vào mỗi lòng người
”Mấy nghìn năm quý hiếm tiếng à ơi/ mẹ giữ gìn ngợi ca Tổ quốc/ tiếng mẹ gọi muôn đời náo nức / Những đứa con thời này có hiểu hết mẹ không?”
(Sâu thẳm đến vô cùng trời đất ) Phạm Văn Công
“Trong chao lượn tâm hồn con/ đất nước là khung trời lồng lộng/ Mẹ thân yêu là chiếc giây diều…”
(Chỉ có mẹ) Ngô Hà Phương
“Mẹ nguồn ca dao tục ngữ/ Dạy con tiếng nói ông cha/ Từ trong lời ru tình tự/ Giờ con hiểu nghĩa quê nhà…”
(Mẹ) Tạ Văn Sỹ.
      Và. Những người thực hiện tuyển tập này đã nghiêm cẩn lòng cầu thị khi quyết định đặt bài thơ “CHIỀU CUỐI NĂM, NHỚ MẸ THỨ” của nhà thơ mặc áo lính Lê Anh Dũng vào đầu sách như một tác phẩm tượng đài, đại diện tấm lòng, hình ảnh của Người Mẹ Việt Nam, một Dân tộc đã và sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả cho thống nhất, độc lập và hạnh phúc. “Mẹ ngồi bên chín bát hương …” không còn là câu thơ đơn thuần mà đã trở thành thuật ngữ hàm ẩn tính biểu tượng thế kỷ. Cũng với trân trọng ấy, Thi phẩm “TRĂNG HUYỀN DIỆU” của Nhà thơ – Đại đức Thích Nhuận Tâm được trình bày ở bìa 4 của tập sách như một lời cảm tạ, ghi nhận sự đóng góp công sức, tâm lực bền bĩ của bậc tu hành đối với nền Văn học quê nhà hôm nay cũng như với nhiều công việc Phật sự thiện nguyện xã hội dành cho người dân Quảng Nam chúng ta.

     “MẸ”. Tuyển thơ Nhiều tác giả, Hội VHNT Thành phố Tam Kỳ phối hợp cùng Chùa Lá – Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện, NXB HNV cấp giấy phép phát hành vào những ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ. Một món quà đạm bạc mà thiêng liêng không chỉ riêng của những người làm thơ góp mặt trong ấn phẩm, mà còn là món quà nặng lòng hiếu kính của tất cả những đứa con chúng ta, dầu đầu xanh tuổi trẻ hay mái phong trần đã đẫm sương đời. Tiếc rằng còn thiếu nhiều những khuôn mặt thơ quen biết hôm nay.
    Cuối cùng, người viết bài này “đọc” được rằng, chỉ gặp nhau ở một chủ đề, một nhân vật trữ tình. Nhưng vượt qua mọi đòi hỏi bức thiết về những tiêu chí sống còn của thơ hôm nay. Người thơ đã có chung nỗi niềm yêu thương khi viết về mẹ. Bên cạnh những tâm sự hồn hậu chân tình, lời sơ mà trí kính, ta còn có thể gặp được nhiều kiến giải mới lạ chứng tỏ sự điêu luyện của thủ pháp biểu hiện và tâm hồn tài hoa thật sự.
     Xin được khép bài viết bằng những chớp lóe độc sáng góp mặt trong tập thơ này:
(Không thể nào nguôi được mẹ ơi) Nguyễn Giúp
“Không thể nào nguôi được mẹ ơi
“Ngày lúa sanh khôn cánh đồng đâu rồi
“Đâu heo may và nụ cười chắc lép
“Đâu cánh chuồn rượt đuổi ngày thơ
“Nhớ chén cơm rang, cá rầm lá nghệ
“Nhớ chiều lên bàng bạc hoàng hôn
“Ngày sắp đến cũng ngày đi chưa hết
“Con vạch trời tìm mẹ… Mẹ ơi!
Và: (Cố hương là mẹ tôi) của nhà thơ Huỳnh Minh Tâm
“Con uống sữa cố hương nằm nôi tre kĩu kịt
“Con rúc vú cố hương đầy đẫy hạt cơm vàng
“Con ngửi tóc cố hương thơm lá chanh lá bưởi
“Con nằm ngực cố hương nghe một giòng sông thao thiết giấc mơ
“….
“Cố hương là điền dã điền trang hoa cúc áo
“Mưa tháng tư tiếng dế ngậm bờ
“Rằm tháng bảy Vu Lan báo hiếu
“Con lạy hàng dừa con lạy đoá sen…”
                                             Tam Kỳ - Đông. Giáp Ngọ
                                                 Nguyễn Đức Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét